Volkswagen triệu hồi khẩn cấp 281.000 xe; Bộ GTVT nói gì về việc Geleximco muốn cùng đối tác Trung Quốc xây sân bay Long Thành?; Giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp xi măng; 66 nghìn ô tô ngoại về Việt Nam trong 8 tháng
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-08-2017
- Cập nhật : 30/08/2017
Sẽ dành 19.829 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống y tế địa phương
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương giai đoạn 2016 - 2020, trong đó sẽ dành 19.829 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống y tế địa phương.
Sẽ dành 19.829 tỷ đồng đầu tư cho hệ thống y tế địa phương trong giai đoạn 2016 - 2020. Nguồn: internet
Theo đó, tổng vốn thực hiện Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ thống y tế địa phương giai đoạn 2016 - 2020 là 19.829 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 22.500 tỷ đồng).
Trong đó, vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương là 2.389 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn nhưng không vượt quá 5.060 tỷ đồng); Vốn ODA và viện trợ 4.940 tỷ đồng; Vốn ngân sách địa phương và xổ số kiến thiết 10.000 tỷ đồng; Nguồn vốn khác 2.500 tỷ đồng.
Chương trình cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, góp phần đạt chỉ tiêu 26,5 giường bệnh/10.000 dân; tiếp tục tập trung đầu tư, hoàn thành 64 dự án chuyển tiếp đã được đầu tư trong giai đoạn 2011- 2015 nhưng chưa hoàn thành do thiếu vốn và triển khai thực hiện tối thiểu 28 dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020 và tăng lên khi được bổ sung nguồn ngân sách trung ương nhưng tối đa không quá 52 dự án.(Tapchitaichinh)
--------------------------------
Doanh nghiệp còn quỹ đất sẽ có cơ hội lớn
Một số lãnh đạo doanh nghiệp BĐS cho rằng nguồn cung trong tương lai sẽ khan hiếm và những dự án mở bán thời gian tới sẽ ít chịu sự cạnh tranh hơn.
Theo ông Ngô Quang Phúc, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, từ giờ đến cuối năm nguồn chắc chắn còn khan hiếm nên giá sẽ khó giảm nếu dự án có vị trí tốt và đúng vào phân khúc sản phẩm từ 1,5 - 2 tỉ đồng/căn.
“Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp có quỹ đất sạch, có dự án chuẩn bị bung hàng sẽ có cơ hội lớn”,ông Phúc nhận định.
Phân khúc trung cao cấp có sức mua mạnh
Theo báo cáo của CBRE, chỉ trong quý II-2017, TP.HCM tiêu thụ 9.522 căn hộ, tăng 40% so với quý đầu năm và vượt 59% so với quý II-2016. Trong đó, thanh khoản căn hộ để ở tại thị trường TP.HCM tăng hơn 9% so với cùng kỳ 2016. Đáng chú ý khi phân khúc trung cao cấp có sức mua mạnh, dẫn đầu toàn thị trường. Chỉ tính riêng phân khúc trung cấp đã có 4.862 căn được tiêu thụ, chiếm 51% lượng tiêu thụ toàn thành phố.
Các chuyên gia BĐS đánh giá, từ nay đến cuối năm, thị trường vẫn tiếp tục sôi động, đón nhận nhiều nguồn cung mới tại hai khu vực chính là phía Đông và Nam Sài Gòn. Trong đó, sự cải thiện vượt trội của các dự án hạ tầng tại khu Nam Sài Gòn với nhiều dự án tâm điểm như mở rộng đường Đào Trí lên 40m, cầu Thủ Thiêm 4, tuyến Metro số 6, cầu vượt Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, cầu Nguyễn Khoái…khiến khu vực này được dự đoán sẽ trở thành tâm điểm của thị trường căn hộ trong nửa cuối năm 2017.
Cơ hội cho người mua nhà?
Nắm bắt tâm lý người mua, thời gian gần đây các dự án căn hộ đã đồng loạt bung hàng và đều ghi nhận thanh khoản rất cao. Minh chứng cho “hiện tượng” này phải kể đến dự án River Panorama án ngữ tại khu vực Đào Trí - Hoàng Quốc Việt.
Trong lễ công bố vào cuối tháng 7 vừa qua ghi nhận có tới 1,000 khách hàng tham dự và 600 căn hộ được tiêu thụ. Sự thành công của River Panorama tiếp tục là dấu hiệu đầy khả quan cho thị trường căn hộ trung cao cấp tại khu Nam nói riêng và toàn thị trường TP.HCM nói chung.
Theo đại diện tập đoàn An Gia - chủ đầu tư dự án, River Panorama không chỉ được cộng hưởng từ lợi thế thị trường và hạ tầng mà còn tích hợp rất nhiều ưu thế vượt trội để hút người mua.
Dự án sở hữu những tiện ích đỉnh cao ngay trong nội khu như: sảnh đón theo phong cách resort và mở toang tầng trệt lên đến 3.000m2, hồ bơi vô cực trên không dài 100m trên độ cao 120m, hồ Sky Pearl & công viên kênh đào diện tích mặt nước hơn 7.300m2, khu vui chơi trẻ em, sân thể thao đa năng, hệ thống lọc nước uống ngay tại vòi chuẩn Singapore & quản lý tòa nhà chuẩn Nhật Bản…
Mặt khác, với mức giá từ 1,7 tỉ đồng được thanh toán 1%/tháng, River Panorama tạo ra cơ hội sở hữu dễ dàng cho những gia đình trẻ.(Tuoitre)
-------------------------
Giá dừa khô cao nhất trong hàng chục năm qua
Tại Bến Tre, giá dừa khô đạt mức kỷ lục 160.000 đồng/chục (12 trái) nhưng nông dân không có nhiều dừa để bán.
Ông Huỳnh Hữu Phương (69 tuổi, ngụ TT.Giồng Trôm, H.Giồng Trôm) khẳng định trong mấy chục năm qua, chưa bao giờ dừa khô đạt tới mức giá này.
Tuy nhiên, niềm vui của ông cũng như nhiều bà con ở xứ này không trọn vẹn vì vườn dừa đang trong thời gian treo đọt. “Với 2 ha dừa nhưng từ đầu năm đến nay trung bình mỗi tháng tôi chỉ thu họach được khoảng 500 trái, trong khi các năm trước thu từ 2.000 - 2.500 trái/tháng”, ông Phong nói.
Hiện đã có hàng loạt thương lái, chủ cơ sở chế biến dừa nhỏ lẻ ở Bến Tre phải tạm ngưng hoạt động do không cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp lớn và thương lái nước ngoài trong thu mua dừa nguyên liệu.
Ông Cù Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, một trong những doanh nghiệp chế biến dừa lớn nhất tỉnh Bến Tre, cho biết: “Mấy tháng qua, trung bình mỗi ngày công ty chỉ thu mua được khoảng 200.000 trái dừa khô, đủ để chạy khoảng 30% công suất nhà máy. Dù không có lãi nhưng cũng phải hoạt động để thực hiện các hợp đồng đã ký và duy trì đội ngũ công nhân”.
Theo Sở NN-PTNT Bến Tre, do ảnh hưởng của xâm nhập mặn năm 2016 nên năm 2017, sản lượng dừa của tỉnh giảm hơn 60% cùng với việc thương lái cạnh tranh gay gắt trong thu mua đã đẩy giá dừa tăng cao.
Ngoài ra, do trước đây giá dừa khô nguyên liệu thấp, trong khi giá dừa tươi uống nước cao hơn nên nhiều hộ nông dân hái dừa còn non để bán, khiến sản lượng dừa sụt giảm thêm. Tuy nhiên, hiện nay đã sắp kết thúc chu kỳ treo đọt và thời tiết cũng thuận lợi hơn nên dự kiến đến khoảng tháng 10 sản lượng dừa có thể tăng trở lại.
Bến Tre hiện có hơn 70.000 ha dừa, chiếm gần 40% diện tích trồng dừa của cả nước, sản lượng hằng năm gần 600 triệu trái.(thanhnien)
------------------------
Sản lượng thủy sản 8 tháng đầu năm tăng 4,6%
Tính chung 8 tháng đầu năm 2017, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.738,4 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.490,9 nghìn tấn, tăng 4,3%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.247,5 nghìn tấn, tăng 4,9%.
Theo Tổng cục Thống kê cho biết cho biết trong tháng 8 sản lượng thủy sản của cả nước ước đạt 730,5 nghìn tấn tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng cá đạt 514 nghìn tấn, tăng 4,9%; tôm đạt 115,1 nghìn tấn, tăng 12%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 434,3 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó sản lượng cá đạt 296,9 nghìn tấn, tăng 4%; tôm đạt 99,6 nghìn tấn, tăng 13,3%.
Sản lượng cá tra tháng 8 ước tính đạt 146,9 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó Đồng Tháp đạt 85,5 nghìn tấn, tăng 2,1%; Cần Thơ 15,5 nghìn tấn, tăng 3,1%; Bến Tre 8 nghìn tấn, tăng 14,2%.
Nuôi tôm nước lợ tiếp tục phát triển ổn định. Sản lượng tôm sú trong tháng ước tính đạt 32,6 nghìn tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bạc Liêu đạt 9,3 nghìn tấn, tăng 69%; Kiên Giang 5,7 nghìn tấn, tăng 1,9%; Sóc Trăng 3,5 nghìn tấn, tăng 53,3%.
Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước tính đạt 50,1 nghìn tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Sóc Trăng đạt 24,5 nghìn tấn, tăng 65%; Cà Mau 7 nghìn tấn, tăng 75%; Tiền Giang 5 nghìn tấn, tăng 56%. Thời tiết biển trong tháng thuận lợi nên sản lượng thủy sản khai thác đạt khá với 296,2 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khai thác biển đạt 275,8 nghìn tấn, tăng 5,7%.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2017, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.738,4 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.490,9 nghìn tấn, tăng 4,3%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.247,5 nghìn tấn, tăng 4,9%. (NDH)