tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

2 tỉ USD cho Mỗi xã một sản phẩm

  • Cập nhật : 24/07/2018

Việt Nam đang học hỏi mô hình từ Nhật Bản để tối đa hóa giá trị cho nông sản địa phương...

Tính tiền trong mơ

Nông sản Việt như “công chúa đang say ngủ” đang là cơ sơ cho nhiều mục tiêu xuất khẩu trị giá hàng chục tỉ USD, cũng như các kế hoạch, đề án thực hiện sứ mệnh đánh thức người đẹp. Mô hình phát triển nông nghiệp Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Việt Nam cũng nằm trong số này.

Mô hình học từ Nhật Bản và đã được áp dụng thành công tại hơn 40 quốc gia. Tương tự như mô hình “Mỗi làng một sản phẩm - OVOP) của Nhật, OCOP đặt mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Nhóm sản phẩm tham gia OCOP Việt Nam gồm: đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí và dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng.

 Tham gia chương trình này, người dân nông thôn sẽ được bổ sung kiến thức và được tạo điều kiện về nhân lực, vốn để hoàn thiện sản phẩm, từ khâu nguyên liệu, chế biến cho tới khâu đóng gói, phân phối ra thị trường.

Quả thật, OCOP đã tạo được sức hút mạnh. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có trên 4.000 sản phẩm làng xã, theo mục tiêu của chương trình OCOP đến năm 2020 sẽ có ít nhất 2.400 sản phẩm làng, xã được tiêu chuẩn hóa, xây dựng nhãn hiệu thương mại.

Cũng đã có những sản phẩm như gà Tiên Yên, mật ong, trứng vịt biển Đồng Rui, miến dong Hoàng Trọng Bảo và Nình A Lộc (Quảng Ninh) hay mô hình homestay Hà Giang… Viễn cảnh tưởng như rất lạc quan, theo đó, người dân chỉ cần siêng năng, cần cù sẽ có thể làm giàu trên chính quê hương mình. Đây chính là điều mà người nông dân Nhật đã làm rất thành công với mô hình OVOP của họ.

Thế nhưng, quá mải mê với các con số, chiếc la bàn định hướng mục tiêu và phương thức thực hiện đã cách quá xa điểm mốc chất lượng thật và giá trị gia tăng thật. Người ta thắc mắc, điều này có lặp lại với mô hình OCOP?

Thứ nhất, sản phẩm OCOP được định dạng là sản phẩm có lợi thế ở mỗi địa phương. Bỏ qua sự khác nhau không đáng kể giữa mô hình OCOP với các đề án phát triển làng nghề đã nhận ưu đãi chính sách nhiều năm qua, sự trùng lặp sản phẩm tham gia OCOP dễ khiến người ta liên tưởng tới một cuộc đua dàn hàng ngang mà không thể chọn ra người chiến thắng. Đặc biệt, khi chỉ dẫn về sản phẩm đơn thuần là địa lý sẽ dẫn đến tình trạng mật ong Đồng Rui sẽ na ná mật ong Vũ Quang, gà Tiên Yên không khác gà Đồng Tiến…

Thiết sót nói trên có thể được bổ sung bằng việc xếp hạng chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc đánh giá sản phẩm OCOP theo cách thức hiện tại khó có thể thỏa mãn được yêu cầu này. Trong đó, sản phẩm 1 sao là loại đủ tiềm năng lên 2 sao, lần lượt như vậy cho tới hạng 5 sao, được xác định là chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng những ngôi sao như thế vẫn không thể dẫn lối cho khách hàng đến được với sản phẩm phù hợp với thị hiếu của họ nhất.

Chúng chỉ thể hiện hình bóng của  tư duy cào bằng, bất cứ làng nghề với sản phẩm truyền thống hoặc không truyền thống đều có thể tham gia. Câu hỏi về sự đột phá hay khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP, hướng tới mục tiêu xuất khẩu sang các thị trường khó tính, vẫn còn bỏ ngỏ.

