tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 03-09-2017

  • Cập nhật : 03/09/2017

Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016 - 2020

Ngày 21/08/2017, Thủ tưởng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1256/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016 - 2020.

chuong trinh muc tieu phat trien kinh te - xa hoi cac vung giai doan 2016 - 2020.. nguon: internet

Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016 - 2020.. Nguồn: Internet

Theo đó, Quyết định đã đưa ra mục tiêu thúc đẩy và tạo điều kiện liên kết giữa các vùng, miền nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, địa phương; tạo không gian phát triển thống nhất trong vùng và cả nước; từ đó tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Tại Quyết định, Thủ tướng đã đặt ra 3 mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phải đạt được, đó là:

Thứ nhất, hoàn thành 1.020 dự án chuyển tiếp với năng lực tăng thêm khoảng 5.518 km đường giao thông, 80 cầu có quy mô vừa, 68.970 ha diện tích tưới, 11 bệnh viện cấp tỉnh, huyện, 37 trường đại học, dạy nghề, trung tâm huấn luyện cấp tỉnh, 107 trung tâm hành chính, trụ sở quản lý nhà nước của các địa phương tập trung ở các đơn vị hành chính mới tách, lập.

Thứ hai, đầu tư mới 392 dự án giao thông với 3.110 km đường, 22 cầu; 63 dự án thủy lợi quy mô lớn có sức lan tỏa vùng, tăng thêm 99,000 ha diện tích tưới, hỗ trợ hoàn thành 10 trường đại học của địa phương; xây dựng mới 45 dự án cơ sở hạ tầng quan trọng của các tỉnh, huyện mới chia tách.

Thứ ba, đầu tư 56 kho lưu trữ chuyên dụng cấp tỉnh, trong đó 48 kho được hỗ trợ xây dựng mới, 4 kho được hỗ trợ cải tạo và 4 kho được hỗ trợ mua sắm thiết bị bảo quản tài liệu.

 

Về tổng vốn thực hiện Chương trình, Quyết định đã nêu rõ tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình là 189.337 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương là 101.841 tỷ đồng; và vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương là 61.000 tỷ đồng.Ngoài ra, vốn ODA là 26.496 tỷ đồng.

Trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Chính phủ bổ sung thêm nguồn vốn phù hợp để thực hiện Chương trình, đảm bảo mục tiêu đề ra.

Quyết định cũng đề ra các giải pháp thực hiện Chương trình, cụ thể:

Một là, giải pháp về chính sách:

Rà soát, đánh giá để xác định các ưu tiên đầu tư trong quá trình phân bổ nguồn vốn của Chương trình, gắn với quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cụ thể của từng dự án, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của chương trình. Đồng thời, cần tăng cường phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị trực tiếp thụ hưởng lợi ích của Chương.

Hai là, giải pháp về nguồn lực:

Nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để triển khai thực hiện Chương trình, bảo đảm bố trí vốn kịp thời, đầy đủ để thực hiện các dự án của Chương trình; trong đó, tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác từ các thành phần kinh tế.

Ba là, giải pháp về thực hiện, quản lý, giám sát Chương trình:

Cần thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả đầu tư của các dự án thuộc Chương trình. Nghiên cứu xây dựng hệ thống tin học hóa, phần mềm quản lý danh mục dự án đầu tư kết nối từ trung ương đến địa phương thực hiện Chương trình.

Bốn là, giải pháp về hợp tác quốc tế:

Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trên các lĩnh vực kỹ thuật, kinh nghiệm và tài chính nhằm tăng thêm nguồn lực đầu tư, nâng cao hiệu quả của Chương trình.

Tại Quyết định Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện Chương trình kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, hàng năm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật liên quan hướng dẫn thực hiện Chương trình. Hướng dẫn các cơ quan, địa phương trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công và các vấn đề liên quan nhằm thống nhất thực hiện Chương trình;

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện Chương trình, xây dựng, tổng hợp kế hoạch trung hạn và hàng năm đối với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Phối hợp với Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn thực hiện Chương trình trong kế hoạch đầu tư công 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư công hàng năm; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án của Chương trình.

Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất các chính sách đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Chương trình. Tổ chức tập huấn để nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức và cán bộ liên quan trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của Chương trình. Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chương trình; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chương trình ở địa phương. Xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp chung theo quy định.

Quản lý, đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương do địa phương quản lý; định kỳ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về tiến độ thực hiện; tổ chức sơ kết, tổng kết Chương trình tại địa phương theo quy định. Lập, xây dựng, thẩm định và phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án thuộc Chương trình trình các cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định. Tổ chức vận hành khai thác, sử dụng và bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình.(TCTC)
---------------------------------

Trái phiếu Chính phủ tiếp tục ế ẩm

Trái phiếu Chính phủ vẫn ế ẩm khi mà trong phiên đấu thầu cuối cùng của tháng 8, Kho bạc Nhà nước chỉ huy động được thêm 200 tỷ đồng trong tổng số 2.000 tỷ đồng. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp, tỷ lệ trúng thầu trái phiếu Chính phủ ở mức rất thấp.

Cụ thể, trong phiên đấu thầu ngày 30/8/2017 do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tổ chức, Kho bạc Nhà nước gọi thầu 2.000 tỷ đồng cho 4 loại kỳ hạn: 5 năm, 7 năm, 10 năm và 15 năm, mỗi kỳ hạn gọi thầu 500 tỷ đồng.

Trái phiếu kỳ hạn 10 năm có 5 thành viên tham gia dự thầu, khối lượng dự thầu hợp lệ đạt 1.051 tỷ đồng và lãi suất đặt thầu nằm trong khoảng 5,38-6,30%/năm. Kết quả, huy động được 200 tỷ đồng trái phiếu 10 năm với lãi suất trúng thầu 5,38%/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 2/8/2017).

Tuy nhiên, trái phiếu kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 15 năm không có lãi suất trúng thầu.

Đây là phiên thứ 4 liên tiếp, tỷ lệ trúng thầu trái phiếu Chính phủ ở mức rất thấp, thậm chí phiên ngày 16/8 còn không huy động được đồng nào. Tính chung trong tháng 8, Kho bạc Nhà nước chỉ huy động được 3.179 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong tổng số 12.000 tỷ đồng gọi thầu.

Mặc dù vậy, kể từ đầu năm 2017, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công 144.093,6593 tỷ đồng trái phiếu chính phủ qua đấu thầu tại HNX.

Lý giải nguyên nhân khiến trái phiếu Chính phủ trở nên ế ẩm trong mấy tuần gần đây, một chuyên gia tài chính cho biết là do mấy yếu tố sau.

Thứ nhất, nhiều ngân hàng – các nhà đầu chính và lớn nhất trên thị trường trái phiếu – đã “no” trái phiếu sau khi mua vào một lượng khá lớn kể từ đầu năm.

Thứ hai, thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng không còn dồi dào như trước đây khi mà tín dụng liên tục tăng cao hơn huy động. Theo thống kê tín dụng 7 tháng đầu năm tăng trên 9%, trong khi huy động vốn chỉ tăng khoảng 7,4%. Một bằng chứng nữa cho thấy thanh khoản của hệ thống đã không còn dồi dào như trước là lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng trở lại dù NHNN liên tục bơm ròng tiền trong mấy tuần gần đây.

Trong khi đó, các ngân hàng còn phải để dành vốn để đáp ứng nhu cầu tín dụng thường tăng cao trong những tháng cuối năm. “Nhất là khi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa đặt mục tiêu phấn đầu tăng trưởng tín dụng năm nay đạt 21%”, vì chuyên gia trên nói.(TBNH)
-----------------

Kỷ lục mới trong thu hút vốn ngoại

Sau 8 tháng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới vào VN đã gần bằng số vốn đăng ký của cả năm 2016.

Vốn FDI tăng đột biến cho thấy, những cải cách môi trường đầu tư của Chính phủ đang phát huy hiệu quả.

Ngoại tệ đổ vào công nghiệp chế biến, chế tạo

Cụ thể từ đầu năm đến ngày 20.8, cả nước đã có 1.624 dự án FDI mới được cấp phép đầu tư và 773 dự án đăng ký tăng vốn. Cùng với phần vốn góp, mua cổ phần của các nhà đầu tư ngoại, vốn đăng ký mới đã đạt 23,36 tỉ USD, tăng mạnh 45,1% so với cùng kỳ năm 2016. Con số này được xem là kỷ lục mới trong thu hút FDI của VN.

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 11,69 tỉ USD, chiếm 50% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 8 tháng qua. Hàn Quốc là nước dẫn đầu khi rót vốn vào VN với 6,02 tỉ USD, Nhật Bản đứng thứ hai với vốn đầu tư đăng ký 5,74 tỉ USD và Singapore đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,92 tỉ USD. Ngoài ra, dù không tăng mạnh như lượng vốn đăng ký mới, nhưng con số giải ngân FDI cũng đạt được 10,3 tỉ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

so lieu thu hut von fdi vao vndo hoa: hong son

Số liệu thu hút vốn FDI vào VNĐỒ HỌA: HỒNG SƠN

Đánh giá về điều này, GS-TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại VN, cho rằng: điều đáng mừng là ngành chế biến, chế tạo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài. Việc này cho thấy phần nào hiệu quả chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng. Nhưng nguồn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa nhiều như mong muốn của chúng ta. Ngoài ra, quan trọng nhất vẫn là vốn thực hiện vì điều đó mới thể hiện được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường kinh doanh tại VN.

Theo dự báo của ông Nguyễn Mại, cả năm nay vốn FDI giải ngân sẽ đạt khoảng 17 - 18 tỉ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2016 là hợp lý. Đồng quan điểm, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cho rằng hiện VN vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư thuận lợi hơn nhiều quốc gia khác. Một số lĩnh vực vẫn có mức phát triển ổn định tối thiểu từ 7% trở lên nên thu hút được nhà đầu tư quan tâm. Bên cạnh đó, VN vẫn đang tích cực cải cách môi trường đầu tư thể hiện qua việc cắt giảm nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài vào VN kinh doanh. Đó là chưa kể các đối tác đầu tư khá truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore đều có cam kết mở rộng đầu tư tại VN. Quan trọng là khả năng tiếp nhận vốn của VN như thế nào vì theo dự báo, xu hướng FDI vẫn tiếp tục tăng ổn định trong thời gian tới.

Hướng vốn vào các ngành công nghệ

 

Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới vẫn đang muốn vào VN để đầu tư phát triển vì có tiềm năng ở một số lĩnh vực. Do đó chúng ta chỉ nên tập trung và lựa chọn những ngành cần phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở này các giải pháp để thu hút nguồn vốn FDI cũng cần hướng vào những ngành đó nhiều hơn trong thời gian tới
GS-TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại VN

 

 

 

Sau 30 năm mở cửa thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các chuyên gia đều khẳng định VN phải tập trung vào thu hút nguồn vốn có chất lượng thay vì chỉ tiêu số lượng như trước đây. Điều đó đồng nghĩa với việc phải cân nhắc khi cấp phép đầu tư cho các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động… GS-TS Nguyễn Mại phân tích: Trong năm nay chúng ta đang thấy vốn FDI đăng ký xây dựng các nhà máy điện than gia tăng và có lẽ sẽ có thêm vài nhà máy nữa ra đời trong tương lai. Cần cân nhắc xem dòng vốn vào lĩnh vực này là nhiều quá hay không? Bởi hiện nay nhiều nước đã hạn chế phát triển điện than để giảm khí thải nhà kính, khói bụi… Trong khi việc phát triển điện gió, điện mặt trời đang cần được khuyến khích phát triển. VN cũng mới bắt đầu xu hướng này nên cần có giải pháp thu hút mạnh hơn nguồn vốn FDI tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

 

“Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới vẫn đang muốn vào VN để đầu tư phát triển vì có tiềm năng ở một số lĩnh vực. Do đó, chúng ta chỉ nên tập trung và lựa chọn những ngành cần phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở này các giải pháp để thu hút nguồn vốn FDI cũng cần hướng vào những ngành đó nhiều hơn trong thời gian tới”, GS-TS Nguyễn Mại nhấn mạnh. Chẳng hạn khi cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra và dự báo robot sẽ thay thế nhiều lao động giản đơn thì VN cũng không nên khuyến khích các dự án sử dụng quá nhiều lao động. Thay vào đó, VN được nhiều tổ chức nước ngoài đánh giá có tiềm năng phát triển khi nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng đáp ứng được ở một số lĩnh vực như điện toán đám mây, công nghệ tích hợp số, công nghệ viễn thông…

TS Lưu Bích Hồ cũng lưu ý, cần sàng lọc để thu hút vốn ngoại đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các dự án không có ảnh hưởng đến môi trường và chú ý đến khả năng kết nối, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp (DN) nội địa. Điều quan trọng nữa là khi tỷ trọng của DN nước ngoài trong phát triển công nghiệp và xuất khẩu của VN càng lớn thì càng phải cố gắng thúc đẩy phát triển của khối DN trong nước. Chỉ làm được việc đó thì kinh tế VN mới không phải ngày càng phụ thuộc vào vốn nước ngoài nói chung và DN FDI nói riêng.(Thanhnien)
--------------------------

NHNN "thúc" các ngân hàng lên phương án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu

Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 phải đảm bảo chất lượng, thời hạn và theo đúng yêu cầu của NHNN, đánh giá đầy đủ các mặt hoạt động của TCTD xác định rõ mục tiêu, gắn xử lý nợ xấu với các giải pháp cơ cấu lại.

Ngày 30/8/2017, NHNN Việt Nam có văn bản số 6921/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng (không bao gồm QTDND và tổ chức tài chính vi mô) về việc quán triệt các tổ chức tín dụng (TCTD) xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020.

Theo văn bản, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, Thống đốc NHNN quán triệt và yêu cầu các TCTD tập trung triển khai xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 theo đúng mục tiêu, định hướng của NHNN.


Không chỉ riêng 5 NHTM trọng tâm xử lý nợ xấu, tất cả các ngân hàng đều cần lên phương án tái cơ cấu

Theo đó, các TCTD khẩn trương xây dựng và hoàn thiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 theo đúng chỉ đạo của NHNN.

Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 phải đảm bảo chất lượng, thời hạn và theo đúng yêu cầu của NHNN.

Trong đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải đánh giá đầy đủ các mặt hoạt động của TCTD; Thực trạng hoạt động (đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, những tồn tại, hạn chế…) đến thời điểm xây dựng phương án; Xác định rõ mục tiêu, định hướng cơ cấu lại từng năm và đến năm 2020; Gắn xử lý nợ xấu với các giải pháp cơ cấu lại; Thực hiện xây dựng phương án theo đúng nội dung NHNN đã hướng dẫn.

Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các TCTD chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN trong việc chỉ đạo xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu. Chất lượng, hiệu quả và ý thức chấp hành trong việc xây dựng phương án cơ cấu lại của một TCTD là một trong những tiêu chí của NHNN đánh giá khi xem xét đề nghị liên quan đến hoạt động của TCTD.(NDH)
 

Trở về

Bài cùng chuyên mục