Kết thúc năm tài chính 2015, tình hình sức khỏe của các Tập đoàn Nhà nước đã có nhiều tích cực khi nhiều doanh nghiệp công bố doanh thu và lợi nhuận lớn. Tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang được đẩy nhanh là một phần nguyên nhân giúp cho hoạt động kinh doanh của các "ông lớn" này được lành mạnh và hiệu quả hơn.
Cục trưởng Kinh tế Quốc phòng: Quân đội sẽ tiếp tục xây dựng kinh tế
- Cập nhật : 07/07/2017
Cục trưởng Kinh tế Võ Hồng Thắng khẳng định, quân đội lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là chiến lược lâu dài.
Ngày 6/7, Cục trưởng Kinh tế Quốc phòng Võ Hồng Thắng trả lời phỏng vấn của VnExpress về nội dung "quân đội làm kinh tế".
- Trước ý kiến "quân đội có thể không làm kinh tế" mới đây, ông có nhận định gì?
- Chủ trương quân đội lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, không phải do lợi ích hoặc quân đội muốn làm thì làm. Đây là một trong ba nhiệm vụ được giao cho quân đội, là xây dựng đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất.Do là chủ trương chiến lược của Đảng và Nhà nước, Quân ủy Trung ương nên không ai có thể nói kết thúc, hay không thực hiện được. Hiện nay, chủ trương của Đảng, nhà nước, Quân ủy Trung ương vẫn xác định quân đội lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài.
- Quân đội làm kinh tế đóng góp thế nào cho sự phát triển của Quốc phòng và đất nước, thưa ông?
- Người ta nói quân đội làm kinh tế, đó là văn nói, không biểu hiện đúng nội dung. Chúng ta phải hiểu rõ rằng quân đội tham gia sản xuất, lao động, xây dựng kinh tế. Trong lịch sử hình thành quân đội và các cuộc kháng chiến, nhiệm vụ này được Đảng, nhân dân ghi nhận vì không những góp phần xây dựng quân đội mà còn kinh tế đất nước.
Thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, các doanh nghiệp quân đội đều hoạt động theo luật doanh nghiệp, nghị định của Chính phủ, thông tư của Bộ Quốc phòng và thực hiện đóng thuế minh bạch, đầy đủ. Hằng năm, doanh nghiệp quân đội đóng góp cho ngân sách nhà nước tương đối lớn, như năm 2016 là trên 43.000 tỷ đồng, trong đó Viettel đứng đầu trong các doanh nghiệp của quốc gia.
Ngoài ra, các doanh nghiệp quân đội sau khi hạch toán có lợi nhuận tốt thì trích một phần tuỳ theo từng đơn vị đóng góp cho ngân sách quốc phòng để giải quyết chi cho hậu phương quân đội, để đầu tư, khấu hao, nâng cao thiết bị.
Trong giai đoạn mới yêu cầu cao hơn thì nhiệm vụ quân đội lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế cũng phải cao hơn. Thường vụ, Đảng uỷ, Quân uỷ trung ương đã có những nghị quyết, văn bản để triển khai thực hiện.
- Nhiều người băn khoăn doanh nghiệp trong quân đội thì được ưu tiên hơn các doanh nghiệp bên ngoài. Ông lý giải thế nào về điều này?
- Doanh nghiệp quân đội có ưu thế hơn các doanh nghiệp khác là kỷ luật lao động, lòng tin của dân cao hơn. Còn về cạnh tranh, đầu tư sản xuất, giá trị các dịch vụ hàng hoá cung cấp ra thị trường, tuân thủ pháp luật thì đều như các doanh nghiệp khác, cạnh tranh bình đẳng. Các doanh nghiệp khác muốn không thua kém các doanh nghiệp quân đội thì phải sản xuất tốt, giá cả hợp lý, bán ra thị trường được dân tin.
Việc thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội đã và đang thực hiện theo quy định của nhà nước, nghị quyết của Quân uỷ Trung ương, thông tư của Bộ Quốc phòng. Bộ cũng có kế hoạch và các cơ quan tham mưu giúp kiểm tra các đơn vị làm kinh tế. Những sai phạm nếu có xảy ra thì kiên quyết xử lý.
- Bức tranh kinh tế quốc phòng hiện nay như thế nào, thưa ông?
- Nước ta có hơn 4.500 km đường biên trên bộ và hơn 3.200 km bờ biển. Ở nhiều vùng biên giới trên bộ có tình trạng trắng bản, trắng dân nên quân đội báo cáo Chính phủ, Thủ tướng quyết định cho đầu tư xây dựng 33 khu kinh tế quốc phòng dọc biên giới quốc gia. Hiện nay đã triển khai 28 khu, 5 khu đang triển khai.
Việc này gồm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cụm bản, sắp xếp ổn định dân cư, đưa dân ra biên giới, làm các mô hình về vật nuôi, cây trồng, định hướng nhân dân tham gia thực hiện kinh tế hộ gia đình. Từ đó cung cấp dịch vụ thiết yếu cho nhân dân, thu mua sản phẩm, giúp họ ổn định cuộc sống, đồng thời, xây dựng và phát triển kinh tế vùng dọc biên giới.
Đây là cách xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, bảo vệ tổ quốc. Trong thời bình thì chống xâm nhập trái phép, buôn lậu, vận chuyển hàng hoá, hàng độc hại như ma tuý. Những việc này bộ đội hay lực lượng nào dù đông đến bao nhiêu cũng không đủ mà phải có nhân dân tham gia cùng phát hiện. Khi có chiến tranh xảy ra, lực lượng này sẽ biến thành đội quân chiến đấu, cùng dân quân tự vệ làng bản bảo vệ biên cương. Đây là việc chỉ có quân đội làm được chứ không thể có lực lượng nào khác.
Còn các nhà máy quốc phòng, doanh nghiệp tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế, quân đội đầu tư xây dựng có đủ khả năng phục vụ cho chiến tranh trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Tuy nhiên, trong thời bình những đơn vị này không sử dụng hết công suất vì sản phẩm phục vụ huấn luyện chiến đấu ít hơn nhiều so với chiến tranh. Nếu để nguồn lực như vậy sẽ bị lãng phí, hao mòn vô hình vì vậy, phải tận dụng để làm ra các loại hàng hoá phục vụ dân sinh.
Hoạt động này tạo ra hiệu quả kinh tế, một mặt cải thiện đời sống cho cán bộ chiến sĩ, tái đầu tư nâng cao năng lực, thiết bị công nghệ của bản thân cơ sở sản xuất đấy, đến khi phục vụ trở lại cho quốc phòng thì đáp ứng yêu cầu tốt hơn, tức là góp phần tăng thêm tiềm lực quốc phòng.
- Trong thời gian tới, các doanh nghiệp quân đội thay đổi thế nào để đáp ứng với tình hình mới?
- Các doanh nghiệp quốc phòng sẽ được sắp xếp lại, làm sao nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, hỗ trợ và không làm ảnh hưởng đến các nhiệm vụ khác.
Do lịch sử hình thành và quá trình sắp xếp, còn nhiều doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tính hiệu quả trung bình thì doanh nghiệp nhà nước trong quân đội đạt hiệu quả cao hơn. Tất nhiên cũng có một số ít thua lỗ, tồn đọng tài chính, những doanh nghiệp này phải sắp xếp lại.
Những doanh nghiệp có nhiệm vụ quân sự quốc phòng thì nhà nước vẫn phải giữ 100% vốn. Những doanh nghiệp có chung ngành nghề thì sáp nhập tạo quy mô lớn hơn, tái cơ cấu lại để nâng sức cạnh tranh, bảo đảm sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Còn các doanh nghiệp khác như xây dựng, dịch vụ thương mại hoặc nhiệm vụ quân sự quốc phòng ít và không đáng kể thì thực hiện cổ phần hoá và thoái vốn. Những công ty làm ăn thua lỗ không có cổ phần hoá được thì thực hiện giải thể phá sản theo đúng quy định. Các doanh nghiệp đã sắp xếp thì hoạt động, cạnh tranh bình đẳng.
Bộ đội thường trực, ngoài huấn luyện thì tích cực tham gia tăng gia lao động sản xuất để cải thiện đời sống, khoanh bếp khoanh vườn, xây dựng doanh trại. Nuôi dưỡng bộ đội tốt là tăng sức khoẻ phục vụ công tác sẵn sàng chiến đấu.
Các cơ sở công lập đơn vị sự nghiệp có thu như bệnh viện, nhà trường, cơ sở nghiên cứu cũng phải phục vụ nhân dân, tăng nguồn thu để tái đầu tư cơ sở thiết bị nâng cao công nghệ phục vụ tốt hơn.
Hoàng Thùy
Theo Vnexpress