Các nước Ả Rập đối mặt khủng hoảng nợ 94 tỉ USD vì giá dầu
Các nước Ả Rập còn đối mặt với khả năng thâm hụt 395 tỉ USD trong hai năm tới - Ảnh: Reuters
Các thành viên giàu dầu thô thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) có thể sẽ gặp khó trong việc tái cấp tài chính 94 tỉ USD nợ trong hai năm tới.
Bloomberg trích nhận định trong báo cáo của ngân hàng HSBC cho hay 6 thành viên thuộc GCC sẽ phải tái cấp tài chính 52 tỉ USD trái phiếu và 42 tỉ USD khoản vay hợp vốn, chủ yếu ở Ả Rập Xê Út và Qatar. Tái cấp tài chính là việc trả hết một khoản nợ vay bằng tiền có được từ một khoản vay mới, thường cùng quy mô độ lớn tài chính.
Các nước vùng vịnh Ba Tư thuộc GCC, gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), còn đối mặt với thâm hụt 395 tỉ USD trong cùng giai đoạn. Sáu quốc gia trên sẽ gặp khó trong việc tái cấp tài chính 94 tỉ USD nợ trong hai năm tới vì khu vực này đối mặt với tăng trưởng chậm, lãi suất tăng cao và xếp hạng tín nhiệm bị hạ trong thời gian gần đây.
Chuyên gia kinh tế về Trung Đông Simon Williams thuộc ngân hàng HSBC cho hay: “Với việc Vùng Vịnh hoạt động như một thị trường tín dụng duy nhất, thách thức tái cấp tài chính sẽ được cảm nhận rộng rãi hơn, bị phức tạp hóa bằng việc thắt chặt thanh khoản khu vực, lãi suất tăng cao và xếp hạng tín nhiệm hạ xuống gần đây”.
Các nước thuộc GCC cùng nhau sản xuất 1/4 lượng dầu tiêu thụ trên thế giới, đang bị buộc phải dùng các biện pháp chưa từng có để vực dậy tình hình tài chính công khi giá dầu thô đang chật vật tăng lại từ mức thấp nhất trong 12 năm trở lại đây. Các nước này bao gồm cả Ả Rập Xê Út và Oman cũng chịu ảnh hưởng từ một loạt các đợt xếp hạng tín nhiệm giữa lúc hàng tỉ USD “tháo chạy” khỏi hệ thống ngân hàng khu vực.
Các nước Vùng Vịnh có khoảng 610 tỉ USD dư nợ trong trái phiếu bằng ngoại tệ và các khoản vay hợp vốn. Con số này bao gồm khoản nợ tài chính và doanh nghiệp cũng như nợ chính phủ, chủ yếu ở UAE, Bahrain và Qatar, theo HSBC. Ngân hàng này cho rằng các nước GCC sẽ có một đợt phát hành trái phiếu chính phủ nước ngoài để xoay sở trước tình hình thâm hụt ngân sách.
Chứng khoán Việt mất điểm theo sàn Trung Quốc
Chứng khoán VN đỏ sàn theo Trung Quốc - Ảnh: D.Đ.Minh
Thị trường chứng khoán VN phiên đầu tuần hôm nay 29.2 đóng cửa trong sắc đỏ khi cả hai chỉ số cùng mất điểm. Nhiều chuyên gia cho rằng một phần do tâm lý nhà đầu tư bị sắc đỏ trên sàn chứng khoán Trung Quốc chi phối.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 6,74 điểm còn 559,37 điểm; HNX-Index giảm 0,33 điểm còn 78,73 điểm.
Thị trường chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa nhưng vẫn còn nhiều cổ phiếu (CP) nỗ lực tăng giá. Sự giằng co diễn ra khá quyết liệt ở các CP blue-chips mà phần thắng nghiêng về phía bên bán. Đặc biệt nhóm CP lớn ngành ngân hàng như VCB, MBB, CTG, BID, EIB… đều giảm giá. Ngược lại nhóm CP dầu khí như DPM, GAS, PVD, PTC… đều tăng khá nhưng không đủ sức kéo thị trường đi lên.
Trong khi đó, trên sàn Hà Nội số lượng CP tăng giá nhiều hơn nhưng chủ yếu là những CP có thị giá nhỏ nên không thể giúp HNX-Index tránh khỏi phiên giảm điểm.
Cùng với tâm lý bán ra của nhà đầu tư nội, khối ngoại sau 7 phiên mua mạnh trước đó cũng quay lại bán ròng gần 25 tỉ đồng trên cả hai sàn. Thanh khoản thị trường cũng giảm nhẹ so với phiên trước đó. Tổng cộng có 175,9 triệu CP và chứng chỉ quỹ được giao dịch thành công với tổng trị giá 2.560 tỉ đồng.
Một số công ty chứng khoán cho rằng tâm lý nhà đầu tư lại dè dặt vì thấy thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm nay lao dốc sau khi nhà đầu tư nước này thất vọng khi Hội nghị G20 diễn ra tại Thượng Hải cuối tuần qua không đưa ra biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cụ thể.
Máy chế biến nhựa VN bị áp thuế chống bán phá giá tại Ấn Độ
Hôm nay 29.2, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) thông báo Tổng vụ Chống bán phá giá, chống trợ cấp Ấn Độ đã công bố thuế suất chống phá giá áp dụng đối với các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu VN là 23,15%.
Đây là kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá với máy chế biến nhựa nhập khẩu từ Đài Loan, Philippines, Malaysia và VN.
Sau khi xem xét cả biên độ thiệt hại, Ấn Độ đã quyết định thuế suất chống phá giá áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu VN là 23,15%, Philippines là 30,85%, Malaysia là 44,74% và Đài Loan là 27,98% (có hai doanh nghiệp của Đài Loan được coi là hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và được hưởng mức thuế suất 0-6,06%).
Như vậy riêng đối với VN, mức thuế này thấp hơn biên độ bán phá giá được xác định là 40-50% tại kết luận điều tra vào ngày 29.12.2015.
Sản phẩm bị khởi xướng điều tra bán phá giá từ tháng 4.2013 đến tháng 3.2014 và giai đoạn điều tra thiệt hại từ năm 2010 đến 2014.
Cá tra hụt sản lượng nghiêm trọng nhất trong vòng 10 năm
Thị trường cá tra đang có chuyển biến rất lớn. Từ chổ dư thừa dẫn đến giá nguyên liệu và xuất khẩu giảm sâu trong suốt cả năm 2015, ngay từ đầu 2016, con cá tra bông chốc "sống lại".
Sản lượng nguyên liệu thiếu hụt ít nhất 50% nên giá cá tra đang có chiều hướng tăng mạnh, đây là lợi thế cho doanh nghiệp đầu tư bài bản, đón đầu thị trường từ trước.
Do sản lượng hụt trầm trọng nên giá cá tra nguyên liệu đang tăng nhanh theo tín hiệu nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại các vùng nuôi cá tra chủ lực ở một số tỉnh ĐBSCL, phần lớn diện tích ao hồ trước đây nuôi cá tra thì nay người nuôi đã bỏ trống, phần còn lại được chuyển đổi nuôi các loại cá khác để bán nội địa. Chẳng hạn như tại vùng nuôi cá tra trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp là huyện Hồng Ngự, khảo sát cho thấy, tính đến đầu 2016, có đến trên 50% diện tích ao nuôi cá tra chưa được thả vụ mới, còn bỏ hoang. Một số vùng khác có mật độ giảm sâu hơn, từ 60-80% cũng diễn ra ở các địa phương như Hậu Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang.
Sản lượng cá thiếu hụt khiến cho thị trường cá đột ngột sôi động trở lại. Chỉ trong vòng 3 ngày cuối tháng 2, giá cá nguyên liệu đã tăng 1.000 đồng, lên mức 20.200 đồng/kg. Riêng với thị trường cá giống, mặc dù đã tăng từ 20.000 đồng lên 26.000 đồng/kg loại 30 con/kg trong khoảng 10 ngày gần đây, tuy nhiên các trung tâm nhân giống vẫn không có đủ sản lượng để cung cấp cho người nuôi.
Việc xảy ra tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cá trầm trọng ngay từ đầu năm 2016 xuất phát từ nguyên nhân trong suốt cả 2015, giá cá tra chỉ duy trì ở mức quá thấp so với chi phí nuôi trồng, buộc người dân phải chuyển đổi nuôi các loại cá khác hoặc bỏ trống ao. Nhiều doanh nghiệp cũng không lường trước được tình hình, họ dựa vào việc thu mua cá giá rẻ từ nông dân nên ỉ lại không đầu tư nuôi hoặc liên kết với dân, dẫn đến thời điểm này không chủ động được nguyên liệu.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp thì đây là lần đầu tiên sau 10 năm, ngành cá tra mới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng như vậy. Với đà này, dự báo ngay từ đầu tháng 3, hàng loạt nhà máy sẽ gặp khó khăn do không đủ nguyên liệu chế biến. Tình hình này còn kéo dài, thậm chí đến hết quý 1/2017 vì theo tính toán của doanh nghiệp, ngoài một ít sản lượng cá còn tồn đọng từ 2015 chuyển qua, lượng cá tra nuôi vụ mới trong dân và doanh nghiệp chỉ đáp ứng được khoảng 50% (tương đương khoảng 500.000 tấn) so với nhu cầu phục vụ chế biến và xuất khẩu trong cả năm 2016 là 1,2-1,4 triệu tấn nguyên liệu. Tới đây, một điều chắc chắn rằng, các nhà máy không tự chủ được nguyên liệu hoặc không đủ năng lực tài chính để mua cá của dân sẽ phải giảm công suất, thậm chí đóng cửa.
Nhiều ý kiến cho rằng, ngành cá tra gặp khó khăn về nguyên liệu ngay giữa thời điểm Việt Nam tham gia ký kết hàng loạt hiệp định thương mại, thị trường mở ra rất lớn là điều đáng tiếc. Ngay trong thời điểm này, khi nguyên liệu thiếu hụt thì nhu cầu nhập khẩu cá tra lại có tín hiệu tăng nhanh trở lại. Doanh nghiệp cho biết, các khách hàng đến từ thị trường Asean, Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Trung Đông…đang đẩy mạnh mua hàng. Riêng với thị trường Trung Quốc, chỉ tính riêng các tháng đầu 2016, sản lượng cá tra xuất khẩu tăng gấp đôi so với cùng kỳ.
Để duy trì sản xuất, hiện nay các nhà máy đang tìm mọi cách giữ cá "nhà", đồng thời tăng cường thu mua cá bên ngoài nhằm đảm bảo duy trì hợp đồng xuất khẩu từ nay đến hết tháng 6.2016. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường cá tra được dự báo còn diễn ra sôi động trong thời gian tới.
Lúc này, chỉ có doanh nghiệp đã đầu tư một cách bài bản, khép kín từ nhà máy thức ăn, vùng nguyên liệu cũng như hệ thống nhà máy chế biến là hưởng lợi lớn nhất. Rất tiếc, số này không có nhiều so với phần còn lại của ngành cá tra.
Hai dự án công nghệ cao rót hàng trăm tỷ đồng vào Bình Định
Bình Định giao hàng trăm ha đất cho các Tập đoàn triển khai dự án nuôi tôm và đầu tư trang trại nuôi heo công nghệ cao với tổng vốn hơn 800 tỷ đồng.
Trao đổi với PV ngày 29/2, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương vừa giao 126 ha đất ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Cát) cho Tập đoàn Việt Úc đầu tư nuôi tôm công nghệ cao.
Người dân ven biển đảo miền Trung nuôi tôm hùm xuất khẩu. Ảnh: Minh Hoàng.
Dự án này có quy mô mỗi năm ươm nuôi, sản xuất khoảng 3 tỷ con tôm giống (chất lượng cao, hạn chế dịch bệnh) đáp ứng nhu cầu người dân nuôi trồng thủy sản cả nước. Ngoài ra, nhà đầu tư còn nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh trong nhà kính đảm bảo vệ sinh môi trường, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ra các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Theo ông Châu, Bình Định cũng đã giao 90 ha đất ở xã Cát Sơn (huyện Phù Cát) cho Tập đoàn Hùng Vương đầu tư trang trại nuôi heo công nghệ cao. Từ nay đến tháng 6, trang trại này được đầu tư quy mô khoảng 5.000 con. Đến cuối năm 2017, trang trại mở rộng chăn nuôi lên 10.000 con heo thịt. Mục tiêu của dự án là cung cấp thịt heo sạch cho Bình Định và các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
"Hai nhà đầu tư này cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật giúp người dân trong vùng dự án nuôi tôm, chăn nuôi heo theo hướng công nghệ cao nhằm nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình", ông Châu nói.
Tổng vốn đầu tư hai dự án này khoảng 800 tỷ đồng.
(
Tinkinhte
tổng hợp)