tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-08-2017

  • Cập nhật : 24/08/2017

Tập đoàn bất động sản lớn nhất Đông Nam Á sắp rót 300 triệu USD vào Việt Nam

CapitaLand vừa cho ra mắt quỹ đầu tư tư nhân đầu tiên ở Việt Nam với số vốn 300 triệu USD để đầu tư vào các dự án bất động sản hạng A.

mot du an cua capitaland o tp. hcm. anh: capitaland.

Một dự án của CapitaLand ở TP. HCM. Ảnh: CapitaLand.

 

CapitaLand, tập đoàn bất động sản lớn nhất Đông Nam Á, vừa ra thông báo cho biết đã thành lập quỹ đầu tư tư nhân đầu tiên của tập đoàn ở Việt Nam, với số vốn 300 triệu USD để đầu tư vào các dự án bất động sản hạng A tại đây.

Với thời hạn hoạt động 8 năm, quỹ CapitaLand Vietnam Commercial Fund I (CVCFI) do CapitaLand góp 40% vốn và số vốn còn lại do các nhà đầu tư tổ chức đóng góp.

Đầu năm 2008, CapitaLand đã ký biên bản ghi nhớ với Ngân hàng Citibank của Mỹ cùng lập một quỹ đầu tư trị giá 300 triệu USD đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam, trong đó CapitaLand sẽ góp 30% tổng giá trị quỹ.  

Lim Ming Yan, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của CapitaLand cho biết tập đoàn này nhận thấy các nhà đầu tư ngày càng để mắt tới Đông Nam Á, nhất là Việt Nam. Do đó, họ muốn đầu tư vào Việt Nam thông qua CapitaLand và quỹ CVCFI ra đời để nắm nhanh các cơ hội đầu tư tại đây.

“CapitaLand rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam và dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp tục ít nhất trong vòng 10 năm tới. Do quá trình đô thị hóa, nhu cầu mua bất động sản để ở ngày càng tăng. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận thấy xu hướng đi lên mạnh của lĩnh vực bất động sản thương mại do cung vẫn chưa đáp ứng cầu văn phòng chất lượng cao”, ông Lim nói.

Việc thành lập quỹ CVCFI sẽ giúp CapitaLand sớm đạt được mục tiêu nâng tổng tài sản lên 10 tỷ đô la Singapore (7,34 tỷ USD) vào năm 2020, thông cáo cho biết.

Trước đó, CapitaLand cho ra mắt quỹ đầu tư tư nhân Raffles City China Investment Partners III với số vốn 1,5 tỷ USD để đầu tư vào các dự án tại các thành phố cửa ngõ ở Trung Quốc.

Việt Nam là thị trường lớn thứ ba của CapitaLand tại Đông Nam Á, sau Singapore và Malaysia. CapitaLand có 9 dự án bất động sản, 22 khu căn hộ dịch vụ với 4.700 căn hộ và 1 dự án văn phòng hạng A tại 6 tỉnh thành phố tại Việt Nam.

Gần đây CapitaLand liên tục thâu tóm các dự án tại các thành phố lớn ở Việt Nam để mở rộng danh mục của mình.

Tháng 9/2016, thông qua công ty con là CapitaLand (Vietnam) Holdings, tập đoàn Singapore này đã chi 51,9 triệu USD để mua lại thành công một dự án có diện tích 0,5ha đất tại phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM, với mục đích xây dựng căn hộ thương mại và căn hộ dịch vụ cho thuê.

Đây là thương vụ M&A thứ ba ở Việt Nam của đại gia Singapore này kể từ tháng 6/2015 đến thời điểm đó, theo OCBC Investment Research.

Để chuẩn bị cho các kế hoạch đầu tư, cuối tháng 11/2016, CapitaLand cho biết sẽ thành lập một quỹ trị giá 500 triệu USD vào năm 2017 để đầu tư vào các dự án bất động sản thương mại, chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Đây sẽ là quỹ thứ hai tại Việt Nam của tập đoàn này, sau khi quỹ thứ nhất trị giá 200 triệu USD thành lập năm 2010 đã được giải ngân hết.(Bizlive)
------------------------

Mỹ tăng sức ép lên doanh nghiệp Trung Quốc

Các công tố viên Liên bang Mỹ đang chuẩn bị những biện pháp mới nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc là kênh tài chính quan trọng của chính phủ Triều Tiên.

Đây được xem là nỗ lực mới nhất nhằm giúp chính quyền Tổng thống Donald Trump trấn áp chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Văn phòng chưởng lý Mỹ ở Washington hồi tháng 5 được phép đóng băng nguồn tài chính của những doanh nghiệp Trung Quốc bị tố tham gia vào hoạt động tài trợ cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Số tiền bị phong tỏa khi được giao dịch qua các ngân hàng Mỹ. Giờ đây, các công tố viên tính đến việc thu giữ số tiền này, bên cạnh những động thái khác. Có 8 ngân hàng ở Mỹ tham gia vào các giao dịch chuyển tiền kể trên.

Tâm điểm của các biện pháp trên là Công ty Zhicheng Đan Đông - doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu than từ Triều Tiên nhiều nhất - và 4 doanh nghiệp liên quan được sử dụng để mua than bằng USD. Theo tờ The Wall Street Journal, trong mấy ngày tới, các công tố viên Mỹ sẽ có thêm biện pháp mới nhằm vào những công ty khác đóng tại TP Đan Đông, giáp biên giới Triều Tiên.

Mỹ tăng sức ép lên doanh nghiệp Trung Quốc - Ảnh 1.

Than đá xuất khẩu là nguồn ngoại tệ chính của Triều Tiên Ảnh: CETUS NEWS

Trung Quốc cũng có những bước đi để kiềm chế tham vọng tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên dù một số chuyên gia hoài nghi về hiệu quả của chúng. Vào tuần rồi, Bắc Kinh thông báo gia hạn lệnh cấm nhập khẩu than đá của Triều Tiên đến năm tới. Lệnh cấm này còn áp dụng cho cả sắt, quặng sắt và hải sản. 

Các nhà phân tích nhận định lệnh cấm mới nhất sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho nguồn thu của Bình Nhưỡng để hỗ trợ các chương trình quân sự. Tuy nhiên, ông Justin Hastings, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Sydney (Úc), thắc mắc liệu Trung Quốc sẽ thi hành nghiêm ngặt lệnh cấm trên trong thời gian dài.

Năm 2016, Triều Tiên xuất khẩu sang Trung Quốc lượng than đá, quặng sắt, quặng chì và hải sản trị giá gần 1,5 tỉ USD, chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu vào quốc gia này. Còn trong nửa đầu năm 2017, hai con số này lần lượt là 474,6 triệu USD và 53,5%. Theo báo South China Morning Post, đây là nguồn ngoại tệ chính của Bình Nhưỡng. Trong số này, than đá đem lại cho Bình Nhưỡng nhiều tiền nhất (1,2 tỉ USD năm 2016).(PLO)
-----------------------

Duyệt quy hoạch khu dân cư mới Picenza Mỹ Hưng rộng 34ha tại Sơn Tây

Theo quy hoạch, các công trình công cộng cao tầng (chức năng thương mại dịch vụ, văn phòng,...) sẽ được bố trí giáp tuyến Quốc lộ 21 nhằm khai thác điểm nhấn cho tuyến đường này và khu vực cửa ngõ của khu quy hoạch. 

Duyệt quy hoạch khu dân cư mới Picenza Mỹ Hưng rộng 34ha tại Sơn Tây

Ảnh minh họa.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu dân cư mới Picenza Mỹ Hưng, tỷ lệ 1/500, tại phường Trung Hưng và xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây).

Theo đó, quy mô lập quy hoạch chi tiết khu dân cư nên trên rộng 341.956m2; dân số quy hoạch dự kiến 2.367 người.

Bố cục không gian kiến trúc toàn khu dân cư với không gian thấp tầng kết nối giữa khu vực làng xóm hiện hữu và khu vực xây dựng mới tạo không gian cảnh quan hài hòa toàn khu vực đô thị; thiết lập trục không gian cảnh quan chính, tạo không gian mở với các khu vực cây xanh và kết nối với tuyến Quốc lộ 21.

Công trình công cộng bố trí giáp các tuyến đường đô thị, đường khu vực. Giáp tuyến đường Quốc lộ 21 bố trí công trình công cộng cao tầng (chức năng thương mại dịch vụ, văn phòng,...) nhằm khai thác điểm nhấn cho tuyến đường và khu vực cửa ngõ của khu quy hoạch.

Đồng thời, tạo lập trục không gian giao thông - cây xanh tập trung lớn với kết thúc là khu vườn quả, là không gian cây xanh mở làm điểm nhấn cho khu vực. Các khu cây xanh nhóm ở được bố trí phân tán theo các dãy nhà liền kề nhằm tạo được cảnh quan cũng như điều kiện vi khí hậu tốt cho khu vực. Tổ chức kết hợp các điểm nghỉ, đường dạo tăng cường tiện ích cho dân cư khu vực.

Tổ chức dãy nhà ở giáp mặt đường lớn theo hình thức nhà phố thương mại kết hợp với các khu nhà ở liền kề, khu biệt thự thấp tầng được nghiên cứu thống nhất đồng bộ trong các dãy nhà tạo được sự hài hòa về không gian, phù hợp chiều cao chung với khu vực; tận dụng khoảng không gian trống bố trí cây xanh tạo bộ mặt đô thị hiện đại, tiện nghi. Cụm các công trình hạ tầng xã hội như: Trường THPT, nhà văn hóa, trường mầm non, cây xanh được bố trí đảm bảo bán kính phục vụ.(Bizlive)
----------------------------

Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ của thị trường bia toàn cầu

Trong bối cảnh sản lượng bia toàn cầu trong năm 2016 giảm, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam vẫn tăng. 

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Một khảo sát được tập đoàn Kirin Holdings (Nhật Bản) tiến hành tại 171 quốc gia và khu vực cho thấy sản lượng bia toàn cầu năm 2016 đạt hơn 190,9 tỷ lít, giảm 0,6% so với năm 2015. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp sản lượng bia toàn cầu sụt giảm.

Theo khảo sát này, lượng tiêu thụ bia ở các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam và Mexico tăng mạnh, nhưng lại giảm ở Trung Quốc, Mỹ và các thị trường hàng đầu khác.

Do nhu cầu bia tại Trung Quốc không tăng vì thị trường bão hòa và thời tiết không thuận lợi, sản lượng bia tại quốc gia đông dân nhất thế giới giảm 3,7%.  

Tương tự, sản lượng bia tại Mỹ giảm 0,7%. Sự ưa chuộng các loại bia thủ công cho thấy ngày càng có nhiều người tiêu dùng Mỹ không còn uống cho đã mà chuyển sang thưởng thức hương vị bia, Kirin nhận xét.

Tình hình ở Nhật Bản cũng không khá hơn khi sản lượng bia và cả các sản phẩm tương tự bia đã giảm 2,1% trong năm ngoái.

Tính từ năm 2006 tới nay, lượng bia sản xuất tại Nhật Bản đã giảm 15,5%, cho thấy các đồ uống có cồn khác như rượu shochu ngày càng tăng thị phần. Dù vậy, Nhật Bản vẫn giữ vị trí nhà sản xuất bia lớn thứ 7 thế giới trong 14 năm liên tiếp.

anh: istock 

Ảnh: iStock 

Trong khi đó, sản lượng bia của Việt Nam năm 2016 tăng 11,2% so với năm 2015 và tăng gấp 3 lần so với năm 2006, nhờ tăng trưởng kinh tế nhanh và tỷ lệ dân số trẻ cao. Tốc độ tăng sản lượng bia trong năm 2016 của Mexico là 8,1%, báo cáo cho biết

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản lượng bia năm 2016 của Việt Nam là 3,788 tỷ lít bia. Như vậy, tính trung bình mỗi người Việt uống 42 lít bia, tăng khoảng 4 lít so với năm ngoái. Với lượng tiêu thụ này, Việt Nam đứng thứ ba châu Á, sau Nhật Bản và Trung Quốc.

Dự báo năm 2017, sản lượng của ngành bia trong nước đạt khoảng 3,988 tỷ lít, tăng 10% so với 2016. Nếu tính cả lượng bia nhập ngoại, người Việt sẽ uống nhiều bia hơn nữa.

Trong buổi hội kiến Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tuần trước, ông Keisuke Nishimura, Phó Chủ tịch điều hành, Thành viên cao cấp Hội đồng quản trị Tập đoàn Kirin Holdings cho biết tập đoàn mong muốn đầu tư chiến lược dài hạn vào Sabeco.

Kirin nằm trong số gần 10 hãng bia quốc tế bày tỏ quan tâm trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco, bên cạnh Heineken, Anheuser-Busch InBev, Asahi Group Holdings, Singha Asia Holding và Thai Beverage.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục