tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-06-2016

  • Cập nhật : 03/06/2016

Quan điểm của Chính phủ về đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia

Chính phủ đánh giá, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác.
nguon von bang vang dang co xu huong chuyen dich sang cac kenh dau tu khac (anh minh hoa: dan tri)

Nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng chuyển dịch sang các kênh đầu tư khác (Ảnh minh họa: Dân trí)

Về đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam (VNBA), hiện có hai luồng ý kiến: đồng tình bởi cho rằng giúp huy động nguồn lực vàng trong dân (dự tính khoảng 500 tấn); ý kiến khác lại đánh giá việc này là kém khả thi và rủi ro cao, lo ngại sàn vàng nếu hình thành sẽ chỉ như “cái chợ” mua bán trung gian, tạo cơ hội cho các hoạt động đầu cơ, nguy cơ vàng hóa nền kinh tế.

Về vấn đề này, hôm nay (2/6), Văn phòng Chính phủ đã cho biết quan điểm của Chính phủ về vấn đề này.

Theo Văn phòng Chính phủ, sau 4 năm Ngân hàng Nhà nước nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay thị trường vàng đang diễn biến ổn định, biến động của giá vàng không còn tác động lớn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, nhu cầu về vàng miếng đang ngày càng giảm, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Hiện nay, quản lý hoạt động mua, bán vàng miếng đã đi vào nề nếp và cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang nghiên cứu, đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo hướng tiếp tục duy trì sự ổn định thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng "vàng hoá" trong nền kinh tế, tạo tiền đề để tiếp tục chuyển hoá nguồn lực vàng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Tất cả các ý kiến đề xuất thành lập hay phản đối thành lập sàn vàng đều là những ý kiến để Ngân hàng Nhà nước phân tích, cân nhắc hết sức thận trọng trước khi đưa ra các biện pháp quản lý thị trường vàng theo đúng chủ trương của Chính phủ.


Thông tư 06 nối tiếp Thông tư 36: Nhà đầu tư bất động sản thở phào

Mặc dù có nhiều lo ngại, nhưng việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phần nào giúp nhà đầu tư bất động sản bớt lo ngại.

Thị trường bất động sản cũng thở phào ngay sau khi NHNN thiết lập lộ trình rút ngắn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, thay vì áp dụng cứng nhắc một mức và tại một thời điểm như Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 trước đó. Theo quy định tại Thông tư 06, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản tăng từ 150% lên 200%, thay vì 250% như dự kiến; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giữ nguyên 60% đến hết năm 2016 rồi hạ dần...

Việc NHNN giãn lộ trình siết chặt cho vay bất động sản được các chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Tổng giám đốc mộtngân hàng cho biết, mặc dù tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn chưa chạm mức 40%, song nếu sửa đổi Thông tư 36 như dự thảo ban đầu thì 1-2 năm tới, Ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng và đòi hỏi tăng cường huy động vốn để bù đắp, cân đối lại nguồn vốn cũng như tỷ lệ cho vay.

..

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho biết, việc sửa đổi Thông tư 36 như trên là hợp lý trong bối cảnh sắp tới phải kiểm soát cho vay bất động sản, nhất là việc kiểm soát có lộ trình thực hiện, khi quy định trên chỉ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 để hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản có gần 1 năm để điều chỉnh. Tuy nhiên, NHNN cần chia bất động sản thành 4 nhóm, với các mức độ rủi ro khác nhau, chứ không phải tất cả đều 200%.

Trước đó, cho rằng, tín dụng bất động sản đã tăng mạnh trong 2 năm qua và cao hơn mức bình quân tăng trưởng tín dụng chung, nên cần phải điều chỉnh nhằm giảm rủi ro, NHNN khẳng định, việc điều chỉnh Thông tư 36 sẽ không ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, giới đầu tư bất động sản đã liên tục phản đối và cho rằng, nếu sửa đổi Thông tư 36 như dự kiến ban đầu thì sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng đến thị trường bất động sản, cũng như nền kinh tế.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản gửi NHNN đề nghị chưa sửa đổi Thông tư 36. Theo HoREA, thị trường bất động sản Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào 2 nguồn vốn gồm: tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng. Đặc biệt, hoạt động đầu tư phát triển, kinh doanh bất động sản có tính chất trung, dài hạn, nhưng trên thực tế chưa có cơ chế đầy đủ để tạo lập nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn tín dụng trung hạn, dài hạn.

Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, đối với việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, NHNN đã đưa ra lộ trình phù hợp, không tạo ra tác động quá mạnh đối với thị trường. Mặt khác, với việc nâng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản lên 200% sẽ tạo điều kiện tốt trong cho vay bất động sản, thay vì quá thắt chặt như dự thảo lần trước.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đánh giá cao sự cầu thị của NHNN trước kiến nghị của HoREA, đã giải tỏa căng thẳng cho cả ngân hàng và giới đầu tư bất động sản, không tạo sốc cho thị trường. “Siết tín dụng bất động sản nhưng có lộ trình là cần thiết, vì quá trình đó sẽ đào thải bớt các nhà đầu tư yếu kém về năng lực quản trị và tài chính, đồng thời, tự thân thị trường phải tìm các kênh vốn khác thay vì chỉ dựa dẫm vào nguồn vốn ngân hàng”, ông Châu lý giải thêm.


Các vụ bê bối vẽ lại bức tranh doanh nghiệp Nhật

Theo số liệu của Bloomberg, trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị các vụ M&A có doanh nghiệp Nhật tham gia với vai trò là mục tiêu bị thâu tóm hoặc bên bán tài sản đã tăng tới 62% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 55,4 tỷ USD.

Các công ty Nhật Bản đang đẩy mạnh thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tìm kiếm mức lợi nhuận cao hơn trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới lâm vào trạng thái trì trệ.

Tuy nhiên, ở ngay trên sân nhà, các vụ bê bối đang làm thay đổi cục diện bức tranh doanh nghiệp Nhật.

Theo số liệu của Bloomberg, trong 5 tháng đầu năm, tổng giá trị các vụ M&A có doanh nghiệp Nhật tham gia với vai trò là mục tiêu bị thâu tóm hoặc bên bán tài sản đã tăng tới 62% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 55,4 tỷ USD. Đây là mức cao nhất trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây.

Có thể kể đến một vài cái tên lớn như Toshiba và Mitsubishi Motors – những tập đoàn đang cố gắng bán bớt tài sản để đối phó với các vụ bê bối.

Hồi tháng 3, Toshiba bán mảng thiết bị y tế cho Canon với giá 665, 5 tỷ yên (tương đương 6 tỷ USD) sau khi đối mặt với bê bối gian lận kế toán. Tháng trước Mitsubishi Motors cũng đã đồng ý bán 34% cổ phần cho Nissan Motor với giá 237,4 tỷ yên. Dòng vốn mới huy động được sẽ là “phao cứu sinh” quan trọng cho nhà sản xuất xe hơi này. Giá trị vốn hóa của Mitsubishi đã giảm hơn 30% kể từ khi thừa nhận đã gian lận về các chỉ tiêu tiết kiệm khí thải vào hôm 20/4.

Toshiyuki Mitsuzawa – chuyên gia đến từ quỹ đầu tư Frontier Management – cho rằng thời gian vừa qua số thương vụ M&A nhằm phản ứng với khủng hoảng đã tăng mạnh ở Nhật Bản. Thời gian tới sẽ có nhiều thương vụ kiểu này diễn ra, đặc biệt là trong những ngành đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt như điện tử và ô tô.

Theo nguồn tin thân cận, kế hoạch cải tổ của Toshiba sẽ dẫn đến nhiều vụ M&A hơn nữa trong thời gian tới. “Toshiba sẽ đóng vai trò to lớn trong hoạt động M&A ở Nhật Bản trong năm nay. Những tập đoàn điện tử lớn của Nhật Bản đã trì hoãn kế hoạch cải tổ quá lâu, trong khi sức cạnh tranh của họ trên thị trường quốc tế ngày càng giảm sút”, Chihiro Ohta – chiến lược gia của công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities – nhận định.

Hồi tháng 4, nhà sản xuất bia Asahi của Nhật Bản đã bỏ ra 2,55 tỷ euro (tương đương 2,84 USD) để mua các nhãn hiệu bia Peroni, Grolsch và Meantime từ tay AB InBev nhằm mở rộng hoạt động ở thị trường châu Âu. Công ty thuốc lá Japan Tobacco cũng chi 510 triệu USD thâu tóm 40% cổ phần của tập đoàn thuốc lá thuộc sở hữu của nhà nước Ethiopia.

Chuyên gia kinh tế trưởng Yasuhide Yajima tại Viện nghiên cứu NLI cho rằng kết hợp cả hoạt động M&A chủ động và bị động sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe của các doanh nghiệp Nhật trong dài hạn. “Họ nên thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh không cốt lõi đồng thời hợp tác với các ông lớn ở châu Á để mở rộng thị phần cho các dịch vụ và sản phẩm cốt lõi”.


Alibaba vừa nhận 1 tỷ USD từ Temasek

“GIC và Temasek vẫn tin vào sức khỏe kinh tế Trung Quốc cũng như sự phát triển của ngành thương mại điện tử và công nghệ ở quốc gia này”, Margaret Yang – chuyên gia phân tích tại CMC Markets (Singapore) – nhận định.

Temasek Holdings và GIC, hai quỹ đầu tư trực thuộc nhà nước Singapore, vừa thông báo đã mua vào tổng cộng 1 tỷ USD cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba. Như vậy các quỹ đầu tư của Singapore đã trở thành cổ đông lớn thứ hai của Alibaba, chỉ đứng sau tập đoàn SoftBank của Nhật Bản.

Temasek và GIC đều là những nhà đầu tư rót vốn vào Alibaba từ giai đoạn đầu. Ngoài ra họ cũng nắm giữ một lượng lớn cổ phần của nhiều công ty công nghệ được hưởng lợi từ đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó SoftBank vừa có động thái bán ra cổ phiếu Alibaba lần đầu tiên trong 16 năm.

“GIC và Temasek vẫn tin vào sức khỏe kinh tế Trung Quốc cũng như sự phát triển của ngành thương mại điện tử và công nghệ ở quốc gia này”, Margaret Yang – chuyên gia phân tích tại CMC Markets (Singapore) – nhận định.

Theo thông báo từ Alibaba, Temasek và GIC sẽ trả 500 triệu USD cộng thêm 74 USD cho mỗi cổ phiếu Alibaba. Mỗi quỹ sẽ nắm giữ 6,76 triệu cổ phiếu mới.

Temasek hiện đang sở hữu 48,6 chứng chỉ lưu ký kiểu Mỹ (ADR) của Alibaba. GIC cũng là một nhà đầu tư đã gắn bó lâu dài với Alibaba, trước cả khi công ty này lên sàn năm 2014.

GIC sở hữu 60 triệu cổ phiếu có giá trị 482 triệu USD của của AAC Technologies Holdings – nhà sản xuất phụ kiện âm thanh cho điện thoại đến từ Trung Quốc. Quỹ này cũng có cổ phần ở Cheetah Mobile và ChinaCache International Holdings.

Trong khi đó Temasek sở hữu lượng cổ phần trị giá 98 triệu USD ở Tencent, công ty đứng sau ứng dụng nhắn tin WeChat nổi đình nổi đám. Cả GIC và Temasek đều sở hữu cổ phần ở công ty cung cấp dịch vụ Internet 21Vianet.

Hiện SoftBank, nhà đầu tư lớn nhất của Alibaba, đang có 8,9 tỷ USD ở Alibaba.


Đồng tiền tăng giá mạnh nhất châu Á

Xu hướng tăng giá mạnh mẽ của đồng kyat được xem là một dấu hiệu cho thấy Myanmar đang bắt đầu nổi lên sau nhiều thập kỷ cô lập...

Đồng Kyat của Myanmar đã trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất tại khu vực châu Á từ đầu năm đến nay, theo hãng tin Bloomberg.

Được hậu thuẫn bởi chiến thắng của chính trị gia Aung San Suu Kyi trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Myanmar kể từ năm 1990 vào cuối năm ngoái, đồng Kyat đã tăng giá hơn 10% từ đầu năm đến nay so với đồng USD. Nhiều khả năng, năm 2016 sẽ là năm tăng giá đầu tiên của đồng tiền này sau khi liên tục giảm kể từ thời điểm được thả nổi vào năm 2012.

Một loạt cải cách đã đưa nền kinh tế và xã hội Myanmar hồi sinh kể từ khi chính quyền quân sự ngừng lãnh đạo nước này vào năm 2011. Tốc độ mở cửa của Myanmar càng được đẩy nhanh sau khi Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2015. Với dòng vốn nước ngoài chảy mạnh vào Myanmar, đồng Kyat được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.

Đối với Andrew Lee, một người Mỹ gốc Myanmar trở về nước cách đây 4 năm để mở chi nhánh của hãng General Electric (GE), sự tăng giá của đồng Kyat là một bằng chứng cho thấy ông đã lựa chọn đúng. Lee cho rằng một đồng tiền mạnh lên là điều quan trọng đối với nền kinh tế đang cất cánh của Myanmar, bởi nó sẽ giúp giảm chi phí nhập khẩu, đồng thời giảm chi phí đối với các dự án cơ sở hạ tầng của Chính phủ.

“Đồng tiền tăng giá là điều tốt cho nền kinh tế Myanmar. Chúng tôi lạc quan về Chính phủ mới. Chúng tôi biết vẫn còn nhiều việc phải làm đối với cơ sở hạ tầng ở đây”, ông Lee, người cùng gia đình chuyển sang Mỹ vào năm 1979 khi mới 12 tuổi, nhận định.

Dù bị quy định của Hiến pháp do quân đội soạn thảo ngăn không thể trở thành Tổng thống Myanmar, bà Suu Kyi được cho là người nắm quyền lực “hậu trường” ở nước này. Ngoài việc nắm một số ghế Bộ trưởng trong nội các Myamar hiện nay, bao gồm cương vị ngoại trưởng, bà Suu Kyi còn là cố vấn nhà nước, nắm quyền chính thức cố vấn cho Chính phủ.

Bộ máy lãnh đạo mới của Myanmar đang tạo ra một sự tin tưởng lớn. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinhh tế Myanmar sẽ tăng trưởng nhanh hơn các nước láng giềng, với mức tăng có thể vượt 8% trong năm nay và đầu năm 2017. Mục tiêu của Myanmar là thu hút 80 tỷ USD vốn đầu tư cần thiết cho các dự án điện, giao thông và công nghệ trong thời gian từ nay đến hết năm 2030.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Myanmar đã tăng 1,48 tỷ USD trong tài khóa kết thúc vào ngày 31/3 vừa qua, đạt mức 9,48 tỷ USD. Dòng vốn FDI vào Myanmar được dự báo sẽ mạnh lên sau khi Mỹ mới đây dỡ lệnh trừng phạt đối với 10 doanh nghiệp quốc doanh và ngân hàng của nước này. Tuy nhiên, một số hạn chế khác của Mỹ đối với Myanmar vẫn được duy trì.

Các ngân hàng ở khu vực châu Á dự báo đồng Kyat sẽ tiếp tục tăng giá mạnh hơn các đồng tiền khác trong khu vực trong thời gian tới. Ngân hàng Malayan của Malaysia dự báo đồng Kyat sẽ tăng giá 18%, đạt mức đỉnh 2 năm là 1.000 Kyat/1 USD trong thời gian từ nay đến đầu năm 2017. Hiện tỷ giá đồng Kyat so với USD ở mức khoảng 1.183,6 Kyat đổi 1 USD.

Đồng Kyat đã mất giá 21% trong năm 2015 và chạm mức thấp kỷ lục 1.344 Kyat đổi 1 USD hồi tháng 1 năm nay. Đồng tiền này hiện còn đang hưởng lợi từ các biện pháp của Chính phủ Myamar nhằm ngăn chặn tình trạng đôla hóa nền kinh tế, bao gồm hạn chế các khách sạn, nhà hàng, doanh nghiệp tính tiền bằng USD.

Một dấu hiệu khác về niềm tin ở Myanmar là các doanh nghiệp, bao gồm các siêu thị, bắt đầu giảm giá bán hàng nhập khẩu như kem đánh răng, bánh kẹo, máy giặt... - theo ông Vijay Dhayal, Phó chủ tịch công ty new Crossroads Asia. Năm ngoái, giá các mặt hàng nhập khẩu ở Myanmar tăng tới 30%.

“Giai đoạn tồi tệ nhất đối với đồng Kyat đã qua. Đang có một tâm lý tích cực về Chính phủ mới của Myanmar, rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng và Myamar sẽ cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài”, ông Dhayal nói từ Yangon.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục