Trong bối cảnh hiện nay, cho tích tụ ruộng đất và mở rộng hạn điền là bước tiến dài trong đổi mới, là khâu đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai
Quá nhiều ‘rào cản’ với nông nghiệp organic
- Cập nhật : 02/04/2017
Giá bán cao cộng với nhận thức người tiêu dùng về organic hạn chế là những khó khăn đối với các sản phẩm hữu cơ khi ra thị trường.
Xem thêm:‘Cơn sốt’ nông nghiệp organic
Quá nhiều ‘rào cản’ với nông nghiệp organic
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung An (Cần Thơ), cho biết chỉ có doanh nghiệp mới đủ sức làm sản phẩm hữu cơ vì quá nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất. Hiện nay công ty phải bán mức giá 40.000 đồng/kg gạo hữu cơ là lỗ, bán đúng giá phải 50.000 đồng/kg doanh nghiệp mới có lợi nhuận chút ít.
Ngoài ra, theo ông Bình, hiện nay muốn xuất khẩu loại gạo này ra nước ngoài không hề dễ, vì với quy định của Nghị định 109 về kinh doanh, xuất khẩu gạo phải đạt nhiều điều kiện “quá sức” như kho chứa, nhà máy công suất lớn trong khi các đơn vị làm gạo hữu cơ quy mô nhỏ, làm theo tiêu chuẩn hữu cơ nên sản lượng ít. Nếu xuất khẩu theo kiểu ủy thác thì các doanh nghiệp này sợ lộ hợp đồng, mất khách hàng.
“Vì vậy, nên chăng cơ quan quản lý có cơ chế riêng cho các trường hợp doanh nghiệp sản xuất gạo hữu cơ được xem xét cấp phép xuất khẩu, mở rộng đầu ra cho các sản phẩm nông sản hữu cơ Việt Nam” - ông Bình góp ý.
Là một trong những công ty có trang trại sản xuất rau quả có chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ quốc tế của Mỹ và EU, đại diện Organica cho biết khó khăn lớn nhất vẫn là nhận thức của khách hàng về sản phẩm hữu cơ. Giá bán của rau quả hữu cơ cao hơn 2-3 lần so với rau quả sản xuất thông thường là nguyên nhân khiến nhiều người tiêu dùng lăn tăn khi lựa chọn mua. Nhưng với những người tiêu dùng hiểu rõ quy trình sản xuất để đạt chứng nhận hữu cơ, đảm bảo an toàn, tốt cho sức khỏe thì mức giá lại rẻ.
TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng hiện nay nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, mở rộng hạn điền. Tuy nhiên, kiếm đất để làm nông nghiệp hữu cơ không hề dễ dàng vì các vùng trồng trọt của nước ta nhiều năm qua đã sử dụng “quen” thuốc BVTV, hóa chất.
“Câu chuyện các trang trại trồng rau quả sạch của công ty Nhật ở Lâm Đồng khóc ròng vì thuốc trừ sâu ở trang trại Việt Nam bên cạnh phun nhiều quá bay qua. Kết quả rau sạch của trang trại Nhật dính thuốc trừ sâu, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, không tiêu thụ được. Vì vậy, trước mắt Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ. Những doanh nghiệp sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ cần có chính sách ưu đãi về thuế, phí…” - TS Mai chia sẻ.
Theo TS Mai, nếu Việt Nam mở rộng những vùng sản xuất theo hướng hữu cơ thì chắc chắn tác động domino tích cực giúp môi trường sạch hơn, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ dễ dàng hơn thì chắc chắn giá thành sản xuất sẽ hạ, giá bán thấp hơn thì người tiêu dùng ưu tiêu lựa chọn.
GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp:
Doanh nghiệp lớn đầu tư organic sẽ tác động tích cực đến nông nghiệp
Đã qua rồi thời kỳ chạy đua số lượng, thị trường đang hướng đến sản phẩm chất lượng. Người tiêu dùng trong nước cũng ăn gạo ít hơn, họ chọn mua gạo ngon, dẻo và an toàn dù bỏ giá cao hơn. Làn sóng các doanh nghiệp lớn đầu tư nông nghiệp hữu cơ sẽ tác động tích cực lên nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Phát triển nông nghiệp organic là xu thế của thế giới, Việt Nam cần tạo mọi điều kiện, thậm chí hỗ trợ các đơn vị làm nông nghiệp organic kết hợp công nghệ cao để từng bước lấy lại uy tín, thương hiệu cho nông sản Việt Nam thời gian qua bị các nước cảnh báo chất lượng kém.
Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Asatama Việt Nam:
Nhiều tiêu chí “không” khiến quá trình khó khăn hơn
Trong quá trình trồng lúa, công ty chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, không bón bất kỳ loại phân bón vô cơ. Đặc biệt không sử dụng thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ; không dùng hóa chất bảo quản, tẩy trắng và chà bóng, tạo mùi thơm; không dùng chất kích thích tăng trưởng. Những tiêu chí “không” khiến quá trình khó khăn hơn, năng suất không cao nhưng hạt gạo đến tay người tiêu dùng có chất lượng dẻo, thơm, ngon tự nhiên, khác xa gạo thông thường. Sau khi đạt chứng nhận quốc tế organic, công ty sẽ lên kế hoạch đưa sản phẩm vào siêu thị, hệ thống bán lẻ, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước.
Xem thêm:‘Cơn sốt’ nông nghiệp organic
MINH LONG
Theo Plo.vn