tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 05-07-2018

  • Cập nhật : 05/07/2018

Vải thiều xuất khẩu đi hơn 30 nước, nông dân thu trên 3.300 tỉ đồng

Vải thiều tại Bắc Giang ở thời điểm cuối vụ đang tăng giá mạnh. Dự kiến tổng thu từ vải thiều năm nay tại Bắc Giang sẽ tăng 426 tỉ đồng so với mùa vụ năm ngoái.

vai thieu bac giang nam nay duoc mua nhung khong mat gia - anh phan hau

Vải thiều Bắc Giang năm nay được mùa nhưng không mất giá - ẢNH PHAN HẬU

Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, tính đến ngày hôm qua, 2.7, tổng sản lượng tiêu thụ vải trên địa bàn tỉnh ước đạt 207.100 tấn, với tổng doanh thu từ vải thiều và các ngành phụ trợ đạt khoảng 5.522,7 tỉ đồng.

Đáng chú ý, vải thiều năm nay được xuất khẩu đi trên 30 quốc gia. Trong đó, các nước khu vực Đông Âu và Liên Xô cũ là những thị trường mới của vải thiều khi các doanh nghiệp lần đầu tiên xuất khẩu vào đây.

Ở trong nước, vải thiều Bắc Giang năm nay cũng được đưa vào phân phối, tiêu thụ mạnh thông qua các chợ đầu mối tại các tỉnh phía Nam, mở rộng thị trường ở các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM.

Đặc biệt, mùa vải thiều năm nay, nhiều doanh nghiệp sở hữu các chuỗi bán lẻ lớn như Sài Gòn Co.op, Hapro, Big C...tham gia tiêu thụ vải, giúp thị trường, giá cả nông sản này giữ ổn định.

Cũng theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, tính đến 2.7, nông dân có doanh thu trực tiếp từ quả vải thiều khoảng trên 3.313 tỉ đồng. Dự kiến tổng sản lượng vải thiều năm nay đạt khoảng 218.000 tấn, tăng 123.500 tấn so với mùa vụ năm 2017 và doanh thu từ quả vải tăng thêm 427 tỉ đồng.

Trao đổi với Thanh Niên hôm nay, 3.7, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, cho biết, chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là vụ thu hoạch vải thiều kết thúc. Đến thời điểm này, có thể khẳng định mùa vải thiều năm nay được cả mùa, được cả giá. Bắt đầu từ 30.6 đến nay, giá vải thiều tại các điểm cân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tăng mạnh, có thời điểm cao nhất đạt 35.000 đồng/kg, thấp nhất là 15.000 đồng/kg.

Cũng ông Tấn, thị trường tiêu thụ vải thiều năm nay có nhiều điểm mới khi thương nhân Trung Quốc sang thu mua tuy ít hơn những năm trước, nhưng ngược lại, hệ thống tiêu thụ trong nước được mở rộng khiến thị trường tiêu thụ ổn định về giá bán. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp trong nước thu mua vải thiều nhiều hơn nên đã mở thành công một số thị trường mới, nhất khu vực các nước Ba Lan, Đông Âu và các nước Liên Xô cũ.

Hiện tại, sản lượng vải thiều chủ yếu tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khi huyện này tập trung khoảng 300/350 điểm vải thiều trên toàn địa bàn tỉnh và vẫn còn 100 thương nhân Trung Quốc thu mua vải thiều ở Bắc Giang.(Thanhnien)
-----------------------------

Phó Chủ tịch EuroCham cảnh báo nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2018 ngày 4/7, ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCham - đồng chủ tịch VBF đưa ra cảnh bảo về nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản.

Dù cho rằng năm 2018 là một năm tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và duy trì được nguồn đầu tư ổn định từ bên ngoài, ông Tomaso Andreatta cho rằng còn nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến xu hướng này.

"Từ phía bên trong, có thể xảy ra việc vỡ bong bóng bất động sản gây hậu quả lên hệ thống ngân hàng và ảnh hưởng đến nền kinh tế", đồng chủ tịch VBF nhận định.

Phía bên ngoài, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng hơn so với các nước khác khi cùng chịu tác động của chủ nghĩa bảo hộ và cuộc chiến tranh thương mại.

Nói về các giải pháp cho Việt Nam, ông Tomaso Andreatta lưu ý cần hướng dẫn các công ty lớn trong nước từ bỏ bất động sản. Việt Nam cần đặt nền tảng cho các công ty thuộc các ngành công nghiệp và công nghệ hiện đại. Ngoài ra, cần tập trung các công ty hiện nay thành những công ty lớn có đủ khả năng tham gia vào những hoạt động kinh doanh phức tạp hơn và có thể thu hút nhân tài và các kỹ năng cần thiết khác.

Trước đó, nguy cơ bong bóng bất động sản cũng nhận được cảnh báo từ các chuyên gia trong nước. Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu không giải quyết và kiểm soát được dòng tín dụng đổ vào bất động sản, bong bóng bất động sản có thể nổ ra vào năm 2019.

Ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế trung ương thẳng thắn cho rằng, hiện Việt Nam đã có 8 trên 10 dấu hiệu của bong bóng bất động sản.

Ngược lại, vào hồi tháng 5, ông Nguyễn Trọng Ninh Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nói rằng rất khó kết luận ở thời điểm này ở vì phải tiến hành rà soát, xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau từ số lượng giao dịch, biến động giá cả từng phân khúc, mức đầu tư...(NDH)
------------------------

Thị trường “rung lắc”, vốn hóa của 15 ngân hàng niêm yết “bốc hơi” hơn 27% trong 1 tháng qua

Chỉ trong một tháng qua, vốn hóa của 15 ngân hàng niêm yết trên 3 sàn đã “bốc hơi” tới gần 165,8 nghìn tỷ đồng (7,2 tỷ USD), tương đương mức giảm tới 27,1%, mạnh hơn rất nhiều so với mức giảm chung của thị trường.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Việt đã trải qua những thăng trầm. Nếu như 3 tháng đầu năm, chỉ số VN-Index nối tiếp thăng hoa từ năm 2017, liên tục lập đỉnh mới thì sang quý II, thị trường chứng khoán Việt lại ghi nhận quý có diễn biến tệ nhất trong một thập kỷ.

Theo đó, chỉ số VN-Index đã giảm tới 18,2%, từ đỉnh lịch sử hơn 1.200 điểm về sát 900 điểm trước khi hồi phục về 960 điểm vào cuối tháng 6.

Dòng vốn ngoại sau khoảng thời gian dài đổ vào thị trường cũng bị bán ròng mạnh, càng khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan.

Trong khi đó, những ngày đầu quý III thị trường tiếp tục gặp “bão tố”. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sàn đã đẩy các chỉ số thị trường hôm 3/7 lao dốc, trong đó, VN-Index đánh thủng mức đáy (916 điểm) đã lập trong phiên 29/5/2018.

Cụ thể, VN-Index giảm 41,14 điểm (-4,34%) xuống còn 906,01 điểm. HNX-Index giảm 3,97 điểm (-3,86%) xuống 98,8 điểm.

Đây là phiên giảm điểm mạnh thứ 2 trong năm 2018, chỉ xếp sau phiên 5/2 với mức giảm 5,1%.

Trên bình diện khu vực, Vn-Index là chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất Châu Á trong phiên 3/7.

Sau phiên sụt giảm mạnh hôm qua, thị trường đã phần nào hồi phục trong ngày hôm nay. Theo đó, VN-Index tăng 8,98 điểm (0,99%) lên 914,99 điểm. HNX-Index tăng 1,19 điểm (1,21%) lên 99,99 điểm.

Dù vậy, so với 1 tháng trước, VN-Index vẫn mất tới 9,74% (giảm 98,79 điểm) trong khi HNX-Index giảm tới 15,49% (tương đương mất 18,33 điểm).

Trong bối cảnh chung của thị trường, nhóm cổ phiếu “vua” cũng vừa trải qua những chuỗi ngày đen tối.

Theo tính toán, chỉ trong một tháng qua, vốn hóa của 15 ngân hàng niêm yết trên 3 sàn đã “bốc hơi” tới gần 165,8 nghìn tỷ đồng (7,2 tỷ USD), tương đương mức giảm tới 27,1%, mạnh hơn rất nhiều so với mức giảm chung của thị trường.

Trong đó, một số cổ phiếu có mức giảm sâu bao gồm BID với mức giảm tới 31,48%, từ mức 30.500 đồng/cổ phiếu phiên 4/6 xuống còn 20.900 đồng/cổ phiếu kết thúc phiên 4/7, ACB giảm 22,14% (từ 41.100 đồng/cổ phiếu về 32.000 đồng/cổ phiếu), CTG giảm 21,65% (từ 27.950 đồng/cổ phiếu về 21.900 đồng/cổ phiếu).

Ngoài ra, một số mã khác cũng có mức trượt giảm mạnh như HDB (-20,23%), SHB (-20,43%), STB (-17,93%),…

Riêng trường hợp cổ phiếu VPB giảm tới 46,34% trong vòng 1 tháng qua, nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu này giảm sâu là do được điều chỉnh giảm kỹ thuật vào ngày 18/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền để VPBank trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2017 với tỷ lệ thực hiện là 30,217% và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 31,6%.

Theo đánh giá của giới phân tích, thì việc nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh trong thời gian qua chủ yếu là do thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh sau một thời gian dài tăng nóng.

Bên cạnh đó là hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư sau khi cổ phiếu ngân hàng đã có thời gian tăng trưởng nóng trước đó. 

Tuy nhiên, sự suy giảm của nhóm này có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn do triển vọng tăng trưởng của các ngân hàng là rất tích cực khi nền kinh tế đang phục hồi, cộng thêm tiến trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu đang được đẩy nhanh. 

Trong khi đó, dù chưa công bố BCTC 6 tháng đầu năm nhưng theo số liệu lợi nhuận ước tính mà lãnh đạo một số ngân hàng đã công bố cho thấy triển vọng kinh doanh của ngành là khá sáng sủa. Điều này cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ quan trọng cho giá cổ phiếu từ nay đến cuối năm.(bizlive)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục