tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Kinh tế Trung Quốc chịu thêm đòn, Việt Nam ứng phó sao?

  • Cập nhật : 23/10/2018

Đồng NDT giảm sâu, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thấp nhất gần một thập kỷ. Việt Nam chịu áp lực lớn trước tác động của tình trạng này.

Ngày 19/10, Trung Quốc chính thức công bố GDP quý III, với tốc độ tăng trưởng chỉ 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái – thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009.

Những số liệu thống kê mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã cảm nhận được tác động nghiêm trọng từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. GDP Trung Quốc luôn tăng trưởng đều đặn từ 6,7% đến 6,9% mỗi quý trong 3 năm trở lại đây.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đang trên đà bán tháo do nhà đầu tư lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc.

Hôm 18/10, chỉ số Shanghai Composite trên sàn chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) xuống đáy 4 năm và tính chung trong 6 tháng qua, chứng khoán Trung Quốc đã mất 3.000 tỷ USD.

Giá đồng nhân dân tệ cũng xuống đáy 2 năm, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ giá nhân dân tệ tham chiếu thêm 0,25% so với USD.

Trung Quốc đang chịu sức ép trên nhiều mặt trận và đối với một quốc gia có nền kinh tế mở, phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc như Việt Nam cũng không tránh khỏi ảnh hưởng.

Báo VOV dẫn lời chuyên gia kinh tế-tài chính Nguyễn Trí Hiếu, từ tháng 4 đến nay, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục bị mất giá.

Với sự phá giá đồng nhân dân tệ mạnh như vậy, Việt Nam đang phải chịu áp lực rất lớn dẫn đến việc phải phá giá VND để hạn chế hàng Trung Quốc giá rẻ tràn vào Việt Nam.

“Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ vẫn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất trong năm nay, điều này cũng làm tăng giá trị của đồng USD, gây áp lực lên tỷ giá, buộc chúng ta phải điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với diễn biến của tình hình thế giới”, ông Hiếu cho hay.

dong nhan dan te tiep tuc giam gia manh

Đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm giá mạnh

Với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, ngành ngân hàng có thể làm được nhưng không dễ dàng, thành ra lạm phát cũng gây áp lực lên tỷ giá vì lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định của VND.

Do đó, vị chuyên gia cho rằng, NHNN cần theo dõi rất sát sao tình hình biến động về tỷ giá trên thế giới và tình hình lạm phát của Việt Nam để có động thái phù hợp nhất.

Dĩ nhiên, điều này không đơn giản vì NHNN đang đứng giữa hai mục tiêu đó là phát triển kinh tế và ổn định tiền đồng.

Nếu giữ ổn định tiền đồng thì có thể kiềm chế lạm phát, giới hạn cung tiền, duy trì tỷ giá ổn định. Tuy nhiên, động thái này tạo hiệu ứng ngược lại, đó là siết lại hầu bao của nền kinh tế là cung tiền và có thể tác động đến GDP của Việt Nam.

Theo phân tích của TS Nguyễn Trí Hiếu, về lâu dài hai mục tiêu đó hỗ trợ cho nhau, sẽ không thể phát triển kinh tế nếu không kiềm chế lạm phát và ngược lại kiềm chế lạm phát sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Về ngắn hạn, hai mục tiêu này mâu thuẫn với nhau, trong thời điểm tình hình thế giới đang có nhiều biến động, vấn đề quan trọng là làm sao để NHNN có chính sách tiền tệ phù hợp và cân bằng giữa hai mục tiêu là ổn định và phát triển kinh tế.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, đang trở nên rẻ hơn nhờ đồng nhân dân tệ yếu, sẽ tràn qua nước khác, làm giảm sức cạnh trạnh sản phẩm nội địa. Đồng thời, xuất khẩu sang Trung Quốc cũng khó khăn hơn.

Đồng nhân dân tệ đem lại tác động tích cực xét trên khía cạnh giá thành nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.

Thế nhưng, điều này phát sinh hai vấn đề là dòng vốn đầu từ FDI có thể giảm và khó khăn trong việc đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hàng hóa khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Từng phát biểu trên báo chí, ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, nhận định: “Việc nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để sản xuất sẽ khiến mục tiêu tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước khó lòng đạt được. Khi nguyên liệu nhập khẩu ngày càng rẻ, càng ít doanh nghiệp FDI tìm kiếm cơ hội để đầu tư".

Đối với mối lo ngại việc nhập khẩu hàng Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến việc đảm bảo quy tắc xuất xứ, theo ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nếu không đáp ứng được quy tắc xuất xứ cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật khác thì FTA cũng trở nên vô nghĩa.

Tuy nhiên, ông Trần Toàn Thắng cho rằng: "Nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc nếu được chế biến sâu thì vẫn đảm bảo việc đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA. Số lượng doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu để hưởng thuế quan ưu đãi tăng lên đáng kể. Nếu như trước kia, tỷ lệ doanh nghiệp được hưởng ưu đãi từ FTA chỉ dừng lại ở mức khoảng 30% thì đến nay con số này tăng lên 45%".

Hiện tại, lãi suất và tỷ giá tại Việt Nam cơ bản vẫn tương đối ổn định. Thậm chí tuần qua Ngân hàng Nhà nước vẫn khá nhàn ở các kênh điều tiết tín phiếu và cho vay cầm cố; thị trường liên ngân hàng không có biến động lớn.

Trước đó, hội nghị chung thống đốc các nước hội viên nhóm Đông Nam Á của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), trong khuôn khổ Hội nghị thường niên IMF/WB 2018, diễn ra tại Bali (Indonesia).

Tại hội nghị, cả IMF và WB đều đánh giá cao Việt Nam trong việc giữ được sự ổn định trên thị trường tiền tệ, ngoại hối, trong khi tỷ giá và lãi suất tại nhiều nước đang phát triển, kể cả trong khu vực, đã và đang biến động mạnh và chịu sức ép lớn trong một thế giới "nhiều mưa bão".

An Nhiên
Theo Baodatviet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục