tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tranh cãi về lợi ích và công bằng nếu xóa nợ thuế cho doanh nghiệp Nhà nước

  • Cập nhật : 10/11/2015

(Tai chinh)

Luồng ý kiến ủng hộ lập luận Nhà nước sẽ không bị thiệt nếu xoá nợ, trong khi bên phản đối cho rằng đề xuất này là bất công cho các doanh nghiệp tư nhân.

Đề xuất xóa tiền nợ thuế cho một số đối tượng doanh nghiệp Nhà nước là nội dung nhận được nhiều ý kiến nhất khi Quốc hội thảo luận ở tổ chiều nay (29/10) về các dự án Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế.Cụ thể, Chính phủ đề xuất 2 đối tượng đặc thù được xóa nợ thuế (trong Luật Quản lý Thuế): Một là doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp lại, có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng vốn chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp. Hai là những công ty Nhà nước đã cổ phần hóa nhưng nợ thuế chưa được trừ vào vốn Nhà nước khi chuyển đổi sở hữu.

dai bieu tran du lich cho rang viec xoa no thue co the tao dieu kien cho qua trinh co phan hoa doanh nghiep nha nuoc. anh: giang huy

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng việc xoá nợ thuế có thể tạo điều kiện cho quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: Giang Huy

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - Lê Minh Thông cho rằng điều này không chỉ không công bằng với các loại doanh nghiệp khác (tư nhân, FDI) mà ngay chính trong nội bộ các doanh nghiệp Nhà nước. “Nếu vậy thì với những doanh nghiệp dù khó khăn nhưng vẫn cố nộp thì sao?”, ông Thông thắc mắc.

Đại biểu Mai Xuân Hùng (Hậu Giang) cùng chung quan điểm: "Doanh nghiệp nợ nhiều cũng như nợ ít đều được xóa là không công bằng". Trong khi đó, vị này cho rằng giai đoạn khó khăn vừa qua, thiệt thòi nhất rơi vào nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, tư nhân... mà giờ lại xóa nợ cho khối quốc doanh thì hóa ra “Nhà nước vẫn bảo hộ khối này”.

“Đừng làm thế. Một khi muốn “cho” thì thiếu gì cách mà phải dùng đến biện pháp này. Như vậy cũng khiến hình ảnh doanh nghiệp Nhà nước nói riêng, hình ảnh Nhà nước nói chung đều xấu đi”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị.

Theo ông Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa), khi thẩm tra vấn đề này, Ủy ban Tài chính ngân sách được Chính phủ giải thích rằng chỉ đề nghị xóa nợ thuế với các doanh nghiệp có nợ lớn hơn vốn chủ sở hữu. “Mục đích là để doanh nghiệp không bị âm vốn thì mới cổ phần hóa được. Mà khi cổ phần được thì Nhà nước cũng thu về được tiền. Do đó, thực chất khoản này không bị mất”, ông Quang giải thích.

dai bieu tran hoang ngan de nghi can minh bach chinh sach, tranh de dieu tieng nha nuoc thien vi. anh: giang huy

Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cần minh bạch chính sách, tránh để điều tiếng Nhà nước thiên vị. Ảnh: Giang Huy

 

Câu chuyện này cũng gây tranh luận gay gắt tại đoàn TP HCM. Theo ông Trần Du Lịch, nếu để doanh nghiệp bị âm vốn chủ sở hữu vì nợ thuế thì bán chẳng ai mua. Khi ấy, Nhà nước sẽ không thu được đồng nào từ cổ phần hóa. “Còn nếu xóa thuế nợ cho họ thì cơ cấu tài chính tốt lên, các nhà đầu tư nhảy vào và Nhà nước thu được tiền. Nói nôm na chỉ là bỏ cái trước để thu cái sau”, ông Lịch phân tích.

Chia sẻ với ông Lịch, đại biểu doanh nhân Đặng Thành Tâm cho rằng vấn đề là làm sao để Nhà nước thu được nhiều nhất. “Khi xóa nợ thì giá trị doanh nghiệp tốt hơn, IPO dễ hơn và tiền thu cho ngân sách cũng sẽ nhiều hơn. Còn nếu để nguyên cũng có khi được, song nhìn chung là không còn vay được ngân hàng. Khi đó các đối tác cũng không dám chơi cùng”, ông Tâm nhìn nhận.

Tuy nhiên, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng nếu trước sau gì Nhà nước vẫn thu về (qua truy thu thuế hay từ bán vốn) thì đằng nào cũng vào một túi nên cứ minh bạch sẽ tốt hơn, tránh điều tiếng là Nhà nước thiện vị.

Ông Ngân cũng đề xuất phải truy thu và truy trách nhiệm lãnh đạo doanh nghiệp cũng như làm rõ con số nợ thuế sẽ xóa là bao nhiêu tiền để Quốc hội cân nhắc quyết định.

dai bieu vo thi dung lai kien quyet phan doi voi ly do dam bao cong bang cho cac thanh phan kinh te. anh: giang huy

Đại biểu Võ Thị Dung lại kiên quyết phản đối với lý do đảm bảo công bằng cho các thành phần kinh tế. Ảnh: GIang Huy

 

Phó bí thư thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng tình ở khía cạnh cần có chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng trong trường hợp này thì bà khẳng định chính sách không minh bạch. “Phải kiểm tra, kiểm toán xem doanh nghiệp không có tiền nộp thuế nhưng lương bổng lãnh đạo ra sao, có phải làm một nhưng chi 10 hay không”, bà Tâm thắc mắc.

Đại biểu Võ Thị Dung thì nói thẳng rằng bà không đồng tình với chủ trương này. Theo đó, cứ nói các thành phần kinh tế bình đẳng song lâu nay ai được thiên vị thì đều rõ.

“Nay doanh nghiệp Nhà nước làm ăn không hiệu quả mà được xóa nợ nữa càng không công bằng. Phải minh bạch vì sao họ nợ thuế, là do cơ chế, khách quan hay chủ quan. Từ đó không nên áp theo kiểu cào bằng”, bà Dung nói . Vị này cũng lo ngại chủ trương này sẽ khiến các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa chây ì nộp thuế để trì hoãn, vì thực chất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không muốn cổ phần hóa.

(Theo Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục