tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 27-07-2017

  • Cập nhật : 27/07/2017

Đã góp vốn vào Grab, Softbank lại tính mua cổ phần của Uber

Nếu thương vụ này thành công, Softbank sẽ có cổ phần tại tất cả những dịch vụ gọi xe lớn nhất thế giới.

da gop von vao grab, softbank lai tinh mua co phan cua uber nguon anh: financial express

Đã góp vốn vào Grab, Softbank lại tính mua cổ phần của Uber Nguồn ảnh: Financial Express

SoftBank (Nhật Bản) đang nỗ lực giành thị phần chi phối trong thị trường dịch vụ gọi xe, thông qua kế hoạch mua lại cổ phần của Uber, sau khi đã đặt cược vào ba startup gọi xe khác ở châu Á.

Theo các nguồn tin của Wall Street Journal, Softbank đã tiếp cận Uber về việc bỏ ra vài tỷ USD để mua lại cổ phần của Uber. Đây là một đề xuất khá khó hiểu, khi Softbank cũng đang là nhà đầu tư vào 3 đối thủ của Uber tại châu Á: Grab (Singapore), Ola (Ấn Độ) và Didi Chuxing (Trung Quốc). Vào hôm thứ Hai, SoftBank đã xác nhận sẽ cùng Didi góp thêm 2,5 tỷ USD vào Grab, góp phần tăng sức mạnh cho công ty này trong cuộc chiến chống lại Uber trên toàn Đông Nam Á.

Các cuộc đàm phán của SoftBank với Uber mới chỉ mang tính sơ khởi và một chiều, và bất kỳ thỏa thuận nào có thể sẽ bị tạm hoãn cho đến khi Uber bổ nhiệm CEO mới, và theo các nguồn tin thì điều này sẽ phải mất khá nhiều tuần.

Một phát ngôn viên Uber đã từ chối bình luận, còn SoftBank thì không đáp lại ngay yêu cầu bình luận.(NCĐT)
---------------------------------

Tội phạm ngân hàng nhiều do sở hữu chéo, lợi ích nhóm 

 3 năm, tòa án thụ lý 107 vụ, 452 bị cáo liên quan đến ngân hàng chỉ riêng tại TP.HCM. Nguyên nhân chủ yếu, theo các chuyên gia, là do sở hữu chéo và lợi ích nhóm.

dai an pham cong danh va dong pham (ngan hang vncb) la mot trong nhung vi du cua loai toi pham lien quan den linh vuc ngan hang - anh: t.l.

Đại án Phạm Công Danh và đồng phạm (Ngân hàng VNCB) là một trong những ví dụ của loại tội phạm liên quan đến lĩnh vực ngân hàng - Ảnh: T.L.

Nhận định trên được nhiều chuyên gia và đại biểu nêu ra tại Hội nghị Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng do Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM tổ chức ngày 25-7.

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Quỳnh Lan, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, cho rằng nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng thời gian gần đây là do sự lỏng lẻo và thiếu đồng bộ trong việc ban hành và thực thi các văn bản pháp luật, hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán ngân hàng.

Một số ngân hàng vì sức ép lợi nhuận đã nới lỏng điều kiện tín dụng, không tuân thủ trình tự, thủ tục quy định về cho vay.

Trong khi một số cán bộ ngân hàng suy thoái về đạo đức nghề nghiệp hoặc buông lỏng quản lý, công tác thanh tra giám sát ngân hàng còn hạn chế trong việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng và tiêu cực nội bộ.

Cũng theo bà Lan, có ngân hàng hoạt động yếu kém, bị đưa vào diện giám sát đặc biệt nhưng tổ giám sát thiếu trách nhiệm, không phát hiện hoặc không kịp thời ngăn chặn các hành vi trái quy định của pháp luật.

Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm là một ví dụ.

Không chỉ Phạm Công Danh cùng các đồng phạm mà thành viên tổ giám sát cũng bị khởi tố do để Danh và các đồng phạm thực hiện các giao dịch gây thiệt hại nghiêm trọng.

Thượng tá Vũ Như Hà, Trưởng Phòng PC46 Công an TP.HCM, cũng cho rằng công tác quản lý, quản trị tại các ngân hàng rất yếu kém, thậm chí có những nơi tổ kiểm soát bị vô hiệu hóa.

“Có những cán bộ giữ những vị trí không cao trong ngân hàng nhưng lại có thể vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống kiểm soát” - ông Hà nói.

Đặc biệt, sở hữu chéo và lợi ích nhóm dẫn đến việc cho vay chỉ phục vụ lợi ích của nhóm cổ đông lớn, khiến cho hoạt động của một số tổ chức tín dụng thiếu lành mạnh, nợ xấu tăng cao.

Việc bố trí cán bộ không đủ trình độ và người thân trong gia đình vào tổ chức tín dụng, theo ông Hà, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ án trong lĩnh vực này.

Sở hữu chéo là vấn đề phát sinh gắn liền với quá trình phát triển ngân hàng thương mại cổ phần tại hầu hết các quốc gia có nền kinh tế thị trường, theo ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM.

Tuy nhiên, ông Cường thừa nhận vấn đề sở hữu chéo tại Việt Nam phát sinh nhiều tiêu cực, gây ra mất an toàn hệ thống, tác động xấu đến nền kinh tế và là nguyên nhân phát sinh các tội phạm ngân hàng.

Cũng tại hội nghị, công tố viên của Nhật Bản Takako Tsukabe (đại diện cho Tổ chức JICA), cho biết Nhật Bản cũng có loại tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng như Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh hệ thống luật pháp chặt chẽ và rõ ràng, một trong những giải pháp được áp dụng nhằm giảm loại tội phạm này là chuyển đổi nơi làm việc liên tục đối với lao động.

“Khi đó, người ta không dám làm sai bởi sẽ bị người mới dễ dàng phát hiện” - ông Takako Tsukabe nói. (Tuoitre)
------------------------

Sacombank thay đổi hàng loạt nhân sự cao cấp

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) vừa có quyết định bổ nhiệm hàng loạt nhân sự cao cấp.

Theo đó, Hội đồng quản trị Sacombank quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Đức Thạch Diễm làm Tổng giám đốc Sacombank kể từ ngày 25.7. Quyết định này có thời hạn trong 5 năm.

Bà Dương Hoàng Quỳnh Như thôi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Sacombank từ ngày 25.7 và được điều chuyển sang làm Phó giám đốc vận hành. Ông Phan Quốc Huỳnh giữ chức Phó tổng giám đốc Sacombank.

Trước đó, HĐQT Sacombank cũng đã có hàng loạt quyết định thay đổi nhân sự cao cấp khác như thôi nhiệm và chấm dứt hợp đồng đối với ông Nguyễn Xuân Vũ, Phó tổng giám đốc Sacombank với lý do ông Nguyễn Xuân Vũ được bầu làm thành viên HĐQT Sacombank; bổ nhiệm ông Lê Văn Ron giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Sacombank; miễn nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc thường trực và chấm dứt hợp đồng lao động với ông Nguyễn Văn Nhân từ ngày 28.7…

Ông Nguyễn Văn Nhân và bà Dương Hoàng Quỳnh Như trước đây từng là Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc tại Ngân hàng TMCP Phương Nam.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng vừa qua, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank chia sẻ những định hướng lớn của nhà băng này trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu, đó là xử lý 20.000 tỉ đồng nợ xấu tính đến cuối năm 2017, tái cấu trúc tổ chức, con người đảm bảo tính xây dựng - kế thừa, lấy sự ổn định hệ thống làm trọng tâm...(Thanhnien)
------------------------

OPEC còn đủ khả năng kiểm soát giá dầu?

"Giá dầu thô có "cuộc sống" riêng của nó...bạn có thể thấy kể từ đầu năm đến nay rõ ràng OPEC đã nỗ lực hết sức để đẩy giá dầu nhưng cuối cùng thì giá vẫn trượt dốc do nhiều nguyên nhân", ông Choukeir cho biết.

Tổ chức 14 nước xuất khẩu dầu khí và một số quốc gia khác trong đó có Nga đang nỗ lực rút lượng dầu thừa trên thị trường bằng việc thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày kéo dài từ tháng 1/2017 đến tháng 3/2018. Trong cuộc họp diễn ra hôm thứ 2, các nước thành viên OPEC đã đưa ra một số giải pháp để thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận cắt giảm.

OPEC kêu gọi các nước xuất khẩu dầu khí lớn khác tăng cường tuân thủ thỏa thuận cắt giảm nhằm giảm lượng dầu thừa trên thị trường. Quốc gia đứng đầu OPEC - Ả-rập Saudi cam kết thắt chặt xuất khẩu dầu thô xuống còn khoảng 6,6 triệu thùng/ngày, giảm gần 1 triệu thùng/ngày so với mức 1 năm trước.

Giá dầu diễn biến thất thường

Choukeir cho rằng sản lượng dầu đá phiến Mỹ tăng ngay lúc này đang phá hủy mọi nỗ lực của OPEC.

"Diễn biến giá dầu đang rất thất thường bởi vì những gì mà OPEC đã làm chưa đủ thuyết phục mọi người rằng họ có thể tiếp tục tuân thủ thỏa thuận trong khi Mỹ sẽ không ngừng khai thác dầu đá phiến", ông nhận định thêm.

Thỏa thuận giữa OPEC và đồng minh thậm chí bị phá vỡ bởi chính các nước thành viên khi các "ông lớn" như Ả-rập Saudi, Nga và Iraq đã tăng cường xuất khẩu ngay trước khi kỳ hạn đợt 1 (tháng 6) của thỏa thuận sắp kết thúc.

Không những thế, một số dấu hiệu còn cho thấy nguồn cung dầu thô của OPEC tăng so với tháng 6 khiến niềm tin của các nhà đầu tư về khả năng OPEC cắt giảm sản lượng không còn cao như trước. Cụ thể, nguồn cung dầu thô của OPEC được dự đoán tăng 145.000 thùng/ngày so với tháng 6. Mức tăng này đã kéo tổng sản lượng của OPEC lên 33 triệu thùng/ngày đồng thời giảm tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của tổ chức này xuống còn 78%.

Điều này đã đẩy giá dầu hôm thứ 6 tuần trước trượt dốc mạnh. Giá dầu WTI và dầu Brent kỳ hạn giảm lần lượt 2,5% và 2,76% xuống còn 45,77 USD/thùng và 47,94 USD/thùng. Hiện giá dầu Brent và WTI đang ở mức thấp hơn 50% so với đỉnh năm 2014.

Tuy nhiên, mặc dù kết quả cuộc họp OPEC tại St. Petersburg không được như nhiều người mong đợi rằng các nước sẽ cắt giảm sâu hơn sản lượng khai thác so với mức 1,8 triệu thùng/ngày nhưng tín hiệu tốt đến từ Ả-rập Saudi đã hỗ trợ và tạo đà cho giá dầu.

Sau khi Ả-rập Saudi tuyên bố sẽ hạn chế xuất khẩu, giá dầu thô bất ngờ phục hồi mạnh trở lại vào hôm thứ 2. Giá dầu Brent giao trong tháng 9 tăng 57 cent tương đương 1,2% lên mức 48,63 USD/thùng. Cùng lúc đó, giá dầu WTI tăng 57 cent tương đương 1,3% lên 46,34 USD/thùng.

Thị trường dầu thô tiếp tục đón nhận tin vui từ Mỹ vào hôm thứ 3 khi Viện Dầu khí nước này cho hay trữ lượng dầu thô giảm mạnh 10,2 triệu thùng vào tuần trước, cao hơn nhiều so với kỳ vọng của nhiều chuyên gia là giảm 2,6 triệu thùng.

Giá dầu thô Mỹ kỳ hạn tăng 1,55 USD/thùng tương đương 3,3% lên mức 48,45 USD/thùng. Trong phiên giao dịch ngày hôm qua, có thời điểm hợp đồng dầu này tăng tới 2,11 USD tương đương 4,6% lên mức 48,45 USD/thùng.

Tuy đây mới chỉ là tính toán sơ bộ bởi báo cáo chính thức sẽ được Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ công bố vào thứ 4 (theo giờ địa phương) nhưng ít nhất nó đã giúp thị trường tự tin hơn về khả năng giá dầu đang trên đà phục hồi và trữ lượng dầu thô thừa có khả năng sẽ được rút.

Bộ trưởng Năng lượng Nga nhận định 200.000 thùng dầu thừa sẽ được rút khỏi thị trường nếu mức độ tuân thủ thỏa thuận là 100%.

Thế nhưng vẫn còn quá sớm để nói trước điều gì bởi như thường lệ, cứ khi nào giá dầu tăng thì Mỹ lại tăng sản lượng theo, áp lực lên giá dầu lại hình thành kéo theo giá dầu bị đè nén dưới mức 50 USD/thùng. Như vậy, nỗ lực của OPEC nói chung và Ả-rập Saudi nói riêng sẽ có "tác dụng ngược" khi giá dầu vẫn ở mức thấp trong khi họ lại đối diện với nguy cơ mất thị phần.

Trở về

Bài cùng chuyên mục