Các nước nghèo hơn với khả năng vay hạn chế có thể gặp khó khăn về tài chính trong bối cảnh giá trị nhập khẩu năng lượng tăng lên cao hơn.
Kinh tế, tài chính nổi bật tuần đến 11/5/2018
- Cập nhật : 14/05/2018
Giá vàng hầu như không biến động. Tỷ giá trung tâm liên tục tăng. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước tăng 12,1% so với cùng kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm thép nhập khẩu….
Giá vàng hầu như không biến động
Tuần qua, giá vàng trong nước hầu như không có biến động. Giá mua vào qua các phiên trong tuần xoay quanh mốc 36,60 triệu đồng/lượng. Giá bán ra đứng ở mức trên dưới 36,80 triệu đồng/lượng. Chính vì sự “lình xình” của giá vàng như trên đã khiến cho phần lớn các nhà đầu tư loay hoay để lựa chọn điểm tham gia thị trường phù hợp. Vì vậy lượng giao dịch diễn ra khá khiêm tốn. Lượng khách theo chiều mua vàng chiếm khoảng 60% trên tổng số lượng khách tham gia giao dịch tại các hệ thống kinh doanh vàng. Kết thúc tuần, vào sáng 11/5, giá vàng SJC của công ty VBĐQ Sài Gòn đứng ở mức 36,60 – 36,82 triệu đồng/lượng. Cũng tại thời điểm trên, giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn giá thế giới khoảng 150 nghìn đồng một lượng.
Tỷ giá trung tâm liên tục tăng
Tỷ giá trung tâm tuần qua của NHNN liên tục tăng và chỉ có duy nhất một phiên giảm mạnh vào ngày cuối tuần (11/5) dao động ở mức 22.558 – 22.578 đồng/USD. Giá giao dịch USD ở các NHTM nhìn chung ít biến động. Đến đầu giờ sáng 11/5, hầu hết ngân hàng thương mại niêm yết tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ không đổi so với cuối phiên liền trước, phổ biến ở mức 22.735 đồng (mua) và 22.805 đồng (bán).
Tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2018 sáng 8/5, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết thời gian tới, thanh khoản thị trường ngoại tệ sẽ tiếp tục diễn biến tích cực, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm dần. Đề cập việc doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu được vay ngoại tệ với lãi suất thấp hơn vay tiền đồng, giúp họ có giá vốn cạnh tranh với doanh nghiệp các nước. Năm nay, NHNN tiếp tục gia hạn cho vay bằng ngoại tệ đối với một số nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp xuất khẩu.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tháng 5/2018 tại một số NHTM xu hướng giảm nhẹ
Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) lãi suất tại các kỳ hạn ngắn 1-2 tháng giảm nhẹ còn 4,1%/năm so với mức 4,3%/năm trước đó. Tại các kỳ hạn khác, lãi suất không đổi, trong đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VietinBank là 6,9%/năm dành cho kỳ hạn 24 tháng. Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lãi suất tiết kiệm tháng 5/2018 các kỳ hạn dưới 12 tháng cũng có xu hướng giảm nhẹ 0,1%/năm so với tháng trước. Cụ thể, lãi suất ngân hàng SHB đối với các kỳ hạn 1, 3, 6 và 9 tháng lần lượt là 5,2 - 5,4 - 6,8 và 6,9%/năm. Lãi suất cao nhất được SHB áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng vẫn giữ nguyên ở mức 7,4%/năm…
Chiều 9/5, NHNN chỉ đạo các ngân hàng dừng việc tăng phí rút tiền ATM nội mạng, trong bối cảnh một loạt các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank và Agribank vừa có quyết định tăng phí rút nội mạng từ 1.100 đồng lên 1.560 đồng.
Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước tăng 12,1% so với cùng kỳ
Ngày 11/5, Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thu ngân sách Nhà nước 4 tháng ước đạt 446,4 nghìn tỷ đồng, bằng 33,8% dự toán năm, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu nội địa đạt 368,1 nghìn tỷ đồng, bằng 33,3% dự toán năm, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Không kể các khoản thu có tính chất đặc thù, số thu nội địa ước đạt 281,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,4% dự toán năm, tăng 10,6% so cùng kỳ năm 2017. Thu từ dầu thô ước đạt 19,1 nghìn tỷ đồng, bằng 53,3% dự toán năm, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2017. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 90 nghìn tỷ đồng, bằng 31,8% dự toán năm, giảm 2,9 so với cùng kỳ năm 2017.
VEPR lạc quan dự báo kinh tế năm 2018 của Việt Nam tăng trưởng ở mức cao 6,8%
Trong 2 kịch bản kinh tế năm 2018 được đưa ra tại Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đã lạc quan dự báo kịch bản tăng trưởng ở mức cao 6,83% có nhiều yếu tố khả thi. Nguyên nhân là một số chỉ tiêu cho thấy, tăng trưởng của nhiều ngành sẽ đạt mức cao, giúp GDP dễ dàng vượt qua mức 6,5%. Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhờ quán tính tăng trưởng ở mức cao của năm 2017 và 3 năm trở lại đây, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng suất của Chính phủ trong các quý còn lại, thể hiện ở mức tăng trưởng tương đối cao trong tất cả các khu vực kinh tế, cũng như tại các ngành chủ chốt. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô đảm bảo ổn định, cùng với những cải cách thể chế cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được Chính phủ quyết tâm theo đuổi sẽ là những yếu tố động lực kỳ vọng góp phần phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho các hoạt động kinh doanh năm 2018.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp 4 tháng đầu năm 2018 tăng 11,4%
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 4 tháng đầu năm 2018, chỉ số này tăng 11,4% so với cùng kỳ. Cụ thể, tính riêng trong tháng 4, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, giúp nâng mức tăng của chỉ số này trong 4 tháng đầu năm nay lên 11,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,6% của cùng kỳ năm 2017.
Thổ Nhĩ Kỳ khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm thép nhập khẩu
Bộ Công thương cho biết, ngày 27/4/2018 Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm thép nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ. Sản phẩm bị điều tra: các loại thép có mã HS: 7208, 7209, 7210, 7211, 7212, 7213, 7214, 7215, 7216, 7217, 7219, 7220, 7225, 7226, 7227, 7228, 7302, 7303, 7304, 7305 và 7306. Đây là cuộc điều tra do Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tự khởi xướng (ex-officio), xuất phát từ những lo ngại do Hoa Kỳ áp thuế nhập khẩu với thép và nhôm theo Mục 232, Liên minh Châu Âu (EU) khởi xướng điều tra tự vệ và xu hướng gia tăng áp dụng biện pháp bảo hộ đối với sản phẩm thép trên toàn cầu.
Nguồn: VITIC tổng hợp/VinaNet