tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 28-12-2017

  • Cập nhật : 28/12/2017

Năm 2032, sẽ có 5 nước châu Á lọt tốp 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới

Với xu thế phát triển hiện nay, đến năm 2032, châu Á sẽ có 5 đại diện trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong khi các nền kinh tế châu Âu đồng loạt tụt hạng và Mỹ mất vị trí đứng đầu.

van chuyen hang hoa tai cang o thanh dao, tinh son dong, mien dong trung quoc. anh: afp/ttxvn

Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên đây là dự báo của các chuyên gia kinh tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu các hoạt động doanh nghiệp và kinh tế có trụ sở tại London (Anh).

Trong báo cáo công bố ngày 26/12, các chuyên gia nhận định đến năm 2032, Trung Quốc sẽ "soán" vị trí đứng đầu của Mỹ hiện nay trong danh sách này, và 3 trong 4 nền kinh tế đứng đầu thế giới thời điểm đó sẽ là các nước châu Á, trong đó có Ấn Độ và Nhật Bản. Indonesia và Hàn Quốc cũng được xếp trong 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới tại thời điểm đó. Công nghệ và đô thị hóa sẽ là những yếu tố quan trọng chuyển dịch nền kinh tế thế giới trong vòng 15 năm tới.

Australia cũng được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới trong thập kỷ tới, tăng 2 bậc so với vị trí thứ 13 hiện nay. Tăng trưởng dân số, với chủ yếu là lực lượng người nhập cư có tay nghề, sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của đất nước này. Những người nhập cư có tay nghề muốn đến Australia sẽ là những đối tượng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia vốn ngày càng ít phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thay vào đó, chú trọng tới phát triển công nghệ và các lĩnh vực khác của phát triển toàn cầu.

Các số liệu thống kê chính thức của Australia cho biết trong hai năm 2015-2016, đã có hơn 120.000 người được cấp thị thực lao động ở nước này, là những đối tượng sẽ được cấp thị thực cư trú lâu dài. Triển vọng nền kinh tế Australia trong năm 2018 được dự báo là tích cực, trong đó khu vực kinh doanh đang "vận hành tốt" và tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng từ khoảng 2% đến gần 3%.(TTXVN)
------------------------------

Ngành dâu tằm tơ Việt Nam gặp khó vì phụ thuộc trứng giống Trung Quốc

Hội thảo "Thực trạng và tìm kiếm giải pháp cho sự phát triển bền vững của ngành dâu tằm, tơ lụa tỉnh Lâm Đồng" đã diễn ra chiều 26.12 tại TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Theo ông Đặng Vĩnh Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ (DTT) VN, trong quá trình sản xuất DTT thì trứng giống tằm đóng vai trò quan trọng, chất lượng trứng giống không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả lứa tằm và thu nhập của nông dân, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng kén.

“Tuy nhiên ở VN nói chung và Lâm Đồng nói riêng, hiện nay toàn bộ giống tằm lai lưỡng hệ đều nhập khẩu gần như 100% từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch. Đây là thách thức lớn đối với ngành DTT VN hiện nay”, ông Thọ cho biết.

Cùng quan điểm, ông Lê Quang Tú, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu DTT Trung ương, chia sẻ: “VN chưa có bộ giống dâu, giống tằm, đặc biệt là giống tằm lưỡng hệ năng suất chất lượng cao nuôi được quanh năm trong điều kiện khí hậu của VN. Hằng năm, số lượng trứng tằm lưỡng hệ cấp 2 của Trung Quốc nhập lậu vào VN chiếm khoảng 85% nên không chủ động được kế hoạch sản xuất, không kiểm soát được chất lượng và dịch bệnh”.

Không chỉ lo thách thức từ trứng tằm, ngành DTT VN còn đang đối mặt với khó khăn do việc đầu tư mất cân đối giữa máy móc thiết bị với việc phát triển vùng nguyên liệu.

“Hiện nay ở Lâm Đồng có 40 dãy ươm tơ tự động (cả nước có 41 dãy) và đang lắp thêm 10 dãy nữa tại khu công nghiệp Phú Hội (H.Đức Trọng). Thế nhưng, toàn tỉnh Lâm Đồng có 5.000 ha dâu (cả nước 8.000 ha), nếu nông dân đầu tư thâm canh cây dâu tốt, năng suất đạt 30 tấn/ha và nuôi tằm không bị hỏng thì lượng kén thu về cũng không đủ đáp ứng công suất máy ươm tơ mà các doanh nghiệp và các hộ dân đã đầu tư. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua đã có tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các doanh nghiệp làm thị trường không ổn định và đã có vài doanh nghiệp rơi vào khó khăn, phá sản. Hiện nay, mỗi năm VN phải nhập khẩu hàng ngàn tấn tơ từ Trung Quốc, Brazil để làm gia công cho Công ty Matsumura xuất khẩu qua các nước Nhật Bản, Ý, Ấn Độ, Pháp… Ngay từ bây giờ, nếu VN không có chiến lược phát triển mạnh ngành DTT thì 10 - 15 năm nữa, chúng ta sẽ không có nguyên liệu để sản xuất”, ông Đặng Vĩnh Thọ, nói thêm.

Trong khi đó, theo ông Kosho Matsunaga, Tổng giám đốc Công ty Matsumura (Nhật Bản), trong vòng 20 năm qua, nhu cầu về tơ tằm trên thế giới đã tăng gấp đôi. Năm 2000, sản lượng tơ thô của thế giới đạt 78.000 tấn, đến năm 2016, con số này đạt khoảng 132.000 tấn. Gần đây, thị trường tơ thô nguyên liệu là 20 tỉ USD, nếu chuyển thành sản phẩm hoàn tất, giá trị tăng lên 10 lần so với nguyên liệu.

“Bảo Lộc có những điều kiện lý tưởng cho ngành tơ tằm bởi vì có thể thu hoạch 10 vụ kén/năm. Tôi nghĩ nên tạo ra những giống tằm mới thích ứng với điều kiện tại Bảo Lộc và hệ thống nuôi tằm tiên tiến. Như vậy chúng ta mới sản xuất được kén có chất lượng cao để làm ra tơ thô cao cấp. Điều quan trọng hơn là VN cần phải mở rộng nền công nghiệp tơ tằm. Có tơ thô tốt nhất mới làm ra được lụa tốt nhất. Đây là thời điểm thích hợp để VN nâng cao thương hiệu tơ tằm của mình trên thế giới. Điều quan trọng hiện nay, VN phải làm cho sản phẩm tơ thô của mình được thế giới biết đến nhiều hơn”, ông Kosho Matsunaga nhìn nhận.(thanhnien)
---------------------------

Tiếp tục gia hạn cho vay vốn bằng ngoại tệ đến hết 31/12/2018

Ngày 27/12, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 18/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2018.

Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Thông tư nêu rõ, khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018.

Trước đó, tại dự thảo của thông tư này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trên cơ sở đánh giá tình hình cho vay bằng ngoại tệ trong thời gian qua, tình hình kinh tế vĩ mô và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận thấy hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn và trong thời gian tới cần tiếp tục được hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ. Trong khi đó, doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ để trả nợ vay nên việc cho vay bằng ngoại tệ ảnh hưởng không lớn đến thanh khoản ngoại tệ của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng việc cho vay bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá xuất khẩu giúp cho các tổ chức tín dụng có cơ hội quản lý và thu hút được nguồn ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu, khách hàng không bị rủi ro về tỷ giá.

"Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận thấy cần tiếp tục duy trì việc cho vay bằng ngoại tệ đối với nhu cầu thanh toán chi phí trong nước thực hiện phương án sản xuất hàng xuất khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí vay vốn, tăng khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian tiếp cận dần với các sản phẩm phái sinh tỷ giá, lãi suất và giá cả hàng hóa để phòng ngừa rủi ro tỷ giá và rủi ro khác liên quan,” Ngân hàng Nhà nước cho biết.(Vietnam+)
------------------------

Thu nhập bình quân của người Việt đạt 53,5 triệu đồng/năm

Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỉ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016...

Tổng cục thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 với nhiều con số đáng chú ý.

Cụ thể, theo cơ quan này tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, trong đó quý 1 tăng 5,15%; quý 2 tăng 6,28%; quý 3 tăng 7,46%; quý 4 tăng 7,65%. Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu đề ra 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2016, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện.

Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 2,9% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm…

Báo cáo cũng cho thấy, quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỉ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.

Về tình hình hoạt hoạt động của các doanh nghiệp, trong năm 2017 cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.295,9 nghìn tỉ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỉ đồng, tăng 26,2%.

Bên cạnh đó, còn có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm lên 153,3 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017 là 1.161,3 nghìn người, giảm 8,4% so với năm 2016.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2017 là 60.553 doanh nghiệp, giảm 0,2% so với năm trước, bao gồm 21.684 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 8,9% và 38.869 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 4,6%.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục