tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 13-07-2017

  • Cập nhật : 13/07/2017

Đồng tiền nào an toàn nhất thế giới?

Giới phân tích của ngân hàng Mỹ Goldman Sachs vừa có câu trả lời cho câu hỏi trên.

dong yen nhat la an toan nhat.

đồng yen Nhật là an toàn nhất.

Theo Bloomberg, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho hay khi nhắc đến nơi ẩn náu đối với các loại tiền tệ, đồng yen Nhật là an toàn nhất. Tiền tệ Nhật Bản gần như đi ngược lại với diễn biến của những tài sản rủi ro trên toàn cầu trong thập niên qua.

Cụ thể, nhóm các nhà phân tích của Goldman so sánh biến động hằng tháng của một giỏ gồm 28 loại tiền tệ được thả nổi của các nền kinh tế phát triển và đang phát triển trên thế giới trong hai giai đoạn kéo dài 5 năm, từ năm 2007 đến 2011 và từ năm 2012 đến 2016. Đồng yen cho thấy mối tương quan âm nhất quán với chứng khoán toàn cầu, giá dầu Mỹ và lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm.

Giới phân tích của ngân hàng Goldman Sachs viết: “Đồng yen là nơi trú ẩn an toàn nhất, hay đồng tiền an toàn nhất. Franc Thụy Sĩ và đô la Mỹ đứng vị trí thứ nhì. Ở đầu bên kia, nhiều loại tiền tệ của các thị trường mới nổi tranh nhau danh hiệu đồng tiền gánh rủi ro (risk-on) nhất”.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho hay đồng peso Mexico, rand Nam Phi, đô la Canada và đô la Úc là những đồng tiền mang nhiều rủi ro nhất định nhất. Mối tương quan giữa các loại tiền tệ và trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm thường là dương, trừ đồng yen.

Điều này cho thấy lý do cơ bản của việc tăng lợi suất trái phiếu là chìa khóa để hiểu sự thay đổi trong tỷ giá tiền tệ. Việc lợi suất gia tăng được thúc đẩy bởi tâm lý lạc quan được cải thiện, và điều này hỗ trợ các đồng tiền “risk-on”. Thêm vào đó, khi giá dầu tăng, tiền tệ của các nhà xuất khẩu trong đó có Canada, Colombia và Nga có xu hướng thể hiện tốt hơn. Yen Nhật, đồng đô la và franc thường có xu hướng thể hiện tệ hơn.(Thanhnien)
--------------------------

6 tháng, ngành thuế đã kiểm tra 36.660 doanh nghiệp

Ngành thuế trong 6 tháng đầu năm đã thanh tra, kiểm tra 36.660, tăng thu 7.643 tỷ đồng, nộp vào ngân sách 3.429 tỷ đồng. Nhiệm vụ trọng tâm sắp tới sẽ chống thất thu trong chuyển nhượng vốn, dự án.

Theo báo cáo tại Hội nghị sơ kết công tác thu thuế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm diễn ra ngày 11-7, trong 6 tháng đầu năm, ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra được 36.660 doanh nghiệp, tăng thu 7.643 tỷ đồng, nộp vào ngân sách 3.429 tỷ đồng. 

Tính đến hết tháng 5, tổng số tiền nợ thuế mà toàn ngành thu được là hơn 22.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do tình trạng thất thu thuế trong chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn khá lớn cho nên Bộ Tài chính đang xây dựng đề án chống thất thu thuế trong lĩnh vực này ở các vùng kinh tế trọng điểm.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành thuế phải triển khai quyết liệt trong 6 tháng cuối năm, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn.

Theo ông Tuấn, tình trạng thất thu trong chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn ở vùng trọng điểm kinh tế là khá lớn.

Nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, Tổng cục Thuế xây dựng đề án về chống chất thu trong chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn ở địa bàn trọng điểm là Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai.

Ngoài ra, ngành thuế được giao nghiên cứu và xây dựng chế độ kế toán đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, theo hướng đơn giản và dễ thực hiện để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều cục thuế bày tỏ lo ngại sẽ khó hoàn thành chỉ tiêu thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bởi chỉ thị 20 của Thủ tướng về chấn chỉnh hoạt động này, trong đó yêu cầu cơ quan chức năng chỉ được thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không quá 1 lần/năm.

Theo các cơ quan thuế, nhiều doanh nghiệp thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau và nếu đã có đơn vị khác vào thanh tra, kiểm tra rồi, cơ quan thuế sẽ không thể kiểm tra để hoàn thuế cho doanh nghiệp đúng thời gian quy định.(Tuoitre)
-------------------

Mỹ sẽ lọt top 10 nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới năm 2020

Theo CNN, sản lượng dầu đá phiến sẽ giúp Mỹ trở thành một trong những nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới chỉ trong vài năm, theo dự báo mới của hãng tư vấn PIRA Engergy. PIRA ước tính xuất khẩu dầu thô Mỹ sẽ tăng tới 2,25 triệu thùng/ngày đến năm 2020, tăng gấp bốn lần từ năm 2016.

Đợt bùng nổ sẽ đưa Mỹ vào hàng các nhà xuất khẩu dầu lớn trong đó có Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Nhà phân tích Jenna Delaney cho hay: “Trong những năm tới, sự phát triển này khẳng định Mỹ có thể là một trong 10 nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới”.

Việc nguồn cung đi lên sẽ làm yếu sức mạnh của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), nhóm nước vốn xuất khẩu trung bình 25 triệu thùng/ngày trong năm 2016. Ả Rập Xê Út đứng đầu danh sách các nhà xuất khẩu dầu thô hồi năm ngoái, với 7,5 triệu thùng/ngày.

Chuyện Mỹ lọt top 10 nhà xuất khẩu lớn nhất là điều không thể tưởng tượng được cách đây một vài năm. Mỹ xuất khẩu dầu trở lại trong năm 2015, sau khi lệnh cấm xuất khẩu dầu tồn tại suốt 40 năm được dỡ bỏ. Lệnh cấm được đưa ra hồi năm 1975, hai năm sau khi OPEC cấm xuất khẩu dầu đến Mỹ. Đây là động thái từng đẩy giá khí đốt tăng vọt.

Chuyên gia Delaney cho biết tăng trưởng trong xuất khẩu sẽ chủ yếu do sản xuất dầu đá phiến đi lên. Ngành công nghiệp dầu thô bị tác động nặng nề bởi đợt hạ giá dầu năm 2014, khi sản lượng dầu sụt giảm và các nhà sản xuất lớn bị buộc phải cắt giảm đầu tư.

Dù vậy, cuộc khủng hoảng giúp ngành công nghiệp khỏe mạnh hơn bằng cách buộc các nhà khai thác phải hoạt động hiệu quả hơn nhiều. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho hay sản lượng dầu Mỹ tăng đều, đạt mức hơn 9 triệu thùng/ngày vào tháng 2. Số lượng giàn khoan hoạt động tăng gấp đôi từ tháng 5.2016. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến sản lượng dầu thô Mỹ tăng thêm 780.000 thùng/ngày vào năm sau.(Thanhnien)
---------------------

Trung Quốc bán nợ xấu online

Ngoài giày thể thao, tã, thức ăn cho vật nuôi, Taobao - website thương mại điện tử lớn nhất nước này còn bán cả nợ xấu.

Với giá 4,15 triệu NDT (610.000 USD), người dùng đã có thể đấu giá mua nợ của một hãng thép Chiết Giang. Công ty này không thể trả khoản nợ 9,95 triệu NDT, cả gốc lẫn lãi. Vì thế, hãng quản lý tài sản China Cinda Asset Management đã quyết định mang nó lên Taobao đấu giá.

Đây không phải khoản nợ xấu duy nhất được rao bán tại đây. TheoBloomberg, mỗi ngày, khoảng hơn 1 tỷ NDT tài sản dạng này được rao lên Taobao. Gần đây nhất là 118 khoản nợ xấu của các công ty ở Vân Nam, một căn biệt thự mới bị một ngân hàng tịch thu ở Thiệu Hưng và một bất động sản khác ở Bắc Kinh.

"Fintech và thương mại điện tử tại Trung Quốc đã đạt trình độ mới. Các nền tảng trực tuyến đang cân bằng sân chơi cho thị trường nợ xấu, do nó giúp mọi người đều có quyền tiếp cận thông tin như nhau", Xia Le - kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Banco Bilbao Vizcaya Argentaria nhận xét.

no xau dang duoc rao ban rat nhieu tren taobao. anh:bloomberg

Nợ xấu đang được rao bán rất nhiều trên Taobao. Ảnh:Bloomberg

Thị trường thương mại điện tử tại Trung Quốc đang giúp nước này giải quyết một rào cản lớn trong quá trình phát triển kinh tế - nợ xấu. Tăng trưởng chậm và vỡ nợ doanh nghiệp tăng đang khiến nợ xấu của Trung Quốc tăng cao, lên 1.600 tỷ NDT, tính đến cuối tháng 3.

Bắc Kinh đã thúc giục các hãng cho vay tìm cách xử lý theo hướng thị trường. Vì thế, họ đã tìm đến các địa chỉ phi truyền thống.

China Cinda Asset Management là một trong những công ty xử lý nợ xấu lớn nhất Trung Quốc. Tháng trước, họ đã hợp tác với Alibaba, lập ra một mục đặc biệt trên Taobao để đấu giá các tài sản xấu. Dù Alibaba không cung cấp số liệu thực tế, các mục niêm yết trên này cũng cho thấy thị trường nợ xấu Trung Quốc đang được quan tâm đến thế nào.

Sau Taobao, hơn 50 website khác đã quảng cáo dịch vụ tương tự với các ngân hàng và công ty bán nợ xấu khác tại Trung Quốc, PwC cho biết. Hơn 20 tổ chức tài chính đã được ghi nhận là đối tác trên nền tảng đấu giá nợ xấu của Taobao, như Ping An Bank, China Minsheng Banking hay China Citic Bank.

Tuy vậy, đầu tư vào nợ xấu không giống như cổ phiếu hay các công cụ nợ thông thường. Tương tác với người bán là bước rất quan trọng. Quá trình cũng có thể mất nhiều tháng mới hoàn tất, Andrew Brown tại quỹ ShoreVest Capital Partners cho biết.

Trên Taobao, các tài sản này thường được quảng cáo vài tuần hoặc vài tháng trước ngày đấu giá. Industrial Bank đá bán được 232 triệu NDT nợ xấu trên Taobao từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6.

Thương mại điện tử giúp nhiều nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận thị trường này hơn. Tuy nhiên, các webiste như Taobao cũng hấp dẫn nhiều người không đủ kỹ năng cần thiết để thực hiện giao dịch về nợ xấu.

Dù vậy, Taobao vẫn là kênh chủ chốt của các ngân hàng như Industrial Bank. Với Song Lingling - nhân viên tại DCL Investments, bán nợ xấu trên các website này ít phức tạp hơn là bán qua các hãng đấu giá, vì đỡ được tiền môi giới.

Nguồn cung nợ xấu tại Trung Quốc đang ngày càng tăng, chủ yếu từ các công ty quản lý quỹ, các hãng dịch vụ tài chính online và nền tảng cho vay ngang hàng, Bald Eagle Asset Management cho biết. "Đấu giá nợ xấu online đang thành xu hướng. Ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm đến Taobao, do sự đơn giản, minh bạch và bảo mật danh tính", Song kết luận.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục