tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 24-07-2017

  • Cập nhật : 24/07/2017

Hãng thời trang và cửa hàng tiện lợi quốc tế “ồ ạt” vào Việt Nam

Xu hướng bán lẻ hướng tới tầng lớp trẻ, trong khi sự cạnh tranh của các nhà bán lẻ trong nước được dự báo sẽ ngày càng khó khăn hơn.

nhieu thuong hieu quoc te o at xuat hien tai viet nam. anh tl.

Nhiều thương hiệu quốc tế ồ ạt xuất hiện tại Việt Nam. Ảnh TL.

 

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích thị trường, ngành thời trang nhanh và ăn uống tiếp tục thống lĩnh thị trường các thương hiệu mới được khai trương trong thời gian gần đây. Xu hướng bán lẻ hướng tới tầng lớp trẻ dự kiến sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới. Sự cạnh tranh của các nhà bán lẻ trong nước được dự báo sẽ ngày càng khó khăn hơn.

“Trăm hoa đua nở”

Theo ghi nhận, thương hiệu thời trang nổi tiếng Zara sẽ mở cửa hàng thứ hai tại Việt Nam ở Hà Nội, trong khi đó một “đối thủ” tiếng tăm khác là H&M cũng đang trong giai đoạn hoàn thành cửa hàng thứ nhất tại TP.HCM và dự định sẽ mở cửa vào tháng 8 năm nay. Các chuyên gia của CBRE nhận định, thông tin này gây rất nhiều sự chú ý đến các đối thủ trong ngành thời trang nhanh và một số hãng đang thăm dò thị trường Việt Nam với dự tính sẽ xâm nhập vào thị trường.

Ngoài ra, xu hướng mở rộng cửa hàng tiện lợi tiếp tục được ghi nhận, chủ yếu đến từ các nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước như Vinmart, Circle K, B’mart, Satrafoods... Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là việc cửa hàng đầu tiên của 7-Eleven - chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu thế giới xuất hiện tại TP.HCM. Buổi khai trương đã thu hút sự có mặt của rất nhiều người, hàng dài những bạn trẻ đã có mặt từ tận 6-7h sáng chỉ với mong muốn được làm một trong những khách hàng đầu tiên được check-in tại cửa hàng này.

Ngoài ra trong thời gian gần đây, các thương hiệu quốc tế nổi bật khác cũng xuất hiện tại thị trường gồm các thương hiệu thời trang và mỹ phẩm như Old Navy, Innisfree, NARS và các thương hiệu trà sữa đến từ Đài Loan. “Xu hướng bán lẻ hướng tới tầng lớp trẻ dự kiến sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới” - CBRE nhận định.

Đồng quan điểm, các chuyên gia của JLL Việt Nam cho biết thêm, khu vực ngoài trung tâm, phần lớn thu hút các khách thuê nội địa từ trung cấp đến bình dân nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của đại đa số người dân tại địa phương. Ngoài ra, các tiện ích khác như trung tâm Anh ngữ, nhà sách và phòng tập gym, rạp chiếu phim cũng phát triển mạnh trong những năm gần đây do nhu cầu tăng mạnh. Có thể kể đến các “tên tuổi” như CGV, California Fitness & Yoga, Wall Street English, Tini World, Dream Game Center…

Cạnh tranh khốc liệt, giá thuê dự báo tăng

Thực tế cho thấy, các nhà bán lẻ nước ngoài đã hiện diện đang mở rộng thêm tại các trung tâm thương mại, trong khi đó các nhà bán lẻ trong nước cũng tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh của mình để có thể duy trì thị phần bán lẻ trong nước. Các chuyên gia phân tích thị trường nhận định, sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong nước được dự báo sẽ ngày càng khó khăn hơn trong việc duy trì hiệu quả hoạt động và cạnh tranh trực tiếp để mở rộng thị phần với các thương hiệu bán lẻ quốc tế, đang có xu hướng phát triển ngày càng mạnh tại TP.HCM nói riêng và thị trường bán lẻ của Việt Nam nói chung.

Từ nay đến cuối năm 2017, TP.HCM dự báo sẽ đón nhận khoảng 103.000m2 diện tích sàn bán lẻ. Trong đó được chờ đợi nhất là Garden Mall (tên gọi cũ là Thuận Kiều Plaza) với tổng diện tích sàn gần 25.000m2 và Pearl Center (30.000m2) tại quận 2. Giá thuê trung bình và tỉ lệ lấp đầy được dự báo sẽ tăng nhẹ trong những quý tiếp theo nhờ vào chất lượng và vị trí đắc địa của những nguồn cung bán lẻ cao cấp.

Các chuyên gia của CBRE cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm, nguồn cung mới tiếp tục tập trung vào khu ngoài trung tâm, trong đó có quận 5 và quận 10 sẽ có thêm nguồn cung mới. Giá chào thuê ở khu vực trung tâm sẽ giữ ổn định trong khi khu vực ngoài trung tâm có xu hướng tăng nhẹ. Các thương hiệu dành cho giới trẻ và ngành hàng ăn uống sẽ tiếp tục được mở rộng và thu hút được đông đảo giới người tiêu dùng. (Laodong)
----------------------------

2 doanh nghiệp thoát án điều tra chống bán phá giá thép mạ kẽm vào Úc

 

thep ma kem cua viet nam vao uc dang bi dieu tra chong ban pha gia va chong tro cap. anh: tl

Thép mạ kẽm của Việt Nam vào Úc đang bị điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp. Ảnh: TL

 

Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, mới đây Cục đã nhận được thông tin về việc Uỷ ban Chống bán phá giá Úc (ADC) thuộc Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Úc đã thông báo về việc chấm dứt một phần vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm thép mạ kẽm nhập khẩu từ Việt Nam.

Được biết, trong vụ việc này, ngoài Việt Nam thì Ấn Độ và Malaysia cũng bị điều tra, tuy nhiên chỉ có Việt Nam được chấm dứt một phần vụ việc.

Theo đó, về việc điều tra chống trợ cấp, ADC đã xác định rằng, các nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam có nhận được trợ cấp có thể đối kháng từ Chính phủ trong giai đoạn điều tra nhưng lượng trợ cấp không vượt quá mức tối thiểu (negligible).

Do đó, ADC đã quyết định chấm dứt vụ việc điều tra chống trợ cấp với tất cả các nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam. ADC sẽ không đưa ra thêm bất cứ khuyến nghị nào về vấn đề trợ cấp với Việt Nam trong Báo cáo cuối cùng của ADC trình lên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học Úc.

Về điều tra chống bán phá giá, ADC xác định rằng trong số 3 nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra, có 2 nhà sản xuất/xuất khẩu có biên độ phá giá thấp hơn mức tối thiểu, do đó, ADC quyết định chấm dứt vụ việc điều tra chống bán phá giá với 2 công ty này. Đối với các nhà sản xuất/xuất khẩu còn lại của Việt Nam, vụ việc chống bán phá giá vẫn tiếp tục.

Theo ADC, để đưa ra quyết định này, ADC đã xem xét đơn kiện, các bản đệ trình từ các bên liên quan, bản báo cáo về các dữ kiện thực tế (SEF), các bình luận liên quan đến SEF và thông tin có được trong quá trình thẩm tra ngành sản xuất nội địa Úc, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và người tiêu dùng sản phẩm bị điều tra.

Theo quy định, Nguyên đơn có thể kháng cáo quyết định nêu trên của ADC thông qua việc gửi đơn kiện (theo đúng thể thức) tới Ban Hội thẩm rà soát chống bán phá giá trong vòng 30 ngày sau khi ADC công bố quyết định.(bizlive)
-----------------------

Thu hồi 14 quyết định khai thác khoáng sản

Ngày 22.7, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết vừa ban hành quyết định thu hồi 14 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Các quyết định này được cấp từ tháng 9 và tháng 10.2014, trong đó có 12/14 doanh nghiệp (DN) được phê duyệt quyền khai thác đá chẻ và đá xây dựng, 1 DN khai thác cát, 1 DN khai thác đất san lấp. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, việc thu hồi các quyết định trên căn cứ vào Luật Khoáng sản 2010, Nghị định 203/2013/NĐ-CP và Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp tính và mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...(Thanhnien)
--------------------------

Giải quyết hàng triệu tấn than tồn kho: Không thể “chạy theo kinh tế”?

Bên cạnh việc chỉ đạo TKV phải hướng tới cạnh tranh lành mạnh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, tồn kho ngành than không chỉ là vấn đề giá, cạnh tranh theo hướng thị trường mà TKV còn khoảng 113 nghìn người lao động cùng gia đình của họ…

Giải quyết hàng triệu tấn than tồn kho: Không thể “chạy theo kinh tế”?

Ngành than tồn kho hơn 9 triệu tấn than. Ảnh: TL

“Không thể chạy theo kinh tế bỏ qua ổn định chính trị xã hội"

Báo cáo của TKV mới đây cho biết, giá thành sản xuất than những năm qua vẫn tăng là do khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn làm tăng cung độ vận chuyển, tỷ trọng than hầm lò thay đổi từ 44% năm 2011 lên tới 60% năm 2016 và dự kiến còn tăng trong khi áp lực mỏ ngày một lớn.

Bên cạnh đó, suất đầu tư tăng làm tăng chi phí khấu hao và lãi vay, chính sách thuế và phí tăng nhanh tạo sức ép lên giá thành than của ngành…

Về lượng hàng tồn kho, đây là “tồn kho chiến lược” cho nền kinh tế, ngành than tự bỏ tiền để đảm bảo nhu cầu năng lượng quốc gia, là nhiệm vụ chính trị. Việc tồn kho 9 triệu tấn là đã vượt qua định mức 1,5 – 2 triệu tấn, nếu tăng tồn kho lên nữa, tài chính ngành than rất khó khăn. Năm 2017, ngành đã cân đối theo kế hoạch chỉ đạo của Nhà nước, của Bộ giao cho là 19,42 triệu tấn than nội địa.

Lãnh đạo TKV cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, ngành đã sản xuất tăng thêm 2 triệu tấn để đáp ứng chỉ tiêu tăng GDP. Tuy nhiên, đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giảm 2 triệu tấn than, cùng với 2 triệu tấn than khai thác thêm khiến ngành than tồn 4 triệu tấn, nâng tổng tồn kho lên đến 13 - 14 tiệu tấn sẽ khiến cho 4.000 công nhân mất việc làm, tương đương với một mỏ than hầm lò bị đóng cửa. Điều này cũng kéo theo an ninh trật tự trên địa bàn bị ảnh hưởng và nộp ngân sách Nhà nước sẽ bị giảm sút.

Phản hồi về những thông tin này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cần đánh giá chính xác về con số tồn kho, khai thác than không phải bán ngay mà còn phải qua nhiều công đoạn mới bán được, ít nhất phải lưu trữ 5 triệu tấn than trong quá trình đưa đi tiêu thụ.

Bên cạnh việc nhấn mạnh TKV phải hướng tới cạnh tranh lành mạnh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, không chỉ là vấn đề về giá, cạnh tranh theo hướng thị trường, mà TKV hiện có khoảng 113.000 người lao động cùng gia đình của họ thì vấn đề bố trí công ăn việc làm, giúp ổn định về kinh tế, xã hội cũng hết sức quan trọng. “Chúng ta không thể chạy theo kinh tế mà bỏ qua các vấn đề ổn định chính trị xã hội”, ông Thắng nói.

Đề nghị Bộ chỉ đạo EVN, PVN chưa mua than đơn vị khác

Trước thực tế tồn kho than tăng, EVN đề xuất giảm mua 2 triệu tấn than so với kế hoạch, trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng hôm qua (20/7), TKV đã đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo EVN và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong năm 2017; Việc cấp than từ các hộ khác (ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc) cho EVN và PVN chỉ thực hiện từ năm 2018.

Bên cạnh đó, TKV cũng đề xuất chính sách ưu tiên sử dụng nguồn than Antraxit sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu loại than này trong điều kiện đang bất bình đẳng về thuế, phí để giúp TKV tiêu thụ than tồn và sản lượng tăng thêm.

Cho phép TKV xuất khẩu các loại than mà không phụ thuộc vào hạn ngạch để TKV chủ động sản xuất tiêu thụ và cân đối tài chính…

Theo đó, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, trước mắt Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ yêu cầu EVN chưa thực hiện mua than của các nhà cung cấp khác ngoài TKV và Tổng công ty Đông Bắc trong năm 2017, tập trung ký hợp đồng tiêu thụ than của TKV và Tổng công ty Đông Bắc.

Đồng thời, chỉ đạo việc có lộ trình , cơ chế xây dựng thị trường than đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia, hiệu quả kinh tế và sự phát triển của ngành Than; khi có thị trường than, TKV và Tổng công ty Đông Bắc chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh...(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục