Mexico và Canada phản pháo ông Trump; Doanh nghiệp ô tô lớn mới được giảm thuế; Trung Quốc: Ấn Độ nên tránh lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; Thương mại Mỹ - Trung: cuộc chiến dai dẳng
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 25-08-2017
- Cập nhật : 25/08/2017
Sắp ra điều kiện mới về sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu ôtô
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sắp tới đây Chính phủ sẽ ban hành điều kiện mới về sản xuất, kinh doanh, lắp ráp, và nhập khẩu ôtô, cũng như điều kiện về các Trung tâm bảo hành, bảo dưỡng ôtô ở Việt Nam.
Thông tin này được ông Đỗ Thắng Hải cung cấp trong buổi Họp báo tại Ban Kinh tế Trung ương giới thiệu về Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Phát triển công nghiệp thông minh – Smart Industry World 2017. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải không tiết lộ thông tin cụ thể về điều kiện, quy định sắp được ban hành đối với việc nhập khẩu, sản xuất và lắp ráp ôtô.
Ông Hải cho hay, đây chính là sự thay đổi về thể chế để hỗ trợ và giúp đỡ các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính và đang có những sự đầu tư rất lớn tại thị trường Việt Nam. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định đó sẽ là những chính sách đưa ra để mang lại hiệu quả thực sự cho DN.
“Các DN nói rằng hầu như họ chưa nhận được sự hỗ trợ gì từ nhà nước, do đó văn bản sắp ban hành của Chính phủ ít nhất sẽ tạo được sân chơi bình đẳng cho các DN. Các nhà sản xuất và lắp ráp ôtô ở Việt Nam chỉ cần được đối xử bình đẳng như các DN nhập khẩu ôtô”.
Mặc dù ở trong nước, các DN đầu tư hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng điều vô lý là thuế nhập khẩu linh kiện ôtô lại cao hơn so với thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc. Chính sách thuế này rõ ràng không thể khuyến khích các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ôtô trong nước.
“Chỉ cần bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. Cũng như ngay trong các DN nhập khẩu ô tô, giữa DN nhập khẩu ôtô chính hãng và không chính hãng cũng cần phải bình đẳng. Có những DN đầu tư rất nhiều về bảo hành, bảo dưỡng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng cũng có những DN chỉ nhập 5-10 chiếc sau khi bán xong là hết trách nhiệm, chưa nói đến chuyện báo giá thấp để trốn thuế”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích.
Đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng, những nghịch lý đó rõ ràng tạo ra sự bất bình đẳng, trong khi cơ quan quản lý nhà nước chỉ cần tạo ra sự bình đẳng là đã đảm bảo cho sự phát triển.
Cũng theo thông tin được cung cấp bởi Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nhiều chính sách về ôtô của các nước quy định bắt buộc các nhà sản xuất phải triệu hồi khi phát hiện ra lỗi, nhưng tại Việt Nam chưa một chiếc xe nào được triệu hồi.(Infonet)
------------------------------
Chế độ thu hồi đất hiện nay đang 'vô tội vạ'
Chế độ thu hồi đất, định giá đất bồi thường khi thu hồi hiện nay còn nhiều bất cập, khiến các địa phương lợi dụng, thu hồi đất của dân vô tội vạ.
Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả sử dụng đất xây dựng đô thị” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức ngày 23/8 ở Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, chế độ thu hồi đất, định giá đất bồi thường khi thu hồi hiện nay còn nhiều bất cập, khiến các địa phương lợi dụng, thu hồi đất của dân vô tội vạ.
Diện thu hồi đất quá rộng, chưa công bằng
Theo TS Phạm Sỹ Liên (viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị, thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam), nhiều nước trên thế giới chỉ quy định khi cần thiết vì mục đích công cộng (bệnh viện, trường học...) thì nhà nước mới thu hồi đất.
Trong khi đó, Luật đất đai của nước ta hiện nay quy định diện thu hồi đất bao gồm “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”.
Ông Liên cho rằng chế độ thu hồi đất như vậy là “vô tội vạ” và việc thu hồi đất không để ý đến bảo vệ tài sản ở trên đất của người dân, dẫn đến lạm dụng trong thu hồi đất, dễ xảy ra tiêu cực.
Ông Liên cho rằng phạm vi áp dụng phương thức thu hồi đất mở ra quá rộng, nhiều dự án khó chứng minh vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Do vậy, đã đến lúc đánh giá đúng thực trạng thu hồi đất, có giải pháp xử lý thỏa đáng theo hướng thu hẹp phạm vi áp dụng và quy định thêm khâu tổ chức thẩm định mục đích thu hồi đất có thực sự vì lợi ích chung hay không.
Ông Liên đề nghị khi thu hồi nhà ở cần xem xét thêm vấn đề thu nhập của hộ dân gắn với nơi ở. “Làm được vậy mới công bằng” - ông Liên nói.
Ngoài ra, theo ông Liên, cần hoàn thiện thể chế tòa án hành chính nhằm đảm bảo tính độc lập xét xử đối với các vụ kiện về thu hồi đất và chuyển các khiếu nại về thu hồi đất không hòa giải được cho tòa án xét xử.
Mặt khác, Quốc hội xem xét ban hành luật tương tự như luật tài sản của các nước để quy định rõ mối quan hệ giữa quyền sở hữu toàn dân về đất và quyền sở hữu tư nhân về tài sản gắn liền với đất, quyền sử dụng chung đất đô thị, quyền sở hữu chung tài sản gắn với đất (nhà chung cư)...
"Ngoài phương thức thu hồi, trưng thu đất, các nước còn khuyến khích áp dụng phương thức gom đất theo cơ chế thị trường và phương thức tái điều chỉnh đất dựa trên cơ sở đồng thuận của cộng đồng" - ông Liên nói.
Không nên xem người có đất bị thu hồi chỉ là bên bị thiệt hại được bồi thường đúng giá, mà cần xem họ là bên đóng góp cho phát triển. Vì vậy ngoài việc lấy lại đủ vốn, họ còn có quyền chia sẻ lợi ích mà phát triển đem lại.
Cùng quan điểm, ông Phan Thanh Bình - Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng - cho biết phương thức thực hiện các dự án phát triển đô thị ở Việt Nam là thu hồi đất giao chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng các khu đô thị hoặc khu nhà ở.
Việc sử dụng thu hồi đất như vậy không công bằng về lợi ích giữa chủ sử dụng đất, chính quyền và chủ đầu tư. Cụ thể, người sử dụng đất chỉ được nhận tiền bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, chính quyền thu được tiền sử dụng đất từ nhà đầu tư, trong khi phần rất lớn lợi nhuận từ phát triển quỹ đất thuộc về chủ đầu tư.
Đất bỏ hoang gây lãng phí
Ông Trần Ngọc Hùng, chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng hiệu quả sử dụng đất đô thị hiện nay của nước ta còn rất thấp. Rất nhiều đất đô thị trong các đô thị đang để hoang hóa, dính dự án “treo” hoặc triển khai rất chậm.
Hàng vạn ngôi nhà liền kề, biệt thự để hoang; tỉ lệ lấp đầy các chung cư còn thấp, nhà xây xong không có người ở, xây thô không hoàn thiện hoặc đất chia lô để đấy, không triển khai xây dựng. Điển hình như các dự án dọc đại lộ Thăng Long, đường 32 (Hà Nội); khu Nhơn Trạch (Đồng Nai); khu đô thị Đông Hải Phòng...
Với hàng ngàn tỉ đồng nằm ở các dự án này, hàng ngàn km2 đất không sử dụng gây lãng phí rất lớn.
Mặt khác, theo ông Hùng, hiện nay việc cấp phép các dự án tràn lan, sử dụng đất đô thị cho các dự án nhà ở không phù hợp với khả năng kinh tế - xã hội và dự báo phát triển dân số. Nhiều địa phương coi đây là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách nên suy nghĩ càng cấp nhiều dự án thì tốc độ tăng thu ngân sách càng cao.
Ngoài ra, không loại trừ có lợi ích nhóm trong việc triển khai dự án. “Cần rà soát và xử lý kịp thời các dự án “treo”, không còn khả năng triển khai hoặc triển khai chậm. Đồng thời xử lý nghiêm trường hợp cơ quan quản lý có thẩm quyền cấp phép dự án không đúng quy định” - ông Hùng nói.
Còn PGS.TS Vũ Thị Vinh, nguyên tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, cho rằng quy hoạch đất đô thị còn lãng phí. Hiện nay, khi tính toán để dành quỹ đất cho phát triển đô thị thường dựa vào con số dự đoán về quy mô dân số của khu vực đó trong tương lai.
Tuy nhiên, công tác dự báo khi làm quy hoạch còn yếu kém nên dự báo không chính xác. Có đô thị dự báo đến năm 2020 dân số tăng lên 200.000 dân, nhưng đến nay mới chỉ đạt 100.000 dân. Cứ như vậy, nhiều khu vực trở thành quy hoạch “treo”.
Nên áp dụng mô hình dự án tái điều chỉnh đất
Lấy mô hình thực hiện dự án tái điều chỉnh đất được sử dụng rất thành công trong phát triển đô thị ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt đã triển khai hơn 100 năm nay tại Nhật Bản, ông Phan Thanh Bình cho rằng Việt Nam nên áp dụng mô hình này trong phát triển đô thị để cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan.
Theo đó, các chủ đất sẽ đóng góp đất của mình vào một quỹ đất chung, sau đó đầu tư hạ tầng đường sá, công viên cây xanh... và điều chỉnh lại các lô đất đã góp. Các lô đất có hình dạng phức tạp, không phù hợp cho xây dựng sẽ được chuyển đổi thành các lô đất có hình dạng phổ thông, thuận lợi cho xây dựng công trình.
Để thực hiện mô hình này, việc đồng thuận của cộng đồng dân cư rất cần thiết do việc đóng góp đất và tái phân lô ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của các chủ đất.
“Sau khi thực hiện, diện tích đất của các chủ đất bị giảm đi, tuy nhiên giá trị về đất lại tăng lên. Thông thường trong một dự án tái điều chỉnh đất, chủ đất được hưởng lợi 1,2-1,5 lần giá trị ban đầu” - ông Bình dẫn giải.(Tuoitre)
---------------------------
Nhà máy Nghi Sơn tiếp nhận 270.000 tấn dầu thô
Ngày 23-8, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn ở Thanh Hóa đã tiếp nhận 270.000 tấn dầu thô (tương đương 2 triệu thùng dầu) từ tàu Millenium ở bến phao nhập dầu ngoài khơi.
Tàu Millenium bơm dầu thô vào đường ống ngầm để đưa về Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Ảnh: HÀ ĐỒNG
Đây là những tấn dầu thô đầu tiên được đưa về Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Trước đó, tàu Millenium xuất phát từ cảng Mina Al Ahmadi (Kuwait), chở theo 270.000 tấn dầu thô đã về đến điểm neo SPM vào đêm 20-8, cách Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn 35km.
Đây là lần đầu tiên các đơn vị dịch vụ của VN thực hiện việc lai dắt, nối ống bơm dầu thô cho một tàu chở dầu thô - VLCC (Very Large Crude Carrier) trọng tải siêu lớn ở điểm neo SPM nằm xa đất liền.
Theo đó, dầu thô được bơm trực tiếp từ tàu Millenium qua hai đường ống chạy ngầm dưới đáy biển với chiều dài 35km, đường kính 48 inch, về các bể chứa của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Dự kiến sẽ mất khoảng 3 ngày để hoàn thành việc bơm 270.000 tấn dầu thô, đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình chạy thử Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, sẵn sàng cho việc sản xuất các sản phẩm lọc hóa dầu thương mại từ quý 4-2017.
Với công suất chế biến khoảng 10 triệu tấn dầu thô/năm (tương đương 200.000 thùng dầu/ngày), Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ cung cấp khoảng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước, xuất khẩu hàng triệu tấn sản phẩm hóa dầu benzen, para-xylen và hạt nhựa polypropylene…(tuoitre)
-------------------------------
Đức 'hồi hương' số vàng trị giá 31 tỉ USD từ Paris và New York
Ngân hàng Trung ương Đức Bundesbank thông báo hoàn thành chương trình hồi hương số vàng thỏi trị giá 31 tỉ USD từ các kho lưu trữ tại New York (Mỹ) và Paris (Pháp) hôm 23.8.
Theo CNN, Đức bắt đầu đưa vàng từ hai thành phố trên về Frankfurt từ năm 2013. 100 tấn cuối cùng vừa được chuyển khỏi Paris đầu năm nay. Tổng cộng, Đức đem về nhà 743 tấn vàng. Dự án hồi hương tài sản được hoàn tất ba năm trước hạn.
Trước đó, Bundesbank cho hay họ mang vàng về nhà để xây dựng “sự tin tưởng và tự tin” của người dân. Song đây cũng là lời thừa nhận rằng thời đại đã thay đổi: Người Đức không còn lo giấu vàng của mình khỏi sự kiểm soát của Liên Xô - mối lo ngại có thực hồi Chiến tranh lạnh.
Bundesbank hiện cũng không còn cần giữ vàng ở Paris như một biện pháp bảo vệ có thể cho phép nước này nhanh chóng chuyển đổi ngoại tệ quốc tế trong trường hợp khẩn cấp. Cả hai nước Đức và Pháp đều đang dùng đồng euro.
Sau Thế chiến thứ hai, Đức dần xây dựng lại các kho trữ vàng hao hụt. Khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, Berlin đổi USD thu được từ hàng xuất khẩu sang vàng và trữ chúng ở các kho vàng nước ngoài.
Trong những năm gần đây, có nhiều tin đồn và thuyết âm mưu về số vàng mà Đức trữ ở nước ngoài. Một số người đặt câu hỏi liệu chúng có mất đi hoặc bị hao hụt hay không. Vấn đề này cuối cùng được đưa ra giữa các chính trị gia và Tòa án Kiểm toán Liên bang Đức yêu cầu phải kiểm tra dự trữ vàng ở nước ngoài vào năm 2012.
Ngân hàng Trung ương Đức khi đó lên tiếng cho hay họ nhận thông tin cập nhật thường niên từ các ngân hàng trung ương nước ngoài nơi Đức cất vàng và khẳng định chất lượng của các kho trữ vàng trên. Song đến năm 2013, ngân hàng Đức tuyên bố họ sẽ đưa phần lớn dự trữ vàng về nước.
Khoảng hơn 50% số vàng dự trữ hiện ở Frankfurt, trung tâm tài chính Đức. Số vàng còn lại vẫn còn nằm ở London (Anh) và New York, nơi chúng có thể được nhanh chóng trao đổi để lấy bảng Anh hay đô la Mỹ trong trường hợp khẩn cấp về mặt kinh tế. Bundesbank cho hay họ sử dụng nhiều biện pháp được chứng minh là hiệu quả trong suốt quá trình vận chuyển vàng để đảm bảo chúng không bị đánh cắp hoặc bị hao hụt.(Thanhnien)