tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 14-09-2017

  • Cập nhật : 14/09/2017

Gần 2.000 người Việt nằm trong diện tình nghi buôn người ở Anh

 Trong một báo cáo vừa công bố, ủy viên phụ trách chống nô lệ của Anh kêu gọi ban hành thêm quy định kiểm soát các tiệm làm móng nhằm ngăn chặn nạn bóc lột nạn nhân buôn người từ Việt Nam.

 

canh sat anh kham xet mot tiem lam mong cua nguoi viet o thanh pho reading - anh: twitter

Cảnh sát Anh khám xét một tiệm làm móng của người Việt ở thành phố Reading - Ảnh: TWITTER

 

Theo báo Independent, ủy viên Kevin Hyland chỉ đạo thực hiện báo cáo về chống nô lệ hiện đại với đối tượng nghiên cứu chính là công dân Việt Nam sau khi chính quyền nhận ra Việt Nam là một trong ba quốc gia có số nạn nhân buôn người đông nhất tại Anh.

"Các biện pháp phải được thực hiện để ngăn chặn nạn bóc lột nô lệ trong ngành làm móng, dựa trên luật và các quy định hiện hành hoặc một kế hoạch cấp phép cụ thể" - ông Hyland kêu gọi.

Vấn nạn nhức nhối

Nhà chức trách phát hiện phần lớn nạn nhân buôn người Việt Nam bị ép lao động cưỡng bức trong các tiệm làm móng hoặc trang trại trồng cần sa trên khắp nước Anh.

"Chúng ta chứng kiến sự nở rộ của các tiệm làm móng ở Anh nhưng chúng hầu như không bị kiểm tra" - ủy viên Hyland nhận xét.

Trong giai đoạn 2009-2016, có 1.747 công dân Việt Nam được ghi nhận nằm trong diện tình nghi bị buôn người, với số lượng mỗi năm mỗi tăng. Phân tích chi tiết hơn, người ta phát hiện 65% số nạn nhân là đàn ông, phần lớn dưới tuổi vị thành niên.

Một số nạn nhân bản thân có nguyện vọng tìm đường đến Anh, trong khi một số khác bị bắt cóc bởi các tay buôn người. 

Với những người tự nguyện, bọn tội phạm đưa ra cái giá từ 10.000 - 33.000 bảng Anh (300 triệu - 1 tỉ đồng VN) cùng lời dụ dỗ rằng họ có thể làm việc và trả lại dễ dàng.

Một khi đặt chân đến Anh, các nạn nhân bị ép làm việc quần quật và chỉ được trả tiền công rất ít ỏi. Trong hầu hết trường hợp, công việc ở Anh không giống với những gì họ được hứa hẹn khi còn ở Việt Nam. Một số còn bị tước hết hộ chiếu, giấy tờ và bị nhốt trong nhà.

Trong những ví dụ cụ thể, theo báo cáo, một nạn nhân bị ép làm việc trong tiệm móng 7 ngày/tuần với đồng lương chỉ 30 bảng (khoảng 900.000 đồng). Một bé trai khác thì bị nhốt suốt trong phòng và chỉ được ra ngoài khi làm việc. Cậu bé phải nộp hết tiền lương 6,5 bảng/giờ (gần 200.000 đồng) cho các tay tội phạm.

Từ tiệm móng, tiệm rửa xe cho đến nhà kho, con người đang phải chịu đựng những thứ quá khủng khiếp trong sự vô nhân đạo của đồng loại. Đây là vấn đề nhân quyền lớn nhất của thời đại chúng ta. Trong tư cách thủ tướng, tôi hạ quyết tâm biến đây thành một sứ mệnh quốc gia và quốc tế để loại trừ loài quỷ dữ ra khỏi thế giới của chúng ta"
Thủ tướng Anh Theresa May

Khi kẻ lừa đảo là người hàng xóm

Hoàn cảnh những nạn nhân khác thậm chí bi đát hơn, họ được hứa hẹn công việc làm móng nhưng lại bị ép bán dâm. Một phụ nữ khai với nhà chức trách rằng kẻ dụ dỗ cô là một người hàng xóm ở Việt Nam.

"Ông ta nói nếu tôi muốn đến Anh, ông ta sẽ giúp. Tôi không tin ông ta lắm, tôi chỉ cười, vì gia đình tôi rất nghèo. Ông ta khẳng định một khi tôi qua đây, cuộc sống sẽ tốt hơn. Ông ta có một tiệm làm móng và ông ta sẽ giúp tôi gửi tiền về cho bố mẹ" - nạn nhân kể lại với cơ quan chức năng.

Sau khi đặt chân đến Anh, cô gái Việt Nam bị đưa đến một căn nhà nhỏ, dơ bẩn và bị người hàng xóm ép trở thành nô lệ tình dục kiêm gái bán dâm. 

 

"Ông ta bạo hành tôi, còn bạn bè ông ta thường xuyên tụ tập xung quanh. Bọn họ uống rượu, xài ma túy và thường đánh đập tôi, bắt tôi phải nghe lời họ" - cô gái nhớ lại ký ức kinh hoàng.

Trong khi phần lớn tội phạm buôn người là người gốc Việt, báo cáo của Anh còn cho thấy người Trung Quốc, Nga, Ba Lan và Anh cũng tham gia dụ dỗ và bóc lột người Việt.

Hành trình từ Việt Nam đến Anh đối với các nạn nhân không phải là một chuyến bay êm ái. Thông thường nó mất đến nhiều tháng ròng và họ phải di chuyển bằng xe tải xuyên rừng trong đêm.

Năm 2016, Thủ tướng Anh Theresa May thông báo bà quyết định thành lập một lực lượng đặc trách đầu tiên của chính phủ để đối phó với nạn nô lệ hiện đại.(Tuoitre)
----------------------------------------------

Việt Nam sẽ hết thừa heo từ 2018

Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Ipsos Business Consulting, tổng nguồn cung heo thịt tại Việt Nam ước tính chỉ đạt khoảng 41 triệu con trong năm 2018, dù nhiềutrang trại sẽ quay trở lại việc chăn nuôi heo khi thị trường được cân bằnghơn. Mặc dùtăng so với 2017 nhưng con số này chỉ bằng khoảng 75% năm 2016.Với nhu cầu tiêu thụ thịt heo nội địa vẫn tiếp tục tăng đều, trong khi nguồn cung sẽ tăng ở mức khống chế, dẫn đến số heo thịt dư thừa trên thị trường có khả năng sẽ giảm từ 7,05 triệu con năm 2016 xuống 200.000 con khi kết thúc 2017 và chỉ còn khoảng 100.000 con năm 2018.

luong heo du thua du kien chi con khoang 100.000 con vao nam 2018, so voi muc 7,05 trieu con tai nam 2016. anh:ipsos business consulting

Lượng heo dư thừa dự kiến chỉ còn khoảng 100.000 con vào năm 2018, so với mức 7,05 triệu con tại năm 2016. Ảnh:Ipsos Business Consulting

Sản lượng nhập khẩu thịt heo dù chiếm tỷ lệ không đáng kể nhưng có thể sẽ tăng nhẹ trong tương lai nhờ vào việc xóa bỏ thuế nhập khẩu thịt heo của hiệp định EVFTA và AEC. Tỷ lệ này được ước tính chiếm khoảng 1,2% của tổng nguồn cung trong năm 2018.

Theo đánh giá của đơn vị này, đàn heo nái Việt Nam được khống chế tăng ở mức ổn định, nguồn cung so với nguồn ra thị trường của heo thịt sẽ được cân bằng hơn trong tương lai gần, và sẽ đẩy giá heo hơi tại trại tăng trở lại.

Tuy nhiên,Ipos cũng đưa ra cảnh báo nếu thiếu chặt chẽ trong việc triển khai cắt giảm đàn nái khiến nhiều trại sẽ đánh giá việc tăng giá này như một dấu hiệu để tái và tăng đàn nái của họ, "vòng khủng hoảng thị trường sẽ tiếp tục diễn biến".

Với tình hình xuất khẩu heo hơi theo đường tiểu ngạch, Ipos cho rằng sẽ khó phục hồi và trở lại lạc quan như trước đây. Tổng số heo hơi xuất khẩu theo đường tiểu ngạch ước tính vẫn giữ ở mức thấp tầm khoảng 2,41 triệu con trong năm 2018.

Chỉ tính riêng 3 năm gần đây, lượng heo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt hơn 31 triệu con. Trong năm 2016, số lượng heo xuất tiểu ngạch đạt 12 triệu con,tương đương mỗi ngày xuất đi khoảng 33.000 con.

Nguồn cung heo nội địa của Trung Quốc bị thiếu hụt trầm trọng, ảnh hưởng một phần bởi kế hoạch 5 năm - cải tổ quy mô và di dờitrang trại nuôi heo ra khỏi khu vực thương mại và đông dân cư - của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Vì vậy, các thương lái Trung Quốc đãtích cực thu mua heo hơi Việt Nam, và dẫn đến sự tăng đột biến của giá thịt heo hơi Việt Nam tại trại trong hai năm qua.

Tuy nhiên, khi "bong bóng" nhu cầu thịt heo từ Trung Quốc sụt giảm đã khiến ngành chăn nuôi trong nước rơi vào khủng hoảng. Giá thịt heo liên tục giảm mạnh từ cuối 2016, đến đầu năm 2017 giá heo hơi xuất chuồng tại một số tỉnh đứng đầu cả nước về chăn nuôi đã xuống mức khoảng 22.000-28.000 đồng một kg, giảm 40% so với giá bình quân năm 2016.

Theo ước tính của Ipos,việc xuất heo hơi theo đường tiểu ngạch năm 2017 chỉ còn khoảng 2,41 triệu con, giảm 80% so với 2016. Trong kịch bản tiêu cực, lượng heo hơi xuất đi có thể chỉ đạt khoảng 1,17 triệu con (Vnexpress)
-------------------------

Chủ tịch Quốc hội chưa đồng ý tăng thuế xăng dầu

 Nguồn tin của Tuổi trẻ cho biết, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có ý kiến như vậy khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình dự luật nhằm tăng khung thuế đối với xăng dầu.

Chiều 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Những điều chỉnh khung thuế suất đáng kể nhất được Chính phủ đề nghị là đối với mặt hàng xăng dầu và túi ni lông. 

Theo đó, khung thuế suất đối với xăng được đề nghị điều chỉnh từ 1.000-4.000 đồng/lít lên mức từ 3.000-8.000 đồng/lít. 

Khung thuế suất với túi ni lông được đề nghị điều chỉnh từ 30.000-50.000 đồng/kg lên mức 40.000-200.000 đồng/kg.

Đánh giá về tác động của dự luật, Chủ tịch Quốc hội cho rằng trong tình tình kinh tế đất nước hiện nay thì việc tăng thuế suất nhìn chung là không thuận. 

Bà nhấn mạnh đến tư tưởng của Thủ tướng là hạn chế tăng các loại thuế, phí, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo phấn khởi cho nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh rằng đối với mặt hàng xăng dầu thì với khung thuế suất hiện hành vẫn chưa áp mức tối đa, do đó cần cân nhắc lại việc đề nghị tăng lên nữa. 

Trong khi đó, số thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu chiếm 93% tổng thu, nên cơ quan soạn thảo cần rà soát các đối tượng chịu thuế làm sao cho dự án luật điều chỉnh một cách toàn diện.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, ngân sách nhà nước tăng lên từ nguồn này sẽ được dùng thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có chi cho bảo vệ môi trường, đồng thời vẫn bảo đảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, các sản phẩm chủ yếu của Việt Nam.

Chính phủ cũng khẳng định việc sửa đổi luật lần này cũng hướng đến việc nâng cao hơn trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường; khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cho rằng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu cho toàn xã hội, là đầu vào của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân, mà mức thuế cụ thể đối với xăng, dầu hiện nay vẫn chưa điều chỉnh tăng đến mức trần cho phép. Do đó, đề nghị điều chỉnh chính sách thuế một cách đột ngột như dự thảo luật là chưa thực sự phù hợp.(Tuoitre)
----------------------------------

Đề nghị bổ sung các sản phẩm màng túi nilong từ nhựa PE vào đối tượng chịu thuế

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần bổ sung các sản phẩm màng ni lông, tấm ni lông, dải ni lông, cuộn ni lông dạng ống... được làm từ màng nhựa polyetylen vào đối tượng chịu thuế.

Cụ thể, trong phiên họp thứ 14 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Dự thảo Luật được thiết kế gồm 3 Điều: Điều 1, Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Điều 2, Bãi bỏ một số khoản của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Điều 3, Hiệu lực thi hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải sửa đổi Luật. Tuy nhiên, nội dung của Tờ trình và Dự thảo luật chưa thực sự đảm bảo để thực hiện các mục tiêu đề ra, do đó đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi một cách toàn diện Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách, dự thảo luật chưa phù hợp với chiến lược cải cách về thuế bảo vệ môi trường; chỉ điều chỉnh tăng khung thuế suất của một số hàng hoá nhất định, trong khi hiện nay mức thuế thực tế đang thực hiện ở một số loại hàng hoá có số thu chính, chủ yếu, quan trọng, chiếm tỷ lệ trên 93% tổng số thu thuế bảo vệ môi trường (xăng, dầu diezel, dầu mazut...) vẫn chưa điều chỉnh tăng đến mức trần.

Về nội dung cụ thể, đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần bổ sung các sản phẩm màng ni lông, tấm ni lông, dải ni lông, cuộn ni lông dạng ống... được làm từ màng nhựa polyetylen (PE) vào đối tượng chịu thuế tương tự như túi, bao bì để bảo đảm thống nhất với việc sửa đổi về đối tượng chịu thuế đối với dung dịch HCFC.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét, lựa chọn những sản phẩm gây ảnh hưởng đến môi trường được sử dụng phổ biến để bổ sung vào diện chịu thuế, góp phần hạn chế việc sử dụng quá mức các chất gây ô nhiễm môi trường trong dân cư, bảo đảm bao quát đầy đủ các đối tượng gây ô nhiễm môi trường.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục