tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 30-12-2017

  • Cập nhật : 30/12/2017

Dự báo thế giới 2018: Tương lai nhiều dấu hỏi của liên minh ngân hàng châu Âu

Đối với Liên minh châu Âu (EU), việc thành lập được một liên minh ngân hàng mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nó sẽ là một minh chứng rõ nét về sự hội nhập sâu rộng và tinh thần đoàn kết nội khối giai đoạn hậu "chia tay" với Anh.

du bao the gioi 2018: tuong lai nhieu dau hoi cua lien minh ngan hang chau au

Dự báo thế giới 2018: Tương lai nhiều dấu hỏi của liên minh ngân hàng châu Âu

Các chuyên gia nhận định rằng đây sẽ là một trong những chủ đề nổi bật được bàn tới trong năm 2018. Tuy nhiên, con đường hiện thực hóa ý tưởng đã tồn tại 7 năm qua vẫn còn nhiều chông gai và chắc chắn cái kết đẹp vẫn chưa thể xuất hiện trong năm 2018. 

Ý tưởng về liên minh ngân hàng châu Âu ra đời sau cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu hồi thập niên đầu thế kỷ 21. Một trong những vấn đề lớn nhất của châu Âu trong cuộc khủng hoảng này là khối lượng nợ công tồn tại trên sổ sách của các ngân hàng châu Âu rất lớn và tạo nên cái gọi là "thòng lọng bất hạnh" - thực chất là một nguy cơ lớn nếu khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính chạm tới quốc gia có những ngân hàng sở hữu số nợ công lớn. 

Bài toán nợ này sẽ chuyển từ ngân hàng sang chính phủ và ngược lại, dẫn tới một vòng xoáy chết chóc như một cái thòng lọng siết chặt dần dần vào "yết hầu" của nền kinh tế. Để giải quyết bài toán này, EU đưa ra đề xuất chia sẻ nguy cơ đó cho các nước thành viên. Do vậy, sẽ cần phải xây dựng những quy định mới cho phép các ngân hàng bị tác động bởi khủng hoảng được cắt giảm nợ thay vì phải để chính phủ và người đóng thuế cứu trợ. Thêm nữa, những quy định mới còn cho phép các ngân hàng thuộc Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đặt tiền bảo hiểm tiền gửi vào cùng một giỏ nhằm phân tán rủi ro vỡ nợ cho tất cả các ngân hàng thuộc liên minh tiền tệ. 

Chặng đầu tiên của liên minh tiền tệ này đã được triển khai thuận lợi. Một cơ quan giám sát đặt dưới quyền của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã được thành lập. Trong những năm qua, các quy định về hình thức cắt giảm hoặc xóa nợ cũng đã được soạn thảo và có hiệu lực từ đầu năm 2017. Tuy nhiên, khó khăn bắt đầu xuất hiện khi các đề xuất về cứu nguy cho các ngân hàng theo hình thức này đang trở thành vấn đề gây tranh cãi do tính hiệu quả của nó. Miếng ghép tiếp theo cho bức tranh liên minh ngân hàng là phải thành lập một hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Tại đó, các ngân hàng của Eurozone chia sẻ nguy cơ, nhưng việc thiết lập quỹ chung lại không hề đơn giản. 

Đến nay, Đức và Hà Lan là hai quốc gia phản đối kịch liệt ý tưởng "chia sẻ" rủi ro tài chính với các ngân hàng ở khối các nước Địa Trung Hải (Nam Âu) vì cho rằng hệ thống ngân hàng ở khu vực này quá mong manh. Vấn đề đã được các nước thảo luận từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa đạt được tiến triển. Đức và Hà Lan cho rằng nguy cơ trong các ngân hàng Eurozone vẫn quá lớn và cần phải giảm bớt nguy cơ này trước khi các nước Bắc Âu sẵn sàng chia sẻ rủi ro. Các nước Bắc Âu đưa ra hai lập luận chính để phản đối việc tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đó là số lượng các khoản cho vay không sinh lợi trong các ngân hàng Nam Âu quá cao và những ngân hàng này vẫn có khả năng phải gánh nhiều khoản nợ của chính phủ. 

Để thoát khỏi thế bế tắc, tháng 7 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã đưa ra một đề xuất mới: giảm số lượng các khoản cho vay không sinh lời trên sổ sách ngân hàng. Mới đây nhất hồi đầu tháng 12, Phần Lan bất ngờ đưa ra một lộ trình thiết lập cơ chế bảo hiểm tiền gửi chung. Lý do đằng sau đề xuất này của Phần Lan được cho là xuất phát từ động thái chuyển trụ sở của Ngân hàng Nordea từ Thụy Điển sang Phần Lan (tháng 9 vừa qua). Thụy Điển là một thành viên của EU nhưng nằm ngoài Eurozone. Sự kiện này đã làm thay đổi cách tiếp cận của Phần Lan và việc nước này muốn chia sẻ rủi ro tài chính có thể đẩy Nordea vào khủng hoảng. 

Do vậy, Phần Lan có động cơ để chia sẻ rủi ro này với các nước khác, điều mà chính quyền Helsinki trước đây phản đối. Phần Lan đưa ra giải pháp hướng tới việc thuyết phục các quốc gia Bắc Âu chấp thuận. Ý tưởng là gộp khả năng trả nợ của quốc gia với ngân hàng làm một khi xuất hiện những nguy cơ đe dọa hệ thống ngân hàng quốc gia. Điều này sẽ cho phép nhà nước xử lý linh hoạt hơn các vấn đề phát sinh trong khủng hoảng. Đề xuất của Phần Lan có thể giúp làm mềm các quan điểm của Đức và Hà Lan. 

Tuy nhiên, việc Đức và Hà Lan vẫn phản đối mạnh mẽ cùng với những yêu cầu mà hai nước này đưa ra đối với các nền kinh tế Nam Âu không thể có tiến triển nhanh chóng là cơ sở để giới chuyên gia đưa ra dự đoán rằng kế hoạch thành lập liên minh tiền tệ của EU rất khó thành hiện thực trong năm 2018.(Baotintuc)
-------------------------------

Nhiều quốc gia châu Á cảnh báo rủi ro khi đầu tư vào các loại tiền ảo

Ngày 29/12, Ấn Độ đã trở thành quốc gia mới nhất lên tiếng cảnh bảo về hoạt động đầu tư vào các loại tiền kỹ thuật số, kể cả đồng tiền ảo bitcoin, do sự biến động liên tục và tiềm ẩn nhiều rủi ro của chúng.

nhieu quoc gia chau a canh bao rui ro khi dau tu vao cac loai tien ao. anh: afp/ttxvn

Nhiều quốc gia châu Á cảnh báo rủi ro khi đầu tư vào các loại tiền ảo. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra cảnh báo này sau khi Hàn Quốc quyết định cấm giao dịch các loại tiền ảo, khuyến cáo các nhà đầu tư cần phải thận trọng. 

Theo Bộ Tài chính Ấn Độ, các loại tiền kỹ thuật số không có giá trị hợp pháp và không được hỗ trợ bởi bất kỳ loại tài sản nào. Việc đầu tư vào tiền ảo có nguy cơ bị đổ vỡ bất kỳ lúc nào với hậu quả kéo dài. 

Bitcoin là đồng tiền điện tử đầu tiên trên thế giới, đồng thời là đồng tiền điện tử phát triển "nóng" nhất, khi mà các đồng tiền ảo khác không đạt được mức tăng kỷ lục và tốc độ tăng giá trị nhanh chóng như bitcoin. 

Năm 2017 là năm đã chứng kiến tốc độ "phi mã" chóng mặt của đồng tiền này. Giá trị đồng bitcoin biến động liên tục, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư. Giá bitcoin đã giảm gần 40% từ mức cao kỷ lục là 19.500 USD trong tháng này, khi các nhà đầu tư rút vốn sau khi giá đồng bitcoin tăng cao. 

Trước đó, ngày 26/12, Israel cũng đã cấm các công ty hoạt động dựa trên đồng bitcoin và một số đồng điện tử khác giao dịch niêm yết cổ phiếu trên Sàn chứng khoán Tel Aviv (TASE). (TTXVN)
-------------------

Giá trị nhà ở tại Mỹ tăng cao kỷ lục trong năm 2017

Báo cáo tổng kết năm 2017 của công ty bất động sản Zillow vừa công bố ngày 28/12 cho hay, giá trị nhà ở tại Mỹ đã tăng cao kỷ lục trong năm nay trong khi giá thuê nhà hàng tháng cũng bật tăng.

mot can nha duoc rao ban tai san anselmo, california, my ngay 18/7. anh: afp/ttxvn

Một căn nhà được rao bán tại San Anselmo, California, Mỹ ngày 18/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, theo Zillow, nhu cầu nhà ở tại Mỹ đang gia tăng với nhịp độ khá ổn định, khiến giá mua nhà và thuê nhà đồng loạt đi lên. Giá trị các căn nhà tại Mỹ đã tăng gần 2.000 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2016 và là mức tăng mạnh nhất trong bốn năm, giúp nâng tổng giá trị các căn nhà tại Mỹ lên 32.000 tỷ USD. 

Nhà kinh tế cấp cao của Zillow, Aaron Terrazas nhận định, nhu cầu mua nhà tăng mạnh và lượng nhà sẵn có còn thiếu đã đẩy giá nhà tại Mỹ lên cao, đặc biệt là tại một số vùng duyên hải nước này. So với thời điểm tồi tệ nhất của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, giá trị nhà ở tại Mỹ hiện đã tăng 9.000 tỷ USD. 

Nguồn cung nhà để bán của Mỹ khá khan hiếm, song cũng đã được cải thiện trong thời gian gần đây nhờ hoạt động cho thuê tăng trưởng chậm lại. Tổng số tiền chi cho việc thuê nhà của Mỹ trong năm 2017 cao hơn 1% so với năm 2016, lên mức 486 tỷ USD.

Giá nhà thuê nhà tại New York và Los Angeles là cao nhất trong số các thành phố của nước Mỹ trong năm 2017, và mỗi thành phố này đều chiếm hơn 8% tổng giá trị nhà ở tại Mỹ, lần lượt đạt 2.700 tỷ USD và 2.600 tỷ USD.(baotintuc/AFP)
----------------------

Uber chấp nhận “bán mình” cho Softbank với giá bèo

Một nguồn tin tiết lộ với giá mua của Softbank, giá trị Uber chỉ ở mức 48 tỷ USD.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Theo thông tin từ Bloomberg, cổ đông Uber đã đồng ý bán một lượng lớn cổ phần cho Softbank với "giá bèo" sau nhiều lần thương thảo. 

Cụ thể, một nguồn tin tiết lộ với giá mua của Softbank, giá trị Uber chỉ ở mức 48 tỷ USD. Ngoài ra, các nhà đầu tư tổ chức gồm Softbank, Gragoneer Investment, TPG, Tencent và Sequoia Capital cũng sẽ đầu tư khoảng 1,25 tỷ USD vào Uber mức định giá cao hơn là 69 tỷ USD.

"Chúng tôi kỳ vọng sẽ làm việc chặt chẽ với các nhà đầu tư để chốt tất cả thỏa thuận sớm. Số tiền có được từ thương vụ này sẽ hỗ trợ chúng tôi cho các khoản đầu tư công nghệ, tăng tốc độ phát triển và củng cố quản trị tập đoàn", một người phát ngôn của Uber nói.

Tập đoàn Softbank sẽ kết thúc thỏa thuận với 15% cổ phần tại startup này. "Chúng tôi rất cảm kích trước sự ủng hộ của cổ đông Uber trong thương vụ lần này và hy vọng sẽ chốt được tất cả thỏa thuận trong tháng 1. Chúng tôi tin tưởng vào ban lãnh đạo của Uber", Rajeev Misra – chủ tịch quỹ đầu tư 93 tỷ USD của Softbank nói.

Thỏa thuận này sẽ biến Softbank trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của Uber và có 2 ghế trong hội đồng quản trị. Misra và CEO Sprint Marcelo Claure (Softbank là cổ đông lớn nhất trong Spirit) sẽ được cân nhắc cho vị trí này.

Thương vụ bán cổ phần cho Softbank được cho là sẽ thúc đẩy nhanh quá trình cải tổ hệ thống quản trị tại Uber gồm mở rộng hội đồng quản trị lên 17 người và hủy bỏ quyền biểu quyết ưu tiên đối với những nhà đầu tư sớm. Benchmark – nhà đầu tư mạo hiểm lớn nhất của Uber cũng sẽ hủy bỏ vụ kiện chống lại cựu CEO Travis Kalanick.

Dara Khosrowshahi là người tích cực "vun vén" cho thương vụ với Softbank kể từ khi nhận chức thay cựu CEO Travis. Ngoài cải tổ bộ máy lãnh đạo, ông đang muốn xoa dịu các nhân viên và nhà đầu tư – những người không muốn giữ cổ phiếu của họ tới năm 2019 nữa và khẳng định Uber đang nhắm tới việc IPO trong thời gian tới. Việc này cũng giúp công ty có thêm vốn để đối đầu với các đối thủ cạnh tranh.

Didi Chuxing - ứng dụng gọi xe tại Trung Quốc gần đây cũng tuyên bố huy động được vốn từ Softbank lên tới 4 tỷ USD.

Năm nay, Uber đối mặt với quá nhiều bê bối liên quan tới tình dục, kiện cáo… CEO Dara đang tìm cách nhanh chóng loại bỏ càng sớm càng tốt những bê bối khủng khiếp năm 2017. Ông đã thay thế Giám đốc pháp lý, sa thải Giám đốc an ninh và tuyển CEO Orbitz để điều hành hoạt động công ty. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thứ phải giải quyết. Tháng 11, Bloomberg đã phanh phui vụ việc Uber làm lộ tài khoản 57 triệu người dùng và công ty này vẫn chưa có cách xử lý thỏa đáng.

Đối với Softbank, thỏa thuận này sẽ khiến Masayoshi Son trở thành nhà đầu tư có tầm ảnh hưởng bậc nhất trong lĩnh vực gọi xe. Ông sẽ giữ cổ phần tại 5 startup gọi xe lớn nhất thế giới hoạt động ở Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Nam Á, Brazil và Mỹ.(cafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục