tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-07-2017

  • Cập nhật : 20/07/2017

Trung Quốc đang vượt Mỹ về năng lượng tái tạo

Trong khi Washington tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nỗ lực khôi phục lại ngành than, thì Bắc Kinh lại đang đi ngược hướng khi đổ hàng trăm tỉ USD để thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng sạch.

trang trai dien mat troi noi lon nhat the gioi vua duoc hoan thanh tai tinh an huy cua trung quoc anh: reuters

Trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới vừa được hoàn thành tại tỉnh An Huy của Trung Quốc ẢNH: REUTERS

Báo cáo hằng năm gần đây nhất của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế cho thấy Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới với 3,5 triệu việc làm được tạo ra trong lĩnh vực năng lượng sạch, vượt xa con số 260.000 lao động trong cùng ngành của Mỹ.

Theo CNN, tuy than vẫn chiếm phần lớn trong tiêu thụ năng lượng của Đại lục, nhưng chính phủ nước này gần đây đã ra lệnh đóng cửa nhiều mỏ than, hạn chế xây dựng các nhà máy điện than mới và đưa ra kế hoạch cắt giảm khoảng 1,3 triệu việc làm trong ngành. Thay vào đó, quốc gia từng đứng đầu hành tinh về mức độ ô nhiễm sẽ tập trung xây dựng thêm những trang trại năng lượng mặt trời và năng lượng gió rộng lớn, qua đó có thể góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp bán sản phẩm tạo năng lượng sạch của họ trên khắp thế giới.

“Than đá là vua ở Trung Quốc, nhưng giờ đây chính phủ nước này đã thừa nhận rằng năng lượng sạch mới là nơi tạo ra nhiều cơ hội kinh tế trong tương lai”, Alvin Lin, giám đốc chính sách về khí hậu và năng lượng của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên tại Bắc Kinh, nói.

Theo thống kê chính thức của tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace), tiêu thụ năng lượng sạch của Trung Quốc đã tăng lên 12% vào cuối năm 2015. Các nguồn năng lượng tái tạo chiếm khoảng 10% tổng tiêu thụ năng lượng của Mỹ.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đặt cược lớn vào năng lượng tái tạo khi cam kết đầu tư 2.500 tỉ nhân dân tệ, tương đương 367 tỉ USD, để sản xuất năng lượng từ mặt trời, gió, thủy điện và hạt nhân vào năm 2020. Trung Quốc cũng đã trở thành nhà sản xuất - xuất khẩu lớn các sản phẩm năng lượng tái tạo, cung cấp khoảng hai phần ba số lượng pin mặt trời và gần một nửa số tuabin gió trên thế giới.

Thành quả mới nhất của đất nước châu Á là việc hoàn thành dự án trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới với công suất khổng lồ lên tới 40 GW, được xây dựng tại một thị trấn mỏ ngập nước thuộc tỉnh An Huy ở phía đông Trung Quốc. “Cả thế giới đều đồng ý rằng chúng ta cần phải chống lại sự thay đổi khí hậu. Và tôi tin rằng việc xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời sẽ trở thành xu hướng”, Yao Shaohua, phó giám đốc dự án, nói.

Sự thống trị ngày càng tăng của Đại lục trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đang tạo ra ảnh hưởng lớn đến thị trường toàn cầu. Theo Viện Năng lượng GW tại Đại học George Washington, các nhà sản xuất đã tăng đáng kể sản lượng pin mặt trời, với khoản vay trị giá khoảng 42 tỉ USD trong giai đoạn 2010 - 2012. “Cơn lũ” các tấm pin năng lượng của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính khiến giá của sản phẩm này trên thế giới sụt giảm 80% trong những năm 2008 - 2013.

Tháng trước, Mỹ cáo buộc Trung Quốc vì đã tung ồ ạt các tấm pin mặt trời ra thị trường, mở cơ sở sản xuất ở nước thứ ba để tăng cạnh tranh với các nước khác. Bộ Thương mại Mỹ mới đây cũng tuyên bố họ sẽ bắt đầu áp đặt mức thuế cao đối với các tấm pin mặt trời của Trung Quốc để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước.(Thanhnien)
---------------------

Mercedes-Benz bất ngờ thu hồi 3 triệu xe

Daimler, Công ty sở hữu thương hiệu xe sang Mercedes-Benz mới đây quyết định thu hồi hơn 3 triệu xe do những tranh cãi về lượng khí thải động cơ diesel.

Hôm thứ 3, Daimler cho biết hãng đang cung cấp dịch vụ nâng cấp động cơ diesel miễn phí dành cho khách hàng tại châu Âu nhằm cải thiện lượng khí thải từ động cơ diesel. Daimler phải chi ra 255 triệu USD để thực hiện kế hoạch này.

"Những tranh cãi về động cơ diesel hiện vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy chúng tôi quyết định đưa ra thêm những biện pháp mới nhằm tái khẳng định với khách hàng về chất lượng của động cơ xe đồng thời củng cố thêm lòng tin đối với công nghệ diesel", CEO Dieter Zetsche cho biết.

Daimler đồng thời cho hay hãng đang sản xuất thế hệ động cơ diesel mới với lượng khí thải được kiểm định nghiêm ngặt bởi các cơ quan độc lập. Dòng động cơ diesel mới này sẽ nhanh chóng được lắp ráp trên các mẫu xe mới nhất của Mercedes-Benz.

Tuần trước, một số lãnh đạo của Daimler bị chính phủ Đức triệu tập sau khi truyền thông nước này đưa tin Daimler gian lận trong bài kiểm tra khí thải. Hãng tin Sueddeutsche Zeitung cho biết giới chức Đức điều tra 2 động cơ đang được sử dụng cho hơn 1 triệu chiếc xe được bán tại Mỹ và châu Âu.

Công ty sở hữu Mercedes-Benz sẽ kết hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong vụ điều tra này nhưng từ chối đưa ra bình luận về vụ việc. Trước đó, Volkswagen cũng từng thừa nhận việc cài phần mềm để gian lận trong kiểm tra khí thải.(NDH)
--------------------------------

Mỹ công bố mục tiêu tái đàm phán NAFTA

Theo CNN, đại diện thương mại Mỹ của ông Trump, Robert Lighthizer, vừa công bố danh sách các mục tiêu đàm phán NAFTA mới, hiệp định thương mại giữa Mỹ, Canada và Mexico. Đứng đầu danh sách này là mục tiêu giảm thâm hụt thương mại Mỹ với Mexico.

Thâm hụt thương mại Mỹ với Mexico là 63 tỉ USD hồi năm ngoái và số liệu này tăng đáng kể từ khi NAFTA có hiệu lực vào năm 1994. Mỹ không thâm hụt thương mại với Canada hồi năm ngoái.

Đội ngũ của Tổng thống Mỹ cho rằng thâm hụt thương mại với Mexico góp phần khiến các thành phố sản xuất của Mỹ gặp khó. Báo cáo của chính quyền đưa ra cho biết: “Kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực từ năm 1994, thâm hụt thương mại tăng mạnh, hàng ngàn nhà máy đóng cửa và hàng triệu người Mỹ chật vật”.

Ông Trump đặt NAFTA là mục tiêu thương mại số một trong chiến dịch vận động tranh cử vào Nhà Trắng, cho đây là hiệp định thương mại tồi tệ nhất. Dù vậy, Phòng Thương mại Mỹ cho hay 14 triệu việc làm ở nước này phụ thuộc vào thương mại với Canada và Mexico. Biên giới phía bắc và phía nam của Mỹ mỗi ngày đón 1 tỉ USD giá trị thương mại nhập khẩu, xuất khẩu.

Các mục tiêu tái đàm phán NAFTA được viết một cách chung chung và khiến nhiều chuyên gia thương mại lo ngại. Chuyên gia Gary Hufbauer tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson chỉ ra rằng chính quyền của Tổng thống Trump muốn cải thiện khả năng tiếp cận hàng xuất khẩu của Mỹ thông qua “thương mại cân bằng”, song những từ ngữ này có thể được diễn giải thành mở cửa cho thuế quan và hạn ngạch.

Một mục tiêu khác là Mỹ phải “thực hiện nghiêm túc luật thương mại”, bao gồm việc sử dụng một số loại thuế quan nhất định. Mục tiêu trên được đặt tiêu đề “giải pháp thương mại” khiến giới phân tích e ngại rằng ông Trump đang tìm kiếm chính sách bảo hộ.

Hiện tại, các sản phẩm của Mexico, Canada và Mỹ qua biên giới lẫn nhau được miễn thuế quan. Bất kỳ mức thuế tiềm năng nào cũng phải được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc một ủy ban giải quyết tranh chấp đặc biệt của NAFTA thông qua.

Đội ngũ của ông Trump đang kêu gọi chấm dứt nền tảng NAFTA, điều này giúp Mỹ áp thuế dễ dàng hơn. Phần còn lại của mục tiêu tái đàm phán NAFTA tương tự như những điều khoản trong Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Trump từng chỉ trích.

Phía Mỹ kêu gọi cả ba nước tham gia NAFTA đặt ra tiêu chuẩn lao động cao hơn. Việc này sẽ khiến nhân công ở Mexico đắt đỏ và kém hấp dẫn hơn trong mắt giới doanh nghiệp Mỹ. Nước này cũng kêu gọi luật về môi trường tốt hơn và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh hơn. Đây là các phần chính của TPP.

Chuyên gia Phil Levy thuộc Hội đồng các vấn đề toàn cầu của Chicago cho hay: “Chúng gần như các mục tiêu của TPP đến mức chính quyền chỉ cần cắt và dán từ văn bản của TPP”. Giới chuyên gia không cho rằng chuyện giảm thâm hụt thương mại có thể đem việc làm ngành sản xuất về Mỹ và vực dậy ngành này. Các Bộ trưởng kinh tế của Mexico và Canada ghi nhận những mục tiêu mà Mỹ mới đặt ra, cho hay họ hoan nghênh các cuộc đàm phán NAFTA sắp tới.(thanhnien)
---------------------------

HSBC hạ dự báo tăng trưởng năm 2017 của Việt Nam xuống 6%

Bên cạnh tăng trưởng GDP, HSBC cũng hạ dự báo chỉ số lạm phát năm nay và năm tới của Việt Nam lần lượt xuống còn 2,6% và 2,8% so cùng kỳ năm (từ mức 4,4% và 4%).

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam vừa được ngân hàng HSBC công bố, sau khởi đầu năm khá chậm chạp, GDP của Việt Nam trong quý II đã tăng lên 6,2%. Mức tăng trưởng này cao hơn so với dự báo trước đây của HSBC là 5,9%, nhờ vào kết quả hoạt động khả quan ở hai lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

Mặc dù vậy, nhà băng này vẫn điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2017 từ 6,4% xuống 6% sau khi tính toán cả các chỉ số thấp của quý I/2017.

"Tăng trưởng trong quý I/2017 chạm mức thấp nhất trong ba năm với mức 5,2%, chủ yếu là do xuất khẩu mặt hàng điện tử sụt giảm. Việc Công ty điện tử Samsung, vốn chiếm khoảng 20% tổng lượng xuất khẩu của cả nước, chấm dứt sản xuất điện thông minh Galaxy Note 7 đã ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam", báo cáo của HSBC nhận định.

HSBC cho rằng, tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ, trong chừng mực nào đó, đã bị kéo lại do lĩnh vực khai khoáng tiếp tục đi xuống. Công nghiệp khai thác đá và khoáng sản đã co lại trong sáu quý liên tiếp, trong đó quý 2/2017 sụt giảm 7,6%. Sự trì trệ trong lĩnh vực khai khoáng là một phần lý do Việt Nam trong thời gian qua không thể liên tục đạt được tăng trưởng cao hơn, bất chấp tín hiệu khả quan trong những lĩnh vực khác.

Cùng với việc hạ dự báo tăng trưởng GDP, HSBC cũng điều chỉnh dự báo chỉ số lạm phát năm nay và năm tới của Việt Nam lần lượt xuống còn 2,6% và 2,8% so cùng kỳ năm (từ mức 4,4% và 4%), trong bối cảnh quỹ đạo lạm phát chậm lại suốt đầu năm.

Tuy nhiên, ngân hàng nhận định vẫn có những rủi ro đang tăng lên trong nửa cuối năm, khi chi phí y tế tiếp tục gia tăng trong lúc các chính sách cải tổ trợ giá đang tiếp tục. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính dự báo áp lực về giá tăng lên trong dài hạn, do điều chỉnh tăng lương có khả năng bắt đầu vào tháng Bảy và điều kiện thời không thuận lợi trong nửa cuối năm.

Theo HSBC, bất chấp bức tranh kinh tế đầu năm khá ảm đạm, kết quả khả quan của Việt Nam trong quý II/2017 đã khẳng định nền tảng kinh tế mạnh mẽ của đất nước. Ngân hàng kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng này trong nửa cuối năm nhờ sự gia tăng về sản xuất nông nghiệp và đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, HSBC cũng lưu ý rằng dữ liệu quý II/2017 càng cho thấy rõ sự phụ thuộc của đất nước vào sản xuất công nghiệp và xuất khẩu (cụ thể là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài) trong việc duy trì tăng trưởng.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục