tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 03-08-2017

  • Cập nhật : 03/08/2017

FPT sẽ thoái vốn đang nắm giữ tại FPT Retail xuống dưới 50%

Thông tin này được FPT cho biết tại Nghị quyết số 01.08-2017/NQ –HĐQTFPT của HĐT FPT ban hành về việc thông qua phương án thoái vốn tại FPT Retail.

anh minh hoa - nguon: fpt

Ảnh minh họa - Nguồn: FPT

Theo nghị quyết này, FPT sẽ giảm tỷ lệ sở hữu từ 85% tại thời điểm hiện xuống mức 55%, tương đương với việc bán 30% vốn tại FPT Retail.

Tiếp đó, FPT sẽ bán tối đa thêm 10% cho các NĐT, giảm tỷ lệ nắm giữ xuống dưới 50% thông qua các công ty chứng khoán.

Dự kiến, FPT sẽ hoàn tất việc này trong năm 2017. Tới năm 2018, FPT sẽ đưa FPT Retail niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Tp. HCM (HOSE).

Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ lĩnh vực bán lẻ của FPT đạt 6.193 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, Lợi nhuận trước thuế đạt 141 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ.

Năm 2017, FPT Retail đặt kế hoạch tăng trưởng 27,5% đối với doanh thu và 40% đối với lợi nhuận. Trong đó, FPT Retail tập trung đẩy mạnh mảng thương mại điện tử và tiếp cận KH theo mô hình mới.

Tính đến cuối tháng 7/2017, FPT Retail đang vận hành 453 cửa hàng trên toàn quốc. Theo danh sách Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2017 do Retail Asia Publishing (Tạp chí bán lẻ Châu Á) và Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor Intenational vừa công bố, mặc dù doanh thu của FPT Shop chỉ đạt khoảng 500 triệu USD, xếp thứ 4, sau Thế giới Di động, Saigon Coop, Big C. Nhưng nếu xét về mặt hiệu quả bán hàng, FPT Shop lại xếp cao nhất với doanh thu hơn 15.000USD/m2. Trong khi  Trần Anh chỉ đạt hơn 11.000 USD/m2, Thế giới Di Động đạt  5.076 USD/m2, còn lại các nhà bán lẻ khác đều có doanh thu dưới 10.000 USD/m2.(Viettimes)
-------------------------

Giao dịch bất động sản tại Hà Nội ổn định, TP. Hồ Chí Minh giảm nhẹ

Trong khi giao dịch bất động sản (BĐS) tại Hà Nội vẫn giữ được sự ổn định thì giao dịch tại TP. Hồ Chí Minh lại giảm nhẹ so với tháng trước.

tai ha noi, trong thang 7/2017 co khoang 1.300 giao dich thanh cong. nguon: internet

Tại Hà Nội, trong tháng 7/2017 có khoảng 1.300 giao dịch thành công. Nguồn: Internet

 

Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS ( Bộ Xây dựng) cho biết qua số liệu báo cáo của một số chủ đầu tư và sàn giao dịch, tại Hà Nội, trong tháng 7/2017 có khoảng 1.300 giao dịch thành công, tương đương số lượng giao dịch thành công so với tháng 6.

Các dự án được chào bán trên thị trường trong giai đoạn này chủ yếu đã được triển khai từ cuối năm 2016. Một số dự án nổi bật nhận được nhiều sự quan tâm và có nhiều giao dịch, cụ thể tại phân khúc bình dân như các dự án Chung cư 122 Vĩnh Tuy Udic Riverside (quận Hai Bà Trưng), dự án Ecolife Capitol (quận Nam Từ Liêm), dự án Gelexia Riverside Yên Sở (quận Hoàng Mai); phân khúc trung - cao cấp như dự án Gold Season 47 Nguyễn Tuân, (quận Thanh Xuân), dự án Park Hill Times City, dự án Sun Grand City Lương Yên (quận Hai Bà Trưng).

Trong khi đó tại thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh, tháng 7/2017 có khoảng 1.350 giao dịch thành công, con số này giảm 3,6% so với tháng 6.

Lượng giao dịch thành công tập trung tại các dự án đã khởi công trong giai đoạn trước, không có nhiều dự án mới được triển khai và chào bán.

Các chuyên gia cho rằng, lượng giao dịch thành công tại TP. Hồ Chí Minh tháng 7 giảm so với tháng 6 một phần do nguồn cung mới không nhiều, đồng thời tâm lý một số nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi thông tin về việc một số dự án trên địa bàn thành phố bị đề nghị thanh tra.

Một số dự án có nhiều giao dịch tại phân khúc bình dân như dự án Era Town (Quận 7), dự án chung cư Ehome (quận Bình Tân); tại phân khúc trung - cao cấp có dự án Hà Đô Sentrosa (Quận 10), dự án Hưng Phúc Phú Mỹ Hưng (Quận 7), dự án Sala Thủ Thiêm (Quận 2). (Chinhphu)
---------------------------

Hơn 35.000 tấn tôn mạ màu nhập khẩu được miễn áp thuế tự vệ

Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với tôn màu nhập khẩu cho 9 doanh nghiệp (DN) trong năm 2017 với tổng sản lượng miễn trừ hơn 35.000 tấn.

anh minh hoa. nguon: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Theo đó, DN được miễn trừ lớn nhất là Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) LG Electronics Việt Nam Hải Phòng (12.000 tấn). Tiếp theo đó, là Công ty TNHH điện máy Aqua Việt Nam (8.491 tấn),  Công ty TNHH Panasonic Việt Nam (5.000 tấn), Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex (3.687 tấn), Công ty TNHH đầu tư xây dựng Pride Việt Nam (3.000 tấn) và Công ty CP Bao bì kim loại Việt Nam (1.500 tấn), Công ty CP đầu tư, xây lắp và vật liệu xây dựng Đông Anh (1.060 tấn), Công ty CP Viettronics Tân Bình (364 tấn), Công ty TNHH điện lạnh Hòa Phát (200 tấn).

Trước đó, ngày 31/5, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1931/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với 8 mã HS sản phẩm tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam từ nhiều nước/vùng lãnh thổ khác nhau (mã vụ việc SG05).

Cơ sở để áp dụng các biện pháp tự vệ chính thức là việc nhập khẩu mặt hàng tôn màu đã tăng mạnh nhưng năm qua và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Cụ thể, lượng nhập khẩu tăng từ 130,8 nghìn tấn năm 2013 lên 590,7 nghìn tấn năm 2016.

Trong khi đó, tồn kho tôn màu tăng, chi phí sản xuất của DN trong nước tăng nhưng giá bán không tăng. Điều này khiến sản lượng sản xuất, thị phần, doanh thu, lợi nhuận, lao động đều giảm.

Sau quá trình thẩm định hồ sơ và các thông tin thu thập được, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ đối với tôn màu nhập khẩu cho 9 DN trong năm 2017 với lượng miễn trừ theo từng DN.

Các doanh nghiệp được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ trong năm 2017 sẽ được hoàn lại tiền thuế tự vệ đã nộp theo Quyết định số 1931/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu vào Việt Nam từ nhiều nước/vùng lãnh thổ khác nhau.

ảnh 1

Theo quy định, định kỳ hàng quý, các DN được miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ phải nộp báo cáo tình hình nhập khẩu tôn màu chất lượng cao đến Cục Quản lý cạnh tranh trong vòng 15 ngày đầu tiên của quý tiếp theo.

Trường hợp DN không gửi báo cáo đúng hạn, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ thu hồi quyết định miễn trừ đã cấp.

Đối với một số DN đã nộp hồ sơ miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ nhưng chưa có tên nêu trên là do hồ sơ đề nghị miễn trừ chưa đầy đủ và cần phải bổ sung thông tin theo đúng hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị miễn trừ của Cục Quản lý cạnh tranh hoặc đang trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị miễn trừ. Cơ quan này sẽ xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp tự vệ khi các DN cung cấp đầy đủ các thông tin theo hướng dẫn.(enternews)
---------------------

Tạo môi trường cho dân tự bỏ vốn kinh doanh

Để huy động được nguồn ngoại tệ, vàng trong dân đưa vào đầu tư phát triển, vấn đề không phải là giải pháp hệ thống NH thực hiện việc huy động mà điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, người dân khi đó sẽ bỏ tiền ra tự kinh doanh.

Thực hiện mục tiêu giảm thiểu tình trạng đô-la hóa nền kinh tế của Chính phủ, trong thời gian qua NHNN Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, như kiểm soát được lạm phát ở mức thấp, tạo lòng tin cho dân chúng vào VND… Đi kèm với đó là tăng sức hấp dẫn của VND bằng cách tạo sự chênh lệch lợi tức cho người dân từ việc gửi VND nhiều hơn so với gửi tiết kiệm ngoại tệ trong hệ thống NH, thông qua chính sách lãi suất 0% đối với USD, nhằm giữ ổn định tỷ giá, nâng cao sức khỏe và tăng năng lực cạnh tranh của các NHTM.

Các giải pháp đồng bộ này thực tế đã mang lại hiệu quả như mong muốn, tình trạng đô-la hóa giảm rõ nét, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán giảm mạnh từ 19,3% đầu năm 2011 xuống 9,19% cuối năm 2016. Theo đó, NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ lớn bổ sung cho dự trữ quốc gia và từng bước ổn định thị trường vàng.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, gần đây việc Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) vừa đưa ra con số hơn 3 tỷ USD người Việt mua bất động sản ở Mỹ đang khiến dư luận xã hội quan tâm và một số quan điểm cho rằng, chính sách lãi suất ngoại tệ 0% gây ra tình trạng ngoại tệ chảy ra nước ngoài, nên cần phải huy động ngoại tệ và vàng.

Xét bản chất lãi suất không phải là vấn đề làm cho luồng ngoại tệ của Việt Nam chảy ra nước ngoài, bởi chêch lệch lãi suất là không lớn và không phải yếu tố chính của vấn đề. Hơn nữa khi lựa chọn đầu tư mua nhà thì cần được xem xét dưới nhiều góc độ, trong đó môi trường đầu tư, độ an toàn của khoản đầu tư mới là quan trọng.

Người viết bài này đồng tình với quan điểm của GS. TSKH. Võ Đại Lược và TS. Lưu Bích Hồ, rằng: để huy động được nguồn ngoại tệ, vàng trong dân đưa vào đầu tư phát triển, vấn đề không phải là giải pháp hệ thống NH thực hiện việc huy động mà điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, người dân khi đó sẽ bỏ tiền ra tự kinh doanh.

Thực tế hiện nay mức tăng trưởng kinh tế không được cao như trước đây, môi trường đầu tư kinh doanh còn nhiều bất cập, gần 60% DN làm ăn không có lãi – theo số liệu điều tra của VCCI. Khi khu vực DN còn nhiều khó khăn như vậy thì việc sử dụng vốn từ huy động vàng, USD làm sao cho có hiệu quả. Khi môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn không những thu hút được nguồn vàng, ngoại tệ trong nước mà còn thu hút được nguồn ngoại tệ từ các Việt Kiều và nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu bây giờ bỏ chính sách lãi suất 0%, nguy cơ sẽ phá vỡ tính đồng bộ của các giải pháp chống đô-la hóa. Tuy nhiên để đảm bảo tính đồng bộ cao hơn cho những giải pháp chống đô-la hóa thì NHNN cần đẩy mạnh triển khai giải pháp, hạn chế và tiến tới chấm dứt việc cho vay vốn bằng ngoại tệ, chuyển hẳn sang quan hệ mua – bán ngoại tệ cho DN đáp ứng nhu cầu nhập khẩu. Điều này sẽ tạo sự cân đối giữa nguồn và sử dụng nguồn ngoại tệ của các NHTM.

Thực tế nguồn ngoại tệ huy động của các NHTM gần đây cũng đang có xu hướng giảm, trong khi cho vay ngoại tệ tăng nhanh. Do vậy, nếu không tính toán hợp lý, khi áp lực trả nợ vốn vay của các DN đến kỳ đáo hạn, nhu cầu ngoại tệ tăng cao sẽ tạo áp lực lên tỷ giá trong tương lai.(Thoibaonganhang)

Trở về

Bài cùng chuyên mục