tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

DN Việt cần hợp tác và liên kết để nâng cao năng lực cạnh tranh

  • Cập nhật : 14/02/2016

(Tin kinh te)

Để các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động đạt hiệu quả cao thì tự bản thân họ phải nỗ lực hơn nữa, đặc biệt trong vấn đề hợp tác và liên kết. Sự trợ giúp từ Chính phủ chỉ mang tính định hướng chứ doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ Nhà nước.

ong hong sun, tong thu ky phong thuong mai va cong nghiep han quoc tai viet nam. anh: vgp/le anh

Ông Hong Sun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Lê Anh


Đây là chia sẻ của ông Hong Sun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam khi trao đổi với phóng viên về cơ hội và những thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các DN nhỏ và vừa trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng.

Doanh nghiệp Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 95%). Từ kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc, theo ông Việt Nam cần có những chính sách cụ thể gì để hỗ trợ các doanh nghiệp này phát triển, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu?

Ông Hong Sun: Việc ký kết các hiệp định tự do thương mại sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp cùng với đó là những thách thức lớn. Vì thế, để tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, các doanh nghiệp không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải tự nỗ lực nhiều hơn nữa.

Theo như tôi nhận thấy hiện nay, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp không cao do việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất, khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng quốc tế còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều hoạt động một cách manh mún và tự phát vì thế khả năng liên kết giữa các doanh nghiệp cũng chưa tốt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện nay Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang ban hành khá nhiều các chính sách và giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp này gia nhập thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm phát triển của Hàn Quốc trong những năm vừa qua, để các doanh nghiệp này hoạt động đạt hiệu quả cao thì tự bản thân họ phải nỗ lực nhiều hơn nữa, đặc biệt trong vấn đề hợp tác và liên kết. Sự trợ giúp từ Chính phủ chỉ mang tính định hướng nhưng phải có cạnh tranh mới có thể giúp các doanh nghiệp phát triển và thành công.

Để hợp tác được với các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng những điều kiện gì?

Ông Hong Sun: Việc cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp FDI tại việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc là một cách hiệu quả để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Việt chưa làm được điều đó. Họ được nhận định là đang đứng ngoài chuỗi giá trị toàn cầu này.

Mặc dù Việt Nam đã huy động được khá lớn lượng vốn FDI cũng như thu hút đầu tư được từ nhiều tập đoàn đa quốc gia nhưng vấn đề chính ở đây là các doanh nghiệp Việt lại chưa thể tạo ra sự liên kết được với các doanh nghiệp FDI. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này không chỉ do khả năng sản xuất hay yếu tố kỹ thuật mà còn do cả năng lực tư duy và thực hành của các doanh nghiệp Việt. Họ còn khá yếu kém trong việc liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau.

Theo tôi, các doanh nghiệp Việt muốn hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng thì cần phải xác định được họ nên tham gia vào khâu nào trong chuỗi giá trị đó, họ cần làm gì để đáp ứng những yêu cầu đó cũng như là làm cách nào để khẳng định vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cũng cần phải nói lại rằng hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các hoạt động chủ yếu mang tính chất tự phát và manh mún.

Họ muốn tham gia chuỗi giá trị này, họ cần phải thay đổi cả trong suy nghĩ và trong hoạt động. Họ cần phải chủ động hơn trong vấn đề này. Các doanh nghiệp Hàn Quốc và các tập đoàn đa quốc gia lớn khác đều có yêu cầu rất cao về uy tín và chất lượng. Vì thế, các doanh nghiệp Việt cần phải đáp ứng được những tiêu chí cơ bản nhất đó là số lượng ổn định, chất lượng đạt tiêu chuẩn, giao hàng đúng hẹn và giá cả hợp lý. Có vậy thì họ mới có thể tham gia và khẳng định được vị thế của mình trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo cảm quan của ông, triển vọng kinh tế năm 2016 của Việt Nam sẽ như thế nào?

Ông Hong Sun: Trong năm 2016, nếu tình hình kinh tế chính trị Việt Nam vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển ổn định, các chính sách hỗ trợ ưu đãi đạt hiệu quả tốt… thì tôi tin chắc nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng ổn định.

Chúng ta đều biết rất nhiều tổ chức trong nước và thế giới đã dự báo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2016 khá khả quan. Với nhiều cơ hội từ việc ký kết TPP, FTA Việt – Hàn, tôi dự đoán mức đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2016 cũng sẽ tăng lên.

Thưa ông, hiện nay, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về đầu tư tại Việt Nam, vậy trong năm 2016, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc như thế nào, nhất là trong bối cảnh FTA Việt Nam – Hàn Quốc đã được thông qua.

Ông Hong Sun: Theo các doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam có ưu thế về nguồn nhân công, chi phí nhân công, vị trí địa lý thuận lợi, chính trị ổn định với nhiều chính sách ưu đãi khá cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực. Đặc biệt, sau khi FTA Việt Nam – Hàn Quốc được thông qua vào tháng 5/2015, việc đầu tư vào Việt Nam của Hàn Quốc sẽ càng được đẩy mạnh hơn nữa.

Theo Hiệp định  này, một số ngành công nghiệp đang phát triển mạnh của Hàn Quốc như công nghiệp chế tạo, nguyên phụ liệu, điện tử nhận được khá nhiều ưu đãi. Do đó, tôi tin rằng sau khi hiệp định thương mại này có hiệu lực, những lĩnh vực này sẽ ngày càng được đẩy mạnh đầu tư hơn nữa.

Ngoài ra, những lĩnh vực như dịch vụ tài chính và logistic, phân phối, bán buôn bán lẻ hay lĩnh vực phụ trợ trong các sản phẩm may mặc (để đón đầu các hiệp định FTA) dự kiến cũng sẽ được chú trọng hơn. Hiện nay, một số cơ quan thuộc Chính phủ Hàn Quốc cũng đang tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là Việt Nam.


Theo Lê Anh
Chinhphu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục