tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 03-08-2018

  • Cập nhật : 03/08/2018

Cảnh báo EU có thể áp thuế khủng với thép Việt

Cục phòng vệ thương mại Việt Nam cảnh báo nguy cơ thép Việt Nam xuất sang EU bị áp dụng biện pháp tự vệ nếu vượt quá 3%.

Ngày 26/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với 28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu do lo ngại sự gia tăng nhập khẩu có thể gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước.

thep viet co nguy co bi ap thue 25% khi xuat sang chau au. anh minh hoa

Thép Việt có nguy cơ bị áp thuế 25% khi xuất sang Châu Âu. Ảnh minh họa

Trên cơ sở kết quả điều tra sơ bộ, EC đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đối với 23/28 nhóm sản phẩm thép nhập khẩu bị điều tra.

Mỗi nhóm sản phẩm có một mức hạn ngạch riêng, được tính toán trên cơ sở trung bình cộng của tổng lượng xuất khẩu của các nước vào EU trong 03 năm gần nhất (2015-2017).

Hạn ngạch được cấp theo hình thức “trừ lùi” cho đến khi hết hạn ngạch, không phân bổ trên cơ sở tình hình xuất khẩu của từng quốc gia.

Thuế suất trong hạn ngạch bằng với thuế suất MFN hiện hành, khối lượng nhập khẩu vượt hạn ngạch sẽ phải chịu thêm thuế suất nhập khẩu bổ sung là 25%.

Biện pháp tự vệ tạm thời có thời hạn hiệu lực trong 200 ngày (từ 19/7/2018 đến 3/2/2019).

Sau đó, trên cơ sở kết quả điều tra cuối cùng, EC sẽ quyết định có áp dụng biện pháp tự vệ chính thức hay không.

Căn cứ quy định của Điều 9.1 Hiệp định tự vệ WTO về việc loại trừ các nước đang phát triển ra khỏi biện pháp nếu có thị phần nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%), Việt Nam chỉ bị áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với 3/23 nhóm sản phẩm bao gồm: (1) thép cán nguội hợp kim và không hợp kim; (2) thép tấm mạ kim loại; (3) thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh.

Đối với 20 nhóm sản phẩm còn lại, tạm thời các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam vào EU được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp (không bị áp dụng hạn ngạch và không phải chịu thuế suất vượt hạn ngạch bổ sung 25%).

Tuy nhiên, nếu trong thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, nhập khẩu các sản phẩm này từ Việt Nam tăng vượt mức 3%, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ không được loại trừ khi EC quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức (sau ngày 3/2/2019).

Để cảnh báo khả năng xuất khẩu vượt ngưỡng 3% và có nguy cơ bị EU áp dụng biện pháp tự vệ chính thức, hàng tháng Cục Phòng vệ thương mại sẽ công bố số liệu xuất khẩu sang EU nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan chức năng theo dõi tình hình xuất khẩu các nhóm sản phẩm thép sang EU và có biện pháp kiềm chế phù hợp.

Tỷ trọng nhập khẩu các nhóm sản phẩm thép của EU từ Việt Nam (từ T1/2018 đến T5/2018) & Cảnh báo các nhóm sản phẩm có nguy cơ bị hạn chế nhập khẩu do EU áp dụng biện pháp tự vệ.(ĐVO)
----------------------------

Hàng Mỹ cũng mượn Việt Nam để vào Trung Quốc

 Theo Thứ trưởng, có trường hợp hàng từ Mỹ sang Việt Nam để sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng về thực phẩm cao cấp, thịt bò…

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, phóng viên đặt vấn đề: Hiện đã xuất hiện tình trạng hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam sau đó làm giả xuất xứ của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để được hưởng thuế suất ưu đãi. Xin hỏi làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?

Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, về việc hàng Trung Quốc tuồn sang Việt Nam để được hưởng các ưu đãi xuất đi Mỹ, có thể thấy chúng ta đang cận kề chiến tranh thương mại. Với tình hình như hiện nay ta có thể tính đến những trường hợp xấu nhất có thể ảnh hưởng đến Việt Nam.

"Vấn đề phóng viên nêu ra mới một chiều là hàng Trung Quốc sang Việt Nam để hưởng ưu đãi xuất đi Mỹ nhưng cũng có thể xảy ra trường hợp ngược lại, hàng từ Mỹ sang Việt Nam để sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng về thực phẩm cao cấp, thịt bò…", Thứ trưởng Hải cho biết. 

thu truong bo cong thuong do thang hai

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Cũng theo ông Hải, Bộ Công Thương đã có đề xuất và báo cáo Chính phủ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 8/3/2018 quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hoá và Nghị định này cũng quy định về xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và áp dụng với thương nhân, cơ quan tổ chức, cá nhân khác… Tức là không chỉ liên quan đến hàng hoá từ Hoa Kỳ hay Trung Quốc mà tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có hàng hoá đến Việt Nam và đi các nước khác.

"Với Nghị định này, Bộ Công Thương đã đưa ra Thông tư hướng dẫn thực hiện. Cụ thể ngày 3/4/2018 Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 05 quy định về quy tắc xuất xứ hàng hoá và kê khai xuất xứ hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu.

Hiện nay chúng tôi đã phê duyệt các chương trình của Bộ Công Thương như Quyết định 334 về phê duyệt kế hoạch đấu tranh phòng chống vi phạm trong sản xuất kinh doanh hàng hoá như chống giả mạo xuất xứ tại các địa phương, trọng điểm đến hết năm 2020.

Đồng thời chúng tôi cũng chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tại địa phương phối hợp với các cơ quan liên quan hạn chế tốt nhất tình trạng như phóng viên vừa đề cập và nhiều tình trạng khác", Thứ trưởng Hải thông tin.(Baodatviet)
--------------------

Nikkei: Chỉ số PMI Việt Nam tháng 7/2018 giảm nhẹ

Theo báo cáo mới nhất của Nikkei, chỉ số PMI Việt Nam trong tháng 7 đã giảm nhẹ từ mức 55,7 điểm (tháng 6) về mức 54,9 điểm, tuy nhiên, đây vẫn là một trong những mức  cao nhất kể từ khi khảo sát bắt đầu từ tháng 3/2011.

PMI ngành sản xuất Viêt Nam của Nikkei

PMI ngành sản xuất Viêt Nam của Nikkei

Nikkei vừa công bố báo cáo mới nhất về chỉ số Nhà quản trị mua hàng Purchasing Managers’ Index (PMI) toàn phần trong lĩnh vực sản xuất Việt Nam.

Theo đó, PMI Việt Nam trong tháng 7 đã giảm nhẹ từ mức 55,7 điểm (tháng 6) xuống còn 54,9 điểm, nhưng đây vẫn là một trong những mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011.

Nikkei cho biết, mặc dù PMI VN giảm nhẹ trong tháng nhưng số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất tiếp tục tăng với mức độ đáng kể. Trong đó, tốc độ tăng số lượng đơn hàng xuất khẩu mới đã nhanh hơn, và chỉ kém một chút so với kỷ lục ghi nhận trong tháng 5.

Các công ty đã đáp ứng số lượng đơn đặt hàng mới tăng bằng cách tiếp tục tăng sản lượng trong tháng. Mức độ tăng giá được cho là mạnh hơn, mặc dù đã chậm lại so với tháng liền trước. Cả ba lĩnh vực thị trường khảo sát đều có sản lượng tăng, đứng đầu là lĩnh vực hàng hóa trung gian.

Sản lượng tăng mạnh đã khiến lượng công việc tồn đọng trong tháng 7 giảm tháng thứ hai liên tiếp, mặc dù mức giảm này là rất nhẹ. Điều này dẫn đến việc các nhà sản xuất tăng số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng.

Bên cạnh đó, nhóm khảo sát của Nikkei cho biết tốc độ tăng chi phí đầu vào vẫn cao trong đầu quý 3, nguyên nhân là do tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu. Việc chuyển gánh nặng chi phí tăng sang cho KH đã làm giá cả đầu ra tiếp tục tăng, với tốc độ tăng chỉ thay đổi một chút so với tháng 6.

Ngoài ra, những dữ báo về số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng trong 12 tháng tới đã làm tăng mức độ lạc quan về tăng sản lượng. Mức độ lạc quan trong kinh doanh đã tăng so với tháng trước khi có gần 51% số người trả lời khả sát dự báo sản lượng sẽ tăng.

Ông Andrew Harker, Phó Giám đốc tại HIS Markit – công ty thu thập kết quả khảo sát nhận định: “Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam vẫn ở mức cao trong tháng 7 khi lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng mạnh. Hỗ trợ cho mức tăng trưởng tổng thể trong kỳ khảo sát mới nhất là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng nhanh hơn. Trong khi đó, mức độ lạc quan về tương lai được phản ánh bởi mong muốn tăng hàng tồn kho của các công ty để sẵn sàng tiếp tục tăng sản lượng và tiếp tục tăng mạnh số lượng việc làm”.(Viettimes)
---------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục