tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 12-07-2017

  • Cập nhật : 12/07/2017

Nhà đầu tư Hàn Quốc 'sợ' Trump hơn tên lửa Triều Tiên

Các nhà đầu tư trên thị trường tài chính Hàn Quốc tỏ ra thận trọng hơn kể từ khi Tổng thống Mỹ Trump lên nắm quyền. 

  • Hàn Quốc nhận tàu ngầm tàng hình đối phó Triều Tiên  /  Mỹ tính gây áp lực để Trung Quốc thực hiện lệnh trừng phạt Triều Tiên
mot phu nu noi chuyen dien thoai truoc tam bien dien tu chay chi so chung khoan kospi o so chung khoan han quoc tai thu do seoul ngay 21/1/2016. anh: reuters.

Một phụ nữ nói chuyện điện thoại trước tấm biển điện tử chạy chỉ số chứng khoán KOSPI ở Sở chứng khoán Hàn Quốc tại thủ đô Seoul ngày 21/1/2016. Ảnh: Reuters.

 

Thị trường chứng khoán giảm điểm. Đồng nội tệ mất giá. Những diễn biến như vậy không còn xa lạ với giới đầu tư Hàn Quốc mỗi lần căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng. Nhưng kể từ tháng 11 năm ngoái, thị trường tài chính nước này cân nhắc thêm một yếu tố mới khi đánh giá rủi ro địa chính trị trong khu vực: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Reuters đưa tin.

"Chỉ trong vài tháng, ông Trump đã khiến các thị trường và cả Trung Quốc chao đảo nhiều hơn cả ông Barack Obama làm trong 8 năm", theo Cliff Tan, lãnh đạo khu vực Đông Á của nhóm nghiên cứu về thị trường toàn cầu của ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ.

Các chuyên gia nhận xét kể từ khi ông Trump lên nhậm chức, phản ứng trước mỗi cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên, giá trên thị trường chứng khoán phái sinh biến động mạnh hơn hẳn trước kia. Những tuyên bố "không kiêng nể" trên mạng xã hội Twitter của Tổng thống Mỹ cũng như thái độ cứng rắn của Nhà Trắng khiến các nhà đầu tư lo ngại không kém những hành vi khiêu khích của chính quyền Triều Tiên.

Theo thống kê của CNN, kể từ tháng hai, Bình Nhưỡng đã phóng 17 quả tên lửa, bao gồm một quả là tên lửa tầm bán trung, hai quả tầm trung, 8 quả tầm trung hoặc ngắn và quả còn lại chưa xác định, trong 11 cuộc thử nghiệm. Vào ngày 4/7, Triều Tiên tuyên bố đã phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên "có thể bắn tới bất cứ nơi nào trên thế giới". 

Trong năm nay, trên thị trường hợp đồng quyền chọn với ngoại hối, giá bảo hiểm các khoản đầu tư trong tương lai đã tăng mạnh vì những rủi ro liên quan đến Triều Tiên. Giá của hợp đồng ba tháng quyền chọn bán, với dự đoán tỷ giá đồng won Hàn Quốc sẽ giảm, đã tăng lên mức 231 điểm vào giữa tháng 4, gần gấp đôi so với 6 tháng trước đó và là mức cao nhất kể từ tháng 8/2015. Biến động giá này xảy ra ngay sau khi một tàu chiến Mỹ đổi hướng tiến vào vùng biển bán đảo Triều Tiên và quân đội Mỹ triển khai các cuộc không kích ở Syria.

"Thị trường phản ứng ngay tức thời trước mọi động thái của ông Trump", một môi giới ngoại tệ ở Seoul nhận xét. "Cách tiếp cận cứng rắn của ông Trump cùng với những lời bình luận điên rồ của ông ấy về mọi vấn đề từ bức tường biên giới với Mexico tới chính sách ở Syria đã tạo ra một loạt những rủi ro mới với các nhà đầu tư (tại Hàn Quốc)".

"Dưới thời Obama, thị trường không quan tâm tới những diễn biến ở Triều Tiên. Mọi người đều mặc định rằng chính phủ Kim Jong-un sẽ không thực sự dám làm điều gì ngu ngốc", Jeon Seung-ji, nhà phân tích về ngoại tệ làm việc tại Samsung Futures, đưa ra nhận xét.

"Rủi ro liên quan đến Triều Tiên giờ không còn là 'chuyện nhỏ' nữa bởi vì các nhà đầu tư không dám chắc Washington có thể kiểm soát được tình hình hay không", Jeon kết luận.(Vnexpress)
----------------------

Hà Nội điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị S3 ở huyện Hoài Đức

Theo quy hoạch điều chỉnh, khoảng 8,21ha diện tích đất nhóm nhà ở mới thuộc ô quy hoạch ký hiệu E-9 trong phân khu đô thị S3 sẽ được điều chỉnh thành chức năng đất công cộng đô thị (dịch vụ, thương mại...).

Hà Nội điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị S3 ở huyện Hoài Đức

Ảnh minh họa.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị S3, tỷ lệ 1/5000, tại khu đất thuộc ô quy hoạch ký hiệu E-9 để phục vụ dự án khu thương mại dịch vụ phục vụ làng nghề truyền thống La Phù, địa điểm tại các xã La Phù, An Khánh, huyện Hoài Đức.

Theo quyết định, tổng diện tích đất trong phạm vi nghiên cứu khoảng 62,75ha, trong đó diện tích đất điều chỉnh cục bộ quy hoạch khoảng 8,21ha.

Theo quy hoạch phân khu đô thị S3, tỷ lệ 1/5000 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4874/QĐ-UBND ngày 15/8/2013, khu đất đề xuất điều chỉnh quy hoạch có diện tích khoảng 8,21ha (là một phần diện tích đất nhóm nhà ở mới có diện tích khoảng 20,52ha thuộc ô quy hoạch ký hiệu E-9). Nay điều chỉnh thành chức năng đất công cộng đô thị (dịch vụ, thương mại...).

Hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (vị trí, quy mô diện tích...), các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (mật độ xây dựng, tầng cao) và các nội dung khác giữ nguyên theo quy hoạch phân khu đô thị S3 tỷ lệ 1/5000 đã phê duyệt.

Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc sau điều chỉnh tại ô quy hoạch E-9 thuộc quy hoạch phân khu đô thị S3, tỷ lệ 1/5000: Đất nhóm nhà ở mới 12,31ha; đất công cộng đô thị (dịch vụ, thương mại...) 8,21ha.

Các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cụ thể đối với chức năng đất công cộng đô thị (dịch vụ, thương mại...) thuộc phần đất dự án sẽ được xem xét, quyết định trong quá trình lập quy hoạch chi tiết, đảm bảo các chỉ tiêu chung theo quy hoạch phân khu được duyệt.

Về hạ tầng kỹ thuật, nội dung điều chỉnh cục bộ chức năng sử dụng đất tại khu đất nêu trên làm thay đổi nhu cầu khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực theo quy hoạch phân khu đô thị S3. Quá trình lập trình duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 cần nghiên cứu kết nối giao thông tuyến đường dự án với hệ thống giao thông khu vực; đảm bảo quy mô đỗ xe theo quy hoạch phân khu được duyệt và phục vụ dự án theo quy định. (Bizlive)
------------------------------

Đất nền bùng nổ phía Bắc Sài Gòn, nhà liền thổ đổ về khu Đông

50% đất nền phân lô tung ra phía Bắc TP HCM trong khi phần lớn nhà phố, biệt thự tập trung ở khu Đông.

Đất nền bùng nổ phía Bắc Sài Gòn, nhà liền thổ đổ về khu Đông

Phần lớn nguồn cung bất động sản liền thổ tập trung ở phía Bắc và phía Đông Sài Gòn. Ảnh: Vũ Lê

Công ty DKRA vừa công bố thị trường bất động sản liền thổ TP. HCM trong quý II/2017. Nghiên cứu này chỉ ra trục đô thị phía Bắc là hiện tượng mới nổi của đất nền phân lô trong khi khu Đông Sài Gòn là địa bàn của dòng sản phẩm nhà phố, biệt thự.

Cụ thể, 3 tháng qua, thị trường đất nền ghi nhận 13 dự án lớn nhỏ, quy mô từ vài chục đến hàng trăm nền, bao gồm dự án hoàn toàn mới và giai đoạn tiếp theo của những dự án đã chào bán trước đó. Tổng nguồn cung phân khúc này đạt 1.579 nền, tỷ lệ tiêu thụ 84%, tương đương 1.330 nền đã được giao dịch thành công. Khu vực phía Bắc thành phố dẫn đầu nguồn cung mới, chiếm 50% sản phẩm được tung ra thị trường.

Đặc điểm của dòng sản phẩm đất nền phân lô là nằm ở vị trí vùng ven, giá còn ở ngưỡng khá mềm, dao động 4-10 triệu đồng mỗi m2 khu vực Hóc Môn, Củ Chi và khoảng 12-17 triệu đồng một m2 tại Bình Chánh, Nhà Bè. Trong quý vừa qua, đất nền Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ đã có dấu hiệu tăng nóng, thậm chí một số nơi sốt ảo, giá leo thang 30-50% trong thời gian ngắn.

Đối với thị trường nhà phố, biệt thự thuộc các dự án nguồn cung khá hạn chế trong các tháng 4, 5 và 6. Phân khúc này ghi nhận chỉ có 3 dự án được mở bán, cung cấp ra thị trường 707 căn, tăng nhẹ 7% so với quý trước (chỉ có 659 căn) và có đến hơn 60% nguồn cung mới tập trung ở khu Đông TP. HCM. Đây cũng là địa bàn có sức mua nhà phố, biệt thự cao nhất thành phố 10 triệu dân này với 70% các giao dịch tập trung ở trục đô thị phía Đông. Quận 2, 9 và Thủ Đức lần lượt là ba địa bàn có lượng nhà liền thổ tung ra thị trường nhiều nhất quý vừa qua.

DKRA dự báo, loại hình bất động sản liền thổ gồm: đất nền, nhà phố, biệt thự thuộc các dự án sẽ tiếp tục là tâm điểm thu hút các dòng vốn đầu tư cũng như nhu cầu tìm kênh trú ẩn an toàn tại TP. HCM trong 2 quý còn lại của năm.(Vnexpress)
-------------------

Bộ Xây dựng thanh tra 4 dự án tại TP.HCM: Nhiều lùm xùm về đấu thầu

Bộ Xây dựng đã công bố quyết định thanh tra công tác quản lý 4 dự án đầu tư xây dựng của TP.HCM.

Bộ Xây dựng thanh tra 4 dự án tại TP.HCM: Nhiều lùm xùm về đấu thầu

Ảnh minh họa.

Bao gồm: Dự án san lấp mặt bằng Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM; Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi đồng; Dự án xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu và dự án xây dựng khu khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Quá trình lựa chọn nhà thầu, thi công tại một số dự án bệnh viện của TP.HCM khá lận đận, trong đó có nguyên nhân từ việc bị nhà thầu khiếu kiện kéo dài. Ảnh: Ngọc Hà

Vậy quá trình lựa chọn nhà thầu, thi công tại các dự án nêu trên đã diễn ra như thế nào? Đến nay tiến độ của các dự án đã triển khai đến đâu?

Dự án nhỏ nhất cũng từng phải hủy thầu

Dự án San lấp mặt bằng Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM (tổng mức đầu tư gần 58,8 tỷ đồng) là dự án nhỏ nhất về quy mô vốn trong 4 dự án bị thanh tra. Dự án này đã bị Sở Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM kiểm tra và công bố kết luận về những tồn tại trong công tác đấu thầu: Quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn chưa chặt chẽ, dẫn đến hậu quả chưa lựa chọn được nhà thầu thi công san lấp mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án. Đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Tân Đại (Công ty Tân Đại) có hành vi tiết lộ tài liệu, thông tin về đấu thầu.

Bên cạnh đó, HSMT có nhiều điểm không phù hợp với thực tế của Gói thầu, báo cáo đánh giá HSDT không chính xác, đề xuất Công ty CP LPT trúng thầu trong khi chưa thể hiện đầy đủ năng lực tài chính. Vì những sai phạm này, Sở Y tế có quyết định hủy đấu thầu Gói thầu Thi công san lấp mặt bằng Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Dự án này sau đó đã giao cho nhà thầu là Công ty TNHH Châu Phát thi công.

Ngoài ra, kết luận thanh tra còn cho thấy ở Gói thầu Thi công san lấp và Gói thầu Tư vấn giám sát thi công xây dựng Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM có một số vi phạm khác như: người ký quyết định phê duyệt HSMT, quyết định thành lập tổ chuyên gia, quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT), quyết định phê duyệt HSMT... là Giám đốc Ban Quản lý dự án thời điểm đó không có chứng chỉ đấu thầu. Dự án này không được Ban Quản lý dự án đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu.

Long đong số phận 3 dự án còn lại

Dự án Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM có mức đầu tư 4.500 tỷ đồng và được UBND TP.HCM chỉ định cho Liên danh CC1 - Armephaco thi công từ năm 2013. Để được chọn làm tổng thầu xây dựng công trình Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) đã ký thỏa thuận liên danh với Công ty CP Armephaco. Theo hồ sơ, CC1 là đơn vị chuyên về xây dựng nhưng không có năng lực và kinh nghiệm thi công về cung cấp lắp đặt thiết bị y tế, hệ thống khí sạch phòng mổ... (gọi tắt là trang thiết bị y tế).

Tuy nhiên, đến giai đoạn thi công hạng mục trang thiết bị y tế thì CC1 lại “lật kèo”, thành viên Armephaco bị CC1 loại khỏi cuộc chơi. UBND TP.HCM đã cho phép Công ty CP Kỹ thuật và Thiết bị y tế Sài Gòn (SAGOMED) được chỉ định thầu cùng CC1 thực hiện tiếp dự án.

Quá trình thay đổi thành viên liên danh cùng những khiếu kiện liên miên này đã khiến cho công trình xây dựng bị chậm tiến độ nặng nề trước khi đưa vào hoạt động khám chữa bệnh đầu năm 2017. Mới đây nhất, UBND TP.HCM đã có công văn chấp thuận chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đến quý I/2018 do đường vào Bệnh viện chưa làm xong.

Một dự án khác cũng quá nhiều dư âm bởi “cuộc chiến” giữa các nhà thầu là Dự án Bệnh viện Ung bướu 2 TP.HCM, với giá trị phần xây lắp hơn 2.000 tỷ đồng. Đây có thể nói là dự án “bầm dập” nhất vì đã bị hoãn khởi công đến 2 lần, cả 2 lần đều vì những kiến nghị của các nhà thầu dự thầu.

Lần đấu thầu thứ nhất vào tháng 4/2015, Liên danh Thuận Việt - Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) đã kiến nghị không chấp nhận kết quả lựa chọn nhà thầu đối với nhà thầu độc lập CC1.

Lần đấu thầu thứ hai tổ chức vào tháng 1/2016, CC1 liên danh với Vinaconex; Thuận Việt thay đổi thành viên liên danh còn lại, thay thế Hòa Bình bằng ERA E&C. Lần này, đến lượt Liên danh CC1 - Vinaconex lại kiến nghị, không chấp nhận kết quả lựa chọn nhà thầu.

Lần đấu thầu thứ 2 có đến 3 lần kiến nghị liên tục của CC1 về KQLCNT, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở KH&ĐT và Sở Y tế khẩn trương rà soát kỹ hồ sơ đối với công tác tổ chức đấu thầu. Các cơ quan này cũng phải kiểm tra lại việc trả lời giải quyết khiếu nại đối với Liên danh CC1 - Vinaconex khiến việc khởi công bị chậm trễ.

Đến nay, Liên danh Thuận Việt - ERA E&C đã tiến hành cất nóc cuối tháng 6/2017 và hoàn thành phần bê tông cốt thép. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành vào quý I/2018.

Một dự án khá đặc biệt so với 3 dự án còn lại là Công trình khu khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Ung bướu. Đây là dự án có tuổi đời dài hơi nhất, lận đận nhất và lâu được triển khai thi công nhất. Dự án đã được hình thành từ năm 2004, được UBND Thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 46 tỷ đồng. Đến năm 2008, vật giá thay đổi, tổng mức đầu tư được phê duyệt tăng lên thành 76,55 tỷ đồng.

Thế nhưng, Dự án vẫn không thể thực hiện cho đến năm 2012, Bệnh viện phải xin hủy dự án cũ lập lại dự án mới. Năm 2015, dự án mới chính thức được khởi công xây dựng và nhà thầu Công ty CP Cơ khí và Đầu tư xây dựng số 9 (COMA9) thi công với giá trị thực hiện là hơn 154 tỷ đồng.

Long đong là vậy, nhưng tại dự án này, các bên liên quan cũng mắc phải sai phạm là không đăng tải kế hoạch và kết quả lựa chọn thầu.(Baodauthau)
-----------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục