tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 19-05-2017

  • Cập nhật : 19/05/2017

Tập đoàn Tetra Pak hiện thực hoá nhà máy 110 triệu USD tại Việt Nam

Trong năm nay, Tetra Pak chính thức xây dựng nhà máy sản xuất bao bì giấy đóng gói thực phẩm dạng lỏng đầu tiên ở Việt Nam để phục vụ các nhà sản xuất thực phẩm trên toàn khu vực.

nhu cau cua nguoi tieu dung thay doi nhanh chong buoc cac thuong hieu phai thay doi mau ma, bao bi de san pham canh tranh hon

Nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng buộc các thương hiệu phải thay đổi mẫu mã, bao bì để sản phẩm cạnh tranh hơn

Nhà máy được đặt tại gần TP.HCM, với tổng vốn đầu tư 110 triệu USD được tập đoàn này công bố cuối năm 2016. Tuy nhiên đến năm nay mới nhận được giấy phép đầu tư và dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào đầu năm 2019. Nhà máy này sẽ bổ trợ cho ba nhà máy hiện tại ở Singapore, Ấn Độ và Nhật Bản.

Việc đầu tư xây dựng nhà máy được đưa ra trong bối cảnh lượng tiêu thụ sữa nước và đồ uống trái cây đóng hộp trong khu vực không ngừng gia tăng.

Trong năm 2016, tổng lượng tiêu thụ của hai ngành hàng này tại các thị trường ASEAN, Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand đạt 70 tỷ lít. Trong ba năm tới, các ngành hàng này dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 5,6% mỗi năm.

Tại Việt Nam, ngành sữa được dự báo tăng trưởng ổn định với mức tiêu thụ bình quân đầu người dự kiến tăng gấp đôi lên 28 lít vào năm 2020, so với 15 lít/người/năm ở năm 2010. Trong khi đó, ngành hàng nước trái cây và rau củ tươi dự kiến tăng trung bình 17.5% trong 5 năm tới.

Nhà máy mới dự kiến có công suất lên tới 20 tỷ hộp bao bì mỗi năm với nhiều chủng loại bao bì giấy đa dạng, bao gồm các loại bao bì giấy rất phổ biến ở thị trường Việt Nam, như Tetra Brik Aseptic và Tetra Fino Aseptic.

“Việc đầu tư nhà máy mới thể hiện sự tin tưởng của chúng tôi về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Nó sẽ giúp đáp ứng cho xu hướng tiêu thụ đồ uống đóng hộp có lợi cho sức khoẻ đang ngày càng gia tăng của tầng lớp trung lưu ở đây”, ông Robert Graves nhận định.

Trong các yếu tố thúc đẩy xu hướng này, hai yếu tố quan trọng nhất là mức tăng tiền lương thực tế ở Việt Nam (cao nhất tại châu Á với 7,3%), và ý thức ngày càng tăng của người tiêu dùng về sức khỏe và vấn đề an toàn thực phẩm. Ở Việt Nam, ngành hàng sữa, được xem là ngành hàng lớn nhất và cũng là ngành hàng kinh doanh cốt lõi của Tetra Pak, dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định.

Bao bì đóng vai trò rất quan trọng cho ngành thực phẩm và đồ uống, do đó nhà máy mới sẽ tạo một cú hích cho sự phát triển ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội và tiến trình hội nhập khu vực trong lĩnh vực chuỗi cung ứng của đất nước.

Tetra Pak đang có nhiều động thái mở rộng kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của thị trường châu Á. Mới đây, Tetra Pak đã khai trương Trung tâm Hỗ trợ Sáng tạo cho Khách hàng (CIC) đầu tiên của Châu Á tại Singapore.

Trung tâm này sẽ giúp các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống trong khu vực có thể khám phá những cơ hội mới, nắm bắt các phát minh hiện đại nhất và tạo ra những giải pháp mang lại ưu thế cho thương hiệu của họ.

Theo ông BertJan Post, Phó Chủ tịch Marketing và Quản trị Sản phẩm, Tetra Pak Khu vực Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương, khu vực Châu Á là một thị trường năng động và đang phát triển nhanh, đồng thời cũng đang ngày càng phức tạp hơn.

Thị trường này đang mở rộng những phân khúc khách hàng và nhu cầu mới với sự cạnh tranh ngày càng tăng cùng với tốc độ phát triển công nghệ và hoạt động giao thương xuyên biên giới ngày càng được đẩy mạnh. Điều đó đòi hỏi các thương hiệu phải tập trung sâu hơn vào việc đổi mới, tùy biến cho phù hợp với nhu cầu riêng của người tiêu dùng, cũng như cải tiến và đẩy nhanh quá trình sản phẩm được đưa ra thị trường.

Trung tâm CIC tại Singapore là trung tâm thứ ba của Tetra Pak nằm trong mạng lưới toàn cầu đang không ngừng mở rộng của CIC, bên cạnh Denton (Hoa Kỳ) và Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất).(Baodautu)
--------------------------------

Sản phẩm gỗ VN xuất sang châu Âu sẽ phải có chứng nhận khai thác hợp pháp

Theo tin từ Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại VN, EU và VN vừa kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) về tăng cường thực thi luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (Flegt) sau 6 năm đàm phán.

Hiệp định sẽ giúp cải thiện quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác gỗ trái phép và thúc đẩy việc xuất khẩu các sản phẩm gỗ hợp pháp đã được kiểm chứng từ VN sang EU và các thị trường khác. Để thực thi VPA, VN sẽ xây dựng một hệ thống đảm bảo tính pháp lý để đảm bảo gỗ và các sản phẩm gỗ xuất khẩu đến từ các nguồn hợp pháp. Sau khi VPA có hiệu lực, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của VN xuất sang EU sẽ phải kèm theo giấy phép Flegt để chứng minh tính hợp pháp.

Trước khi bắt đầu cấp phép Flegt, sẽ có một khoảng thời gian thực hiện và đánh giá nhằm xác minh rằng tất cả các cam kết được nêu trong VPA đã được hoàn thành và hệ thống đã được xây dựng đáp ứng các tiêu chí sẵn sàng hoạt động. Theo số liệu do EU công bố, năm 2015, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm giấy từ VN sang EU là 438 triệu euro.(Thanhnien)
------------------------------------

Hàng không giá rẻ Trung Quốc có mặt ở Việt Nam

Spring Airlines - Hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Trung Quốc đã chính thức khai thác đường bay thẳng từ TP.HCM đến Thượng Hải và ngược lại với tần suất 4 chuyển/tuần, giá thấp nhẩt chỉ 127 USD.

Đây là hãng hàng không tư nhân đầu nhân đầu tiên, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất tại Trung Quốc Spring Airlines có mặt ở Việt Nam.  

Ông Trương Vũ An, Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Spring Airlines cho biết việc mở đường bay thẳng từ TP.HCM đến Thượng Hải không những tạo điều kiện giao thương buôn bản giữa hai nước dễ dàng, mà còn thu hút ngày càng nhiều du khách Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó tổng giám đốc Vietravel, cho biết Trung Quốc đang là thị trường nguồn lớn nhất Việt Nam. Ngược lại Trung Quốc đang là điểm đến được nhiều du khách Việt lựa chọn.

Trong bốn tháng đầu năm 2017, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam do Vietravel phục vụ là 14 ngàn lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ.

Hàng không giá rẻ Trung Quốc có mặt ở Việt Nam - ảnh 1
Lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam ngày càng tăng

Theo thống kê, lượng khách Việt đến Trung Quốc năm 2016 là 2 triệu 500 ngàn người, tính đến thời điểm này tăng lên 2 triệu 700 ngàn người.

Năm 2016 lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia có lượng khách Trung Quốc xuất cảnh bằng đường hàng không nhiều nhất. Việt Nam xếp trước Canada với vị trí thứ 9 với mức tăng trưởng đến 74%.(PLO)
------------------------------

Thu về gần 800 triệu USD từ xuất khẩu gạo

Tổng giá trị ngoại tệ thu về từ hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta trong 4 tháng đầu năm 2017 đạt xấp xỉ 800 triệu USD, với sản lượng 1,78 triệu tấn. Dẫu vậy, so với cùng kỳ thì kết quả xuất khẩu này đã giảm lần lượt 10,2 và 10%.

Theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 4 cả nước xuất khẩu được khoảng 1,78 triệu tấn gạo, tổng trị giá kim ngạch đạt 792,7 triệu USD, giảm lần lượt 10% về sản lượng và 10,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

Xuất khẩu gạo tháng 4/2017 của Việt Nam ước đạt 550.000 tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016 và tương đương mức xuất khẩu vào tháng 3.

Lượng xuất khẩu gạo thâp trong 2 tháng đầu năm 2017 đã kéo tụt mức trung bình xuất khẩu 4 tháng đầu năm.

Trong tháng 1/2017, Việt Nam xuất khẩu 337.000 tấn, nhưng sang tháng 2/2017 là 402.700 tấn, thấp hơn mức trung bình 409.000 tấn trong năm 2016.

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á như Phippines, Malaysia…

Trong đó, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất khi chiếm gần 46% tổng sản lượng xuất khẩu cả nước và 47,4% về trị giá kim ngạch.

Trong khi đó, Philippines chiếm gần 13,3% về sản lượng và gần 11,4% về trị giá; Malaysia chiếm gần 4,7% về sản lượng và gần 4,3% về trị giá…

Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu gạo thời gian tơi sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn khi các quốc gia xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng này như Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam… đều bước vào mùa thu hoạch.

Kèm theo đó, các thị trường nhập khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam đều đang đưa ra những chính sách nhằm hạn chế nhập khẩu như Trung Quốc giảm nhập khẩu cả chính ngạch lẫn tiểu ngạch, Philippines tạm dừng nhập khẩu nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Tất cả những điều này gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta.

Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào một số ít thị trường, nhất là ở thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc lại chủ yếu xuất khẩu qua hình thức tiểu ngạch nên thương nhân Việt Nam luôn ở thế bị động và dễ bị ép giá, đây cũng là một điểm yếu trong hoạt động xuất khẩu gạo hiện nay.

Trong khi gạo xuất khẩu của Việt Nam đi xuống, thì nước láng giềng - Thái Lan đã dự đoán sản lượng xuất khẩu cả năm sẽ vượt mức 10 triệu tấn, do nhu cầu thế giới gia tăng.

Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo, giao dịch thương mại gạo toàn cầu năm nay sẽ đạt 41,5 triệu tấn, tăng 1,5 triệu tấn so với năm 2016.

Trong 4 tháng đầu năm nay, Thái Lan đã xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo, chủ yếu sang Trung Quốc, Philippines và các nước châu Phi.(Baodautu)

Trở về

Bài cùng chuyên mục