tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-09-2018

  • Cập nhật : 16/09/2018

Kinh tế Nhật Bản đối diện một mùa Hè đầy khó khăn

Kinh tế Nhật Bản quý III/2018 vốn đã được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ tiếp tục khởi sắc sau khi đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong quý II/2018.

Tuy nhiên những dự đoán lạc quan này có thể sẽ không còn đúng với thực tế trong bối cảnh Nhật Bản liên tiếp phải hứng chịu thiên tai, dịch bệnh, có khả năng kéo lùi lại tăng trưởng.

Đó chính là đợt nắng nóng kỷ lục trên toàn quốc, lũ lụt khắp nơi, trận bão Jebi tại Kansai, động đất tại Hokkaido và mới nhất là dịch tả lợn bùng phát tại tỉnh Gifu.

Kinh tế Nhật Bản quý III/2018 vốn đã được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ tiếp tục khởi sắc. Ảnh: EPA

Đầu quý III/2018, Nhật Bản đã gánh chịu đợt nắng nóng lịch sử kéo dài suốt trong tháng Bảy, có những thời điểm, Cơ quan khí tượng Nhật Bản đo được mức nhiệt lên tới 40 độ C tại nhiều địa phương, trong đó có nơi lên tới 41 độ C.

Đây là mức nhiệt cao kỷ lục ghi nhận được từ năm 1896 và cao hơn so với nhiệt độ trung bình cùng kỳ khoảng 12 độ C.

Giới chuyên gia nhận định nắng nóng đã làm xấu đi triển vọng kinh tế mặc dù mức lương tăng đã giúp nền kinh tế Nhật Bản khởi sắc trong quý II/2018.

Nhiệt độ tăng khiến doanh số bán các sản phẩm phục vụ mùa nắng nóng tăng mạnh, song đây cũng là yếu tố tiêu cực.

Chuyên gia kinh tế Toshihiro Nagahama của Viện Nghiên cứu Dai-ichi ước tính nhiệt độ trung bình tăng thêm 1 độ C trong quý III/2018 sẽ giúp tăng thêm 320 tỷ yên (2,9 tỷ USD) trong tiêu dùng cho các sản phẩm mùa Hè song mức tăng này sẽ biến mất khi thời tiết chuyển sang Thu.

Ngoài ra, doanh thu từ các sản phẩm mùa Hè tăng không bù đắp được doanh thu sụt giảm từ các ngành bán lẻ, nhà hàng và dịch vụ giải trí vì người dân hạn chế ra khỏi nhà trong thời tiết nắng nóng.

Bên cạnh đó, chi phí cho các sản phẩm phục vụ mùa nắng nóng tăng và tiền điện tăng mạnh là lý do khiến các hộ gia đình siết chặt chi tiêu.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Yusuke Ichikawa tại Viện nghiên cứu Mizuho nhận định chi phí tiêu dùng, chiếm gần 60% GDP, sẽ khó hồi phục.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã xác nhận thặng dư tài khoản vãng lai trong tháng 7/2018 giảm 14,4%, xuống còn 2.010 tỷ yên (18,12 tỷ USD) do kim ngạch nhập khẩu dầu mỏ tăng mạnh.

Chưa hết, đợt nắng nóng lại là sự khởi đầu cho một loạt trận mưa lũ lớn trên toàn Nhật Bản trong tháng Bảy. Viện JLT Re ước tính, lũ lụt khiến nền kinh tế Nhật Bản thiệt hại hàng tỷ USD trong năm nay.

Theo JLT Re, lũ lụt, trận bão Jebi và động đất sau đó, đã tàn phá nặng nề nhiều cơ sở vật chất, làm gián đoạn các hoạt động sản xuất và thương mại khiến cho ngành bảo hiểm và tái bảo hiểm phải đối mặt với các khoản chi trả lớn, ước tính khoảng 4 tỷ USD.

Cơn bão Jebi đổ bộ vào vùng Kansai, ở khu vực Nam Trung Bộ Nhật Bản, đầu tháng Chín vừa qua đã gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho nước này, trong đó đáng chú ý nhất là sân bay quốc tế Kansai bị hư hỏng.

Các chuyến bay nội địa đã được nối lại một phần sau vài ngày song nhà chức trách thừa nhận, để khôi phục hoàn toàn sân bay thì sẽ mất nhiều tháng nữa.

Đây là điều khiến Chính phủ Nhật Bản lo ngại vì sân bay quốc tế Kansai được xem là cửa ngõ quốc tế chính của Nhật Bản tại khu vực này, có đường bay tới khoảng 100 thành phố trên thế giới, với 188.000 đợt hạ cánh và cất cánh trong năm 2017.

Sân bay này đón ¼ lượt khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản, với 28,8 triệu lượt trong năm tài chính 2017.

Không chỉ vậy, sân bay quốc tế Kansai còn là nơi trung chuyển hàng hóa quan trọng của Nhật Bản, với khối lượng hàng hóa lên tới 852.000 tấn, tổng giá trị là 5.640 tỷ yên (50,5 tỷ USD) trong năm 2017.

Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu phải chuyển sang các sân bay trung chuyển thay thế trong thời gian sân bay Kansai chưa khôi phục hoạt động hoàn toàn.

Nếu như sân bay Kansai bị đóng cửa trong một tháng, khu vực này đối mặt với nguy cơ mất từ 50 đến 60 tỷ yên tiền thu được từ chi tiêu của khách du lịch. Năm 2017, lợi ích kinh tế này giúp vùng Kansai thu được khoảng 800 tỷ yên, chiếm 1% GDP vùng.

Trong khi Nhật Bản còn chưa hết bàng hoàng với cơn bão mạnh nhất trong vòng 25 năm qua, đảo cực Bắc Nhật Bản - Hokkaido - lại gánh chịu trận động đất mạnh 6,7 độ richte với mức độ tàn phá lớn. Hokkaido là địa phương có quy mô kinh tế lớn thứ tám trong số 47 tỉnh thành tại Nhật Bản.

Vùng đất này nổi tiếng với các nông sản chất lượng cao. Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Hokkaido bên cạnh các lĩnh vực kinh tế lớn là chế tạo, bất động sản và thương mại.

Động đất xảy ra kéo theo việc mất điện quy mô lớn. Cùng với gần 3 triệu hộ gia đình bị mất điện trong ngày 6/9, nhiều công ty, nhà máy, siêu thị, cửa hàng như Seven Eleven, Yoshinoya, Aeon, Family Mart, Ngân hàng Hokkaido, Nippon Paper, Toyota, Morinaga Milk Industry, Meiji, Calbee, Nissin Foods, Kyocera, Panasonic, Marudai Foods, Asahi Beer… đều tạm ngưng hoạt động.

Sây bay Chitose, cửa ngõ chính vào Hokkaido đón khoảng 23 triệu lượt khách/năm, đã đóng cửa trong ngày 6/9 do bị hư hỏng.

Thảm họa động đất cũng khiến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Tokyo bán tháo cổ phiếu của các công ty bị thiệt hại, trong đó có các công ty bảo hiểm đang đối mặt với nguy cơ phải thực hiện các khoản thanh toán bảo hiểm lớn cho những thiệt hại tại Hokkaido.

Chuyên gia kinh tế của Viện nghiên cứu Dai-ichi, ông Toshihiro Nagahama, dự đoán thiệt hại cơ sở hạ tầng có thể lên tới 4.000-5.000 tỷ yên, lớn hơn so với mức thiệt hại trong trận động đất Kumamoto năm 2016.

Chính phủ đã sử dụng hơn một nửa trong tổng số kinh phí 350 tỷ yên (3,2 tỷ USD) của Quỹ khẩn cấp để giải quyết hậu quả trận động đất tại Hokkaido và có khả năng sẽ phải tiếp tục chi bổ sung.

Cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe, ông Satoshi Fujii cho rằng Nhật Bản cần chi tiêu nhiều hơn cho các biện pháp đề phòng thảm họa.

Chưa kịp hoàn hồn sau những thiên tai liên tiếp xảy ra thì "vị khách không mời" mới nhất của Nhật Bản là đợt dịch tả lợn lại bùng phát tại tỉnh Gifu, thuộc Trung Bộ Nhật Bản.

Nhà chức trách cho biết, hoạt động xuất khẩu thịt lợn của Nhật Bản bị đình chỉ trong ba tháng, thời gian cần thiết tối thiểu để xử lý triệt để đợt dịch.

Kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Nhật Bản đạt khoảng 800 tỷ yên trong năm 2017 trong đó, xuất khẩu thịt lợn của Nhật Bản đạt 1 tỷ yên (9 triệu USD).

Thiên tai và dịch bệnh liên tiếp dồn dập trong quý III/2018 gây tác động tiêu cực đáng kể đến kinh tế của Nhật Bản trong năm 2018.

Chuyên gia kinh tế Nagahama cho rằng Thủ tướng Shinzo Abe có thể sẽ cân nhắc những yếu tố này khi đưa ra quyết định vào cuối tài khóa hiện nay về việc có hay không tiến hành tăng thuế tiêu dùng (VAT) theo kế hoạch đã định, từ 8% lên 10%, trong năm 2019.

Trước đó, vì lý do thiên tai, Thủ tướng Abe đã hai lần hoãn tăng thuế tiêu dùng và nếu như các phân tích cho thấy các vùng bị thiên tai, dịch bệnh vẫn trong tình trạng khó khăn, sức mua sắm tiêu dùng giảm trong vài tháng tới, rất có thể Thủ tướng sẽ tiếp tục hoãn kế hoạch này lần thứ ba. (Bnews)
------------------------

Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc trở thành nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới

Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc và trở thành quốc gia sản xuất tôm lớn nhất thế giới trong niên vụ 2019 - 2020, ông Ravi Kumar Yellanki, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Ấn Độ nói.

Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc trở thành nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới

 

“Năm ngoái, Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, về mặt sản xuất, Ấn Độ vẫn đứng sau nước này. Sang năm, Ấn Độ có thể tiếp tục vượt Trung Quốc trong lĩnh vực này”.

Mục tiêu sản lượng tôm của Ấn Độ năm nay là 700.00 tấn, cao hơn năm ngoái 100.000 tấn.

Ấn Độ sản xuất được 600.000 tấn tôm trong năm qua, ông Ravi Kumar Yellanki cho hay. Trong khi đó, sản lượng tôm Trung Quốc giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đồng thời, Trung Quốc đang tiếp tục tăng lượng tôm trong nước bằng cách nhập khẩu tôm từ Việt Nam, ông Ravi Kumar Yellanki hay thêm.

“Năm tới, khả năng cao Ấn Độ vượt Trung Quốc về mặt sản lượng. Đợt dịch bệnh năm ngoái khiến nông dân Trung Quốc chịu thiệt hại lớn và họ ngần ngại trong việc gia tăng sản lượng”, ông nói.

Mặc dù vậy, ông Robins McIntosh - Phó chủ tịch công ty Charoen Pokphand Foods. cho rằng, sản lượng tôm năm 2018 của Ấn Độ có thể giảm do các rủi ro về bệnh dịch và giá tôm thấp.

“Ngành tôm Ấn Độ có một năm 2017 và nửa đầu năm 2018 đầy khởi sắc. Tuy nhiên, sản lượng có thể giảm bắt đầu từ tháng 9 năm nay. Kết thúc năm 2018, sản lượng tôm Ấn Độ có thể giảm so với năm 2017, nếu tăng cũng chỉ tăng nhẹ”, ông McIntosh chia sẻ.(NDH)
------------------------------

Ông Trump bật đèn xanh gói thuế 200 tỉ USD chống Trung Quốc, bất chấp đàm phán

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo tiến hành việc áp thuế bổ sung 200 tỉ USD đối với hàng hóa Trung Quốc bất chấp nỗ lực tái khởi động đàm phán thương mại với Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

Hãng tin Reuters hôm 14-9 dẫn nguồn thạo tin cho biết diễn biến trên.

Việc bật đèn xanh cho thuế quan bổ sung nói trên được đưa tin trước tiên trên trang Bloomberg và lập tức gây ảnh hưởng tới thị trường tài chính. Thị trường chứng khoán Mỹ giao dịch sụt giảm trong khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đi xuống ở giao dịch nước ngoài trong khi chỉ số của đồng USD tăng giá, chỉ số S&P 500 giảm điểm.

Ông Trump bật đèn xanh gói thuế 200 tỉ USD chống Trung Quốc, bất chấp đàm phán - Ảnh 1.

Mỹ và Trung Quốc đã đưa ra các mức áp thuế nhập khẩu trị giá 50 tỉ USD của nhau từ tháng 7. Ảnh đồ họa: Bloomberg

Quyết định nói trên được đưa ra một tuần sau khi ông Trump nói rằng ông sẽ bổ sung thuế quan đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và gói thuế quan khác trị giá 267 tỉ USD nhằm vào hàng nhập khẩu từ nền kinh tế số 2 thế giới "đang sẵn sàng tung ra nếu tôi muốn".

Giai đoạn thu thập ý kiến công khai cũng đã kết thúc hồi tuần rồi đối với danh sách thuế quan 200 tỉ USD, vốn nhằm vào nhiều sản phẩm công nghệ internet và các sản phẩm điện tử khác, cùng hàng hóa tiêu dùng từ túi xách tới xe đạp và đồ nội thất.

Văn phòng Đại diện Thương mai Mỹ nói rằng họ đang rà soát lại danh sách thuế quan dựa trên các vấn đề được nêu lên trong các cuộc điều trần công khai và các thư đệ trình. Trong các vòng áp thuế quan chống Trung Quốc trước đó, văn phòng này đã mất 1-2 tuần để xem lại danh sách và mất thêm 3-4 tuần để bắt đầu thu thuế.

Quyết định cũng được đưa ra bất chấp Bộ Tài chính Mỹ hồi đầu tuần này đã đưa ra lời mời tới các quan chức cấp cao của Trung Quốc, trong đó có Phó thủ tướng Lưu Hạc, nhằm tiến hành thêm các cuộc đàm phán nhằm giải quyết những bất đồng về thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng nước này hoanh nghênh lời mời của Mỹ nhưng Tổng thống Trump sau đó lại bày tỏ nghi vấn về điều này, ông nói trên Twitter hôm 13-9 rằng: "Chúng tôi không chịu áp lực để thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc, họ đang chịu áp lực để thực hiện một thỏa thuận với chúng tôi".

Tới nay, chính quyền của Tổng thống Trump đã áp thuế nhập khẩu trị giá 50 tỉ USD lên hàng Trung Quốc và phía Bắc Kinh cũng có hành động trả đũa tương ứng, áp thuế trị giá 50 tỉ USD lên hàng Mỹ.(NLĐ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục