tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Thuyết Piketty và trường hợp Việt Nam

  • Cập nhật : 29/08/2015

(Tin kinh te)

Tại Việt Nam, số người giàu ngày càng tăng lên đồng thời với khoảng cách giàu nghèo được nới rộng... Xu hướng này cần được nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn, cả trước mắt và lâu dài, cả trên phương diện kinh tế và chính trị để đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Lý thuyết bất bình đẳng kinh tế Piketty

Thomas Piketty (sinh năm 1971) là một nhà kinh tế người Pháp, chuyên nghiên cứu về sự bất bình đẳng trong lĩnh vực kinh tế. Ông là tác giả của cuốn Capital in the Twenty-First Century (Tư bản trong thế kỷ 21, xuất bản năm 2014). Đây là cuốn sách tạo nên một làn sóng tranh luận tại Hoa Kỳ, châu Âu và là một trong cuốn sách được bán chạy nhất tại các nước phát triển.

Thomas Piketty chỉ ra rằng, chủ nghĩa tư bản làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng dựa trên quan điểm là r>g (trong đó, r - return on capital là lợi nhuận từ vốn và g - growth rate là tốc độ tăng trưởng). Cùng với thời gian, cơ chế này tạo nên sự tập trung của cải nhanh chóng vào một bộ phận nhỏ so với đa số dân chúng. Quá trình này được quan sát trong một thời gian dài cho thấy, chênh lệch giữa (r) và (g) có giảm đi, nhưng giảm chậm và quá trình này đang diễn ra trong thế kỷ 21.

ba diem nghen co ban cua nen kinh te viet nam la co so ha tang, the che va nhan luc. anh: duc thanh

Ba điểm nghẽn cơ bản của nền kinh tế Việt Nam là cơ sở hạ tầng, thể chế và nhân lực. Ảnh: Đức Thanh

Nói ngắn gọn, luận đề cơ bản của Piketty cho rằng, nhân tố hàng đầu làm bất bình đẳng gia tăng ở các nước phát triển là sự tích lũy của cải của những người vốn đã giàu có nhờ tỷ lệ lợi nhuận trên vốn luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP.

Mặc dù cuộc tranh luận về tác phẩm của Piketty phần lớn tập trung vào các quốc gia có nền kinh tế phát triển, như Mỹ và Tây Âu, nhưng luận đề cơ bản này lại tỏ ra phù hợp với tình hình kinh tế của nhiều nước đang phát triển.

Đối với Việt Nam, trong những năm đổi mới gần đây, số người giàu cũng đang có xu hướng tăng lên nhanh chóng đồng thời với khoảng cách giàu nghèo có xu hướng nới rộng ra. Hơn thế, quan điểm, thái độ và chính sách công đối với bộ phận người giàu này còn đang “bỏ ngỏ”, chính vì vậy cần được nghiên cứu sâu sắc hơn cả về lý luận và thực tiễn, cả trước mắt và lâu dài, cả trên phương diện kinh tế và chính trị để đảm bảo sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Từ tăng trưởng kinh tế chưa bền vững

Cuối tháng 7/2015, Thủ tướng Vương quốc Anh David Cameron có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần đầu tiên. Theo Báo The Guardian (Anh), ông đã gọi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam là “phi thường”, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh. Tờ báo này dẫn số liệu cho biết, mức tăng trưởng bình quân trên đầu người tại Việt Nam trong khoảng thời gian 20 năm, từ năm 1990 đến 2010 là 350%.

Tại một đất nước nông nghiệp còn nghèo như Việt Nam, với điểm xuất phát kinh tế thấp và đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường, thì việc lựa chọn tốc độ tăng trưởng kinh tế là chỉ tiêu cơ bản trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là điều hiển nhiên, nhưng Nhà nước đã nhận ra sự tăng trưởng này đang cần điều chỉnh. 

Trong thời kỳ nêu trên, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) liên tục tăng cao, cao nhất vào năm 2007, lên đến 8,47%. Tuy nhiên, năm 2012 chỉ còn 5,03%, năm 2015 dự báo đạt 6,2%, được coi là năm lấy lại đà tăng trưởng. Thời kỳ tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, dựa vào yếu tố tài nguyên và giải phóng nguồn nhân lực giá rẻ đã không còn nhiều dư địa. Đã có cảnh báo rằng, Việt Nam có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp trong những năm tới.

Trong cơ cấu GDP, tỷ lệ đóng góp của các bộ phận, nhóm ngành kinh tế chưa ổn định. Trong 3 năm gần đây, đặc biệt là năm 2014 và 2 quý đầu năm 2015, công nghiệp, xây dựng có khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm 2015 ước tính tăng 9,6% so với cùng kỳ 2014, nhưng tỷ lệ tăng của nhóm ngành nông nghiệp lại giảm sút còn 2,41%.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh diễn ra khủng hoảng khu vực đồng tiền chung châu Âu, kinh tế Trung Quốc sụt giảm và bất ổn, các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á sức cầu tương đối yếu, thì để tăng trưởng kinh tế bền vững, cần phải dựa trên các yếu tố chiều sâu, trong đó nhấn mạnh đến các nhân tố nội lực, như vốn, nhân lực và tiến bộ khoa học công nghệ.

Nhưng trong thời kỳ này, sự đóng góp của khu vực vốn đầu tư nước ngoài tăng đột biến do sản xuất và xuất khẩu điện thoại và linh kiện, tập trung chủ yếu vào hãng Samsung (Hàn Quốc), tăng đến 27,1%. Điều này đã tạo nên những ý kiến trái chiều về vai trò của các yếu tố nội lực đối với tăng trưởng kinh tế và tính bền vững của tăng trưởng.

Chính vì thế, cụm từ “phát triển nhanh và bền vững” thường xuyên được sử dụng để lưu ý đến tình trạng phát triển nóng trước kia. Để tăng trưởng nhanh và bền vững, cần phải có thể chế kinh tế và chính trị tương thích với kinh tế thị trường, những con người có khả năng quản lý và thực thi những luật lệ của thể chế đó trong những điều kiện dân chủ, công khai, minh bạch, chứ không phải bằng các mệnh lệnh hành chính, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng và ổn định.

Chính vì vậy, các nhà hoạch định chính sách đã chỉ ra ba điểm nghẽn cơ bản của nền kinh tế nước ta, đó là cơ sở hạ tầng, thể chế và nhân lực. Đây là những thách thức đối với sự phát triển của đất nước hiện nay.

Đến nới thêm khoảng cách giàu nghèo

Một trong những hiện tượng đáng quan tâm hiện nay, cả về đường lối, chính sách và thực tiễn cuộc sống, đó là chỉ tiêu lợi nhuận từ vốn (r).

Trong những năm đổi mới, nhiều chính sách công mang tính thị trường đã được ban hành. Từ đó, người dân được nhận những khoản thu nhập từ lợi tức do kinh doanh, từ cổ phần (vốn đóng góp), cổ phiếu…. Rồi Luật Doanh nghiệp, thị trườngchứng khoán… ra đời, mặc dù còn sơ khai, nhưng đã tạo những luật chơi khuyến khích người dân làm giàu và kết quả là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Song bên cạnh mức độ thu nhập bình quân của các nhóm dân cư tăng lên, thì khoảng cách thu nhập giữa các nhóm dân cư doãng ra ngày càng lớn. Có thể thấy được điều này qua các con số thống kê chính thức về thu nhập của các nhóm dân cư. Ở phạm vi bài viết này, có thể nhìn ở một trong những khía cạnh khác, đó là thị trường chứng khoán (TTCK).

Tính đến hết năm 2014, vốn hóa TTCK đạt khoảng 1.156.000 tỷ đồng, tương đương 32,24% GDP. Tổng giá trị huy động vốn qua thị trường năm 2014 ước đạt 237.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 27,1% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Vì còn sơ khai, TTCK lại hoạt động trong điều kiện chuyển đổi kinh tế sang thị trường, nên không tránh khỏi những hiện tượng tiêu cực, như làm giá qua các ‘đội lái’, thiếu trung thực về thông tin, giao dịch theo phong trào, gian lận từ phía các nhà đầu tư, cũng như các công ty chứng khoán... Do đó, TTCK chưa thực sự là hàn thử biểu về sức khỏe nền kinh tế cũng như phản ánh mức độ giàu có của những người tham gia.

Song do tính chất công khai của TTCK, nên phần nào đó vẫn có thể nhận biết tầng lớp người giàu qua giá trị cổ phiếu họ nắm giữ, cũng như mức cổ tức họ nhận được hàng năm (chưa bao gồm bất động sản, tài sản cố định và số cổ phần mà các doanh nhân này nắm giữ trong những công ty chưa niêm yết).

Theo thống kê của VnExpress, tính đến cuối năm 2013, gần 8.400 cổ đông thuộc diện phải công bố thông tin, đến từ gần 700 doanh nghiệp niêm yết đang sở hữu khối tài sản cổ phiếu khoảng 101.110 tỷ đồng (hơn 4,8 tỷ USD), tương đương 10,5% vốn hóa toàn TTCK Việt Nam. So với năm 2012, số cổ đông thuộc diện thống kê tăng lên gần 1.000 người.  Riêng Top 100 người giàu nhất trên sàn, tính đến trước tuần giao dịch cuối cùng của năm 2013, đang sở hữu 70.900 tỷ đồng cổ phiếu, tăng hơn 7.300 tỷ đồng so với năm ngoái.

Quy đổi theo tỷ giá tại các ngân hàng thương mại, Việt Nam hiện có 315 triệu phú đô la Mỹ trên TTCK, tiếp tục tăng so với con số 290 của năm 2012 và 170 người năm 2006. Số triệu phú đô la Mỹ đã tăng lên gần gấp đôi trong 8 năm. Riêng 100 nhân vật giàu nhất, mỗi người đều có tài sản chứng khoán vượt 2 triệu USD, trong đó 2 người đạt tiêu chuẩn hội viên “câu lạc bộ” 100 triệu USD. Như vậy, tốc độ tích tụ tư bản (vốn) sau 8 năm tăng hơn 2 lần (70,9/34), tương đương mỗi năm tăng hơn 25%.

Năm 2006, người đứng đầu danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam trên có 5,12 triệu cổ phần. Tính theo giá khớp lệnh ngày 29/12/2006 (460.000 đồng), người này nắm trong tay tài sản chứng khoán gần 2.400 tỷ đồng, tương đương 150 triệu USD. Cùng năm đó, thu nhập trung bình đầu người Việt Nam là 730 USD. Như vậy, người giàu nhất sàn chứng khoán có tài sản tương đương thu nhập của hơn 164.000 người trong cùng năm.

Đến năm 2014, người được coi là giàu nhất trên sàn chứng khoán có 532,4 triệu cổ phiếu, với mệnh giá 44.000 đồng, giá trị chứng khoán sẽ là trên 23.000 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD. Thu nhập trung bình đầu người năm 2014 là 1.900 USD, thì người giàu nhất sàn chứng khoán có tài sản tương đương thu nhập của 579.000 người trong cùng năm, tăng đáng kể so với năm 2006 (mới tương đương thu nhập của 164.000 người).

Như đã nói, phép so sánh như trên chỉ là một khía cạnh, song có thể thấy, trong thời kỳ chuyển đổi sang kinh tế thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam tăng nhanh nhưng chưa bền vững. Bên cạnh đó, tốc độ tăng và tích tụ vốn (tư bản) trong thời kỳ này tăng mạnh mẽ, lớn hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế. Kết quả là, khoảng cách giàu nghèo càng doãng ra.

Nếu đây là xu hướng tất yếu của chuyển đổi kinh tế, thì thiết nghĩ, nó cần phải được phản ánh trong chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong việc tổng kết 30 năm đổi mới và thảo luận, góp ý vào văn kiện Đại hội XII của Đảng, tiến tới Đại hội tổ chức vào năm 2016.

PGS.TS Phạm Quý Thọ (Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và Phát triển)

(Theo Diễn đàn đầu tư)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục