tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-09-2017

  • Cập nhật : 01/09/2017

Trung Quốc 'sốc' khi bị cáo buộc chia rẽ Liên minh châu Âu

'Chúng tôi sốc với phát biểu của ông Gabriel', người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 31-8 phản ứng với cáo buộc của Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel.

ngoai truong duc sigmar gabriel - anh: reuters

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel - Ảnh: Reuters

Trước đó, ông Gabriel đã có những nhận xét không hay về phía Trung Quốc, khi khẳng định Bắc Kinh không nên “cố chia rẽ chúng tôi”.

Ngoại trưởng Đức cho rằng Trung Quốc đã dùng tư cách một nhà đầu tư để gây ảnh hưởng lên các quyết định của Liên minh châu Âu (EU).

Đây là nhận định liên quan tới những lời phàn nàn từ các nước châu Âu về cách Trung Quốc hạn chế họ tiếp cận thị trường, về thép và một số vấn đề khác.

Trong phát biểu ngày 31-8, bà Hoa Xuân Oánh đặt dấu hỏi về những khái niệm như “một EU” mà ông Gabriel đã sử dụng.

“Chúng tôi hy vọng rằng ông ấy có thể làm rõ ý nghĩa của ‘một châu Âu’, và liệu có quy tắc nào là ‘một châu Âu’ giữa các thành viên châu Âu hay không.

Chúng tôi hy vọng và tin rằng phát biểu của ông ấy về nỗ lực của Trung Quốc trong việc chia rẽ châu Âu là không đại diện cho suy nghĩ của hầu hết công dân ở châu Âu”, hãng tin AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trong chuyến thăm Paris (Pháp) ngày 30-8, ông Gabriel kêu gọi các nước châu Âu thể hiện lập trường chung về Trung Quốc, và nói rằng Bắc Kinh “nên có chính sách ‘một châu Âu’ và đừng cố gắng chia rẽ chúng tôi”.

Hồi tháng 6 qua, Hi Lạp là nước chặn một tuyên bố của EU có nội dung chỉ trích tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.

Hungary, nơi Trung Quốc là nhà đầu tư lớn, cũng chặn một số tuyên bố khác.(Tuoitre)
-----------------------

10 nhóm hàng thiết yếu tăng giá mạnh

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2017 tăng 0,92% so với tháng trước.

Tính chung chỉ số giá tiêu dùng bình quân tám tháng đầu năm tăng 3,84% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu thì 10 nhóm có chỉ số giá tăng. Cụ thể, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 2,86%. Nguyên nhân do trong tháng có 17 tỉnh, TP điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế với đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế.

Nhóm giao thông tăng 2,13% do ảnh hưởng từ hai đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,06%. Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,93%. Giáo dục tăng 0,57% do trong tháng có năm tỉnh, TP trực thuộc trung ương thực hiện lộ trình tăng học phí.

Tương tự, các nhóm khác bao gồm may mặc, mũ nón, giày dép; đồ uống và thuốc lá; thiết bị và đồ dùng gia đình; văn hóa, giải trí và du lịch… cũng tăng. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 8-2017 tăng 1,11% so với tháng trước; tăng 3,42% so với tháng 12-2016 và giảm 2,35% so với cùng kỳ năm trước.(PLO)
-------------------------

Trung Quốc ngưng mua, chôm chôm còn 5.000 đồng/kg

Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 8 vừa qua thị trường trái cây có nhiều biến động. Tại Bến Tre, giá chôm chôm liên tục giảm và hiện chôm chôm Java chỉ bán được mức giá 5.000-6.000 đồng/kg.

Nguyên nhân khiến giá mặt hàng này lao dốc là do xuất khẩu đi Trung Quốc, Campuchia gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, nông dân lại thu hoạch rộ đúng vào thời điểm mưa kéo dài nên việc tiêu thụ chôm chôm cũng chậm hơn.

Ngược lại, giá dừa tại Bến Tre khoảng một tuần gần đây tăng cao lên mức kỷ lục, dao động quanh mức 125.000-150.000 đồng/chục (12 trái). Nguyên nhân là do đang trong giai đoạn nghịch mùa, cộng thêm ảnh hưởng của hạn mặn năm ngoái nên sản lượng thấp, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.

Theo Bộ NN&PTNT, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tám tháng đầu năm nay ước đạt 2,3 tỉ USD, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam, chiếm 85% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả.(PLO)
---------------------

8 tháng, ngành thuế thu ngân sách tăng 10,8%

Theo Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách đến tháng 8/2017 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 623.294 tỷ đồng, bằng 64,4% dự toán năm, tăng 10,8% so với cùng kỳ.

Trong đó, nguồn thu từ dầu thô đạt gần 30.000 tỷ đồng, bằng 78,3% dự toán, tăng 11,3% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá dầu thanh toán bình quân 8 tháng ước đạt 53 USD/thùng, cao hơn 3 USD/thùng so với dự toán: thu nội địa ước đạt 593.324 tỷ đồng, bằng 63,8% dự toán, tăng 10,8% so với cùng kỳ.

nop ho so quyet toan thue tai cuc thue tinh ninh binh. anh: minh duc/ttxvn

Nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Cục thuế tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

 

Cùng với đó, thu ngân sách Trung ương trong 8 tháng năm nay ước đạt 275.700 tỷ đồng, bằng 56,7% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, tiến độ thu ngân sách trung ương đạt chậm so với vài năm gần đây và chậm hơn so với tiến độ thu ngân sách địa phương và tiến độ thu ngân sách nói chung. Nguyên nhân là do một số ngành sản xuất công nghiệp có đóng góp lớn trong số thu ngân sách có tốc độ tăng trưởng thấp, hoặc giảm so với cùng kỳ, như: Khai thác dầu thô và khí thiên nhiên giảm 10,8%, sản xuất và lắp ráp ô tô giảm 0,7%.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, có 28/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt khá (trên 70%, theo mức từ cao đến thấp), đó là: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh, Gia Lai, Bình Định, Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Phú Thọ, Lào Cai, Lâm Đồng, Nam Định, Bình Phước, An Giang, Đắc Nông, Đà Nẵng, Kon Tum, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Bình, Trà Vinh, Bạc Liêu, Quảng Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bến Tre, Long An. Có 15/63 địa phương có tiến độ thu đạt mức trung bình (trên 63% đến dưới 70%), còn lại là tiến độ thu đạt thấp (dưới 63%).

Một số chuyên gia ngành thuế cho biết: Mặc dù tiến độ thu đến nay đạt khá nhưng tình hình kinh tế trong nước những tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Một số ngành sản xuất có đóng góp lớn cho ngân sách tiếp tục tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ, nhập siêu tiếp tục tăng mạnh; việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu ô tô theo lộ trình cam kết với các nước ASEAN đã và đang tạo áp lực cạnh tranh gay gắt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước; tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường… Đây là những yếu tố tác động không thuận tới công tác thu ngân sách nhà nước trong những tháng còn lại của năm.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục