tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 05-08-2017

  • Cập nhật : 05/08/2017

Vincom Retail lên kế hoạch IPO trị giá 600 triệu USD

Nhiều khả năng đây sẽ là một trong những thương vụ IPO lớn nhất trong vòng một thập kỷ qua tại Việt Nam.

vincom retail len ke hoach ipo tri gia 600 trieu usd nguon anh: dothivinhomes.com

Vincom Retail lên kế hoạch IPO trị giá 600 triệu USD Nguồn ảnh: dothivinhomes.com

Vincom Retail, công ty sở hữu và vận hành các trung tâm thương mại Vincom thuộc tập đoàn Vingroup, đang lên kế hoạch bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và nhiều khả năng sẽ trở thành một trong những thương vụ IPO lớn nhất trong vòng một thập kỷ qua tại Việt Nam, Bloomberg dẫn nguồn tin thông thạo vụ việc cho hay.

Công ty này đang lựa chọn đơn vị tư vấn cho thương vụ IPO với mục tiêu sẽ bán cổ phần ngay trong năm nay. Vincom Retail dự kiến sẽ huy động được 600 triệu USD bao gồm việc bán cổ phần hiện hữu và phát hành cổ phiếu mới, nguồn tin này cho biết.

Vincom Retail đang chuẩn bị gọi vốn giữa bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong những năm qua giúp nâng cao mức sống và gia tăng thu nhập. Chỉ số VN-Index trong tháng này đã chạm đỉnh cao nhất kể từ năm 2008, trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm nay.

Với giá trị thương vụ vào khoảng 600 triệu USD, đây có thể sẽ là thương vụ IPO lớn thứ hai từ trước đến nay tại Việt Nam, sau thương vụ IPO năm 2007 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), theo dữ liệu của Bloomberg. Lần gần đây nhất một thương vụ IPO đạt giá trị trên 100 triệu USD là đến từ hãng hàng không VietJet.

Quy mô của thương vụ IPO và lộ trình niêm yết cổ phiếu hiện chưa được xác định. Đại diện Vingroup và Warburg Pincus từ chối đưa ra bình luận.

Quỹ đầu tư Warburg Pincus từng mua 20% cổ phần Vincom Retail vào năm 2013 và tiếp tục rót thêm 100 triệu USD nữa hai năm sau đó. Vincom Retail hiện sở hữu các trung tâm mua sắm trong đó có Vincom Mega Mall Royal City và Vincom Mega Mall Times City.

Kể từ khi Warburg Pincus đầu tư vào Vincom Retail, doanh nghiệp này đã mở rộng từ 5 lên 40 trung tâm thương mại với 1,1 triệu m2. Doanh nghiệp này cũng nắm khoảng 60% thị phần bán lẻ hiện đại tại Việt Nam, theo nguồn tin của Bloomberg cho hay.(NCĐT)
---------------------

Bộ Công Thương ra quy định mới về hoạt động xuất, nhập và chuyển khẩu hàng hoá

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký ban hành Thông tư số 11/2017/TT-BCT quy định về hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa.

Theo đó, thông tư áp dụng đối với thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư nước ngoài (sau đây viết tắt là thương nhân) thực hiện hoạt động tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu hàng hóa; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Việc tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu đã có đầy đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý Nhà nước.

Cửa khẩu phụ, lối mở biên giới quy định tại Khoản 2 Điều này do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới công bố sau khi đã trao đổi, thống nhất với các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới trao đổi với Bộ Công Thương về nguyên tắc lựa chọn doanh nghiệp được phép tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới và công bố danh sách doanh nghiệp được lựa chọn.

Trường hợp hàng hóa nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các tỉnh biên giới thì cửa khẩu tạm nhập để gửi kho ngoại quan và cửa khẩu xuất khẩu, tái xuất hàng hóa qua các tỉnh biên giới thực hiện theo quy định

Trường hợp hàng hóa bị ách tắc trên địa bàn, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp giải tỏa, điều tiết trên địa bàn để tránh ùn tắc tại cảng, cửa khẩu và phối hợp với cơ quan hải quan cửa khẩu tạm nhập có biện pháp điều tiết lượng hàng tạm nhập từ cửa khẩu tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 9 năm 2017 và bãi bỏ: Thông tư số 05/2014/TT-BCT ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu hàng hóa; bãi bỏ Điều 2 Thông tư số 27/2016/TT-BCT ngày 05 tháng 12 năm 2016 của Bộ Công Thương sửa đổi, bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.(NDH)
------------------------------

Một “đại gia” Trung Quốc muốn đầu tư đường sắt trên cao ở Việt Nam

Công ty Hữu hạn Cổ phần Tập đoàn Cát Châu Bá muốn được tham gia đầu tư hoặc thầu các dự án về đường cao tốc, đường sắt trên cao và tàu điện ngầm tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông chiều 3/8, ông Trần Hiểu Hoa, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Công ty Hữu hạn Cổ phần Tập đoàn Cát Châu Bá, Trung Quốc (CGGC) bày tỏ mong muốn được hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải.
 


Ông Trần Hiểu Hoa cho biết, CGGC là một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, tham gia thiết kế thi công, đầu tư, vận hành các dự án công trình năng lượng như: thủy lợi, thủy điện, nhiệt điện; các công trình giao thông như: đường cao tốc, đường sắt, cầu cống, sân bay, bến cảng, thủy lợi, thủy điện…CGGC được thành lập năm 1970, hiện có chi nhánh liên quan đến 136 nước.

“Việt Nam là một quốc gia đang phát triển ổn định, là môi trường đầy tiềm năng để các nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin tham gia đầu tư tại Việt Nam. CGGC mong muốn được tham gia đầu tư hoặc thầu các dự án về đường cao tốc, đường sắt trên cao và tàu điện ngầm tại Việt Nam”, ông Trần Hiểu Hoa bày tỏ.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Việt Nam đang tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, coi việc phát triển cơ sở hạ tầng là một trong ba khâu đột phát chiến lược, tuy nhiên nguồn vốn vẫn còn hạn chế.

“Do đó, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có CGGC với những thế mạnh của mình, tham gia đầu tư vào các dự án giao thông của Việt Nam theo hình thức PPP hoặc nhận thầu thi công công trình”, Thứ trưởng Đông nói.

Về các dự án cụ thể, Thứ trưởng Đông đề nghị CGGC làm việc trực tiếp với các cơ quan liên quan của Bộ Giao thông Vận tải để được cung cấp thông tin về các dự án, trên cơ sở đó nghiên cứu, lựa chọn đề xuất các dự án mong muốn tham gia. Bộ Giao thông Vận tải sẽ xem xét và trao đổi cụ thể.

Thời gian qua đã có một số doanh nghiệp của Trung Quốc trúng thầu và tham gia thi công các công trình giao thông của Việt Nam.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện năm 2016 của các nhà thầu xây lắp tham gia các dự án xây dựng giao thông sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Bộ Giao thông Vận tải công bố gần đây cho thấy nhiều doanh nghiệp đến từ Trung Quốc dính nhiều lỗi thi công trong một gói thầu, thậm chí dính từ 8-20 lỗi trong các gói thầu.

Điển hình như Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, Tổng công ty Xây dựng cầu đường Quảng Tây...(Vneconomy)
----------------------------------

Bloomberg: Việt Nam dự báo giải ngân FDI năm 2017 đạt kỷ lục trên 16 tỷ USD

Việt Nam dự báo vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân sẽ tăng lên mức kỷ lục trong năm nay khi Chính phủ tăng cường nỗ lực thu hút các công ty đặt nhà máy tại đất nước.

Hôm thứ 5 (3/8), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho Bloomberg biết giải ngân FDI sẽ vượt mức 16 tỷ USD trong năm nay, trong khi mức đầu tư nước ngoài cam kết có thể tăng lên 28 tỷ USD.

Việt Nam đang tận dụng mức chi phí nhân công thấp và lực lượng lao động trẻ giúp duy trì sức hấp dẫn của đất nước như một trung tâm sản xuất. Ngân hàng Thế giới dự đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6% cho đến năm 2019, một trong số những nước phát triển nhanh nhất thế giới.

Vốn FDI ở Việt Nam tăng kỷ lục

Thứ trưởng Đông cho biết tăng trưởng FDI cho đến nay rất ấn tượng và dự kiến sẽ tiếp tục trong năm nay. "Chúng tôi muốn thu hút thêm FDI vào các lĩnh vực như xuất khẩu, năng lượng và công nghệ cao" bằng cách xây dựng một môi trường kinh doanh thân thiện hơn, ông khẳng định.

Cạnh tranh ở Đông Nam Á đang gia tăng khi các chính phủ các nước như Philippines hay Indonesia đều tăng chi phí cơ sở hạ tầng. Tại Việt Nam,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa thành lập một nhóm tư vấn kinh tế, bao gồm các nhà kinh tế từ các trường đại học ở Mỹ, Nhật Bản và Singapore để giúp đưa ra các chính sách đẩy mạnh tăng trưởng. Tháng trước, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong vòng 3 năm.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục