tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-12-2017

  • Cập nhật : 30/12/2017

TP.HCM: Vài chục dự án bất động sản chưa được nộp tiền sử dụng đất

Đây là điểm bất cập được Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đưa ra trong bản Báo cáo tình hình thị trường bất động sản năm 2017, dự báo năm 2018, và đề xuất các giải pháp phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, bền vững.

thanh pho co vai chuc du an chua duoc nop tien su dung dat, tien thue dat - anh: danh phu.

Thành phố có vài chục dự án chưa được nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất - Ảnh: Danh Phú.

Tổng sản phẩm nội địa TP.HCM (GRDP) năm 2017 ước đạt được 1 triệu tỷ đồng, tăng 8,25% (cao hơn một chút so với mức tăng 8,05% của năm 2016), trong đó, khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng bất động sản tăng 7,8%. Khu vực công nghiệp xây dựng bất động sản cùng với khu vực dịch vụ là hai nhóm ngành tiếp tục chiếm tỷ trọng tăng trưởng cao của thành phố.     

Trong năm 2017, các tổ chức tín dụng đã huy động vốn ước đạt khoảng hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm 2016. Dư nợ cho vay bất động sản trên địa bàn thành phố thường chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng dư nợ, cao hơn mức dư nợ này của cả nước 6,5%. Riêng dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở cho 10.260 cá nhân, hộ gia đình đạt khoảng 5.244 tỷ đồng góp phần cải thiện nhà ở cho các đối tượng này.

Thị trường chứng khoán đang dần trở thành kênh huy động vốn mới, quan trọng cho thị trường bất động sản, với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn bất động sản lớn đã tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán như Vingroup, FLC, Novaland, Nam Long, Khang Điền, TDH, Đất Xanh...

Thành phố đã thu hút được 5,81 tỷ USD nguồn vốn FDI, đứng đầu cả nước, tăng gấp 2 lần so với năm 2016, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu, chiếm 34,5%; lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng 32,9%, đứng thứ 2. Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam và thành phố, kể cả trong lĩnh vực bất động sản.

Lượng kiều hối về thành phố năm 2017 dự kiến đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2016, trong đó, có khoảng 22% lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản; tỷ lệ nợ xấu cả nước giảm còn 9,5% (bao gồm cả nợ xấu chuyển giao cho VAMC) so với mức 11,5% năm 2016.

HoREA nhận định, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, có hiệu lực kể từ ngày 15/08/2017, với việc VAMC quyết định thu giữ để phát mãi bằng hình thức đấu giá công khai dự án Sài Gòn One Tower là tài sản đảm bảo nợ xấu của Công ty M&C là biện pháp tích cực, sẽ góp phần làm lành mạnh hoạt động tín dụng, xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm mà phần lớn là bất động sản, sẽ tạo thêm nguồn lực cho nền kinh tế và giúp khởi động lại các dự án bất động sản đã bị thế chấp, đã bị ngừng triển khai trong nhiều năm qua, và tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, lành mạnh.  

Nguồn thu ngân sách thành phố từ đất trong năm 2017 đạt hơn 15.660 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ khoảng 9,5% tổng nguồn thu, phần lớn là khoản nộp ngân sách của doanh nghiệp bất động sản; tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng hơn 900 đối tượng (bao gồm tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình) nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với giá trị hơn 1.468 tỷ đồng, cần phải được thu nộp vào ngân sách để phục vụ nhu cầu chi của thành phố.

Bên cạnh đó, HoREA chỉ ra một bất cập rất lớn là có khoảng vài chục dự án bất động sản chưa được nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà nguyên nhân chủ yếu là do quy trình, thủ tục xác định, thẩm định tiền sử dụng đất nhiêu khê, kéo dài, trong lúc ngân sách thành phố đang rất cần được bổ sung nguồn thu này, và các doanh nghiệp thì đang có sẵn tiền và sẵn sàng nộp, hoặc được tạm nộp và cam kết sẽ nộp bổ sung tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (nếu có), để doanh nghiệp có thể bán sản phẩm, hoặc thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà.(bizlive)
---------------------

Tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm của các dự án FDI tăng gần 45%

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/12/2017, cả nước có 2.591 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 21,27 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ 2016.

Có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8,41 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2016 và 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ 2016.

Tính chung trong 12 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn thực hiện ước đạt 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo lĩnh vực đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 8,37 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, hiện có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 8,49 tỷ USD, chiếm 23,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,3 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư.

Hiện, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký 6,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 3,4 tỷ USD, chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư. Thanh Hóa đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 3,17 tỷ USD, chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư.

Một số dự án lớn được cấp phép trong năm 2017 là dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW; dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Khánh Hòa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao nhà máy nhiệt điện đốt than với công suất tinh 1.320 MW…(Bnews)
------------------------

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển cảng cạn trên 30.000 tỷ đồng từ nay đến 2030

Đó là nội dung quyết định 2072/QĐ-TTg về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký phê duyệt.

Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch là từng bước hình thành và phát triển hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông qua hàng hóa của các cảng biển; tổ chức vận chuyển container một cách hợp lý nhằm giảm chi phí vận chuyển và thời gian lưu hàng tại cảng biển, đảm bảo an toàn hàng hóa; góp phần giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt ở các đô thị lớn và khu vực có cảng biển lớn. Phát triển hệ thống cảng cạn trở thành các đầu mối tổ chức vận tải, trung chuyển, phân phối hàng hoá, kết hợp với cung cấp các dịch vụ logistics.

Phấn đấu đến năm 2020, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua tối thiểu khoảng 15% - 20% nhu cầu hàng hoá vận tải container thông qua hệ thống cảng biển, năng lực thông qua 4.035.000 - 6.845.000 TEU/năm, trong đó miền Bắc đạt 720.000 - 1.810.000 TEU/năm, miền Trung đạt 65.000 - 175.000 TEU/năm, miền Nam đạt 3.250.000 - 4.860.000 TEU/năm.

Đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua tối thiểu khoảng 25% - 30% nhu cầu hàng hoá vận tải container thông qua hệ thống cảng biển, năng lực thông qua khoảng 12.000.000 - 17.600.000 TEU/năm, trong đó miền Bắc đạt khoảng 2.750.000 - 4.820.000 TEU/năm, miền Trung đạt khoảng 350.000 - 630.000 TEU/năm, miền Nam đạt khoảng 8.900.000 - 12.150.000 TEU/năm.

Khu vực miền Bắc quy hoạch phát triển 6 cảng cạn tại khu vực kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai; hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn; khu vực kinh tế Tây Bắc Hà Nội; khu vực kinh tế Đông Nam Hà Nội; hành lang kinh tế Hà Nội - Thái Nguyên - Cao Bằng.

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên quy hoạch phát triển 6 cảng cạn tại các khu vực hành lang kinh tế Đường 9; khu vực kinh tế Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế, Đường 14; hành lang kinh tế Đường 19; khu vực Tây Nguyên; khu kinh tế Nghi Sơn; hành lang kinh tế Đường 8, Đường 12A.

Khu vực miền Nam quy hoạch phát triển cảng cạn tại 3 khu vực kinh tế Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh; khu vực kinh tế Tây Nam Thành phố Hồ Chí Minh; khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cảng cạn đến năm 2020 khoảng 09 -15 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 20 - 22 nghìn tỷ đồng.

Giai đoạn từ nay đến năm 2020, tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng Thành phố Hồ Chí Minh, Cái Mép - Thị Vải), các cảng cạn gắn với các hành lang vận tải qua biên giới.

Ưu tiên đầu tư cảng cạn có vị trí kết nối được với hai phương thức vận tải, các vị trí gắn liền hoặc nằm gần các cụm khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung, các trung tâm logistics cấp I đã được quy hoạch, các cửa khẩu quốc tế lớn về đường bộ.

Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp và cơ chế, chính sách chủ yếu như: Tăng cường quản lý nhà nước đối với phát triển cảng cạn; huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển hệ thống cảng cạn và hệ thống giao thông kết nối; kết hợp quy hoạch phát triển cảng cạn và trung tâm logistics; tăng cường sự tham gia của vận tải đường sắt, đường thuỷ nội địa vào lĩnh vực vận tải container và phát triển cảng cạn...(baodautu)
-----------------------

3 điểm nóng hứa hẹn tạo bất ngờ cho địa ốc Sài Gòn năm 2018

Thủ Thiêm, quận 8 và Nhà Bè được dự báo sẽ là ba ngôi sao sáng của bất động sản TP HCM trong năm tới.

thu thiem duoc du bao se tro thanh tam diem cua bat dong san cao cap toan tp hcm trong nam 2018.

Thủ Thiêm được dự báo sẽ trở thành tâm điểm của bất động sản cao cấp toàn TP HCM trong năm 2018.

Tại buổi tọa đàm Cơ hội đầu tư bất động sản Sài Gòn – Góc nhìn của người trong cuộc, Chủ tịch Hội cà phê Bất động sản, Trần Khánh Quang đưa ra dự báo về 3 điểm nhấn tích cực của trục đô thị Đông – Tây và khu Nam TP HCM.

Chuyên gia này đánh giá, trong năm Mậu Tuất sắp tới, thị trường vẫn giữ nhịp tăng trưởng nhưng tốc độ chậm rãi hơn. Nhà đầu tư sẽ ít có cơ hội chứng kiến màn sốt ảo đầy kịch tính như năm Ất Dậu. Tuy nhiên, mỗi khu vực cửa ngõ của Sài Gòn sẽ lần lượt xuất hiện điểm sáng bất ngờ, đủ sức soán ngôi các địa bàn trọng yếu từng gây nóng sốt trong năm 2017.

Thủ Thiêm - tâm điểm của khu Đông

Nếu quận 9 từng làm mưa làm gió trong cơn sốt đất tại trục đô thị phía Đông TP HCM năm 2017 thì năm 2018 Thủ Thiêm sẽ vụt sáng thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Kịch bản gần như chắc chắn sẽ diễn ra vì đã có dấu hiệu từ quý IV, đó là trung tâm Thủ Thiêm sẽ trở thành điểm đến của hầu hết các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài chọn TP HCM làm vùng đất hứa. Địa bàn này cũng chính là cái rốn của bất động sản cao cấp toàn khu Đông nói riêng và cả Sài Gòn nói chung.

Quận 8 sẽ là nhân tố bất ngờ của khu Tây

Quận 8 hứa hẹn trở thành điểm hấp dẫn với khái niệm mới, được ví là quận 4 thứ hai của Sài Gòn trong tương lai gần. Xét vị trí, quận 8 kết nối tốt với quận 1, 4, 5, 6. Khoảng cách di chuyển về khu trung tâm (lấy cột mốc chợ Bến Thành) không quá xa, mật độ cư dân đông đúc, hạ tầng hứa hẹn cải thiện đáng kể trong năm 2018. Điều làm nên bất ngờ của quận này chính là bất động sản tại đây có mặt bằng giá cực thấp so với các đối thủ có cùng bán kính (quận 9, 7). Giá nhà tại địa bàn này còn ở mức cạnh tranh bậc nhất Sài Gòn, điển hình là vẫn có nhiều dự án căn hộ chào bán dưới 20 triệu đồng/m2. Với những lợi thế này, quận 8 sẽ vượt qua Bình Tân, Tân Phú và cả Bình Chánh về độ nóng trong năm 2018 để tạo nên nhiều bất ngờ cho thị trường phía Tây Sài Gòn.

Nhà Bè cầm trịch khu Nam

Các dự án bất động sản nằm trên trục đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Lương Bằng nối dài, Nguyễn Hữu Thọ, và hàng loạt tuyến phố khác tọa lạc tại huyện Nhà Bè nhiều khả năng sẽ vượt qua Phú Mỹ Hưng (quận 7) tạo nên cú hích mới của khu Nam trong năm Mậu Tuất.

Trước đây trục đô thị phía Nam thành phố chịu sự ảnh hưởng lớn của Phú Mỹ Hưng là hạt nhân với bán kính xung quanh 3km chuyên phân khúc trung cao cấp. Thế nhưng khi Phú Mỹ Hưng dần lấp đầy, vùng trũng của khu Nam chính là Nhà Bè và sẽ không có gì lạ khi huyện này trở thành điểm nóng tăng giá nhà đất mới cũng như trở thành thỏi nam châm của cực Nam thành phố.

Ông Quang nhận định, tâm lý đám đông có thể giết chết những nhà đầu tư bất động sản vốn mỏng, kiến thức và kinh nghiệm thị trường còn hạn chế. Với nhóm nhà đầu tư ít vốn và chưa dày dạn trận mạc, ông đưa ra chiến lược đầu tư giảm thiểu rủi ro.

Đó là nên chọn mua bất động sản (nhà, đất, căn hộ) tại khu vực có tốc độ tăng chậm, chưa phát triển nhiều, giá nhà đất còn thấp hơn so với mặt bằng chung. "Quy luật nước chảy về chỗ trũng chưa bao giờ sai. Sau khi tất cả những điểm nóng, địa bàn màu mỡ nhất đã tăng giá rồi, sẽ đến lượt vùng trũng bật dậy, thiết lập mặt bằng giá mới", ông Quang chia sẻ.

Chuyên gia này khuyến cáo, đừng mua bất động sản bằng cảm xúc, đừng mua vì ham thích nhất thời, càng không nên mua vì chạy theo đám đông. Thay vào đó, hãy xem xét, cẩn trọng từ vị trí, hạ tầng, pháp lý, tiềm năng, ưu điểm và cả khuyết điểm của sản phẩm đến khả năng tài chính. Đừng mua bất động sản với tâm trạng thờ ơ, qua loa. Hãy bỏ công đi tới địa phương kiểm tra pháp lý, hãy tìm chuyên gia tư vấn, cậy nhờ luật sư hỗ trợ để không phải bị mất tiền oan vì thiếu hiểu biết.

Chủ tịch Hội cà phê Bất động sản còn đưa ra lời khuyên về tầm quan trọng của kiểm soát, quản lý tài chính trong đầu tư địa ốc. Theo đó, tỷ lệ vay dưới 50% là ngưỡng nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể chịu đựng được. Vay 80% để đầu tư, đầu cơ thì nên lường trước kịch bản chết không kịp cấp cứu.

Trong khi đó, vay 60-70% chỉ phù hợp với tình huống cá biệt, đó là người mua nhà đất lần đầu. Bởi lẽ, chỉ những người lần đầu tiên sở hữu bất động sản mới đủ nhiệt huyết dồn mọi nguồn lực để cày trả nợ cho tài sản duy nhất họ đang có trong tay.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục