tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Bốn hạn chế lớn có thể khiến siêu Ủy ban 100 tỷ USD sẽ chỉ là... trên giấy

  • Cập nhật : 22/07/2016

Việc thành lập Ủy ban đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước có thể khiến cho quá trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN chậm lại, ảnh hưởng đến mục tiêu thu hẹp DNNN mà Chính phủ đang đặt ra.

Đó là quan điểm được ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) đưa ra khi trao đổi với chúng tôi về tính khả thi trong việc thành lập siêu Ủy ban quản lý 30 Tập đoàn, Tổng Công ty được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến.

Việc thành lập Ủy ban đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm quản lý, giám sát tốt hơn việc sử dụng vốn Nhà nước trong hoạt động đầu tư, kinh doanh thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng XII.

Theo đó, yêu cầu tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năngquản lý vốn, tức là tách DNNN ra khỏi cơ quan chủ sở hữu. Đồng thời, Nghị quyết Quốc hội về phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 – 2020 cũng có nêu vấn đề nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý vốn, tài sản Nhà nước và DN phù hợp tình hình mới.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Quyết Tiến có rất nhiều băn khoăn đối với mô hình mà dự thảo đưa ra. Do đó, để xây dựng được một Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng đề ra, cần phải giải quyết được các hạn chế sau:

Thứ nhất, mô hình Ủy ban được đưa ra trong dự thảo, trên góc độ nghiên cứu theo ông Tiến, vẫn là một cơ quan quản lý Nhà nước.Do đó, mục tiêu tách quản lý Nhà nước ra khỏi quản lý vốn chủ sở hữu sẽ rất khó, nếu không được làm rõ.

Trong đó, có 30 DN được đưa về cơ quan này, một đơn vị dù không có chức năng ban hành văn bản pháp quy phạm pháp luật, nhưng đây là cơ quan hành chính quản lý, vẫn tham mưu Chính phủ trong hoạt động…

“Cơ quan quản lý Nhà nước thì thường có độ trễ, nên việc có đảm bảo mô hình quản trị DN hay không khi đây là một đơn vị sự nghiệp, có cơ chế quản lý khác mô hình DN, nên còn băn khoăn” – ông Tiến nêu quan điểm.

Thứ hai, mô hình này đưa ra cũng chưa thể giải quyết được mục tiêu mà Nghị quyết đưa ra, là quản lý có hiệu quả vốn Nhà nước tại DNNN. Cụ thể, trong dự thảo chỉ có 30 DN được đưa về Ủy ban quản lý, còn lại các DN địa phương bao gồm cả các DN có vốn nhà nước hoạt động kinh doanh thì vẫn trực thuộc địa phương. Ngoài ra, DN quốc phòng và an ninh sẽ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước quản lý…

Thứ ba, ông Tiến đặt câu hỏi: "Một cơ quan thay mặt nhiều bộ ngành, song lại làm cả vấn đề quản lý điều hành sản xuất kinh doanh. Tức là Ủy ban này phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh của 30 DN, trong khi mỗi DN là ngành nghề riêng thì liệu Ủy ban có đủ năng lực, chuyên môn về kinh tế và kỹ thuật để phê duyệt hay không?”.

Nhìn từ kinh nghiệm 10 năm trước đây khi thành lập Tổng Công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ông Tiến cho rằng không thể ôm tất cả ngành nghề để quản lý. Theo đó, chỉ nên làm vai trò là đơn vị quản lý, đầu tư vốn gắn với hiệu quả gia tăng vốn đầu tư, chứ “ôm” cả hoạt động sản xuất kinh doanh thì sẽ khó hiệu quả.

Bên cạnh đó, Cục phó Cục Tài chính DN cũng cho rằng khi Ủy ban được thành lập, với các chức năng như trên sẽ không thể tinh gọn được mà phải tuyển dụng, thêm người với các chức danh là viên chức, công chức nhà nước. Trong khi tiền chi hoạt động cơ quan này là tiền ngân sách, nên sẽ ngốn thêm nguồn lực không nhỏ.

Thứ tư, một băn khoăn nữa cũng được đưa ra là hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang chỉ đạo theo tinh thần kiến tạo. Tức là, đối với DNNN phải đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo hướng tinh gọn lại, DNNN thu gọn về con số tối đa là dưới 200 DN.

Trong khi đó, 30 DN nằm trong danh mục đưa về Ủy ban quản lý đa phần đều thuộc diện phải cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới. Những DN này sau khi thực hiện cổ phần hóa sẽ đưa về SCIC để thoái vốn và SCIC sẽ sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư.

Do đó, việc lập ra Ủy ban như vậy khi mà đến năm 2020 sẽ giảm dần khối lượng, thì sẽ đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả hoạt động, tính lâu dài trong hoạt động của Ủy ban này. Đồng thời, có thể tạo ra sự chồng chéo với SCIC, vốn đang thực hiện việc quản lý và thoái vốn nhà nước tại DN…

Chưa kể, việc thành lập Ủy ban theo ông Tiến cho thể làm cho hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước của DN bị chậm lại. Cũng bởi, quá trình chuyển đổi, tách DNNN ra khỏi Bộ chủ quản sẽ mất rất nhiều thời gian, nên những đơn vị còn tâm lý chưa muốn cổ phần hóa có thể lấy lý do chuyển đổi sang Ủy ban để dừng lại, nghe ngóng.

Do đó, với bốn vấn đề đặt ra trên, ông Tiến cho rằng: “Nếu không khắc phục được những hạn chế này thì cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa và đưa các DNNN về SCIC. Điều này đảm bảo không để lãng phí nguồn lực và chồng chéo."

Dự thảo đã công bố danh sách dự kiến 30 doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chuyển giao cho Ủy ban này quản lý, trong đó có 9/10 tập đoàn kinh tế (ngoại trừ Viettel là doanh nghiệp quốc phòng) và 21 tổng công ty đang thuộc sự quản lý của 7 bộ, gồm Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Tài chính, Thông tin truyền thông, Xây dựng và Y tế.

Trong danh sách này, chiếm chủ đạo là các doanh nghiệp của Bộ Công thương với 6 tập đoàn và 6 tổng công ty. Theo thống kê của CafeF, tổng tài sản và vốn của các DN được đưa về Ủy ban (chưa bao gồm số liệu của Tổng Công ty Sông Đà và Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy) vào khoảng 2,2 triệu tỷ đồng – tức xấp xỉ 100 tỷ USD, tương đương gần ½ GDP của Việt Nam. Tổng vốn chủ sở hữu vào khoảng 850.000 tỷ đồng ~ 38 tỷ USD.

 

 

Cẩm An (thực hiện)
Theo Trí thức trẻ

Trở về

Bài cùng chuyên mục