tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Mía đường trước sức ép hội nhập

  • Cập nhật : 01/09/2015

(Tin kinh te)

Hiện nay, ngành mía đường vẫn đang gặp nhiều khó khăn, như: năng suất thấp, giá thành cao... Trong khi đó, sức ép hội nhập ngày càng lớn, điều này đặt ra thách thức cho ngành mía đường làm sao để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Còn nhiều "điểm nghẽn"

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm qua, ngành mía đường cả nước gặp rất nhiều khó khăn, nguồn cung đường dư thừa so với nhu cầu tiêu thụ, ngành đường luôn bị tồn kho lớn mà sản phẩm vẫn chỉ ở thị trường nội địa, chưa vươn ra thị trường toàn cầu, dù chất lượng tương đương tiêu chuẩn thế giới.

Những "điểm nghẽn" khiến ngành mía đường chưa thể vươn lên đã được ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra. Đó là: sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam yếu, nguyên nhân quan trọng nhất là giá mía nguyên liệu cao, bởi nông nghiệp của ta xuất phát lạc hậu, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật, chi phí thu hoạch, vận chuyển cao, trong khi đó giá nguyên liệu chiếm 70%-80% giá thành sản xuất đường.

Hiện nay, trên thị trường Thái Lan, giá mía đưa vào chế biến ở mức 30 USD/tấn, giá nguyên liệu mía trong giá thành sản xuất đường khoảng 6.000-7.000 đồng/kg. Còn tại Việt Nam, giá mía đưa vào chế biến từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng/tấn, giá nguyên liệu mía trong giá thành đường khoảng 10.000 đồng/kg.

Như vậy, chỉ riêng chi phí nguyên liệu, Việt Nam đã cao hơn Thái Lan khoảng 2.000-3.000 đồng/kg đường. Do giá thành cao, nên đường Việt Nam không thể cạnh tranh nổi với đường thương mại thế giới, lép vế hoàn toàn trước đường nhập khẩu (không tính đường nhập lậu) có nguồn gốc từ ASEAN.

Thêm một nguyên nhân nữa khiến cho năng suất, chất lượng mía ở Việt Nam rất thấp, theo GS.TS Võ Tòng Xuân là do đầu tư cho nghiên cứu khoa học và khuyến nông về cây mía chưa được quan tâm đúng tầm quan trọng của nó, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Vì vậy, việc lai tạo phát triển các giống mía mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện từng vùng ở Việt Nam để đưa ra sản xuất còn rất chậm.

Hiện cả nước có 77 giống mía đang trồng, nhiều chủng loại có nguồn gốc từ nhiều nước, do Viện Nghiên cứu mía đường và các doanh nghiệp tự khảo nghiệm (khoảng 40%) rồi đưa ra sản xuất, khả năng thích nghi không cao. Một số giống mía do Viện Nghiên cứu mía đường Việt Nam lai tạo có năng suất 100-120 tấn/ha đưa ra sản xuất rất ít, chỉ chiếm chưa đến 2% tổng diện tích.

Còn theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), việc tạo ra vùng mía nguyên liệu lớn ở Việt Nam hiện nay là rất khó. Trong số 41 nhà máy mía đường trên cả nước, hiện chỉ có một số doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu trên 50 ha, còn lại chủ yếu mua mía thông qua thương lái.

Nguyên nhân các doanh nghiệp mía đường không đầu tư vùng nguyên liệu không phải hoàn toàn vì lý do tài chính mà chủ yếu do chính sách đất đai, chính sách đầu tư hạ tầng của Việt Nam chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn lớn để đầu tư vùng nguyên liệu, áp dụng cơ giới hóa và công nghệ cao.

Hiện tại, đa phần vùng nguyên liệu mía trong nước là đất của nông dân và trung bình mỗi hộ trồng mía chỉ sở hữu khoảng 0,5-0,7ha, dẫn đến mô hình canh tác theo nông hộ ở dạng nhỏ lẻ, không thể áp dụng cơ giới hóa.

Đến thời điểm hiện tại, mức độ cơ giới hóa trong canh tác mía tại Việt Nam mới chỉ khoảng 10-20%, quá thấp so với tỷ lệ 80-90% tại các nước sản xuất đường lớn trên thế giới.

Để khơi thông các điểm nghẽn

Về vấn đề này, tại Hội nghị "Tìm biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam", ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trước mắt, cần cải tạo bộ giống cho cây mía, khuyến khích, tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp mía đường nhập khẩu những bộ giống tốt trên thế giới về Việt Nam.

Bên cạnh đó, phải rà soát lại quy hoạch vùng trồng mía, có chính sách linh hoạt cho ngành này. Một việc quan trọng nữa là cần tiến hành dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng lớn nguyên liệu mía để tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, góp phần tăng năng suất, thu nhập thực tế của nông dân trồng mía và giảm chi phí đầu vào.

Năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về sản xuất và kinh doanh mía đường, tạo nên hành lang pháp lý điều chỉnh các hoạt động sản xuất và kinh doanh mía đường, giúp ngành đường phát triển ổn định, bền vững...

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, thì cho rằng cần quan tâm tới chất lượng giống mía. Cách nhanh nhất cạnh tranh là nhập các giống mía tốt ở nước ngoài về chọn tạo ra các giống phù hợp với điều kiện tại Việt Nam để nhân rộng.

Theo ông Dương, những mô hình nông dân trồng mía hiệu quả cho năng suất trên 120 tấn/ha hoàn toàn có thể nhân rộng được qua chính sách khuyến nông của chính các nhà máy đường./.

(Theo kinhtevadubao)

Trở về

Bài cùng chuyên mục