tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 25-07-2017

  • Cập nhật : 25/07/2017

Giảm thuế, giá ô tô trong nước sẽ giảm mạnh?

Hiện nay DN Việt Nam phải nhập khẩu linh kiện với mức thuế suất khá cao từ 15-18% khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia.

giam thue, gia o to trong nuoc se giam manh?

Giảm thuế, giá ô tô trong nước sẽ giảm mạnh?

Để có cơ sở cho áp dụng các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra trong nước, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi với linh kiện, phụ tùng ô tô.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị điều chỉnh các chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Đây được xem là giải pháp cho ngành công nghiệp sản xuất ôtô trong nước.

Theo đó hiện nay, các nhà sản xuất ô tô Việt Nam vẫn phải nhập khẩu phần lớn các loại linh kiện. Cùng với đó, doanh nghiệp còn phải đóng mức thuế nhập khẩu linh kiện khá cao, từ 15-18%. Đây là lý do khiến chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với Thái Lan và Indonesia.

Sau năm 2018, khi thuế nhập khẩu từ ASEAN giảm về 0%, các nhà sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đối với dòng sản phẩm nhập từ Thái Lan và Indonesia vốn có lợi thế cạnh tranh về chi phí. Trước thực trạng này, một số doanh nghiệp sản xuất trong nước đã đề xuất việc hỗ trợ nhằm cắt giảm chi phí và duy trì sản xuất tại Việt Nam.

Chẳng hạn thay đổi giá tính thuế với xe sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng đến 31-12-2022 và không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện, phụ tùng nội địa hóa nhằm tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm sản xuất lắp ráp trong nước, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước…

Đại diện DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cho rằng việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với những chi tiết mà Việt Nam sản xuất được sẽ tác động tích cực đối với ngành công nghiệp ô tô trong nước; giúp giá thành sản xuất xe trong nước giảm đi và đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước cạnh tranh được với các nhà sản xuất xe từ nước ngoài.

"Cạnh tranh được về giá cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tăng tỷ lệ nội địa hóa các chi tiết, sản phẩm đối với ôtô", đại diện một DN cho biết.(PLO)
--------------------------

Tăng 1.255 mã hàng trong danh mục hàng xuất nhập khẩu mới

Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu VN 2017 chính thức được đưa vào áp dụng từ ngày 1-1-2018 sẽ tăng 1.255 mã hàng so với danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu VN ban hành theo quy định cũ.

Theo Tổng cục Hải quan, danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (XK, NK) VN mới này đã được chuẩn hóa các khái niệm trong việc phân loại hàng hóa XK, NK; giúp cơ quan quản lý và doanh nghiệp hoạt động XNK sử dụng các tên gọi và mã số có tính chuẩn mực, giúp doanh nghiệp phân loại các sản phẩm giao dịch được dễ dàng, tránh tình trạng hiểu “nước đôi” gây tranh cãi giữa doanh nghiệp và hải quan, đồng thời ngăn chặn được hành vi gian lận thương mại qua việc khai báo mã số hàng hóa.

Danh mục hàng hóa XK, NK VN 2017 sẽ cập nhật thay đổi về mô tả, công nghệ, kỹ thuật và phân loại hàng hóa trên nền Danh mục biểu thuế quan hài hòa ASEAN (AHTN 2017) để phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu thị trường, đồng bộ với Biểu thuế hài hòa chung ASEAN và HS 2017 của hải quan thế giới về mô tả, chú giải và mã hàng trong giai đoạn mới, tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập và trao đổi thương mại trong khu vực và thế giới.

Theo đó, có 2.321 mã hàng có mô tả mới để chi tiết những thay đổi về công nghệ, kỹ thuật, đặc tính thương mại, tiêu chuẩn môi trường…

Những thay đổi so với quy định cũ tập trung vào một số nhóm ngành gồm: ôtô, thủy sản, gỗ, hóa chất, sản phẩm ốp/lát bằng gốm sứ, máy móc thiết bị… là những ngành hàng có sự phát triển về công nghệ, kỹ thuật hoặc dịch chuyển thương mại, cần tăng cường quản lý về môi trường, hóa chất độc hại…

Trong đó, nội dung thay đổi nổi bật là ngành ôtô được chi tiết thêm các mã hàng của ôtô điện, xe điện, các loại xe có động cơ kết hợp (xe hybrid) xăng - điện, dầu - điện.(Tuoitre)
-------------------------

Siết chặt quy định tham gia thị trường hàng không

Thận trọng

Quan điểm thận trọng của Chính phủ trong việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và Giấy phép kinh doanh hàng không chung được thể hiện rất rõ trong Văn bản số 309/TB - VPCP ban hành giữa tuần trước.

Cụ thể, theo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, hàng không là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi một lượng vốn đầu tư lớn. Đồng thời, đây cũng là ngành đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia, công tác đối ngoại và an toàn giao thông.

giay phep kinh doanh vao linh vuc hang khong can duoc xem xet mot cach than trong. anh: duc thanh

Giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng. Ảnh: Đức Thanh

“Để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng và đúng quy định pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo.

Cần nói thêm rằng, thời điểm diễn ra cuộc họp cách đây 2 tháng về vấn đề này, có hai nhà đầu tư đệ đơn xin bay lên Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) là Công ty cổ phần Hàng không Skyviet (xin cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không) và Công ty cổ phần dịch vụ bay và du lịch biển Tân Cảng (xin cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung).

Đối với trường hợp Công ty Tân Cảng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ GTVT tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện Hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung theo đúng quy định pháp luật; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trước đó, đề xuất cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung của Công ty Tân Cảng được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận từ tháng 1/2017. Doanh nghiệp có số vốn điều lệ 100 tỷ đồng này dự kiến duy trì đội bay 2 chiếc phục vụ bay dịch hàng không chung như bay taxi, phục vụ khách du lịch, bay khảo sát địa chất.

Khó cho người mới

Trước đó, vào tháng 4/2017, Chính phủ đã phát đi thông báo, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar (Vietstar Air) sẽ chỉ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng Phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện Phương án điều chỉnh Quy hoạch đang được Bộ GTVT hoàn thiện. Nhưng, ngay cả khi được phê duyệt trong quý III/2017, vẫn cần thêm 2 đến 3 năm nữa để hoàn thành xây dựng Nhà ga hành khách mới và nâng vị trí sân đỗ tại Tân Sơn Nhất lên con số 85.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trịnh Khánh Phương, Chủ tịch Vietstar cũng phải thừa nhận, Hãng sẽ khó nhận được giấy phép bay trong thời gian tới nên nhà đầu tư sẽ dồn sức cho việc đầu tư vào Cảng hàng không lưỡng dụng Tân Sơn Nhất.

Các chuyên gia cũng cho rằng, với quan điểm thận trọng trong việc cấp phép, Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) thuộc Tập đoàn FLC sẽ cần thêm thời gian và điều kiện để hoàn thiện thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Liên quan đến hồ sơ của Bamboo Airways gửi Cục Hàng không Việt Nam hôm 6/6/2017, đơn vị này cho hay, cơ bản đáp ứng các yêu cầu về thành phần hồ sơ, ngoại trừ văn bản xác nhận vốn. Công ty cổ phần Tập đoàn FLC sau đó đã cam kết bảo lãnh về việc Tre Việt có đủ nguồn vốn để được cấp phép.

Tuy nhiên, cam kết của FLC là chưa đủ và chưa đúng quy định tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Cụ thể, phải có bản chính của tổ chức tín dụng xác nhận khoản tiền phong tỏa tại tổ chức tín dụng với tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép. Việc giải phóng khoản tiền phong tỏa này chỉ được thực hiện sau khi tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hoặc bị từ chối cấp phép bay.

Như vậy, Bamboo Airways còn cần văn bản xác nhận phong tỏa 700 tỷ đồng từ một tổ chức tín dụng và đây là điều kiện tiên quyết, không thể châm trước trong quá trình thẩm định, nhằm đảm bảo năng lực tài chính của đơn vị xin cấp phép bay.(Baodautu)
-----------------------

Cá tra Việt Nam đạt tiêu chuẩn hàng đầu trong hệ thống siêu thị Nhật

Tại Nhật Bản, Ngày “Sửu” của mùa Hè được cho là thời điểm nóng nhất trong năm. Năm nay ngày “Sửu” mùa Hè rơi vào ngày 25/7. Trong những ngày này, thực phẩm truyền thống giải nhiệt của Nhật Bản như lươn được bán nhiều tại các siêu thị.

Nhân dịp trên, siêu thị AEON Nhật Bản đã bán ra sản phẩm cá tra Việt Nam được chế biến và tẩm ướp theo gia vị món lươn truyền thống nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, sản phẩm cá tra của Việt Nam được bày bán tại siêu thị AEON Nhật Bản được xếp vào danh sách các mặt hàng “Top Valu” - tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm hàng đầu bán tại các siêu thị Nhật Bản.

Ông Keisuke Hino - quản lý bộ phận hàng thủy sản AEON khu vực Bắc Kanto Niigata - nêu rõ để đạt được tiêu chuẩn “Top Valu,” các mặt hàng phải đáp ứng thị hiếu của khách hàng và được chế biến theo quy trình chặt chẽ của AEON đảm bảo độ tin cậy và chất lượng.

Cũng theo ông Hino, sản phẩm cá tra Việt Nam được chế biến và tẩm ướp theo gia vị của món lươn truyền thống Nhật Bản được bày bán tại siêu thị AEON từ tháng Sáu năm nay, trong tương lai AEON dự kiến có đề án mở rộng bán ra sản phẩm này.

Cùng với các mặt hàng nông sản như chuối, xoài, thanh long ruột đỏ, cá tra cũng được coi là mặt hàng chiến lược, góp phần nâng kim ngạch thương mại của Việt Nam đối với Nhật Bản.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán, Trưởng Đại diện Bộ Công Thương tại Nhật Bản cho biết năm 2016, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Nhật Bản đạt khoảng 14 triệu USD; trong năm tháng đầu năm, kim ngạch mặt hàng thủy sản này đạt khoảng 7 triệu USD.
 

dai dien bo cong thuong va can bo phu trach sieu thi aeon nhat ban xem mat hang ca tra viet nam. (anh: thanh huu/ttxvn)

Đại diện Bộ Công Thương và cán bộ phụ trách siêu thị AEON Nhật Bản xem mặt hàng cá tra Việt Nam. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)


Theo ông Tạ Đức Minh, để đẩy mạnh xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường Nhật Bản, ngoài việc đảm bảo vệ sinh, an toàn theo tiêu chuẩn của Nhật Bản, quy trình nuôi, đóng gói bao bì, nhãn mác cũng rất quan trọng. Đối với thị trường Nhật Bản, trước mắt Việt Nam cần duy trì xuất khấu ổn định đối với thị trường này, sau đó nghiên cứu bổ sung thêm danh mục hàng hóa xuất khẩu mới.

Các mặt hàng thuộc “Top Valu” phải đảm bảo được năm tiêu chí là: sản phẩm được tạo ra theo thị hiếu người tiêu dùng; sản phẩm hướng tới sự an tâm của khách hàng bởi sự an toàn, thân thiện môi trường; thông tin cần thiết về sản phẩm được thể hiện đầy đủ, dễ hiểu; sản phẩm có giá thành hợp lý; và có cam kết luôn làm hài lòng khách hàng.

Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản như cá tra không chỉ hướng tới người tiêu dùng nước này, mà còn hướng tới nhu cầu của người Việt Nam tại Nhật Bản, trong bối cảnh số lượng người Việt sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đang không ngừng tăng lên. Đây cũng chính là mục tiêu của cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại nước ngoài năm 2017 (Vietnam+)

Trở về

Bài cùng chuyên mục