Thứ hai, về vấn đề đào tạo. Hai nhóm đối tượng được hướng trong chương trình OCOP là cán bộ quản lý triển khai thực hiện Chương trình OCOP từ trung ương đến cơ sở; lãnh đạo quản lý, lao động tại các doanh nghiệp, hợp tác xã,... tham gia. Với số lượng lên tới 2.400 sản phẩm, khó kỳ vọng có được sự hướng dẫn mang tính chuyên biệt cho từng sản phẩm, hóa giải những nút thắt cản bước nó tiến bước trên thị trường cạnh trạnh.

Ngay cả nguồn lực 2 tỉ USD, tương đương khoảng 45.000 tỉ đồng, với phần lớn được cho là huy động từ cộng đồng doanh  nghiệp và các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước cũng là một dấu hỏi khá lớn. Rõ ràng, một mệnh lệnh hành chính không thể ép các doanh nghiệp chi tiền đầu tư cho người dân tham gia OCOP, thế nhưng, động cơ để họ đầu cơ lại chưa thật sự rõ ràng.

Cuối cùng và quan trọng nhất, đó là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Khi gần 70% dân số Việt sống ở nông thôn, không thể mơ tới việc chính những người dân địa phương sẽ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên làng, xã của họ, như điều mà OVOP Nhật giai đoạn đầu đã làm được.

Những câu hỏi đau đầu

Trong khi đó, việc xúc tiến thương mại kiểu truyền thống cho sản phẩm OCOP bằng cách tổ chức các cuộc hội chợ, những trung tâm giới thiệu sản phẩm… khó có thể là lời giải thỏa đáng. Đành rằng, một phần nhỏ sản phẩm sẽ tìm được đầu ra, đặc biệt đối với các sản phẩm liên quan tới du lịch nhưng đương nhiên, nếu chỉ làm như vậy, sẽ chẳng có gì khác biệt với kiểu xúc tiến thương mại đang phải chứng kiến nhiều thất bại như hiện nay. Đích đến vẫn phải là hệ thống bán lẻ và thị trường xuất khẩu, dù rằng, với cách thức phát triển sản phẩm không đột phá, với sự thiếu rõ ràng trong việc hỗ trợ người dân, đây vẫn là nhiệm vụ bất khả thi.

Trao đổi với NCĐT, Giáo sư Võ Tòng Xuân không giấu nổi nỗi băn khoăn. Dường như, sự hào hứng muốn thật nhanh đạt tới mục tiêu đã khiến Việt Nam một lần nữa tiếp cân vấn đề… ngược. Lấy ví dụ về nón lá làng Chuông, vị chuyên gia đặt hàng loạt câu hỏi, sản phẩm này sẽ phục vụ mục tiêu dân sinh hay mục tiêu du lịch là chủ yếu? Thị trường nội địa chiếm bao nhiêu, khả năng xuất khẩu như thế nào? Chúng ta sẽ xây dựng hệ thống phân phối như thế nào…?

2 ti USD cho Moi xa mot san pham

 

“Nếu không trả lời được những câu hỏi trên, không thể nói đến chuyện phát triển nón làng Chuông theo chương trình OCOP hay bất cứ chương trình nào khác”, Giáo sư Xuân thẳng thắn đặt vấn đề.

 

Theo cách tiếp cận này, đầu tiên, phải xác định được nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, tìm được cách thức phân phối hiệu quả nhất, đưa sản phẩm từ nơi sản xuất tới tiêu thụ. Đây là trách nhiệm của các cơ quan xúc tiến thương mại, trong đó, JETRO được coi là chìa khóa thành công của Nhật. Việt Nam đang rất yếu ở khâu này.

Tiếp đến, phải lựa chọn đầu tư vào các sản phẩm có tính chất đột phá, không thể là miếng bánh chia đều. Có vậy, sản phẩm mới có cơ hôi chiến thắng trên thị trường vốn tràn lan cả các sản phẩm ngoại nhập tương tư và vươn được sang các thị trường xuất khẩu.

Con đường đến với giấc mơ cường quốc nông nghiệp tương tự như Nhật hay Israel của Việt Nam vẫn đang rất rộng mở. Thế nhưng, bước trên con đường mới không thể bằng tư duy đã cũ.


Hoàng Hạnh
Theo Nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục