tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-04-2017

  • Cập nhật : 07/04/2017

Mỹ phá đường dây gian lận làm thẻ xanh cho giới nhà giàu Trung Quốc

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã tiến hành khám xét một doanh nghiệp bị cáo buộc liên quan đến đường dây gian lận làm thẻ thường trú nhân cho 100 người giàu Trung Quốc.

cac nhan vien fbi kham xet doanh nghiep gian lan trong viec lam the xanh tai bang california afp

Các nhân viên FBI khám xét doanh nghiệp gian lận trong việc làm thẻ xanh tại bang California AFP

Theo AFP dẫn nguồn từ giới chức Mỹ ngày 5.4 (giờ địa phương), các nghi can trong đường dây trên đã giúp nhóm nhà giàu Trung Quốc có thẻ thường trú nhân (thẻ xanh) theo chương trình đầu tư vào Mỹ, song thực tế là không bỏ tiền ra đầu tư.

Các nhà điều tra Mỹ cho biết Victoria Chan, một luật sư tại bang California và cha cô này, Tat Chan từ năm 2008 bắt đầu thuyết phục hơn 100 người Trung Quốc đầu tư lên tới 50 triệu USD vào Quỹ Đầu tư Định cư California (CIIF ) và các công ty liên quan để có được thị thực theo chương trình EB-5.

Chương trình này giúp cấp thẻ xanh cho người nước ngoài định cư ở Mỹ, để đổi lấy các khoản đầu tư có giá trị ít nhất 500.000 USD vào một doanh nghiệp Mỹ, tạo công ăn việc làm cho ít nhất 10 người Mỹ.

“Trong đường dây lừa đảo này, nhiều công dân nước ngoài có thể lấy được thẻ xanh thông qua chương trình EB-5, mặc dù trên thực tế họ không thực sự đầu tư vào các doanh nghiệp Mỹ cũng như không tạo ra việc làm tại Mỹ”, Gary Chen - một quan chức thuộc FBI - cho biết.

Cũng theo ông Chen, nhiều người Trung Quốc có thẻ xanh từ đường dây trên lại có tên trong danh sách bị truy nã ở nước này liên quan tới các tội như hối lộ và lạm quyền.

Victoria Chan cùng Tat Chan bị cáo buộc từng hứa sẽ hoàn trả tiền đầy đủ cho các nhà đầu tư song lại tư lợi, dùng số tiền trên mua nhà trị giá hàng triệu USD cho mình.

Họ cũng từng trình nhiều kế hoạch phát triển các dự án cho chính quyền liên bang, song không bao giờ tiến hành triển khai.

Giới chức Mỹ cho biết hiện chưa có ai bị bắt giữ hay chính thức bị truy tố.(Thanh Niên)
-----------------------------------------------------------------------

Trung Quốc sắp đuổi kịp nền kinh tế công nghệ cao của Hàn Quốc

Trung Quốc chỉ còn cách Hàn Quốc sáu tháng phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Theo Bloomberg, Hàn Quốc nổi tiếng là nước công nghệ cao với nhiều điểm ấn tượng từ điện thoại thông minh Samsung cho đến sức đổi mới hàng đầu và tốc độ kết nối internet nhanh nhất thế giới. Song giữa lúc các ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc đang đề xuất kế hoạch phát triển công nghệ mới để thúc đẩy kinh tế trong 5 năm tới, Hàn Quốc phải đối mặt bài kiểm tra thực thụ: giới doanh nghiệp nước này đang cách bao xa so với các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc?

Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc cho hay trong 5 năm tới, sẽ không có nhiều điểm khác biệt giữa doanh nghiệp công nghệ Hàn Quốc và Trung Quốc ở đa số lĩnh vực, bao gồm điện thoại thông minh cao cấp, thiết bị điện tử có thể đeo được, bộ nhớ và điện tử thông minh.

Viện chính sách trên cho hay chiến lược “Made in China 2025” của Đại lục đặt mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế từ chỗ bao gồm nhiều công việc sử dụng nhiều lao động sang nơi bao gồm nhiều lĩnh vực công phức tạp hơn, từ robot cho đến hàng không vũ trụ. Kế hoạch sẽ giúp nhiều ngành công nghiệp phát triển mạnh, giúp nhiều doanh nghiệp trở thành “đối thủ mạnh” của công ty xứ Hàn.

Nhà kinh tế Kim Hyeon-wook tại SK Research Institute ở Seoul (Hàn Quốc) cho biết: “Trong số các ngành công nghiệp chính, dường như Hàn Quốc chỉ có lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc trong mảng bán dẫn và hiển thị. Chính phủ Hàn Quốc không nên ngồi yên mà cần lập kế hoạch chi tiết, định chương trình nghị sự và thực hiện cải cách cần thiết để đi về phía trước”.

“Sự phát triển ngành công nghiệp của Trung Quốc đang thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị giữa Hàn và Trung”, giám đốc nghiên cứu ngành công nghiệp Trung Quốc Cho Chuel tại Korea Institute for Industrial Economics & Trade cho hay. Thay vì cấu trúc theo chiều dọc như trước đây, tức Hàn Quốc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng, cuộc đua cạnh tranh giữa hai nước sẽ trở nên cân bằng hơn. Hàn Quốc sẽ cần đầu tư thêm để sản xuất ra các sản phẩm cạnh tranh.

Lim Hyun-seo, giám đốc điều hành doanh nghiệp khởi nghiệp Tankerfund ở Hàn Quốc, cho hay: “Tôi muốn thấy nhiều chính sách mới có thể thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp Hàn Quốc về cơ bản. Hàn Quốc có những ngành công nghiệp tinh vi, phức tạp song cần có một cuộc thảo luận về cách đất nước có thể phát triển ra sao từ điểm này”.(TN)
------------------------------------------------------

Tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu thịt

Từ ngày 10.4, người khai hải quan phải nộp bản chính chứng từ chứng nhận xuất xứ do nước xuất khẩu cấp khi làm thủ tục hải quan đối với các lô hàng thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu.

Trường hợp mua bán qua bên thứ ba thì phải thể hiện rõ tên nhà sản xuất trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đây là yêu cầu của Bộ Tài chính trong công văn hỏa tốc chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, TP tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu đối với các mặt hàng thịt và sản phẩm từ thịt.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị hải quan thực hiện theo nội dung Quyết định số 902/QĐ-BNN-TY do Bộ NN-PTNT ban hành về việc tạm ngừng nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm từ 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil đang bị điều tra do nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm kể từ ngày 23.3. Đồng thời các đơn vị hải quan phải kiểm tra thực tế toàn bộ lô thịt và sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm có xuất xứ từ Brazil đã về đến cửa khẩu trước ngày 23.3. Trong quá trình kiểm tra thực tế cần lưu ý đến thành phần, hạn sử dụng, nhãn hiệu, điều kiện bảo quản, an toàn thực phẩm...

Ngày 5.4, ông Tống Xuân Chinh, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết cục này đã có văn bản gửi các địa phương trên toàn quốc kiến nghị tạm dừng cấp phép xây dựng mới các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN). Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, cả nước hiện có 209 nhà máy sản xuất TACN hỗn hợp và bổ sung với công suất đăng ký lên tới 31 triệu tấn, đã vượt 6 triệu tấn so với quy hoạch của ngành sản xuất TACN của VN (đến năm 2020 chỉ cho phép công suất là 25 triệu tấn).

Theo ông Chinh, số lượng nhà máy sản xuất TACN nhiều nhưng đang có vấn đề về mặt phân bổ. Tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ, miền Đông Nam bộ có quá nhiều nhà máy sản xuất TACN nhưng ở nhiều tỉnh khu vực miền núi phía bắc và Tây nguyên thì có rất ít, thậm chí có tỉnh không có nhà máy TACN nào. Quy trình thủ tục đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất TACN do Sở NN-PTNT và UBND cấp tỉnh, TP chịu trách nhiệm phê duyệt và cấp phép nhưng khi thấy ngành này phát triển quá nóng, vượt quy hoạch thì Cục Chăn nuôi phải cảnh báo.(TN)
------------------------------------------

Việt Nam tiếp tục nằm trong top 5 nước đầu tư lớn nhất ở Campuchia

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 12/2016, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 183 dự án giá trị và 2,85 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư tại Campuchia.

Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia. Tính đến hết năm 2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Campuchia đã đạt khoảng 3 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 624,1 triệu USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2016. 

Hai nước đang hướng tới mục tiêu 5 tỷ USD trong thời hạn sớm nhất có thể. Ngoài ra, Việt Nam luôn dẫn đầu về số lượt du khách viếng thăm Campuchia trong những năm gần đây, đồng thời Việt Nam cũng là điểm đến hàng đầu của du khách Campuchia khi ra nước ngoài. 
Các thông tin trên được Đại sứ Thạch Dư đưa trong phát biểu khai mạc cuộc Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Campuchia năm 2017, do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia tổ chức với sự tham dự của khoảng 100 đại diện doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư và kinh doanh tại vương quốc này. 
Theo Đại sứ, quan hệ hữu nghị truyền thống, điều kiện thuận lợi về mặt địa lý, sự quan tâm tạo điều kiện thuận lợi của chính phủ hai nước là một trong những cơ sở thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam-Campuchia có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua. 

Tuy nhiên, Đại sứ cho rằng mặc dù đã đạt được những kết quả rất ấn tượng nhưng tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia còn rất lớn. Do đó, với mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp, Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Campuchia năm 2017 được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam hiểu thêm tình hình và cơ hội đầu tư kinh doanh tại Campuchia, tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu tại địa bàn vốn đã được tạo dựng trong nhiều năm qua, đồng thời tạo cơ hội kết nối các doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh tại Campuchia. 

Sau phần giới thiệu về tình hình chính trị, kinh tế Campuchia hiện nay, thông báo về các thỏa thuận hợp tác song phương giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian qua do Công sứ Nguyễn Trác trình bày, nhiều đại biểu các doanh nghiệp như Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), Metfone, Angkor Milk, Bệnh viện Chak Angre… đã nêu một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đối với Chính phủ Campuchia và Việt Nam về cơ chế hiện hành của chính phủ hai nước đối với các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia, nhất là đối với các vấn đề liên quan đến thuế, thị thực cho người lao động Việt Nam.(Baotintuc)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục