tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-07-2017

  • Cập nhật : 28/07/2017

Sẽ điều tra sai phạm tại 3 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành dầu khí

Ba dự án bị điều tra, xử lý sai phạm gồm Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ, Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ và Dung Quất.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vừa có văn bản yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo, điều tra làm rõ và xử lý sai phạm tại 3 dự án thua lỗ nghìn tỷ của PetroVietnam.

“Bộ Công an phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao chọn một số vụ án, vụ việc tham nhũng điển hình để tổng kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục đưa một số vụ án vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo”, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu.Nhà máy xơ sợi Đình Vũ; dự án xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ, và dự án xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất là 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam).

du an ethanol dung quat dap chieu, tam dung hoat dong gan 2 nam nay. anh: h.t

Dự án ethanol Dung Quất đắp chiếu, tạm dừng hoạt động gần 2 năm nay. Ảnh: H.T

Trong số 3 dự án này, dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Dung Quất bên cạnh việc đội vốn lên hơn 2.100 tỷ đồng và bị lỗ 200 tỷ đồng sau một năm hoạt động. Hiện dự án này đã tạm dừng hoạt động gần 2 năm nay. 

Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ được khởi công xây dựng từ quý III/2009, nhưng đã tạm ngừng từ tháng 11/2011 đến nay. Tổng nợ phải trả đến hết tháng 12/2016 của dự án này gần 830 tỷ đồng.

Còn dự án Xơ sợi Đình Vũ (PVTex) có tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỷ đồng) ra đời cuối năm 2008. Ngày 29/5/2014, Nhà máy đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Làm ăn thua lỗ khiến PVTex phải dừng vận hành từ 17/9/2015 đến nay, nhiều nhân sự phải nghỉ việc tạm thời.

Năm 2015, PVTex lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ. Trước đó trong năm 2014, doanh thu của nhà máy này cũng chỉ đạt 992 tỷ đồng, lỗ 1.085 tỷ.

Tại cuộc họp về xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ "phê bình" lãnh đạo PetroVietnam khi không "nhúc nhích" trong xử lý các dự án thua lỗ thuộc tập đoàn này. Trong khi một số dự án thua lỗ khác của ngành Công Thương có chuyển biến, tái khởi động sản xuất, thì các dự án của PetroVietnam "gần như không có chuyển biến gì, tình hình còn tệ đi". Ông yêu cầu lãnh đạo PetroVietnam thành lập tổ công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể và đặt ra lộ trình, thời hạn rõ ràng, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho số dự án này.(Vnexpress)
-----------------------

TP.HCM khả quan thu ngân sách đạt 347.000 tỉ năm 2017

7 tháng đầu năm 2017 thu ngân sách TP.HCM đạt 188.000 tỉ đồng nhờ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuận lợi, vì thế mục tiêu thu 347.000 tỉ năm 2017, theo Cục thuế TP.HCM, là khả thi. 

quang canh cuoc hop ve tinh hinh tai chinh, thuong mai tren dia ban tp.hcm 7 thang dau nam vao sang 27-7 - anh: n.binh

Quang cảnh cuộc họp về tình hình tài chính, thương mại trên địa bàn TP.HCM 7 tháng đầu năm vào sáng 27-7 - Ảnh: N.BÌNH

Đại diện Cục Thuế TP.HCM, trong cuộc họp về tình hình tài chính, thương mại trên địa bàn TP.HCM 7 tháng đầu năm vào sáng 27-7, cho biết trong tổng thu ngân sách 188.000 tỉ đồng 7 tháng đầu năm, riêng phần thu nội địa đạt 130.000 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ. 

Thu ngân sách thuận lợi nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khả quan. 

Đại diện Cục thuế cũng cho biết với đà thu thuế hiện nay, khả năng hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 347.000 tỉ đồng là khả thi.

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã nhấn mạnh các mục tiêu cải cách các thủ tục hành chính nhằm đưa mức tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của thành phố từ mức 8% thì những tháng còn lại ít nhất phải đạt mức 9,2%.

Muốn vậy, theo ông Tuyến, các cơ quan ban ngành phải hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh, trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, "nếu thấy bất cập hay phiền hà cho doanh nghiệp thì chủ động đề xuất cải tiến".

Ông Tuyến cho rằng tùy theo thẩm quyền các cơ quan ban ngành có thể xử lý "chứ không nên chờ xin ý kiến, mất cơ hội của doanh nghiệp".

"Cán bộ công chức cũng phải tự kiểm soát, chấn chỉnh thái độ phục vụ khi tiếp xúc với doanh nghiệp, người dân. Không để những sự việc nhỏ trong hoạt động gây phiền hà không đáng có", ông Tuyến nói.

Ông Tuyến cũng cho biết bên cạnh duy trì các tổ tiếp nhận ở quận, huyện, TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, theo hướng một cửa tại các sở, ngành.

Điều này có nghĩa là cơ quan tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp và người dân cũng chính là cơ quan trả kết quả, "không để doanh nghiệp phải xách cặp đi từng đến sở ngành làm thủ tục, mất thời gian".

“Cải cách này vừa tăng hiệu quả dịch vụ công vừa hạn chế tình trạnh nhũng nhiễu, tiêu cực, hạn chế tiếp xúc giữa cán bộ và doanh nghiệp. Ngay cả trong vấn đề xử phạt của các ngành cũng tiến đến một cửa”, ông Tuyến cho biết.

Về tổ chức hàng hóa cho toàn TP.HCM, đặc biệt hàng hóa cho Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đại diện UBND TP.HCM khẳng định chủ trương của thành phố sẽ tiếp tục chương trình bình ổn hàng hóa, đẩy mạnh giải tỏa, xử lý chợ tự phát, thay thế bằng bán hàng lưu động, phục vụ sinh viên, công nhân với giá ưu đãi.

Chợ tự phát không chỉ lấn chiếm lòng lề đường mà còn là nơi tiêu thụ thực phẩm bẩn, ảnh hưởng sức khỏe của người dân.

“Chương trình bình ổn hàng hóa của thành phố không chỉ kiểm soát về giá mà còn gắn với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Tuyến nói.(Tuoitre)
----------------------

IMF công bố công cụ cứu trợ mới không dùng tiền

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra một công cụ mới không sử dụng tiền để hỗ trợ các chính phủ gặp rắc rối về tài chính.

Theo AFP, đây là bước đi chính thức hóa động thái mà IMF thực hiện với Hy Lạp hồi tuần trước. Cụ thể, thay vì cung cấp những khoản vay rẻ cho các nước thành viên, công cụ mới của IMF sẽ đóng vai trò là dấu ấn chấp nhận tốt cho chương trình cải cách của chính phủ. Với sự chấp thuận từ IMF, chính phủ các nước có thêm khả năng để tiếp cận các hình thức tài chính khác từ ngân hàng và thị trường trái phiếu.

IMF cho biết trong tuyên bố: “Công cụ mới được thiết kế để giúp các nước mở nguồn tài chính từ chủ nợ và nhà hỗ trợ chính thức cũng như tư nhân. Nó cho phép các chính phủ thể hiện cam kết cải cách và thúc đẩy tài trợ từ các nguồn khác”.

Tuần trước, IMF phục hồi một cơ chế hiếm khi được sử dụng, theo đó tổ chức thông qua một khoản vay một năm cho Hy Lạp nhưng hoãn giải ngân cho đến khi nước này được xóa nợ đáng kể từ các đối tác trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone).

Điều này cũng có hiệu quả tương tự như công cụ mới khi giúp Hy Lạp quay lại thị trường trong tuần này, phát hành 3 tỉ EUR, tương đương 3,5 tỉ USD, trái phiếu kỳ hạn 5 năm và xóa bỏ rào cản lớn trong đàm phán với eurozone.

Ủy ban IMF trong tháng này phê duyệt Công cụ Điều phối Chính sách (PCI) phi tài chính, công cụ vốn không giống như các chương trình tài trợ truyền thống, sẽ không bao gồm bất kỳ điều kiện tham gia nào miễn là quốc gia không quá hạn thanh toán các khoản nợ với IMF.

Thay vì cho vay để đổi lấy việc tuân thủ nghiêm ngặt chương trình cải cách kinh tế và tài chính được thông nhất, IMF sẽ chỉ tập trung vào gói chính sách của chính phủ. Dù vậy, tổ chức cũng nhấn mạnh rằng “các chính sách được hỗ trợ theo hình thức công cụ này sẽ được yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn giống như tiêu chuẩn về khoản cho vay của IMF”.

Nhân viên IMF sẽ đánh giá định kỳ theo PCI sáu tháng một lần, dù vậy, lịch trình cũng như thời lượng của chương trình sẽ linh hoạt. IMF luôn cung cấp tư vấn chính sách cho các nước thành viên về nhiều chủ đề, trong đó bao gồm cải cách về chính sách thuế, lương hưu và lao động.

IMF cũng cung ứng một chương trình có tên Credit Line, tương tự như PCI khi cũng cung cấp dấu xác nhận cho chính sách kinh tế của một nước. Credit Line còn tạo ra một dòng vốn tín dụng chỉ được dùng đến nếu đất nước phải đối mặt với trường hợp tồi tệ vượt ngoài tầm kiểm soát, chẳng hạn như đợt lao dốc giá cả hàng hóa hoặc khủng hoảng tài chính toàn cầu.(Thanhnien)
--------------------

Hàng loạt ngân hàng báo lãi ‘khủng’

Theo báo cáo tài chính kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2017 của hàng loạt ngân hàng vừa được công bố mới đây cho thấy kết quả kinh doanh đều tăng trưởng mạnh, có những ngân hàng vượt gần 60% kế hoạch năm.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm mà Ngân hàng Quân đội (MB) vừa công bố cho thấy nhà băng này đã đạt hơn 2.524 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ năm 2016, hoàn thành trên 55% kế hoạch năm.  

Các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh khác của MB đều tăng trưởng tốt so với quý 1/2017 và so với cùng kỳ 2016. Cụ thể, tính đến 30/6/2017, tổng tài sản của MB đạt 276.245 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2016. Dư nợ tăng trưởng 15% so với năm 2016, huy động tăng trưởng 7% so với cùng kỳ.

Đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ này là thu nhập lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán cũng cải thiện mạnh so với cùng kỳ.

Cùng với sự tăng trưởng ấn tượng ở các chỉ tiêu về tài sản, huy động vốn và tín dụng, MB đã kiểm soát tốt chất lượng tín dụng. Tính đến hết 30/6/2017, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 1,28%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016. Số dư trích lập lập dự phòng rủi ro tín dụng đến ngày 30/6/2017 của MB là 2.281 tỉ đồng, trong khi tổng nợ từ nhóm ba đến nhóm năm của ngân hàng là 2.216 tỉ đồng. Điều này cho thấy MB đã tuân thủ chặt chẽ về trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định.

Tương tự, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2017 của BIDV, tính đến hết 30/06/2017, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm riêng ngân hàng mẹ đạt 4.050 tỷ đồng, tăng 24,7%so với cùng kỳ năm trước, tương đương 54% so với kế hoạch năm 2017, trong đó lợi nhuận trước thuế quý 2 năm 2017 đạt 1.993 tỷ, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng thu nhập từ góp vốn tăng so với cùng kỳ năm trước nếu loại trừ phần tăng đột biến từ hoạt động thoái vốn VID Public Bank trong năm 2016. BIDV thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đầy đủ, đồng thời tăng cường trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC để chủ động xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội. 

Kết quả hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2017 của VPBank cho thấy ngân hàng đạt mức tăng trưởng tốt ở hầu hết các chỉ số kinh doanh, cho thấy ngân hàng tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng bền vững và là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động hiệu quả nhất.

VPBank đã đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 3.260 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này vượt 10% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm, và tăng 107% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đến hết 30/06/2017 là 2.600 tỷ đồng, tăng 108% so với mức 1.250 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận tăng nhờ vào việc ngân hàng tiếp tục mở rộng mạng lưới khách hàng và gia tăng mức thu từ hoạt động dịch vụ.

Trái với xu hướng nhiều ngân hàng đồng loạt công bố mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan thì ngân hàng NCB vừa công bố thua lỗ trong quí 2/2017.

Do chi phí hoạt động tăng hơn 16% lên gần 230 tỷ đồng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 48% lên hơn 37 tỷ đồng, các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc ngân hàng tăng 6,4% nên NCB báo lỗ trước thuế 3,5 tỷ đồng trong quý 2/2017 - cao hơn mức lỗ của cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tính chung 6 tháng thì NCB báo lãi hơn 8 tỷ đồng. Đây là con số khá khiêm tốn với quy mô của ngân hàng có vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng.

Hiện cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc dân đang giao dịch trên sàn chứng khoán ở dưới mệnh giá, quanh mức 7.000 đồng/cổ phiếu.(PLO)

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 28-07-2017

Trở về

Bài cùng chuyên mục