tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 18-05-2017

  • Cập nhật : 18/05/2017

Ngân hàng đang đầu tư bao nhiêu cho việc bảo mật thông tin?

Theo đại diện Vụ thanh toán NHNN, trong năm 2016, tổng số giao dịch qua ATM là 70 triệu giao dịch, qua thiết bị chấp nhận thẻ POS gần 100 triệu giao dịch, vấn đề mất tiền của khách hàng trong thời gian gần đây là con số chưa phải đáng ngại lắm.

Các ngân hàng đang đầu tư bao nhiêu cho việc bảo mật an toàn thông tin? Tại cuộc họp Banking Vietnam 2017 diễn ra mới đây, đại diện của Vụ thanh toán NHNN cho biết, trong thời gian gần đây tình hình gian lận trong sử dụng thẻ ngân hàng diễn ra khá phức tạp và đa dạng với nhiều hình thức như lấy trộm thông tin khách hàng, chiêu thức Phishing, hình thức cài các mã độc vào các thiết bị như điện thoại, máy tính lấy cắp các thông tin tài khoản, mật khẩu...

Trước tình hình này, NHNN đã có nhiều quy định yêu cầu các ngân hàng như Thông tư 07, Thông tư 36, Thông tư 20… và gần đây nhất là chỉ thị 03 do Thống đốc NHNN ký ban hành yêu cầu các ngân hàng tăng cường bảo mật trong hệ thống thanh toán.

“Để đáp ứng các yêu cầu pháp lý, các ngân hàng đang đầu tư với một số tiền khá lớn, mà tôi không tiện nêu để đầu tư hạ tầng an ninh mạng cũng như đảm bảo an toàn thông tin”, đại diện Vụ Thanh toán NHNN cho hay.

Thời gian gần đây, các ngân hàng đã thường xuyên cảnh báo khách hàng nguy cơ lộ thông tin, các hình thức của tội phạm cũng như nâng cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, các ngân hàng thành lập cơ chế trao đổi thông tin chặt chẽ giữa các ngân hàng với nhau. Tất cả các giải pháp hiện nay đã được tăng cường và triển khai hiệu quả.

Vị này cho biết thêm trong năm 2016, tổng số giao dịch qua ATM là 70 triệu giao dịch, qua thiết bị chấp nhận thẻ POS gần 100 triệu giao dịch. Vấn đề mất tiền của khách hàng trong thời gian gần đây là con số chưa phải đáng ngại lắm. Các ngân hàng vẫn đang tăng cường bảo mật và nâng cao chất lượng để bảo đảm, cũng như tăng cường lòng tin của khách hàng.

Trước đó, vào cuối năm 2016, tại một Hội thảo với chủ đề "An ninh mạng - Vấn đề của chính bạn", ông Jason Yuen - Phó tổng giám đốc phụ trách an ninh mạng, Dịch vụ Tư vấn của Ernst & Young Malaysia đã chỉ ra 10 bài học về an toàn bảo mật thông tin mà tất cả các ngân hàng đều phải đối mặt.

Theo ông, sẽ không tồn tại một mạng đáng tin cậy. Ông đưa dẫn chứng, mới đây hacker đã tấn công ngân hàng Bangladesh và khai thác được phần mềm Swift. Kiểu tấn công vào phần mềm Swift tiếp tục được sử dụng với các ngân hàng Việt Nam.

Ngoài ra, ai cũng có thể trở thành mục tiêu tấn công của hacker và không có mục tiêu nào là nhỏ. Theo số liệu từ báo cáo điều tra của Verizon năm 2015 cho thấy, hầu hết lĩnh vực nào cũng từng gặp sự cố về an ninh thông tin, trong đó, dịch vụ công cộng có số lượng sự cố an ninh thông tin lớn nhất với hơn 50 nghìn vụ; lĩnh vực tài chính với 642 sự cố.

"Tội phạm mạng xảy ra với ngân hàng Việt ngày càng nhiều. Sẽ có nhiều người bấm vào đường link... và không phải lúc nào cũng dễ nhận ra. Một trong những thủ đoạn phổ biến là kẻ gian dùng chiêu thức Phishing (lấy thông tin qua một website giả mạo của ngân hàng)", ông cho hay.

Theo báo cáo về Spam và Phishing 2016 của Kaspersky Lab cho thấy, Việt Nam đứng thứ 2 về nguồn gốc của thư rác. Trong khi đó, 23% số người dùng sẽ mở các email giả mạo và 11% sẽ click vào những tập tin đính kèm.

Ông Yuen chia sẻ: "Có người hỏi tôi nên đầu tư bao nhiêu tiền vào hệ thống an ninh thì sẽ an toàn? Thực ra, các ngân hàng nên xem an toàn bảo mật là rủi ro kinh doanh. Một ngân hàng bỏ 20 triệu USD vào hệ thống chưa chắc đã an toàn hơn một nhà băng đầu tư 10 triệu USD nếu như đầu tư dàn trải và không có trọng tâm.

Về khả năng bảo mật của các ngân hàng Việt Nam, chuyên gia của EY cho rằng, nhìn chung các đơn vị chủ yếu là đang phòng thủ, thường yếu kém trong khâu giám sát, ứng phó xử lý sự cố và kể cả yếu kém trong khâu điều tra sau khi sự cố xảy ra.

Còn theo lời khuyên của các chuyên gia bảo mật khác, các ngân hàng, doanh nghiệp lớn sử dụng công nghệ để kinh doanh nên dành 5 - 10% lợi nhuận để tái đầu tư cho bảo mật, an toàn thông tin, nhằm đảm bảo an toàn trước các cuộc tấn công mạng đang ngày càng gia tăng.(CafeF)
-------------------------

Phân bón DAP nhập khẩu vào Việt Nam bị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ

Ngày 13/04/2017, Cục Quản lý cạnh tranh (Cơ quan điều tra) nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với sản phẩm phân bón DAP nhập khẩu từ các quốc gia/ vùng lãnh thổ vào Việt Nam, với cáo buộc việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất hàng hóa tương tự trong nước.

Ngày 12/05/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1682A/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với hàng hóa nêu trên.

Được biết, hai đơn vị yêu cầu là Công ty cổ phần DAP – Vinachem và Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem. Hàng hóa bị điều tra là các loại phân bón vô cơ phức hợp hoặc hỗn hợp có thành phần chính là Đạm (Ni-tơ) và Lân P2O5, trong đó lượng Ni-tơ chiếm ít nhất 7% và lượng P2O5 chiếm ít nhất 30%. Việc bổ sung hoặc trộn thêm các nguyên tốt khác như Ma-giê (MG), Can-xi (CA), Lưu huỳnh (S), KA-li (K)... hoặc các nguyên tố vi lượng khác không làm thay đổi về bản chất đặc điểm lý và hóa học cũng như mục đích và đối tượng sử dụng của sản phẩm. Các hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng điều tra có mã HS là 3105.10.90; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00.

Cơ quan này cho biết, trường hợp muốn tiếp cận thông tin lưu hành công khai về vụ việc nêu trên, các tổ chức, cá nhân phải gửi đơn đăng ký làm bên liên quan đến Cơ quan điều tra muộn nhất vào 17h00 ngày 14/06/2017. Cơ quan điều tra khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan để đảm bảo quyền và lợi ích của chính mình theo quy định của pháp luật.

Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết, căn cứ Điều 20 của Pháp lệnh về tự vệ, Bộ Công Thương có thể ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời trước khi kết thúc điều tra nếu xét thấy việc chậm thi hành các biện pháp tự vệ gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước và thiệt hại đó khó có thể khắc phục về sau. Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra cần lưu ý về khả năng biện pháp tự vệ tạm thời sẽ được áp dụng.

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 15 của Pháp lệnh về tự vệ, kể từ khi có quyết định tiến hành điều tra cho đến khi kết thúc quá trình điều tra, Bộ Công Thương có thể thực hiện chế độ cấp giấy phép nhập khẩu đối với loại hàng hóa đang là đối tượng điều tra. Việc cấp giấy phép chỉ nhằm mục đích thống kê, không hạn chế về số lượng, khối lượng hoặc trị giá hàng hóa nhập khẩu.

Trong trường hợp Bộ Công Thương áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ có thông báo cụ thể.(NDH)
--------------------------------------------

Bộ trưởng Công Thương hội đàm với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc

Cuộc gặp diễn ra vào ngày 11/5, đây cũng là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai Bộ trưởng kể từ khi Bộ trưởng Chung Sơn được bầu giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc.

Bộ trưởng Chung Sơn cho rằng cuộc gặp là dịp quan trọng để hai Bộ tiếp tục làm chặt chẽ hơn quan hệ hợp tác truyền thống, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương và giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đánh giá tổng thể về tình hình phát triển quan hệ thương mại Việt – Trung thời gian qua, hai bên thống nhất đánh giá cao những thành tựu đạt được về tốc độ và chất lượng tăng trưởng thương mại song phương khi mục tiêu 100 tỷ USD của lãnh đạo cấp cao đặt ra không còn xa, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc đã có dấu hiệu chậm lại, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được cải thiện…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (trái) và Bộ trưởng Chung Sơn. Ảnh MOIT

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, thương mại Việt – Trung đạt được những thành tựu nêu trên có phần không nhỏ đóng góp và nỗ lực của Chính phủ hai nước cũng như của hai Bộ trong việc tăng cường hoàn thiện các khung khổ pháp lý về hợp tác kinh tế thương mại. Việc hai Bộ trao đổi ký kết Hiệp định Thương mại biên giới năm 2016, Bản ghi nhớ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang lần này cũng như thúc đẩy đàm phán về xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt – Trung chính là những minh chứng cụ thể nhất.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn nêu những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ thương mại, hợp tác công nghiệp giữa hai bên, đưa ra các phương án giải quyết các vấn đề liên quan và định hướng quan hệ kinh tế thương mại song phương trong thời gian tới như thúc đẩy thành lập Văn phòng xúc tiến thương mại tại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc).

Đồng thời mở cửa thị trường Trung Quốc cho các mặt hàng nông sản (trái cây, thủy sản, thịt lợn, sản phẩm sữa…), thúc đẩy ký kết thỏa thuận dài hạn về thương mại gạo giữa các doanh nghiệp lớn hai nước; tháo gỡ rào cản kỹ thuật đối với xuất khẩu than tồn kho của Việt Nam và thúc đẩy giải quyết vướng mắc của một số dự án hợp tác công nghiệp...

Về hợp tác đa phương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế APEC (MRT 23), Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế RCEP và Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11/2017. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự đóng góp của Trung Quốc vào các khuôn khổ hợp tác trên và đề nghị Bộ trưởng Chung Sơn tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong các hoạt động này.

Bộ trưởng Chung Sơn đánh giá cao và hoàn toàn tán thành đối với các ý kiến, định hướng của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đối với quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, công nghiệp sonng phương, đề nghị các đơn vị liên quan của hai Bộ khẩn trương phối hợp chặt chẽ triển khai các nhiệm vụ và giải quyết các vấn đề Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu.

Bộ trưởng Chung Sơn cũng bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong khuôn khổ APEC, RCEP và WTO… và sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế APEC, RCEP được tổ chức tại Việt Nam trong tháng 5/2017.

Chiều tối cùng ngày, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Chung Sơn đã ký Bản ghi nhớ hợp tác về Thương mại điện tử giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc. Việc ký kết Bản ghi nhớ sẽ tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại điện tử giữa hai Bên trong thời gian tới.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, hết năm 2016, tổng kim ngạch thương mại Việt – Trung đã đạt 71,9 tỷ USD, tăng 7,9% so với năm 2015; trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 21,97 tỷ USD, tăng 28,4%; tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc là 49,93 tỷ USD, tăng 0,9%; nhập siêu 27,96 tỷ USD, giảm 13,67% so với năm 2015.

Hết tháng 4 năm 2017, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt – Trung đạt 25,47 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ 2016; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 8,32 tỷ USD, tăng 40,8%; nhập khẩu 17,15 tỷ USD, tăng 16,5%; nhập siêu 8,82 tỷ USD, tăng 0,17%. (NDH)
---------------------------------------

Mặt bằng bán lẻ Sài Gòn phân hoá mạnh

Đầu năm 2017, nhiều khu mua sắm tại trung tâm TP HCM tăng giá thuê nhưng những địa điểm nằm ở ngoại thành lại giảm 5%.

Báo cáo của Savills Việt Nam, trong những tháng đầu năm, giá thuê trung bình mặt bằng bán lẻ tại TP HCM tăng nhẹ 1% so với quý trước, những dự án có vị trí tọa lạc tại khu trung tâm tiếp tục xu hướng tăng giá tích cực hoặc ổn định. Trong khi đó, số liệu quý I của CBRE Việt Nam cũng cho thấy các trung tâm thương mại tổng hợp vị trí rìa trung tâm có giá thuê giảm 5% so với quý trước. Các mặt bằng bán lẻ loại này đang dần nhận được ít sự quan tâm của khách thuê.

Nghiên cứu mới nhất của Colliers International cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, vị trí của mặt bằng bán lẻ tiếp tục là yếu tố quyết định rất lớn khả năng thu hút khách thuê cũng như định vị giá thuê. Một trung tâm mua sắm mới vừa được khai trương chiếm 6 tầng của dự án căn hộ hạng sang tại quận 3, thuộc khu trung tâm TP HCM, với 12.000 m2 diện tích bán lẻ đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều khách thuê.Có 35% khách thuê là các dịch vụ ăn uống, ngành hàng F&B quen thuộc như Starbucks, King BBQ, HotPot, Lotteria... Trung tâm bách hóa này cũng đón khách thuê chủ chốt tại tầng hầm là siêu thị Bon Grocer. Đây là trung tâm thương mại đầu tiên của nhà bán lẻ RomeA tại Việt Nam. Mức giá chào thuê mặt bằng tại khu vực quận 3 lên đến 80 USD/m2/tháng đã ảnh hưởng đến giá chào thuê bình quân của các khu mua sắm trên địa bàn này tăng lên.

thi truong mat bang ban le cho thue tai tp hcm dang dien ra xu huong khu trung tam tang gia va ngoai thanh chiu ap luc giam gia. anh: vu le

Thị trường mặt bằng bán lẻ cho thuê tại TP HCM đang diễn ra xu hướng khu trung tâm tăng giá và ngoại thành chịu áp lực giảm giá. Ảnh: Vũ Lê

Thống kê của Colliers International, hiện giá thuê mặt bằng bán lẻ ở một số vị trí tầng trệt khách sạn Caravelle, New World, Continental Sài Gòn... nằm ngay trung tâm Sài Gòn đang ở mức trên dưới ngưỡng 100 USD/m2/tháng. Còn theo dữ liệu thị trường của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam, giá thuê mặt bằng bán lẻ có vị trí đắc địa bậc nhất khu trung tâm TP HCM đạt 120-130 USD mỗi m2/tháng. Mức giá này cao hơn gấp 3 lần so với giá thuê bình quân mặt bằng bán lẻ toàn thị trường (46,3 USD mỗi m2 một tháng).

Theo dự báo của các đơn vị tư vấn, số lượng người tiêu dùng trung và cao cấp sẽ tăng 1,7 lần vào năm 2020 và gia tăng nhanh chóng tại nhiều thành phố lớn sẽ là nhân tố chính trong tiêu dùng các sản phẩm phục vụ tiện nghi. Nhóm khách hàng này sẽ dẫn đầu thay đổi hướng đến mô hình mua sắm hiện đại, giúp Việt Nam trở thành thị trường vô cùng hấp dẫn với các thương hiệu nước ngoài. Khi càng có nhiều nhà bán lẻ quốc tế như xúc tiến kế hoạch gia nhập thị trường nội địa thì nhu cầu thuê bất động sản bán lẻ tại TP HCM sẽ tiếp tục phát triển mạnh.

Đại diện Colliers International nhận định nguồn cung lớn với hơn 600.000 m2 sàn từ 19 dự án dự kiến sẽ gia nhập thị trường TP HCM từ nay cho đến cuối năm 2018. Diện tích chào thuê bán lẻ phục vụ nhu cầu mua sắm của cư dân trong khu phức hợp ngày càng gia tăng, những trung tâm thương mại quy mô lớn sẽ di chuyển ra các quận ngoại thành do quỹ đất hạn chế trong khu trung tâm do đó, nguồn cung dồi dào, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy sẽ có chiều hướng sụt giảm trong hai năm tới. (Vnexpress)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục