Thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam- EU: Rất nhiều lợi thế, rất nhiều nỗ lực
- Cập nhật : 23/09/2017
Trong hàng loạt các cuộc tiếp xúc với các doanh nghiệp hàng đầu của các nước Thụy Sĩ, Bỉ, Slovakia… Phó Thủ tướng Huệ đều khẳng định, “không có bất cứ lý lo gì có thể ngăn cản việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam- EU phát triển mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn trong mọi lĩnh vực, nhất là quan hệ kinh tế, đầu tư, thương mại” và ông kêu gọi các doanh nghiệp bằng uy tín của mình tác động tới các Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thương mại và Phát triển của Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) tại Geneve (Thụy Sĩ). Ảnh: VGP/Thành Chung
Trước những cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến mang lại cho doanh nghiệp hai bên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khuyến khích các doanh nghiệp châu Âu chuẩn bị sẵn các kế hoạch đầu tư vào các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, đặc biệt là công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, phát triển hạ tầng, môi trường, tài chính-ngân hàng, nông-lâm-thủy sản, chế biến thực phẩm, năng lượng, công nghệ thông tin, dược phẩm, sinh học; trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam đang và sẽ cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới… Về phía Việt Nam, ông Huệ khẳng định, “với rất nhiều lợi thế, rất nhiều nỗ lực, Việt Nam quyết tâm duy trì vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn mang tầm chiến lược đối với các nhà đầu tư”
Nghị sĩ Hạ viện, thành viên Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện, đồng thời là Chủ tịch tập đoàn SYMBIOSWISS, ông Claude Béglé bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm đồng thời là thế mạnh của Thụy Sĩ như đào tạo nguồn nhân lực, phát triển bền vững, triển khai các dự án Đối tác công-tư (PPP), đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Cho rằng cần sớm thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam với EU và để đón đầu Hiệp định này, với tư cách Chủ tịch SYMBIOSWISS, ông đã giới thiệu một số dự án xử lý nước sạch, nông nghiệp mà công ty SYMBIOSWISS mong muốn triển khai tại Việt Nam.
“Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA, trong đó có những FTA có tiêu chuẩn cao. Dự kiến khi thực hiện tất cả các FTA này, Việt Nam sẽ nằm trong mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng với 56 đối tác trên thế giới, bao gồm tất cả các nước G7 và 15/20 thành viên Nhóm G20, mở ra không gian rộng lớn cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Các doanh nghiệp hàng đầu của Thụy Sĩ khác như ông Lukas Brosi, Giám đốc Flughafen Zürich AG kiêm Giám đốc điều hành Sân bay quốc tế Zurich; ông Ian Larmour, Giám đốc và Chủ sở hữu của Học viện Quản trị Khách sạn, Du lịch (HTMi); ông Francis Bouchard, Giám đốc phụ trách các thị trường mới nổi của Tập đoàn Novartis AG - một trong 10 tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới về cung cấp các giải pháp về thuốc sáng chế, các thuốc generic bảo vệ mắt với chi phí thấp…đều bày tỏ quan tâm đến các cơ hội đầu tư tại Việt Nam cũng như các cơ hội thông qua Việt Nam kết nối với thị trường ASEAN.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Kinh tế, Đào tạo và Nghiên cứu Thụy Sĩ, Johann Schneider-Amman. Ảnh: VGP
Hàng loạt các tập đoàn lớn của Bỉ gồm AB InBev, tập đoàn sản xuất nước giải khát và bia đa quốc gia lớn nhất thế giới; Bekaert S.A, tập đoàn sản xuất dây thép và mạ thép thuộc danh sách 20 công ty hàng đầu của Bỉ; Pharma Group Vietnam, tổ chức đại diện cho 26 công ty dược phẩm đa quốc gia tại Việt Nam và EFPIA, Hiệp hội Dược phẩm châu Âu, đại diện cho 40 tập đoàn dược phẩm đa quốc gia châu Âu… thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ việc sớm đưa Hiệp định vào thực thi và sẽ chuyển tải thông điệp này đến Chính phủ các quốc gia thành viên EU. Họ cũng đánh giá cao những biện pháp cụ thể mà Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Claus Schwab và Giám đốc Điều hành WEF Philipp Rösler thấy là Việt Nam đã có được sự phát triển ấn tượng, nhất là trong các cải cách kinh tế thời gian qua. Đồng thời, khẳng định sẽ tiếp tục khuyến khích và tư vấn cho các doanh nghiệp WEF và châu Âu sang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, hỗ trợ cho việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực.
Kết quả trên mới chỉ là bước đầu, muốn tiến xa hơn Việt Nam cần phải tập trung hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động vì người dân, doanh nghiệp; tập trung cải cách thể chế pháp luật; đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, với mục tiêu tăng GDP bình quân 6,5-7%/năm trong 2017-2020. Để phục vụ các mục tiêu của mình và đóng góp vào sự phát triển chung của nhân loại, Việt Nam đã và đang chủ động thúc đẩy quan hệ với các nước và các đối tác trên tinh thần “là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, trích phát biểu Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại phiên họp lần thứ 64 của Ủy ban Thương mại và Phát triển của Hội nghị Liên Hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) tại Geneve (Thụy Sĩ).
Đoàn Trần
Theo Tapchitaichinh.vn