Việt Nam sẽ được lợi từ chiến tranh thương mại Trung - Mỹ?; Tỷ phú Thái loại bỏ một loạt ngành kinh doanh của Sabeco; Việt Nam xuất hộ trái cây Thái Lan: Đừng bay trên mây
Tin kinh tế đọc nhanh tối 17-07-2018
- Cập nhật : 17/07/2018
Doanh số bán xe máy Quý II của VAMM tăng hơn 6%
Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, tổng doanh số bán hàng Quý II/2018 của 5 đơn vị thành viên đạt 783.940 xe các loại, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, bình quân mỗi tháng các doanh nghiệp này tiêu thụ trên 261.000 xe máy các loại, tương đương với mỗi ngày tiêu thụ hơn 8.710 xe trên khắp cả nước.
Trong 5 đơn vị thành viên của VAMM (gồm Honda, Piaggio, Suzuki, SYM và Yamaha) chỉ có Honda Việt Nam công bố doanh số bán hàng trong Quý II/2018 với 601.038 xe được tiêu thụ, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đơn vị còn lại không công bố doanh số bán hàng này.
Hiện nay, mỗi đơn vị thành viên của VAMA cung cấp ra thị trường từ 9 đến 15 dòng sản phẩm xe máy. Các dòng sản phẩm đa dạng, bao gồm các dòng xe số, xe tay ga, xe tay côn và xe thể thao với giá từ dưới 20 triệu đồng đến 248 triệu đồng, tùy phiên bản.
Với dải sản phẩm phong phú này, các doanh nghiệp xe máy Việt Nam đã không bỏ sót bất cứ nhu cầu khác hàng nào, còn người tiêu dùng trong nước cũng có nhiều lựa chọn khi mua sản phẩm phù hợp cho mình.
Tuy nhiên, khác với Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thường công bố doanh số bán hàng chi tiết của các đơn vị thành viên hàng tháng, hàng quý, hàng năm thì VAMM chỉ công bố vỏn vẹn tổng doanh số của 5 đơn vị thành viên, không có thêm số liệu nào khác.
Trong khi đó, doanh số bán hàng trên chỉ là doanh số tiêu thụ trong nước bởi một số doanh nghiệp còn xuất khẩu sản phẩm xe máy đi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng không được Hiệp hội VAMM và doanh nghiệp công bố.
Ngoài ra, thị trường xe máy Việt Nam còn có doanh số bán hàng của các thương hiệu xe phân khối lớn đang phân phối tại Việt Nam là Ducati, Kawasaki, BMW, KTM, Benelli, Harley Davidson, Triumph, Royal Enfield... Đây là những đơn vị không phải là thành viên của VAMM nên không có báo cáo bán hàng.
Trước đó, VAMM dự báo, thị trường xe máy Việt Nam đã bước vào giai đoạn bão hòa và đang dịch chuyển từ dòng xe số sang sử dụng dòng xe tay ga. Hiện nay, dòng xe tay ga đang chiếm hơn 45% thị phần và sẽ là phân khúc tăng trưởng mạnh trong thời gian tới khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên.
Khi thu nhập của người dân ngày càng tăng và nhu cầu sử dụng xe tay ga còn nhiều tiềm năng không chỉ ở thành phố mà còn ở các vùng nông thôn. Do vậy, một số doanh nghiệp vẫn tập trung khai thác vào những thị trường này không chỉ xe tay ga mà còn là xe số cho phù hợp với điều kiện đường sá ở vùng nông thôn, miền núi.(TTXVN)
--------------------
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong quý II/2018
Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 16/7 cho biết đúng như dự đoán, kinh tế nước này đã tăng trưởng 6,7% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với quý trước đó.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong quý II/2018. Ảnh minh họa: EPA
Tuy nhiên, so với quý I, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 1,8% trong quý II, cao hơn mức 1,4% ghi nhận trong quý I và 1,6% trong các dự đoán được đưa ra trước đó.
Kinh tế Trung Quốc tăng chững lại trong quý II/2018 dưới tác động của chính sách hạn chế những rủi ro nợ, trong khi nhịp độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp trong tháng Sáu cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua, một dấu hiệu đáng lo ngại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ có nguy cơ gây thiệt hại cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc.
Số liệu còn cho thấy nhịp độ tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định trong nửa đầu năm nay đã chạm mức thấp kỷ lục, trong khi sản lượng công nghiệp tháng Sáu cũng ghi nhận mức tăng chậm nhất trong hơn hai năm qua là 6%, thấp hơn con số dự đoán 6,5% được đưa ra trước đó.
Các số liệu không mấy khả quan kể trên đã củng cố quan điểm của thị trường cho rằng kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, và nhiều nhà phân tích đã kêu gọi chính phủ nước này có những biện pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ nền kinh tế.
Chuyên gia Iris Pang của ING ở Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng Bắc Kinh cần phải giảm dần các biện pháp hạn chế rủi ro tài chính và chuyển trọng tâm sang các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở các ngân hàng. Theo chuyên gia Iris Pang, nếu tình hình chuyển biến xấu nhanh hơn dự đoán, giới chức Trung Quốc phải tăng cường các biện pháp hỗ trợ cả về tài khóa và tiền tệ.
Trung tâm thông tin quốc gia (SIC) mới đây nhận định rằng kinh tế Trung Quốc có thể sẽ giảm tốc nhẹ trong nửa cuối năm nay, khi các rủi ro trên thị trường tài chính trở nên rõ nét và nhu cầu được dự đoán sẽ giảm xuống. (Bnews)
---------------------------
Hơn 21.000 chuyến bay bị chậm, hủy trong 6 tháng
Hơn 21.000 chuyến bay bị chậm, hủy trong 6 tháng đầu năm, chiếm 13,9%, tăng nhẹ 1,7% so với cùng kỳ.
Lý do chính dẫn đến chậm, hủy chuyến bay là "máy bay đến trễ" - ĐỘC LẬP
Tin từ Cục Hàng không VN cho biết, tổng số chuyến bay khai thác trong nửa đầu năm của 4 hãng hàng không (gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacifci Airlines và Vasco) là hơn 150.000 chuyến, tăng 9% so với cùng kỳ 2017.
Trong đó, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là hơn 129.000 chuyến, chiếm 86,1% và giảm 1,7% so với cùng kỳ. Số chuyến bay chậm, hủy là hơn 21.000 chuyến bay, chiếm 13,9%.
Cụ thể, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines dẫn đầu số chuyến bay đúng giờ với 57.381/ 64.221 tổng số chuyến bay khai thác trong 6 tháng. Số chuyến chậm là 6.840, hủy 140 chuyến, chiếm 10,7%.
Vietjet Air khai thác 60.362 chuyến bay, trong đó có 10.235 chuyến bị chậm cùng với 66 chuyến phải hủy, chiếm 17%.
Trong số 18.439 chuyến bay do Jetstar Pacific khai thác, có 3.557 chuyến chậm và 102 chuyến hủy, chiếm tới 19,3% - cao nhất so với các hãng còn lại.
Công ty bay dịch vụ hàng không Vasco (chi nhánh Vietnam Airlines) có tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy thấp nhất, chỉ 3%.
Theo đánh giá của Cục Hàng không, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng là do máy bay về muộn (chiếm tới 65,9%). Kế đó là các nguyên nhân do chủ quan của hãng hàng không, do thời tiết cũng như do công tác quản lý, điều hành bay…(Thanhnien)
------------------------
98% nhãn Việt Nam xuất khẩu là bán cho Trung Quốc
Nhãn là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc với 98% thị phần xuất khẩu
Thống kê mới nhất của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy 5 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu nhãn đạt 124,76 triệu USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017 và là loại quả xuất khẩu có giá trị cao thứ 3 của Việt Nam, sau thanh long và sầu riêng. Trong thời gian trên, nhãn được ghi nhận xuất khẩu qua 3 thị trường chính là Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) nhưng riêng Trung Quốc đã chiếm 98% thị phần. Đây cũng là loại quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Số liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2018, nước này đã nhập khẩu 231.900 tấn nhãn tươi, trị giá 199,8 triệu USD, tăng 68,5% về lượng và tăng 89% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Nhãn là một trong những loại quả có lợi thế ở Việt Nam và được trồng ở cả miền Bắc và miền Nam. Trong khi miền Nam nông dân áp dụng biện pháp canh tác rải vụ cho trái quanh năm thì miền Bắc mỗi năm chỉ thu hoạch một vụ vào tháng 8-9.
Năm 2015, Việt Nam mở cửa thành công quả nhãn tươi vào thị trường Mỹ với sản lượng xuất khẩu tăng dần hằng năm từ 292 tấn (2015) lên 1.535 tấn (2016) và lên 2.681 (2017) nhưng vẫn còn chiếm thị phần rất nhỏ so với thị trường Trung Quốc.
Nhãn xuất khẩu sang Mỹ chiếm thị phần còn nhỏ sau khi mở cửa thị trường thành công
Theo lộ trình đàm phán mở cửa trái cây tươi vào các thị trường khó tính được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố, nhãn vẫn trong quá trình đàm phán để xuất khẩu sang Úc, New Zealand, Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brasil, Argentina, Peru. Tuy nhiên, quá trình đàm phán để mở cửa với từng thị trường kéo dài từ 2-10 năm khiến việc đa dạng hóa thị trường gặp nhiều khó khăn.
Theo Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên, năm 2018, cả tỉnh có 3.820 ha diện tích trồng nhãn, dự kiến năm nay được mùa với sản lượng thu hoạch 41.000 tấn.
Vào những năm trước, nhãn Hưng Yên được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu (NLĐ)