tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 10-09-2018

  • Cập nhật : 10/09/2018

Dự trữ ngoại hối Trung Quốc giảm mạnh hơn dự báo

Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đi xuống trong tháng 8, với mức giảm mạnh hơn một chút so với dự báo, trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh và Bắc Kinh có biện pháp bình ổn tỷ giá khi đồng Nhân dân tệ chịu áp lực giảm từ xung đột thương mại leo thang với Mỹ.

trong thang 8, dong nhan dan te giam gia thang thu 5 lien tiep - anh: reuters.

Trong tháng 8, đồng Nhân dân tệ giảm giá tháng thứ 5 liên tiếp - Ảnh: Reuters.

Hãng tin Reuters dẫn số liệu do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) công bố ngày 7/9 cho biết dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm trong tháng 8 còn 3,11 nghìn tỷ USD, so với mức tăng 3,82 nghìn tỷ USD trong tháng 7. Trước đó, giới phân tích dự báo dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm còn 3,111 nghìn tỷ USD.

Xung đột thương mại, bất ổn địa chính trị và kinh tế, cũng như biến động tỷ giá do sự tăng giá của đồng USD là những nhân tố khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc suy giảm - Cơ quan Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) nói trong một tuyên bố.

Trong tháng 8, đồng Nhân dân tệ giảm giá tháng thứ 5 liên tiếp, do đồng USD giữ đà tăng giá mạnh. Sự giảm giá của Nhân dân tệ đặt ra lo ngại Bắc Kinh có thể đang ngầm phá giá đồng Nhân dân tệ để hỗ trợ các công ty xuất khẩu của Trung Quốc trong bối cảnh xung đột thương mại Trung-Mỹ gia tăng.

Đồng Nhân dân tệ giảm giá gần 0,2% so với USD trong tháng 8. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 0,7%.

Vào cuối tháng 8, Nhân dân tệ đã hồi phục sau khi PBoC có một loạt động thái nhằm phát tín hiệu rằng Bắc Kinh không muốn Nhân dân tệ giảm giá sâu hơn.

Chuyên gia kinh tế Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics nói rằng việc PBoC chần chừ trong việc sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá cho thấy Trung Quốc đã học được một bài học từ năm 2015-2016, khi việc can thiệp vào thị trường khiến dự trữ ngoại hối sụt giảm với tốc độ chóng mặt.

"Việc bán ra ngoại tệ cũng khiến PBoC có thể phải đối mặt những cáo buộc về thao túng tỷ giá, cho dù họ hành động để nâng tỷ giá lên chứ không phải làm suy yếu đồng nội tệ", ông Evans-Pritchard nói trong một báo cáo.

"Quan trọng hơn, có vẻ PBoC đã thành thạo việc định hướng tỷ giá theo những cách ít rõ ràng hơn, chẳng hạn dựa vào các ngân hàng quốc doanh để giúp bù đắp lượng thoái vốn và bình ổn tỷ giá".

Trong những tuần gần đây, PBoC đã đóng những lỗ hổng có thể được sử dụng để chuyển vốn ra nước ngoài, làm cho việc đầu cơ giá xuống đồng Nhân dân tệ trở nên tốn kém hơn, và tái kích hoạt một nhân tố "chống chu kỳ" trong việc thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày nhằm giảm mức độ biến động tỷ giá.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng PBoC có thể sẽ sớm quyết định có can thiệp mạnh hơn để hỗ trợ tỷ giá, khi mà Mỹ đang sẵn sàng áp thuế quan bổ sung lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

"Sự giảm giá gần đây của Nhân dân tệ sẽ bù đắp phần lớn ảnh hưởng kinh tế của thuế quan bổ sung đã được áp. Nhưng nếu chiến tranh thương mại Trung-Mỹ leo thang cao hơn, thì tình hình thực sự đáng lo ngại", một báo cáo của Capital Economics nhận định.

Dù Nhân dân tệ giảm giá liên tiếp mấy tháng gần đây, hầu như chưa có dấu hiệu nào cho thấy có sự tăng vọt trong dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc như những gì diễn ra hồi năm 2015-2-16 sau khi PBoC bất ngờ phá giá đồng tiền.

Hầu hết các chiến lược gia tiền tệ được Reuters khảo sát tuần này dự báo Nhân dân tệ chỉ tăng giá nhẹ trong vòng 12 tháng tới. Một số tin rằng Bắc Kinh có thể để cho Nhân dân tệ giảm giá thêm nếu các điều kiện thương mại toàn cầu xấu đi.

Các biện pháp kiểm soát vốn mà Trung Quốc triển khai vào năm 2016-2017 cũng được cho là đã giúp hạn chế sự biến động của tỷ giá Nhân dân tệ. Trong hai năm đó, Bắc Kinh đã "đốt" khoảng 1 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá và ngăn sự tháo chạy của dòng vốn, nhưng chỉ đạt hiệu quả rất hạn chế. Chỉ khi các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ được tung ra, thì tỷ giá mới được bình ổn.

Số liệu của PBoC cũng cho thấy giá trị dự trữ vàng của Trung Quốc giảm còn 71,228 tỷ USD vào thời điểm cuối tháng 8, từ mức 72,324 tỷ USD vào cuối tháng 7.(Vneconomy)
------------------------

Ông Trump "chơi tới bến" với Trung Quốc?

Ngày 7-9, Tổng thống Donald Trump cảnh báo ông đã sẵn sàng áp đặt mức thuế mới lên gần như tất cả những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 267 tỉ USD.

Theo hãng tin Reuters, vài giờ sau khi giai đoạn bình luận công khai về danh sách đánh thuế 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc kết thúc, ông Trump nói với các phóng viên trên chiếc Không Lực Một rằng ông đang trở nên cứng rắn với Trung Quốc "vì tôi phải làm thế". 

"200 tỉ USD mà chúng ta đang nói đến có thể sẽ có hiệu lực sớm thôi, tùy theo những gì sắp xảy ra. Ở một mức độ nào đó thì nó sẽ tùy thuộc vào Trung Quốc. Và dù tôi ghét phải nói điều này nhưng sau đó là mức thuế quan khác đánh lên 267 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc đã sẵn sàng được thông báo nếu tôi muốn" - trích lời ông Trump.

Động thái này có thể khiến cuộc chiến thương mại giữa ông Trump và Bắc Kinh leo thang chóng mặt khi tổng thống Mỹ đòi hỏi những thay đổi lớn trong chính sách kinh tế, thương mại và công nghệ. Trung Quốc đe dọa sẽ trả đũa và có thể nhắm vào những doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong nước này.

Ông Trump chơi tới bến với Trung Quốc? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump dọa áp thuế mới lên 267 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trước đó, ông Trump đã áp dụng mức thuế 25% lên số hàng hóa trị giá 50 tỉ USD của Trung Quốc, phần lớn là máy móc công nghiệp và các bộ phận điện tử trung gian. Trong khi đó, danh sách hàng hóa 200 tỉ USD sẽ chịu mức thuế từ 10% đến 25%. Được biết, điện thoại di động, sản phẩm nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc tại Mỹ, có thể sẽ nằm trong danh sách thuế quan 267 tỉ USD của ông Trump.

Cũng trong ngày 7-9, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói với kênh truyền hình Bloomberg Television rằng chính phủ sẽ đánh giá bình luận của công chúng trước khi quyết định về danh sách thuế quan 200 tỉ USD. Được biết, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nhận được gần 6.000 bình luận và tổ chức 7 ngày điều trần công khai về các khoản thu được đề xuất. Hầu hết các bình luận đều từ những công ty muốn đưa sản phẩm ra khỏi danh sách vì e ngại khó khăn tài chính nếu tìm nguồn hàng thay thế. 

Ông Kudlow tiết lộ chính phủ vẫn đang đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề thương mại nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Cụ thể, Mỹ yêu cầu "không thuế, không hàng rào phi thuế quan, không trợ cấp, ngừng đánh cắp tài sản trí tuệ, ngừng chuyển giao công nghệ, cho phép người Mỹ sở hữu công ty riêng".(NLĐ)
--------------------

Hồng Kông qua mặt New York về người siêu giàu

Hồng Kông (Trung Quốc) vừa qua mặt TP New York (Mỹ) để giữ danh hiệu thành phố có nhiều người siêu giàu nhất thế giới - cá nhân có tài sản từ 30 triệu USD trở lên.

Theo báo cáo mới của Công ty Nghiên cứu Wealth-X, số người siêu giàu ở Hồng Kông trong năm 2017 là 10.010 người, tăng 31% so với năm trước. Tăng trưởng ấn tượng này xuất phát từ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và các mối quan hệ tài chính với nền kinh tế Trung Quốc. 

Theo sau Hồng Kông là TP New York (8.865 người) và thủ đô Tokyo của Nhật Bản (6.785 người).

Theo báo cáo của Wealth-X, số người siêu giàu trên toàn cầu trong năm ngoái là 256.000 người (tăng 13% so với năm 2016) với tổng tài sản có giá trị 31.500 tỉ USD. Trong danh sách này có 35.000 phụ nữ, chiếm tỉ lệ cao kỷ lục gần 14%.

Hồng Kông qua mặt New York về người siêu giàu - Ảnh 1.

Số người siêu giàu ở Hồng Kông hồi năm 2017 vào khoảng 10.010 người Ảnh: J3TOURSHONGKONG

Đáng chú ý, châu Á có số lượng người siêu giàu tăng cao nhất (20%) nhờ những yếu tố như gia tăng chi tiêu tiêu dùng, đầu tư cơ sở hạ tầng và cải cách kinh tế… 

Trong số này, người siêu giàu tại Nam Á và Đông Nam Á cũng tăng trưởng ấn tượng. Trong giai đoạn 2012-2017, theo trang tin Quartz, Việt Nam có dân số siêu giàu tăng nhanh thứ 3 thế giới với tỉ lệ 12,7%, chỉ đứng sau Trung Quốc (13,4%) và Bangladesh (17,3%). 

"Châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ thu hẹp khoảng cách về số người siêu giàu với các khu vực khác trên thế giới trong vòng 5 năm tới" - báo cáo cho biết.

Mỹ vẫn là lựa chọn hàng đầu của những người giàu nhất thế giới - khoảng 1/3 cá nhân siêu giàu đang sống ở đó. Dù vậy, châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng đang cạnh tranh quyết liệt. 26/30 thành phố có dân số siêu giàu tăng nhanh nhất nằm ở Trung Quốc. (NLĐ)

Trở về

Bài cùng chuyên mục