tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 23-05-2018

  • Cập nhật : 23/05/2018

Hợp tác nghiên cứu, đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Campuchia

Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Thương mại Hoà Bình và Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư MH & MT Việt Nam cùng nhau nghiên cứu và thu hút các doanh nhiệp trong khu vực ASEAN triển khai đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Campuchia – nơi được đánh giá cao về tiềm năng phát triển điện gió và điện mặt trời.

 

nguon: metering.com

Nguồn: metering.com

Bức tranh năng lượng tái tạo trên toàn thế giới đang có những chuyển biến mạnh mẽ. Từ một lĩnh vực với động lực chính nhằm giảm phát thải CO2, nay năng lượng tái tạo nổi lên như “một ngôi sao” trên quy mô toàn cầu dựa trên những ưu thế cạnh tranh với các chỉ tiêu tài chính và xu thế phát triển của nền công nghiệp 4.0. Trong khi nhiều thập kỷ trước, các dự án năng lượng tái tạo phải vật lộn để cạnh tranh đầu tư và cần được hỗ trợ với các chính sách của chính phủ. 

Hiện nay, các dự án năng lượng tái tạo được coi là hấp dẫn nhờ vào những nghiên cứu, kinh nghiệm thực tế của các dự án và xu hướng giảm chi phí thiết bị. Ở nhiều khu vực trên thế giới, chi phí sản xuất năng lượng thậm chí giảm xuống dưới mức chi phí phát sinh thông thường. Điều này có thể được thực hiện bằng cách áp dụng một chương trình đấu giá làm giảm đáng kể chi phí sản xuất của các dự án năng lượng tái tạo nếu quy mô kinh tế của dự án cao tới mức cần thiết. 

Hiện Campuchia vẫn đang phải nhập khẩu điện của Việt Nam và Thái Lan, với nỗ lực hợp tác của mình, 2 Công ty đang nghiên cứu đưa ra một kế hoạch đồng bộ và quy mô để có thể giúp Campuchia không những đủ điện cho nhu cầu của mình mà xa hơn còn có thể bán điện cho các nước khác.  (TTXVN)
-------------------------

Trung Quốc giảm mạnh thuế nhập khẩu ô tô và linh kiện

Ngày 22/5, Trung Quốc thông báo sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu xe hơi và linh kiện ô tô kể từ ngày 1/7 tới, nhằm mở cửa thị trường và thúc đẩy tăng trưởng trong ngành sản xuất ô tô của nước này.

Cụ thể, Trung Quốc sẽ giảm thuế đối với ôtô nhập khẩu từ hai mức 25% và 20% xuống còn 15%. Trong khi đó, thuế nhập khẩu linh kiện sẽ giảm từ các mức 8%, 10%, 15%, 20% và 25% xuống còn 6%.

Thông báo này được đưa ra sau khi Trung Quốc cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ và nới lỏng kiểm soát đối với ngành sản xuất ôtô nhằm làm dịu bớt những căng thẳng trong quan hệ thương mại với Mỹ.

Ngày 19/5, Trung Quốc và Mỹ được thỏa thuận trong vòng đàm phán thứ hai về một khuôn khổ nhằm giải quyết những bất đồng thương mại gây căng thẳng trong thời gian qua. Theo tuyên bố chung mới đạt được của hai nước, Trung Quốc sẽ mua thêm nhiều hàng hóa trong lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại khổng lồ với Mỹ lên tới hơn 370 tỷ USD. Tuy nhiên, tuyên bố không nêu con số cụ thể.

Tuyên bố chung cũng nêu rõ hai nước sẽ tránh đẩy tình trạng căng thẳng leo thang liên quan tới các mức thuế quan và nhất trí giải quyết những mối lo ngại về thương mại “một cách chủ động”.

Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết nới lỏng việc kiểm soát ngành chế tạo ôtô trong nước và giảm bớt thuế nhập khẩu mặt hàng này.(Baotintuc)
--------------------------

Nhiều dự án đầu tư sang Lào, Campuchia có thể mất toàn bộ vốn

Kiểm toán Nhà nước cho rằng nhiều dự án đầu tư sang Lào, Campuchia tự ý thực hiện khi chưa có bảo lãnh của Chính phủ, một số dự án đang có nguy cơ mất toàn bộ vốn.

Trong báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016 Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc dự kiến trình bày trước Quốc hội chiều nay 21/5, dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại khu vực bản Đông Doc Mai (Lào) được nhấn mạnh có thể mất toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước.

Dự án này do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thuộc Bộ Công Thương làm chủ đầu tư, thực hiện tại khu vực bản Đông Doc Mai, huyện Chăm Pon, tỉnh Savanakhet, Lào.

Theo Kiểm toán Nhà nước, dự án muối mỏ tại Lào chưa được Bộ Tài chính bảo lãnh để giải ngân nguồn vốn vay, nhưng Vinachem vẫn thực hiện ký hợp đồng.

Kiểm toán cũng đánh giá với tình trạng giá sản phẩm tiêu thụ giảm mạnh, dự án muối mỏ tại Lào hoàn toàn không có hiệu quả về mặt kinh tế, ngay cả trong trường hợp được ưu đãi về lãi suất vay.

“Dự án khai thác và chế biến muối mỏ đã chi 37,9 tỷ đồng nhưng do công tác thăm dò không đảm bảo tiến độ, dẫn đến Chính phủ Lào không thể gia hạn thêm thời gian thực hiện, tiềm ẩn nguy cơ mất toàn bộ vốn đầu tư”, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu.

Một dự án khác mà Kiểm toán Nhà nước nêu ra có thể làm mất vốn là dự án khảo sát thăm dò khoáng sản sắt tại Campuchia. Tập đoàn Than khoáng sản (TKV) đã xin chủ trương giải thể công ty, trả lại dự án cho Chính phủ Campuchia, số tiền đã chi cho dự án 92,98 tỷ đồng.

Nhieu du an dau tu sang Lao, Campuchia co the mat toan bo von hinh anh 2
Vinachem ký hợp đồng tư vấn quản lý dự án muối mỏ tại tỉnh Khammouan (Lào). Ảnh: Vinachem.

Ngoài ra còn dự án khảo sát thăm dò khoáng sản Crom - Antimon tại tỉnh Pousat, Campuchia, TKV cũng đã góp vốn 4,4 triệu USD. Tuy nhiên, quặng crom và quặng antimon không đạt chỉ tiêu công nghiệp để thực hiện khai thác.

Tại Lào, Vinachem còn một dự án yếu kém khác, là muối mỏ Kali tại tỉnh Khammuane. Tổng mức đầu tư dự án này là 522 triệu USD, trong đó vốn tự có của Vinachem là 105 triệu USD. Ngoài ra là nguồn vốn vay của ngân hàng thương mại Việt Nam. 

Theo Vinachem, dự án này được khởi công năm 2015 và được Bộ trưởng Công Thương phê duyệt đầu tư. Cùng năm này, Vinachem ký Hợp đồng EPC với nhà thầu liên danh TTCL, K-UTEC, CECO với giá trị hợp đồng 334 triệu USD với thời gian là 40 tháng.

Dự án có phạm vi khai thác 10 km2, dự kiến xây dựng trong 5 năm, tiến hành khai thác vào năm 2020, công suất 320.000 tấn một năm. Dự án được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ giảm đáng kể lượng phân bón kali nhập khẩu của Việt Nam và Lào, giải quyết tình trạng thừa muối ăn, thiếu muối công nghiệp và muối chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay...

Tuy nhiên sau hơn 2 năm thực hiện, đến năm 2017 thì dự án đã tạm dừng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đây là dự án thứ 13 thua lỗ của ngành công thương.(ZingNews)
-------------------------

Lạm phát chịu nhiều sức ép, tốc độ tăng trưởng GDP dự báo giảm dần

Lạm phát dự báo chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá như tăng lương tối thiểu vùng, điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh...

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 gửi đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV cho biết, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước vượt mục tiêu kế hoạch đề ra, các ngành, lĩnh vực phát triển đồng đều.

Năm 2017, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt tốc độ tăng trưởng 6,81% so với năm 2016, trong đó: Quý I tăng 5,15%, Quý II tăng 6,36%, Quý III tăng 7,38% và Quý IV tăng 7,65%, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 6,7% và cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây .

“Kết quả này khẳng định tính hiệu quả và kịp thời của các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự hưởng ứng, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân”, báo cáo nêu.

Về mặt cơ cấu, tăng trưởng diễn ra đồng đều trên cả 3 khu vực kinh tế lớn: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ.

Báo cáo cũng cho biết, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.

Lý giải nguyên nhân lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, báo cáo cho biết, có được điều này là nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp từ sản xuất, tiêu dùng, điều hòa cung cầu, kiểm soát thị trường, nhất là điều hành hiệu quả công tác quản lý giá, thực hiện điều chỉnh tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình, đồng thời kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng theo mục tiêu của Quốc hội. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với năm 2016, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản tháng 12 tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước; bình quân cả năm 2017 tăng 1,41% so với năm trước.

Đưa ra dự báo về năm 2018, báo cáo cho biết, lạm phát dự báo chịu nhiều sức ép do diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới và thách thức từ các chính sách điều chỉnh giá sắp thực thi, như: tăng lương tối thiểu vùng  (tăng 6,5% so với năm 2017), tăng giá điện bình quân (tăng 100 đồng/kWh từ 01/12/2017), điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc quỹ Bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc điều chỉnh mức lương cơ sở trong tính toán giá dịch vụ y tế và việc tăng giá nhóm dịch vụ giáo dục sẽ tác động trực tiếp làm tăng chỉ số giá trong năm 2018.

Về tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 dự báo có xu hướng giảm dần theo các quý với tốc độ tăng trưởng của Quý I cao nhất do mức nền tăng trưởng GDP năm 2017 đã ở mức cao.

“Ngành khai khoáng có thể tiếp tục giảm do sản lượng khai thác giảm, đặc biệt là sản lượng dầu thô, dự kiến giảm 2 triệu tấn so với năm 2017; kết hợp với dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ hạn hẹp, khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển có khả năng gặp khó khăn do đã trải qua đỉnh tăng trưởng của năm 2017; thuế xuất nhập khẩu một số mặt hàng trong khối ASEAN giảm;...có khả năng tác động giảm tăng trưởng trong năm 2018”, báo cáo nêu

Cũng theo báo cáo này, động lực tăng trưởng chủ yếu, có khả năng tạo bứt phá, là khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành kỳ vọng chính đem lại kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục