tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 09-08-2017

  • Cập nhật : 09/08/2017

Khách mua thờ ơ dù ôtô giảm giá sâu

luong xe ban duoc trong thang 7 cua toyota giam hon 2.500 xe so voi cung ky nam ngoai.

Lượng xe bán được trong tháng 7 của Toyota giảm hơn 2.500 xe so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Sau tháng 5 và tháng 6 cầm cự ở mức giảm nhẹ lần lượt 1% và 0,2%, sản lượng ôtô bán ra tại thị trường Việt Nam trong tháng 7 đã giảm đến 27% so với tháng 7/2016.

Không chỉ giảm so với cùng kỳ năm ngoái, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, sản lượng xe bán ra cả nước tháng qua chỉ đạt 20.600 xe, giảm đến 15% so với tháng 6. Trong khi đó, vào tháng 5 và tháng 6, thị trường vẫn ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ theo tháng, lần lượt là 6% và 5%.

Thực tế, thị trường ôtô đã có dấu hiệu đi xuống ngay từ đầu năm. Sau các tháng tiêu thụ ô tô liên tục giảm, các doanh nghiệp trong ngành buộc phải thi nhau triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá, không chỉ với mẫu ế ẩm mà còn cả những mẫu đang bán chạy. Nỗ lực kích cầu này đã đưa thị trường ôtô tháng 5 và tháng 6 có phần khởi sắc.

Tuy nhiên, bước sang tháng 7, chiêu bài giảm giá đã không còn hiệu nghiệm dù đây là tháng chứng kiến các đợt giảm mang tính gây sốc của không ít ông lớn, với mức cao nhất gần 200 triệu đồng.

Đầu tháng trước, Honda mở màn với quyết định giảm 200 triệu đồng cho mẫu Honda Odyssey và 100 triệu đồng cho mẫu Honda Accord. Các mẫu bán chạy hơn như Honda CR-V cũng giảm thêm 10 đến 20 triệu đồng so với mức giảm của tháng 6 trước đó. Nối gót Honda, vào trung tuần tháng 7, Mitsubishi cũng giảm hơn 160 triệu đồng cho mẫu Mitsubishi Pajero 3.0.

Mức giảm phổ biến nhất trong tháng qua dao động từ 10 đến 80 triệu đồng cho một số mẫu xe của các thương hiệu như: Mazda, Hyundai, Kia, Chevrolet. Ngay cả với  Toyota Việt Nam, vốn xưa nay tương đối thờ ơ với việc giảm giá thì tháng qua cũng không thể đứng ngoài cuộc. Ngoài hỗ trợ phí trước bạ chính thức từ hãng khoảng 30 đến 40 triệu đồng cho một số mẫu xe, nhiều đại lý Toyota phía Bắc còn sẵn sàng giảm đến hơn 60 triệu đồng cho mẫu Vios và đến 100 triệu đồng cho mẫu Corolla Altis.

Dù vậy, thị trường vẫn không thể cứu vãn. Chính Toyota Việt Nam là hãng chịu sự sụt giảm thê thảm nhất tháng qua. Cụ thể, hãng này bán được tổng cộng gần 4.300 xe trong tháng 7/2017, giảm hơn 2.500 xe so với tháng 7 năm ngoái, tương đương giảm 37%. Nếu so với tháng liền trước, sản lượng xe bán ra của Toyota cũng đã giảm gần 900 chiếc, tương đương 17%.

Các đại gia khác cũng chung cảnh ảm đạm. Sản lượng xe tháng rồi của Thaco Trường Hải, Mercedes-Benz giảm lần lượt 33% và 36%. Khá hơn có GM Việt Nam, Suzuki, Ford chỉ giảm nhẹ ở mức một con số.

Với những chương trình giảm giá của các hãng và đại lý từ đầu năm đến nay, giá ôtô tại Việt Nam đã giảm đáng kể so với vài năm trước. Tuy nhiên, nghịch lý là xe càng giảm thì thị trường lại có phần ảm đạm hơn. Theo một số người mua và bán xe, nguyên nhân chính là do tâm lý chần chừ của khách hàng.

Khách hàng đang không còn mấy tin vào lời rao “đây là thời điểm tốt nhất để mua xe” của các nhân viên kinh doanh vì liên tục thấy chương trình giảm giá mới. Ngoài ra, do mức giảm cùng một mẫu xe lại khác nhau, tùy chính sách của các đại lý nên người muốn tiết kiệm lại phải bỏ công sức và thời gian nhiều hơn.

Cho đến hiện tại, chưa có nhiều dấu hiệu sản lượng ôtô sẽ phục hồi trong tháng này. Đó là chưa kể tháng 8 đang rơi vào nửa cuối tháng 6 nhuận Âm lịch và nửa đầu tháng 7 Âm lịch, tức tháng Ngâu. Đây là thời điểm một số người không muốn mua xe và thực tế từ trước đến nay thì sản lượng xe bán ra tháng Ngâu thường khá thấp.(Vnexpress)
-------------------------------

Ai hưởng lợi từ quyết định “bảo vệ” phân DAP của Bộ Công Thương?

Kể từ ngày 19/8 mức thuế tự vệ tạm thời đối với các loại phân DAP nhập khẩu sẽ ở mức 1.855.790 đồng/tấn, theo đó giá phân DAP có thể tăng khoảng 20% so với hiện tại.

 

cac doanh nghiep thuoc vinachem huong loi tu quyet dinh "bao ve" phan dap. anh: tl

Các doanh nghiệp thuộc Vinachem hưởng lợi từ quyết định "bảo vệ" phân DAP. Ảnh: TL

 

Thông báo mới đây từ Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP có HS : 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00; 3105.51.00; 3105.59.00; 3105.90.00.

Căn cứ theo quyết định này, mức thuế tự vệ tạm thời là 1.855.790 đồng/tấn. Việc áp thuế có hiệu lực từ ngày 19/8 tới đây. 

Biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng trong khoảng thời gian không quá 200 ngày kể từ ngày có hiệu lực. Biện pháp này sẽ chấm dứt vào ngày 6/3/2018 hoặc Bộ Công Thương có quyết định áp thuế tự vệ chính thức.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dựa trên mức giá thị trường hiện tại của dòng phân DAP Trung Quốc (chiếm hơn 80% phân DAP nhập khẩu), giá phân DAP nhập khẩu có thể được nâng lên đến 11.000 đồng/kg, tức là tăng ~20% so với hiện tại.

Đưa ra đánh giá về tác động của chính sách thuế tự vệ mới đến một số công ty phân bón đang niêm yết, VDSC cho biết, các công ty sản xuất phân đạm như Đạm Cà Mau (mã DCM) hay Đạm Phú Mỹ (mã DPM) sẽ không bị ảnh hưởng nhiều ở thời điểm hiện tại.

“Riêng đối với DPM, một điểm đáng lưu ý là nhà máy mới của Công ty trong tổ hợp tự án NH3-NPK có thể sản xuất phân DAP. Tuy nhiên, phải đến đầu năm 2018, các sản phẩm DAP tự sản xuất (nếu có) mới được tung ra thị trường và theo chúng tôi tìm hiểu, sản phẩm chính được định hướng cho tổ hợp này hiện vẫn là phân NPK. Điều này có nghĩa là lợi ích từ chính sách tự vệ mới là chưa rõ ràng đối với DPM”, báo cáo của VDSC cho hay.

VDSC cũng cho biết, các công ty sản xuất phân NPK như CTCP Phân bón Bình Điền (BFC), CTCP Phân bón MIền Nam (SFG) hay CTCP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (LAS) cũng thuộc trường hợp tương tự.

“BFC mặc dù sử dụng phân DAP như nguyên liệu đầu vào nhưng tỷ trọng loại phân này trong giá vốn chỉ khoảng 20%-25% nên tác động là không đáng kể. Đối với LAS và SFG, hai công ty này sử dụng phân lân tự sản xuất là nguyên liệu đầu vào chính thay vì DAP nên cũng nằm ngoài tác động của biện pháp thuế tự vệ mới”, VDSC cho biết.

Theo VDSC, chỉ có CTCP DAP – Vinachem (mã DDV) và CTCP Xuất nhập khẩu (mã QBS) đang sở hữu 19,17% cổ phần DDV là những đối tượng được lợi rõ nhất từ biện pháp tự vệ này.

DAP – Vinachem, DAP Đình Vũ cũng chính là đơn vị đã yêu cầu việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ cùng với CTCP DAP số 2 – Vinachem, DAP Lào Cai, ngoài ra Bộ Công Thương còn lấy câu trả lời từ CTCP Hoá chất Đức Giang.

Như vậy, rõ ràng, DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai, 2 đơn vị thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã được hưởng lợi từ quyết định “bảo vệ” do Bộ Công Thương đưa ra.

Trước đó, cuối tháng 2/2017, Cục Quản lý cạnh tranh từng có văn bản trả lời Cục Hoá chất về việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với phân bón nhập khẩu với các công ty liên quan được kể đến trong đó có DAP Đình Vũ, Cục này từng cho biết, mặc dù nhà sản xuất đang chịu thiệt hại nhưng để có cơ sở khởi xướng điều tra theo quy định WTO và pháp luật về phòng vệ thương mại thì cần theo dõi và phân tích thêm lượng nhập khẩu năm 2017.(Bizlive)
----------------------------

Thép nội “mệt mỏi” với thép ngoại

Dù đã áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhưng số tiền cả nước chi ra để nhập khẩu sắt thép trong 7 tháng năm nay đã lên đến 5,23 tỷ USD. Điều này khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước trở nên khó khăn.

 

thep noi dang kho canh tranh voi thep nhap khau anh: ngoc duong.

Thép nội đang khó cạnh tranh với thép nhập khẩu ẢNH: NGỌC DƯƠNG.

 

Gian lận thương mại gia tăng

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy từ đầu năm đến hết tháng 7, có hơn 8,93 triệu tấn sắt thép các loại được nhập khẩu (NK) về Việt Nam với trị giá 5,23 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu NK thép thậm chí đã vượt qua mức bán hàng của các doanh nghiệp (DN) trong nước.

Đáng chú ý, kể từ khi Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm sắt thép thì tình trạng gian lận thương mại trong hoạt động NK cũng gia tăng. Gần đây nhất, các đơn vị thuộc Cục Hải quan TP. HCM đã phối hợp với Cục Hải quan Đồng Nai và Công an TP.HCM bắt giữ hơn 6.307 tấn thép, tổng trị giá gần 3 triệu USD NK sai khai báo hải quan để trốn thuế qua cảng Bến Nghé, TP. HCM.

Có rất nhiều chiêu thức mà các DN sử dụng để gian lận như nhập thép không gỉ cán nguội nhưng khai báo là thép không gỉ ở dạng cuộn, dạng tấm nhưng không được ủ hoặc xử lý nhiệt - là loại sản phẩm không bị áp thuế chống bán phá giá; thép không gỉ cán nguội "đội lốt" thép không gỉ cán nóng; thay đổi xuất xứ từ Trung Quốc sang những quốc gia không bị áp thuế; thay đổi chủng loại sản phẩm như từ thép inox 304 (thành phần chứa 18% crom và 8% nikel) sang thép inox 204CU (thành phần chứa 13% crom và 1% nikel) hay khai mã HS khác… để lách thuế. Để đối phó với tình trạng này, toàn bộ hàng nhập trực tiếp tại các cảng như Cát Lái, Bến Nghé, Bình Dương… sẽ được hải quan kiểm tra gắt gao.

Trong khi NK thép vẫn ồ ạt vào Việt Nam thì theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam tính đến hết tháng 5/2017, các DN chỉ xuất khẩu được 1,83 triệu tấn, với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,24 tỷ USD, tăng 74% về giá trị. Nhập siêu thép tăng mạnh đang gây áp lực cho nền kinh tế nói chung và các DN trong nước nói riêng. Bởi hầu hết sản phẩm thép ồ ạt NK đều là các sản phẩm mà trong nước dư thừa. Đặc biệt do lách thuế nên giá các sản phẩm thép này rất rẻ, thép nội khó có thể cạnh tranh. Hệ quả là nhiều nhà máy phải vận hành dưới công suất thiết kế. Theo các DN thép, để tạo sự công bằng trên thị trường cũng như chống thất thu thuế, việc tăng cường ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại trong hoạt động NK thép phải được các bộ ngành, hải quan đồng lòng thực hiện. Với những DN đã có dấu hiệu bị nghi ngờ gian lận trong hoạt động NK thời gian qua, nên đưa vào "danh sách đen" để tăng cường kiểm soát.

Không khuyến khích đầu tư thép

Để sản xuất được 1 tấn thép thô bằng công nghệ lò cao, sẽ phải thải ra hơn 585 kg chất thải rắn, trong đó có 455 kg xỉ. Đồng thời mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3 m3 nước thải độc hại. Trong nước thải sản xuất thép có chứa hỗn hợp kim loại nặng rất cao, rất nguy hại đến môi trường sống. Lượng khí thải ra từ việc sản xuất 1 tấn thép thô có 2,3 tấn khí CO2, cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại... Vì vậy, ngành sản xuất thép tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường rất lớn, đặc biệt nếu các nhà máy sử dụng công nghệ cũ và không được đầu tư xử lý chất thải đúng mức.
(Nguồn: Hội Đúc luyện kim Việt Nam)

Công nghiệp thép trên thế giới đang ở giai đoạn "hoàng hôn", còn tại Việt Nam, sản xuất thép cũng trong tình trạng cung vượt cầu, thế nhưng đầu tư nhà máy thép vẫn được nhiều DN lên kế hoạch, tập trung chủ yếu vào thép xây dựng, thép cán nguội do công nghệ dễ, rẻ và nguy cơ gây ô nhiễm cao. Để ngăn ngừa tình trạng này, mới đây, các cơ quan có thẩm quyền đã không chấp thuận cho nhiều dự án đầu tư thép như dự án Hoa Sen Cà Ná, dự án của Công ty Yong Jin tại tỉnh Đồng Nai...

Trong thông báo của Thủ tướng Chính phủ về dự án thép Hoa Sen Cà Ná cũng yêu cầu "tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường để xác định quy mô công suất và thời điểm phát triển dự án hợp lý". Theo các chuyên gia, bất kể DN trong và ngoài nước khi muốn đăng ký đầu tư sản xuất thép đều phải xem xét cẩn thận vì ngành thép còn ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp khác, đặc biệt đây là ngành tiêu thụ rất nhiều điện, nước và nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn nếu sử dụng công nghệ lạc hậu.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cảnh báo tình trạng dư thừa thép khiến nhiều DN Trung Quốc muốn chuyển sang Việt Nam để sản xuất và tiêu thụ, nếu không thận trọng chúng ta dễ rơi vào "bẫy" nhập công nghệ rác của nước này. Còn nói đầu tư thép để xuất khẩu thì càng khó. Bởi ngay tại thị trường nội địa, thép Việt đã khó cạnh tranh được với thép giá rẻ của Trung Quốc, Ấn Độ thì nói gì đến cạnh tranh ở sân ngoại… Đó là chưa nói đến nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao từ các dự án thép.

“Ngoài việc dư thừa nguồn cung, khi xem xét các dự án đầu tư thép, cần đánh giá cả quá trình thực hiện, sử dụng loại công nghệ nào, "tiểu sử" của nhà đầu tư vì có những DN đã bị liệt vào danh sách chuyên gây ô nhiễm môi trường. Chính sách này phải được thực hiện đồng bộ từ các bộ ngành đến địa phương và thống nhất xuyên suốt từ nay về sau”, TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng sản xuất thép là một ngành tiêu hao năng lượng đồng thời lượng phát thải các loại chất thải khá lớn. Nếu sử dụng công nghệ lạc hậu càng khiến nguy cơ ô nhiễm gia tăng. Trong khi việc quy hoạch phát triển ngành thép trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, có tình trạng các địa phương cấp phép tràn lan. Thậm chí nhiều dự án thiếu báo cáo nghiên cứu khả thi, phân tích về thị trường, tác động môi trường… nhưng vẫn được ra đời. "Việt Nam không nên khuyến khích đầu tư ngành thép vì đó là điều không cần thiết. Chính sách này phải được thực hiện nhất quán từ trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong vấn đề cấp phép đầu tư", ông Trinh nhấn mạnh.(Thanhnien)
--------------------------------

Galaxy Cinema muốn bán với giá 25 triệu USD

Galaxy Cinema là chuỗi rạp chiếu phim có quy mô lớn thứ 3 Việt Nam, chỉ sau CGV và Lotte Cinema.

 

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

 

Theo DealstreetAsia, Công ty cổ phần Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio) đang muốn thoái toàn bộ vốn khỏi lĩnh vực kinh doanh rạp chiếu phim.

Nguồn tin thân cận cho biết, chủ tịch của Galaxy Studio - bà Đinh Thị Hoa đã làm việc với một quỹ đầu tư để bán hệ thống rạp Galaxy Cinema với giá 25 triệu USD. Tuy nhiên quá trình đàm phán đã không thành công khi phía Galaxy muốn thoái toàn bộ khỏi mảng kinh doanh này, trong khi quỹ đầu tư muốn các cổ đông sáng lập tiếp tục ở lại điều hành công ty.

Galaxy Studio hiện đang vận hành 10 rạp Galaxy Cinema trên toàn quốc, tăng 3 rạp so với thời điểm cuối năm 2016 và là chuỗi rạp chiếu phim đứng thứ 3 cả nước về quy mô sau CGV (38 rạp) và Lotte Cinema (29 rạp).

Cụm rạp Galaxy Cinema từng nhận một khoản đầu tư từ quỹ Vietnam Investment Group, tuy nhiên chi tiết khoản đầu tư không được tiết lộ. Quỹ đầu tư này - cùng với Blue HK Investments của Hong Kong - cũng vừa rót vốn vào một chuỗi rạp giá rẻ khác là Beta Cinema.

Trước đó năm 2013, Golden Screen Cinemas (GSC) của Malaysia đã mua 25% cổ phần của Galaxy Studio với trị giá 20 triệu USD, tương ứng định giá công ty ở mức 80 triệu USD. Nhà đầu tư từ Malaysia đã nâng sở hữu lên 40% vào năm 2016, và đánh giá khoản đầu tư tại Việt Nam sẽ đem lại gấp đôi lợi nhuận so với năm 2015.

Gần đây theo báo chí Malaysia, PPB Group - tập đoàn mẹ của Golden Screen Cinemas, cho biết họ sẽ không ngừng hoạt động điện ảnh, khi thị trường Malaysia, Việt Nam và Campuchia vẫn đang phát triển.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục