tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

VCBS: Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại do kinh tế Trung Quốc giảm tốc

  • Cập nhật : 22/01/2016

(Kinh te)

Sự ổn định và tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước thử thách lớn do ảnh hưởng từ khả năng biến động mạnh trên thị trường thế giới, đặc biệt là các vấn đề xung quanh việc giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Công ty Chứng khoán VietcomBank (VCBS) vừa công bố báo cáo Triển vọng kinh tế 2016. Theo đó, báo cáo nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ghi nhận sự gia tốc đáng kể trong năm 2015. GDP năm 2015 ước tăng 6,68%, bứt phá so với con số 5,98% của năm 2014 và đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Mặc dù lĩnh vực sản xuất và khu vực công nghiệp đã ghi nhận mức tăng trưởng tương đối tốt trong năm vừa qua nhưng, sự phục hồi là không đồng đều. Khối doanh nghiệp FDI tiếp tục nổi trội và là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng trong khi khối doanh nghiệp trong nước chưa có những cải thiện rõ rệt.

Việc tăng trưởng xuất khẩu suy giảm một phần do giá cả hàng hóa nguyên liệu ở mức thấp, đặc biệt là dầu thô. Điều này cũng cho thấy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là của các doanh nghiệp nội địa, đang chịu áp lực cạnh tranh lớn trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc và việc giảm giá mạnh đồng nội tệ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trong năm 2016, trong khi các doanh nghiệp trong nước nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục đối mặt với khó khăn và là khối nhập siêu thì ngược lại, các doanh nghiệp FDI được kỳ vọng sẽ là động lực chính thúc đẩy xuất khẩu và là khối xuất siêu. Theo đó, VCBS dự báo cán cân thương mại 2016 sẽ thâm hụt khoảng 2-3 tỷ USD.

Về cầu tiêu dùng nội địa, cầu tiêu dùng được ghi nhận đã có sự cải thiện nhất định nhưng chỉ ở mức vừa phải và chưa bứt phá, vẫn thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn cầu tiêu dùng tăng tốt. Từ năm 2008 trở về trước với mức tăng trung bình khoảng trên 20% và trên 10%, tương ứng trước và sau khi loại trừ yếu tố giá.

Việc giá cả hàng hóa nguyên liệu, đặc biệt là giá năng lượng, ở mức thấp được kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng kích cầu nhất định. Điều này có thể còn được cộng hưởng hơn nữa do tính chất tiêu dùng theo mùa vụ trong những tháng đầu năm với tác động của Tết Nguyên đán.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, tâm lý tiêu dùng có thể sẽ còn chịu tác động xấu trước những biến động lớn trên thị trường thế giới, đặc biệt là diễn biến xấu của nền kinh tế Trung Quốc đi cùng khả năng tiếp tục giảm giá mạnh của đồng Nhân dân tệ.

Theo các chuyên gia VCBS, việc kết thúc thành công đàm phán TPP đã và đang mở ra cơ hội lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là dưới góc độ mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu khi khối TPP chiếm khoảng 40% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây.

Đồng thời, TPP cũng góp phần tăng cường mạnh mẽ thu hút vốn đầu tư và thúc đẩy việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng lành mạnh, hiệu quả và minh bạch hơn; tạo động lực cho đà phục hồi và tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam trong những năm gần đây và nhiều khả năng sẽ là cả những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định, kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ và có độ mở lớn nên sẽ khá nhạy cảm với những biến động trên thị trường thế giới. Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc là khá lớn. Hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và kim ngạch xuất khẩu vẫn đang có xu hướng tăng.

Trong năm 2016, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế sẽ tiếp tục diễn ra và được đẩy mạnh với các trọng tâm là hệ thống ngân hàng, giải quyết nợ xấu, cổ phần hóa DNNN và nâng cao hiệu quả đầu tư công.

“Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP, được nhìn nhận là cú hích cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn” – báo cáo của VCBS nhận định.

Mặc dù việc hiện thực hóa tác động tích cực từ các hiệp định thương mại cần một thời gian tương đối dài và nhiều khả năng sẽ chưa thể hiện một cách rõ ràng trong năm 2016 nhưng xuất khẩu với sức kéo chủ yếu từ khối FDI được kỳ vọng là nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng.

Ở chiều ngược lại, sự ổn định và tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước thử thách lớn do ảnh hưởng từ khả năng biến động mạnh trên thị trường thế giới, đặc biệt là các vấn đề xung quanh việc giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.

Thêm vào đó, với triển vọng giá dầu thô thế giới ở mức tiêu cực, bài toán cân đối thu chi ngân sách sẽ không dễ để có lời giải hợp lý và việc tiếp tục đẩy mạnh ngành khai khoáng như trong năm 2015 không phải biện pháp tối ưu.

Do vậy, VCBS dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2016 nhiều khả năng sẽ thấp hơn năm 2015 và đạt khoảng 6,3-6,4%.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục