tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Nộp thuế điện tử: Vướng nhất là thói quen dùng tiền mặt

  • Cập nhật : 05/08/2015

(tin kinh te)

Mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 19, đến hết năm 2015 có 90% doanh nghiệp (DN) thực hiện nộp thuế điện tử đang được các địa phương tích cực triển khai, nhưng thời gian qua cũng phát sinh những vướng mắc cần tiếp tục được tháo gỡ.

dai dien dn lam thu tuc dang ky nop thue dien tu tai dia phuong. anh: vgp/huy thang

Đại diện DN làm thủ tục đăng ký nộp thuế điện tử tại địa phương. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Sáng kiến tích cực đem lại kết quả cao

Quán triệt chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành thuế từ Trung ương đến địa phương đã tích cực triển khai việc áp dụng khai, nộp thuế điện tử và đạt nhiều kết quả khả quan.

Tuyên Quang là một địa phương có nhiều DN nhỏ, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tương đối thấp nhưng đã triển khai tốt việc kê khai và nộp thuế điện tử. Ông Nguyễn Đỗ Quyết, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Tuyên Quang (nơi tập trung một nửa DN của cả tỉnh) cho biết, tính đến 1/6 đã có 420/424 DN đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử, đạt tỉ lệ gần 100%. Để đạt được tỉ lệ cao này, ngành thuế ở đây đã triển khai giám sát chặt chẽ, giao chỉ tiêu đến từng cán bộ.

Nhìn chung, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của DN ở Tuyên Quang khá thấp và không đồng đều. Do đó, cán bộ thuế sau tập huấn được giao triển khai cho từng DN bằng các việc làm cụ thể như tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt, sử dụng.

Ông Lê Mạnh Hải, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Tuyên Quang cho biết: Để triển khai khai nộp thuế điện tử, Cục Thuế tỉnh đã có cuộc họp với Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng trên địa bàn tỉnh, từ đó đề ra cơ chế phối hợp. Đến đầu tháng 6, trên toàn tỉnh đã có 818 DN đăng ký thành công với các ngân hàng, đạt 99,4%. Nhìn chung, việc kê khai nộp thuế điện tử mang lại lợi ích cho các bên nên đạt được sự đồng thuận cao.

Còn theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, hiện nay, toàn tỉnh đã có 79% DN tham gia nộp thuế điện tử. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách Nhà nước qua phương thức này đến đầu tháng 6 là trên 535 tỉ đồng.

Ông Ngô Xuân Tòng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, kết quả trên đạt được là do ngay từ đầu năm 2014, Cục Thuế tỉnh đã triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm tuyên truyền, vận động DN tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử, đồng thời nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật của cán bộ công chức thuế.

Cục Thuế tỉnh bố trí các bộ phận chức năng phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thương mại tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn sử dụng, hỗ trợ đăng ký kê khai và nộp thuế điện tử cho các DN; thành lập tổ chỉ đạo, tổ triển khai nộp thuế điện tử…

Đồng thời, chủ động phối hợp với các ngân hàng trong việc xử lý các dịch vụ nộp thuế điện tử, góp phần giảm thời gian, phí và đơn giản hóa thủ tục giấy tờ khi thực hiện nghĩa vụ thuế…

Còn ở Nghệ An, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu và tiến gần tới mục tiêu Chính phủ giao về tỉ lệ nộp thuế điện tử.

Cụ thể, tính đến đến cuối tháng 5/2015, đã có 6.238/6.893 DN đăng ký dịch vụ với cơ quan thuế là (đạt 90,95%). Tổng số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước qua phương thức này là gần 595 tỉ đồng.

Những vướng mắc chung cần tháo gỡ

Bên cạnh những địa phương thực hiện tốt, vẫn có những nơi việc triển khai có tiến độ chưa nhanh bởi nhiều lý do. Thậm chí, ngay cả ở những địa phương thực hiện tương đối tốt, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế để tiếp tục tháo gỡ.

Có thể thấy rằng dù đạt tỉ lệ cao nhưng số lượng DN ở Tuyên Quang tương đối ít. Do đó, để tăng “độ phủ sóng” phương thức nộp thuế mới cho các DN ở đây là không quá khó. Việc cần làm ở đây là phải tiếp tục rà soát, giám sát việc các DN có thực hiện thường xuyên, đầy đủ việc nộp thuế điện tử và hiệu quả quản lý thuế đối với DN có được thực sự nâng cao hay không.

Còn ở Bắc Ninh, nơi có lượng DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khá lớn, vấn đề nổi cộm nhất là nhiều DN thuộc khối này không có tài khoản ở các ngân hàng thương mại trong nước mà chỉ có tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài nên chưa thể thực hiện dịch vụ.

Ông Lê Nho Ích, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Bắc Ninh cho biết tâm lý của DN FDI là thường ưa thích sử dụng dịch vụ của ngân hàng tới từ quốc gia đặt trụ sở chính. Mặt khác, nhiều DN còn băn khoăn về hệ thống bảo mật của các ngân hàng Việt Nam.

“Qua Ban quản lý Khu công nghiệp, Vietcombank sẽ tích cực tuyên truyền và tiếp thị tới chủ  DN để họ hiểu về lợi ích của nộp thuế điện tử, cũng như yên tâm về tính bảo mật của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Thực tế, các ngân hàng thương mại trong nước đủ sức cạnh tranh với dịch vụ của các ngân hàng nước ngoài, thậm chí còn tốt hơn vì hiểu tập quán, pháp luật của Việt Nam”, ông Ích nói.

Dĩ nhiên, để tiếp cận thành công các DN FDI thì nỗ lực tiếp thị, tuyên truyền của các ngân hàng là chưa đủ. Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về những vướng mắc qua triển khai thuế điện tử ở địa phương, bà Nguyễn Thu Trà, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện Tổng cục Thuế đã ký thỏa thuận với 27 ngân hàng triển khai thuế điện tử, trong đó có 20 ngân hàng đã trực tiếp kết nối thuế điện tử cho các DN. Nhận thức được những vướng mắc trên, Tổng cục Thuế đã có một số buổi làm việc với các ngân hàng nước ngoài.

Trong thời gian tới, sẽ cố gắng kết nối kỹ thuật các ngân hàng nước ngoài với hệ thống của ngành thuế. Nếu các ngân hàng này có chủ trương phối hợp với ngành thuế, Tổng Cục Thuế sẽ có thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ kết nối kỹ thuật. Ngoài ra, các DN cũng có thể tham gia nộp thuế qua các ngân hàng có dịch vụ Internet banking.

Bà Trà nhấn mạnh, DN cần nhận thức rõ rằng người nộp thuế chỉ phải trả phí chuyển tiền liên ngân hàng theo quy định của NHNN. Ngoài ra, họ không phải trả phí dịch vụ nào liên quan đến nộp thuế điện tử. Thậm chí, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các ngân hàng hỗ trợ phí chuyển tiền trong nộp thuế điện tử.

Về hạ tầng CNTT, bà Trà cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn gửi Bộ Tài chính, trong đó nêu rõ, trừ một số huyện đảo chưa đủ điều kiện hạ tầng CNTT, còn hầu hết các địa phương đều đáp ứng đầy đủ.

“Vướng nhất là thói quen sử dụng tiền mặt của DN Việt Nam. Do đó, cơ quan thuế và các ngành khác phải tăng cường giao dịch không dùng tiền mặt”, bà Trà nói.

Theo Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2015-2016, mục tiêu đối với ngành thuế đến hết năm 2015 phải triển khai nộp thuế điện tử tại 63/63 tỉnh thành với 90% DN. Việc nộp thuế điện tử không chỉ có lợi cho DN mà còn là một bước quan trọng để hiện đại hóa công tác thu nộp thuế, góp phần thực hiện mục tiêu cải cách hành chính ngành thuế.

(Theo Cổng thông tin điện tử Chính Phủ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục