tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 08-01-2018

  • Cập nhật : 08/01/2018

Bia tỉ phú Thái tuyên bố về một nhà với SABECO

Trước đó, ngày 28-12, Vietnam Beverage chuyển vào tài khoản của SABECO gần 110.000 tỉ đồng, khoảng 5 tỉ USD, hoàn tất thương vụ mua SABECO.

Công ty TNHH Vietnam Beverage có báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) về ngày trở thành cổ đông lớn của SABECO.

Cụ thể, báo cáo nêu rõ Công ty TNHH Vietnam Beverage, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh 0108014953 do Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 6-10-2017, thay đổi lần thứ tư ngày 21-12-2017.  

Tên cổ phiếu sở hữu là cổ phiếu Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn, mã chứng khoán SAB. Số lượng cổ phiếu mua lại tại ngày làm thay đổi tỉ lệ sở hữu và trở thành cổ đông lớn là 343.642.587 cổ phiếu.

Số lượng tỉ lệ cổ phiếu nắm giữ sau khi thực hiện giao dịch là 343.642.587 cổ phiếu, tương ứng 53,59% vốn điều lệ.

Bia tỉ phú Thái tuyên bố về một nhà với SABECO - ảnh 1
Các sản phẩm của bia Sài Gòn tại siêu thị.

Ngày thực hiện giao dịch làm thay đổi tỉ lệ sở hữu và trở thành cổ đông lớn là 29-12-2017. Số lượng, tỉ lệ cổ phiếu người có liên quan nắm giữ sau khi giao dịch là 343.642.587 cổ phiếu, tương ứng 53,59% vốn điều lệ.

Báo cáo do bà Trần Kim Nga - Tổng Giám đốc và ông Michael Chye Hin Fah -Giám đốc Công ty TNHH Vietnam Beverage ký.

Đáng chú ý, trước đó, ngày 28-12-2017, Công ty TNHH Vietnam Beverage chuyển vào tài khoản của SABECO gần 110.000 tỉ đồng, khoảng 5 tỉ USD, hoàn tất thương vụ mua SABECO.

Vietnam Beverage thành lập tháng 10-2017, vốn điều lệ gần 682 tỉ đồng, hoạt động trong lĩnh vực tư vấn quản lý, lập trình máy tính, tư vấn máy tính và quản trị hệ thống máy vi tính. Vietnam Beverage nắm giữ gián tiếp 49% bởi BeerCo Ltd, công ty bia do ThaiBev sở hữu 100% có trụ sở tại Hong Kong.(PLO)
------------------------------------

Đầu tư 2018: “trứng” nên bỏ “rổ” nào?

Theo nhận định của các định chế tài chính quốc tế, năm 2018 Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến tích cực về cấu trúc kinh tế. Xu hướng đầu tư vào các kênh như: chứng khoán, vàng, ngoại tệ, gửi tiết kiệm sẽ có sự phân hóa nhất định, trong khi bất động sản (BĐS) vẫn là kênh hấp dẫn năm 2018 và những năm tới.

 

 

Vàng, chứng khoán, bất động sản hay… tiền ảo?

Theo các chuyên gia, vàng bạc, ngoại tệ hay BĐS… đều là kênh đầu tư đáng cân nhắc vào năm 2018 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi liền với thách thức và rủi ro. Vì vậy, tùy vào mức độ chấp nhận rủi ro mà nhà đầu tư  chọn lựa kênh đầu tư hiệu quả nhất.

Bất động sản vẫn là kênh đáng cân nhắc khi gửi tiết kiệm thiếu hấp dẫn, vàng biến động khó lường và tỷ giá khó tăng hơn 5%. Trong khi, chứng khoán và cả tiền ảo đôi khi có tỷ suất tăng trưởng vượt trội, song đây vẫn là kênh tiềm ẩn rủi ro, thiếu tính minh bạch và không phải nhà đầu tư nào cũng đủ kiến thức tham gia.

Đầu tư vào Bitcoin - một loại hình đầu tư mới đang làm "điên đảo" các thị trường

Trước thực tế trên, BĐS được đánh giá là kênh “đại chúng”, ổn định và an toàn, bởi sau ăn thì ai cũng có nhu cầu về nhà ở hay thuê mua văn phòng, kinh doanh – khởi nghiệp. Nhìn về tương lai gần, bà Dương Thùy Dung – Giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam, cho rằng: “thị trường năm 2018 sẽ diễn biến tích cực nhờ các động lực từ cơ sở hạ tầng đang dần hoàn thiện. Giá bán và độ hấp thụ dự đoán tăng ở tất cả các phân khúc trong năm 2018, đặc biệt là các sản phẩm chất lượng nhiều tiện ích, vị trí đắc địa, chủ đầu tư uy tín thuộc phân khúc trung cấp”. 

Điều này đồng nghĩa, bất động sản thực sự vẫn còn rất nhiều “room” để tăng trưởng, đặc biệt những dự án có vị trí đẹp, nhà phát triển uy tín luôn hút giới đầu tư.  

Nhiều chuyên gia kinh tế cùng nhận định, nhu cầu sở hữu nhà ở thật còn cao, tập trung ở các thành phố việc làm là Hà Nội và TP.HCM nên năm 2018 BĐS được dự báo tiếp tục nhận được sự quan tâm của người dân cũng như giới đầu tư.

Nên "đổ tiền" vào đâu?

Năm 2018 tỷ lệ chọn BĐS vẫn là kênh khách hàng đặt niềm tin rất lớn trong rổ hàng đầu tư của mình. Theo khảo sát tại một buổi giới thiệu nhà mẫu dự án Carillon 7 nằm tại Tân Phú, dù chưa công bố giá chính thức nhưng vẫn rất đông khách hàng tới tìm hiểu và đặt cọc giữ chỗ. 

Bà Nguyễn Thị Minh Thy, Giám đốc TTC Land Services (tiền thân Sacomreal-S) đơn vị Tiếp thị và phân phối chuỗi dự án Carillon cho biết: “ngay từ những ngày đầu năm mới 2018, chúng tôi đã đón nhận lượng khách hàng quan tâm dự án tăng đột biến, họ không chỉ là nhóm khách trung thành của dòng sản phẩm căn hộ Carillon mà còn là nhóm khách mới quan tâm đến đầu tư và mua nhà ở thật với nguồn ngân sách dưới 2 tỷ đồng. Đối với nhóm khách đầu tư thì uy tín đơn vị phát triển dự án, thanh khoản và tiến độ được họ quan tâm hàng đầu khi lựa chọn dự án để đưa vào danh mục đầu tư của mình”.

Carillon 7 – Một dự án thuộc dòng căn hộ tầm trung Carillon do TTC Land (tiền thân Sacomreal) vừa chính thức giới thiệu ra thị trường đầu năm mới

Lý giải về điều này, chị Lan Anh ngụ quận Bình Tân, TP.HCM - một nhà đầu tư kinh nghiệm chia sẻ: “nhà mua là được. So với các kênh chứng khoán, vàng hay gửi tiết kiệm, thì BĐS vẫn là kênh đầu tư bảo toàn giá trị dòng vốn và tỷ lệ sinh lời tốt nhất”.

Dưới góc độ vĩ mô, theo báo cáo mới nhất của các tổ chức nghiên cứu thị trường, 2018 sẽ tiếp tục chu kỳ tăng trưởng ấn tượng của thị trường BĐS Việt Nam. Chỉ báo cho thấy dòng vốn ngoại vẫn chảy vào thị trường, trong khi sức mua chưa có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là sản phẩm nhà ở vừa túi tiền làm cho tổng cầu tăng mạnh. 

Do đó, hấp lực từ BĐS luôn làm cho các nhà đầu tư nhanh chóng xuống tiền cho những dự án tiềm năng và có tính thanh khoản cao. “Những dự án đang phát triển mà sở hữu vị trí đẹp, tiến độ tốt, uy tín chất lượng…sẽ càng thu hút khách hàng và có sức hấp thụ lớn”. Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nhận định.

Với tâm lý ăn chắc mặc bền của người Việt thì dù mở rộng danh mục “rổ hàng” đầu tư qua vàng, chứng khoán hay gửi tiết kiệm, BĐS luôn nằm trong ưu tiên số 1. Đừng bao giờ bỏ trứng vào một rổ - là lời khuyên của tỷ phú thời đại Warren Buffett “đầu tư kinh doanh là đúng nhưng đừng bao giờ bỏ hết tất cả số tiền mình có vào một dự án kinh doanh mà theo bạn còn mới mẻ hay không chắc chắn”. Với Carillon 7 nhà đầu tư đã có thêm một cơ hội trong ngay đầu năm mới. (Bizlive)
--------------------------

Nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu ra sao trong năm 2018?

Những ngày đầu năm 2018, chỉ số VnIndex đã vượt qua kháng cự tâm lý 1.000 điểm – mức cao nhất trong gần 11 năm qua của TTCK Việt Nam. Mặc dù thị trường tăng mạnh về điểm số, nhưng việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư là điều không dễ dàng, đặc biệt với phần lớn nhà đầu tư “nhỏ lẻ”.

Tại buổi hội thảo cơ hội đầu tư – kinh doanh 2018 do Bizlive tổ chức, nhiều chuyên gia đến từ các Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đã chia sẻ quan điểm về việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga - Phó giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) đánh giá trong năm 2018, các cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt trong tương lai, được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ là sự lựa chọn. Với dân số hơn 90 triệu người, sức tăng trưởng của nền kinh tế đến nhiều từ tăng trưởng tiêu dùng và do đó, các cổ phiếu ngành lương thực thực phẩm, bán lẻ, phân phối, du lịch sẽ là nhóm ngành nhận được nhiều sự quan tâm.

Nói riêng về nhóm du lịch, bà Nga cho biết mức tăng trưởng du lịch Việt Nam trong những năm tới rất lớn, đặc biệt với sự quan tâm của Bộ Chính trị khi coi du lịch là ngành mũi nhọn. So với các quốc gia lân cận, Việt Nam có nhiều lợi thế du lịch hơn, nhưng chưa được khai phá và đây sẽ là ngành mà chúng ta nên tập trung vào.

Với nhận định trên, bà Nga cho rằng các cổ phiếu được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch như hàng không, bất động sản phát triển chuỗi khách sạn, những công ty trong chuỗi bán lẻ, hàng không…là những nhóm ngành đáng chú ý. Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng sẽ hưởng lợi trong xu hướng tiêu dùng gia tăng.

Cũng theo chuyên gia đến từ VCBF, các cổ phiếu cảng, logistic cũng sẽ hưởng lợi bởi khi tiêu dùng tăng thì luân chuyển cũng tăng theo. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện tham gia khá sâu vào các hiệp định thương mại FTA và các nhóm cảng biển, logistic theo đó cũng được hưởng lợi.

Liên quan đến nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự phục hồi của hàng hóa thế giới (dầu, cao su, thép…), bà Nga cho rằng đây là nhóm cổ phiếu có tính “cơ hội’ và việc dự đoán giá hàng hóa thế giới là điều không hề dễ dàng nên trong danh mục VCBF luôn có một số cổ phiếu “gối đầu”.

Còn với ông Cao Minh Hoàng – Trưởng phòng phân tích, Công ty quản lý quỹ IPAAM thì khi xem xét đầu tư cổ phiếu trong năm 2018, cần quay lại bức tranh tổng thể nền kinh tế Việt Nam để đánh giá xem thị trường đã đủ nóng hay chưa và theo chuyên gia này thì thị trường hiện mới chỉ ở mức “ấm”.

Cũng theo ông Hoàng, câu chuyện xuyên suốt trong năm 2018 tiếp tục là bán vốn doanh nghiệp Nhà nước của Chính phủ. Để bán được hàng thì phải “nóng” nhưng thị trường mới chỉ “ấm” thôi thì chưa đủ. Cần “nóng” hơn hay “ngon” hơn thì mới đắt hàng, mới bán được.

Về thị trường, ông Hoàng cho rằng mặc dù VnIndex đã tăng mạnh lên trên 1.000 điểm, nhưng nếu bóc tách các cổ phiếu đã tăng quá nóng thì định giá thị trường hiện khá phù hợp với mức tăng trưởng của nền kinh tế. Vấn đề đáng quan tâm nhất với TTCK lúc này là tăng trưởng kinh tế bởi nếu không tăng trưởng thì sẽ không thu hút dòng vốn nước ngoài tham gia.

Về nhóm cổ phiếu đầu tư trong năm 2018, ông Hoàng cũng cho rầng khi kinh tế tăng trưởng sẽ tác động mạnh đến ngành ngân hàng, tài chính. Ngoài ra, kinh tế tiêu dùng là một ngành không thể không nhắc đến. Tuy nhiên, khi đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư cũng nên lựa chọn những doanh nghiệp có ban lãnh đạo đáng tin cậy, làm ăn hiệu quả, ROE >15%...(CafeF)
-------------------------

Chứng khoán có tiếp tục tăng nhờ dẫn dắt của cổ phiếu vốn hóa lớn?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một sự khởi đầu năm mới theo kịch bản tích cực. Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, VN-Index tăng 28,41 điểm lên 1.012,65 điểm; HNX-Index tăng 2,06 điểm lên 118,92 điểm.

Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Thanh khoản trên hai sàn tăng mạnh và đạt mức cao mới với hơn 7.600 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. 

Phiên giao dịch cuối tuần thị trường chững lại khi nhà đầu tư bắt đầu có dấu hiệu chốt lời. Việc chốt lời chủ yếu xảy ra ở nhóm vốn hóa lớn, sau một đà tăng dài. VN- Index và HNX- Index đều điều chỉnh giảm phiên cuối tuần. 

Giới phân tích cũng cho rằng, phiên giảm điểm cuối tuần qua giúp củng cố giúp mặt bằng giá mới, trước khi chinh phục những ngưỡng cao hơn. 

Tuy các chỉ số phiên cuối tuần giảm, nhưng điều tích cực là dòng tiền vẫn đổ mạnh vào thị trường để “bắt đáy”. Thanh khoản thị trường tăng cao với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 356,4 triệu cổ phiếu, trị giá trên 9.000 tỷ đồng và nếu loại trừ giá trị giao dịch cổ phiếu HDB đạt mức rất cao hơn 1.239 tỷ đồng do hiệu ứng niêm yết trên sàn HOSE, thì thanh khoản phiên cuối tuần vẫn ở mức cao nhất tuần. 

Thanh khoản tăng cao là minh chứng cho niềm tin vững chắc của nhà đầu tư vào thị trường. 

Tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí hưởng lợi từ diễn biến đi lên của giá dầu thế giới với nhiều mã tăng mạnh như PLX tăng 5,3%, PVD tăng 6,9%, PVS tăng10,6%, PVB tăng 2%. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp nhóm cổ phiếu dầu khí có sự tăng trưởng mạnh. 

Theo giới phân tích, thời gian qua, giá dầu hồi phục khiến giá cổ phiếu thuộc "họ" dầu khí cũng được hưởng lợi và tăng giá theo. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn còn nhiều sự lo ngại cho sự tăng trưởng của giá dầu trong thời gia tới. Các chuyên gia cho rằng, giá dầu mặc dù có tăng nhưng sẽ không tăng mạnh. 

Trên thị trường dầu mỏ thế giới, sau khi đi xuống trong phiên đầu tuần, giá dầu thế giới tuần qua đã liên tiếp chạm mốc cao nhất kể từ giữa năm 2015 vào các phiên giữa tuần do bất ổn địa chính trị và báo cáo về lượng dầu dự trữ tại Mỹ. 

Tuy nhiên, giá "vàng đen" đã đánh mất đà tăng trong phiên cuối tuần, khi mối lo dư cung trở lại "ám ảnh" các nhà giao dịch. 

Hiện nay, các nhà giao dịch đang lo ngại sự gia tăng sản lượng dầu tại Mỹ sẽ làm suy yếu những nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). 

Tuần qua, dòng tiền vẫn tiếp tục chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và gần như tất cả các mã thuộc nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng đều tăng như: SHB tăng 3,2%, STB tăng 5,8%, MBB tăng 3%, ACB tăng 5,1%, CTG tăng 3,7%, VPB tăng 8,3%, LPB tăng 4,7%, BID tăng 7,5%, EIB tăng 2%. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong tuần tới, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhiều khả năng tiếp tục “hút” được dòng tiền và giữ nhịp thị trường. 

Tuần qua, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng “đu” theo đà tăng của thị trường với nhiều mã tăng mạnh và thanh khoản được cải thiện như: SSI, HCM, VND, VCI… 

Đặc biệt, dòng tiền vẫn luân chuyển tốt giữa các mã trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn giúp gia tăng sức mua và duy trì sắc xanh ở nhóm cổ phiếu này. Đây cũng là nguyên nhân tố chính giúp 2 chỉ số tăng mạnh trong tuần giao dịch vừa qua. 

Những mã cổ phiếu lớn tăng mạnh có thể kể đến như VNM tăng 2,3%, SAB tăng 6%, MSN tăng tới 10,4%, VIC tăng 3,5%, FPT tăng 5,1%. 

Một yếu tố tích cực phải kể đến nữa là khối ngoại giao dịch rất mạnh trong tuần qua. 

Cụ thể khối ngoại đã mua vào tổng cộng 84,2 triệu cổ phiếu, trị giá 3.787,5 tỷ đồng, trong khi khối này bán ra gần 69 triệu cổ phiếu, trị giá 2.803 tỷ đồng. Như vậy, tổng khối lượng mua ròng cổ phiếu của khối ngoại đạt hơn 15,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 984,3 tỷ đồng. 

Tính riêng trên sàn HOSE, khối ngoại có tuần mua ròng thứ ba liên tiếp với giá trị đạt 1.205,8 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 21,3 triệu cổ phiếu. Đây cũng là tuần thứ 3 liên tiếp khối ngoại duy trì mức mua ròng trên 1.000 tỷ đồng trên sàn HOSE.

Với việc VN- Index bứt phá thành công cột mốc 1.000 điểm, sau 10 năm chờ đợi đã đem đến không khí tràn đầy hưng phấn và lạc quan cho các nhà đầu tư, giới chuyên gia, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với thị trường năm 2018. 

Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ từ câu chuyện quyết tâm của Chính phủ trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng đến dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới đều rất khả quan. Đặc biệt dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán năm qua đã tăng lên rất nhiều, vì vậy sức cầu hiện nay trên thị trường chứng khoán là rất tốt. 

“Nếu chúng ta liên tưởng lại những đợt tăng của trước đây, như đợt tăng của thị trường chứng khoán những năm 2006- 2007 thì rõ ràng là đợt tăng này bền vững hơn rất nhiều, cả về phương diện dòng vốn và về phương diện nền kinh tế vĩ mô”, ông Dũng cho biết. 

Ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, ông khá lạc quan về nền kinh tế vĩ mô, khả năng tăng trưởng kinh tế đất nước và sự hồi phục của kinh tế thế giới. 

Theo ông Bằng, giá dầu, giá nguyên liệu đầu vào có sự hồi phục nhưng cũng sẽ không đến mức độ tăng cao. Vì vậy, năm tới có khả năng cao Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng, ổn định lãi suất, lạm phát. Nếu Ngân hàng Nhà nước nỗ lực phấn đấu xử lý nợ và có thể giảm mặt bằng vốn cho vay thì đó là cơ hội rất tốt cho sự phát triển của thị trường chứng khoán. 

Chính phủ đã và đang thể hiện rất rõ quyết tâm về phát triển doanh nghiệp tư nhân. Bên cạnh đó, nếu điều chỉnh được những quy định về đầu tư nước ngoài trong Luật Chứng khoán thì việc thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ rõ ràng hơn. 

Ông Bằng nhận định, năm 2018, các vấn đề về thương mại, đầu tư và các chính sách để thúc đẩy nền kinh tế sẽ có nhiều điều thuận lợi hơn. Việc cổ phần hóa những doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục thu hút được nhiều dòng vốn trong nước và quốc tế vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, cấu trúc quản trị doanh nghiệp sẽ tốt hơn, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ lớn hơn. 

Ông Nguyễn Việt Đức, chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường Công ty cổ phần Chứng khoán MB- MBS cho rằng, với việc Chính phủ đẩy mạnh IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) và niêm yết các nhóm tổng công ty, tập đoàn lớn của nhà nước, "bức tranh" cổ phiếu sẽ có thay đổi rất lớn trong năm 2018. Có thể từ 1/3 đến 1/2 cổ phiếu hiện tại đang ở trong "rổ" VN30 có thể bị thay thế trong năm 2018. 

“Các nhà đầu tư hiện rất quan tâm đến những đợt bán vốn nhà nước và đây sẽ là địa chỉ hút dòng tiền trong năm 2018”, ông Đức nói.(TTXVN)

Trở về

Bài cùng chuyên mục