tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lập công ty sân sau trục lợi từ doanh nghiệp Nhà nước

  • Cập nhật : 20/11/2015

(Kinh te)

Được bổ nhiệm là người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước, Nguyễn Hùng Linh đã lập ba công ty sân sau, cùng với nhóm nhân viên của mình kinh doanh gian đối, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của doanh nghiệp.

ktc la doanh nghiep 100% von nha nuoc, kinh doanh chu yeu la xang dau, gao, bat dong san - anh: k.nam

KTC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, kinh doanh chủ yếu là xăng dầu, gạo, bất động sản - Ảnh: K.Nam

Truy tố 7 bị can 

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa công bố cáo trạng truy tố 7 bị can liên quan vụ sai phạm gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng cho ngân sách tại công ty TNHH một thành viên du lịch-thương mại Kiên Giang (gọi tắt là KTC).

Các bị can gồm: Nguyễn Hùng Linh (52 tuổi) - nguyên chủ tịch hội đồng thành viên, kiêm tổng giám đốc KTC, Đỗ Hiếu Liêm (62 tuổi) - nguyên phó tổng giám đốc KTC; Lê Nguyễn Hoàng Nam (37 tuổi) - nguyên trưởng phòng kế hoạch-kinh doanh KTC, Phan Văn Trinh (59 tuổi)-nguyên phó phòng kế hoạch-kinh doanh KTC bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị can Âu Tấn Việt (38 tuổi) - nguyên phó phòng kế hoạch kinh doanh KTC và Huỳnh Vũ Anh (46 tuổi) - nhân viên phòng kế hoạch-kinh doanh KTC bị truy tố tội danh cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

Còn bị can Lê Thị Thanh Diễm - nguyên giám đốc công ty TNHH Việt Phong là đối tác kinh doanh của KTC - bị truy tố tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Riêng 2 bị can Nam, Linh còn bị truy tố tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Giúp đối tác kiếm tiền trả nợ bằng cách… lừa đảo

Tại cơ quan điều tra, Lê Thị Thanh Diễm khai nhận công ty Việt Phong của mình có trụ sở đặt tại ấp An Hiệp, xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, Tiền Giang, là doanh nghiệp chuyên kinh doanh lương thực, thực phẩm.

Cuối năm 2009, do giá gạo liên tục biến động, công ty Việt Phong thua lỗ trên 100 tỉ đồng. Đứng bên bờ vực phá sản, Diễm đã tìm tới nhờ Lê Nguyễn Hoàng Nam cầu cứu bằng cách tiếp tục ký hợp đồng, tạm ứng tiền để Diễm cung ứng gạo cho KTC và được Nam đồng ý.

Chỉ trong vòng 10 ngày giữa tháng 3-2010, Nam đã tham mưu cho lãnh đạo KTC ký 4 hợp đồng với công ty Việt Phong.

Bằng các hợp đồng này, Diễm được KTC tạm ứng tổng cộng 65,37 tỉ đồng. Lẽ ra, đến tháng 5-2010, công ty Việt Phong phải giao đủ cho KTC 11.000 tấn gạo, nhưng Diễm đã không mua gạo giao cho đối tác như thỏa thuận mà dùng tiền tạm ứng từ KTC để trả nợ vay 29,25 tỉ đồng cho các đối tác của mình. Phần còn lại Diễm mua gạo bán lòng vòng rồi trả nợ cho những đối tác khác

Đến thời điểm Diễm bị bắt, KTC chỉ thu hồi được từ công ty Việt Phong 2.000 tấn gạo, tương đương khoảng 13,65 tỉ đồng, thu hồi 1 căn nhà trị giá trên 1,12 tỉ đồng. Tổng cộng Diễm đã lừa đảo chiếm đoạt của KTC số tiền trên 50,58 tỉ đồng.

Để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, Diễm đã được các bị can Lê Nguyễn Hoàng Nam, Phan Văn Trinh, Huỳnh Vũ Anh tích cực giúp sức bằng cách ký khống biên bản gởi gạo tạm trữ và không kiểm đếm lượng gạo ký gởi tại kho của công ty Việt Phong theo quy định.

Kinh doanh hưởng lợi, chuyển lỗ cho doanh nghiệp nhà nước gánh

Được bổ nhiệm là người đứng đầu KTC, Nguyễn Hùng Linh đã nảy ra sáng kiến làm giàu nhanh chóng bằng cách thành lập 3 công ty sân sau là: công ty Thuận Phát, Khang Long (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh) và công ty Kiên An Phú có trụ sở tại Kiên Giang.

Những công ty này đều được Linh giao cho người thân, thậm chí là nhờ mẹ ruột của bạn gái mình đứng tên, còn Lê Nguyễn Hoàng Nam được giao trực tiếp điều hành.

Cả 3 công ty đều kinh doanh theo kiểu không cần vốn. Thủ đoạn trục lợi của Linh và Nam khi thành lập các công ty sân sau là lấy gạo của KTC (thường ký gởi tại kho của công ty Việt Phong) bán cho đối tác khi giá cao, sau đó chờ giá gạo giảm sẽ mua trả lại kho cho KTC.

Thậm chí, trong quá trình xuất khẩu gạo từ các công ty sân sau, nếu giá gạo đột ngột giảm xuống thì sẽ hủy hợp đồng, chuyển lỗ lại cho KTC gánh.

Cụ thể, từ tháng 2-2009 đến tháng 5-2010, ba công ty của Linh đã ký 20 hợp đồng bán gạo với công ty Việt Phong với tổng số lượng trên 16.950 tấn, tương đương trên 108,8 tỉ đồng, trên thực tế đây đều là gạo của KTC được Nam bàn với Diễm ký gởi tại kho của công ty Việt Phong.

Theo giám định của Sở tài chính tỉnh Kiên Giang, 20 hợp đồng này đã giúp 3 công ty sân sau của Linh thu lợi trên 2,42 tỉ đồng.

Không dừng lại ở đó, đến tháng 11-2013, Nam bàn với Linh ký hợp đồng xuất bán 3.300 tấn gạo cho công ty World Trade LLC (Mĩ, do 1 Việt kiều làm chủ) với giá 337 USD/tấn, tổng giá trị hợp đồng là 1.284.100 USD. Để thực hiện hợp đồng, công ty World Trade LLC đã tạm ứng cho ty Kiên An Phú số tiền 899.995 USD. Sau đó, công ty Kiên An Phú chỉ giao cho công ty World Trade LLC được 400 tấn gạo, tương đương 190.800 USD.

Số gạo 2.900 tấn còn lại tương đương 709.200 USD, công ty Kiên An Phú không tiếp tục giao mà đẩy về cho KTC thực hiện vì giá gạo trong nước tăng cao, nếu giao tiếp sẽ lỗ nặng. Nam đã bàn với Linh ký tiếp 2 hợp đồng cung cấp cho World Trade LLC 1.605 tấn gạo, tương đương 638.450 USD.

Theo hợp đồng, World Trade LLC phải giao đủ tiền trước rồi nhận gạo sau. Nhưng ở đây KTC đã giao đủ 1.605 tấn gạo mà không có đồng nào, vì thực tế Nam và Linh còn nợ công ty World Trade LLC tới 709.200 USD.

Lẽ ra với chức năng của mình, Nam phải lấy số tiền 709.800 USD mà công ty Kiên An Phú còn nợ công ty World Trade LLC để trả cho KTC, thì Nam lại dùng số tiền này để… trả nợ cho công ty Kiên An Phú.

Như vậy, với hợp đồng xuất khẩu gạo cho World Trade LLC, Linh và Nam đã trục lợi và gây thiệt hại cho KTC số tiền 638.450 USD, quy đổi tương đương trên 13,45 tỉ đồng. Số tiền này được thỏa thuận chia chác theo tỉ lệ Linh hưởng 60%, Nam hưởng 40%.

Nhờ đối tác kê giá

Trong quá trình “hợp tác” có qua có lại, Lê Nguyễn Hoàng Nam đã nhờ Lê Thị Thanh Diễm kê khống giá hợp đồng mua gạo cho KTC từ 100-500đ/kg. Bằng cách này, Nam đã thu lợi bất chính 667 triệu đồng. Còn Nguyễn Hùng Linh cũng với tư cách đối tác thân cận đã mượn của Diễm 700 triệu đồng, đến nay vẫn chưa trả. 

(Theo Báo Tuổi Trẻ)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục