tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-07-2018

  • Cập nhật : 30/07/2018

Việt Nam có quá ít bất động sản xanh

Việt Nam hiện chỉ có khoảng 150 công trình bất động sản xanh đã được chứng nhận cũng như đang trong quá trình thiết kế.

Trên toàn thế giới, các công trình xây dựng chiếm tới một phần ba tổng năng lượng sử dụng, thải ra gần một phần tư tổng lượng khí thải CO2 và tiêu thụ tới 12% lượng nước sạch. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, các công trình xanh ngày càng được phát triển tại nhiều quốc gia.

Theo thống kê của Hội đồng Công trình xanh các nước, Việt Nam chậm hơn rất nhiều về số lượng công trình xanh cũng như trong lĩnh vực đào tạo, nhận thức. Số lượng công trình đạt chứng chỉ LEED của Việt Nam năm 2017 chỉ chưa đến 3%.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, tại Việt Nam số lượng công trình xanh khá hạn chế, hiện chỉ có khoảng 150 công trình đã được chứng nhận cũng như đang trong quá trình thiết kế, thi công. Trong khi đó, quá trình phát triển hạ tầng du lịch ở các thành phố như Đà Lạt, Sapa… là minh chứng rõ ràng với nhiều khu rừng bị tàn phá, những công trình kiến trúc có giá trị không được bảo tồn đúng mực. Từ những thành phố có chức năng nghỉ dưỡng, tĩnh lặng và lãng mạn theo kiểu châu Âu, Đà Lạt, Sapa đang trở thành thành phố buôn bán xô bồ, bị bê tông hóa trên diện rộng. Yếu tố bản sắc có nguy cơ bị mất dần từ các dự án đầu tư xây dựng của cả tư nhân và Nhà nước.

Khu vực trung tâm TP HCM. Ảnh: QH

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc GreenViet đã chỉ ra 3 lý do chính khiến công trình xanh còn ít là chi phí cao; chưa có nhu cầu thực sự từ khách hàng và chưa có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Về phía chủ đầu tư dự án bất động sản,ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc sáng lập DKRA Việt Nam cho biết, một trong ba tiêu chí ưu tiên của khách hàng khi chọn mua bất động sản là cảnh quan môi trường sống gắn liền với công trình như cây xanh, an toàn an ninh, tiện ích, quản lý. Đối với bất động sản nghỉ dưỡng thì yếu tố xanh càng được đặt lên hàng đầu, như xanh về cảnh quan, xanh về thiên nhiên môi trường tự nhiên, xanh về sự quản lý của con người...

Để phát triển được nhiều dự án bất động sản xanh tại Việt Nam, theo ông Đỗ Hữu Nhật Quang, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Ví dụ như không tính phần ban công, diện tích xanh trên cao vào tổng diện tích căn hộ của chủ đầu tư.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hoàng Tùng, Phó giám đốc Sở Quy hoạch, Kiến trúc TP HCM, cũng cho rằng, việc chỉ khuyến khích phát triển công trình xanh thì không có kết quả mà cần có chính sách hỗ trợ cụ thể của Chính phủ. Theo ông, một mình doanh nghiệp không thể làm được mà cần sự phối hợp của chính quyền và người dân thì mới thành công. Ông đề xuất, nếu chủ đầu tư cam kết xây công viên, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn thân thiện môi trường thì ngay lập tức được cộng thêm diện tích sàn, hưởng các chính sách ưu đãi. Đây sẽ là bài toán để các nhà đầu tư cân nhắc chọn làm công trình xanh, mang lại lợi ích kép cho chủ đầu tư và cộng đồng.(Vnexpress)
-----------------------

Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm bị người tiêu dùng khiếu nại nhiều nhất

Báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy, trong hơn 2.240 cuộc gọi phản ánh tới tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng, có 987 cuộc gọiliên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Xét theo lĩnh vực thì tài chính, ngân hàng, bảo hiểm là 3 lĩnh vực nhận được khiếu nại nhiều nhất từ người tiêu dùng, khoảng 372 trường hợp, chiếm gần 38%. Phần lớnnội dung khiếu nại liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng với nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, như cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, gây nhầm lẫn; không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng sau khi ký, thu hồi nợ mang tính chất đe dọa, gây áp lực ảnh hưởng đến uy tín, tâm lý của người tiêu dùng…

Biểu đồ thống kê ngành hàng, lĩnh vực dịch vụ bị khiếu nại nhiều nhất trong nửa đầu năm 2018.

Lĩnh vực điện thoại, viễn thông ở vị trí thứ 2 với 108 trường hợp; và nhóm đồ điện tử gia dụng có 100 trường hợp khiếu nại.

Hà Nội và TP HCM là 2 thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, lần lượt 288 và 185 vụ việc, chiếm tỷ lệ 29,17% và 18,74%.

Đến cuối tháng 6, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã xử lý thành công, chuyển hồ sơđến các cơ quan có thẩm quyền xử lý 275 vụ việc, chiếm 95% vụ tiếp nhận. Bảy vụ việc khiếu nại còn lại đang được Cục phối hợp với các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng để giải quyết.(Vnexpress)
---------------------

Thị trường trái phiếu toàn cầu đang rung chuyển trước khả năng thay đổi chính sách của BoJ

Những chuyển biến quan trọng nhất trên thị trường trái phiếu toàn cầu có lẽ đang xảy ra vì những lời suy đoán về khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thay đổi chính sách vào tuần tới.

Trong khi những nhà quan sát thị trường tỏ ra bất đồng về việc BoJ sẽ thay đổi mục tiêu lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm quanh mức 0% hay không, thì việc BoJ giảm dần quy mô mua trái phiếu kỳ hạn dài và chi phí phòng ngừa nước ngoài đắt đỏ hơn đã thôi thúc các quỹ Nhật Bản mang tiền trở về quê nhà.

Động thái mua ít trái phiếu hơn từ BoJ được thể hiện qua khoản nắm giữ trái phiếu hàng năm đã tăng chậm lại ở mức 44.1 ngàn tỷ JPY, thấp hơn so với mức đặt ra trước đó là 80 ngàn tỷ JPY. Điều gì sẽ xảy ra kế tiếp ở thị trường trái phiếu lớn thứ hai trên thế giới có khả năng tác động trên toàn cầu, vì nhà đầu tư Nhật Bản nắm giữ tới 2.4 ngàn tỷ USD trái phiếu nước ngoài.

“BoJ có khả năng giảm quy mô mua trái phiếu quyết liệt hơn và linh hoạt hơn để vực dậy thanh khoản và mức độ biến động trên thị trường”, ông Jun Ishii, Trưởng Bộ phận Chiến lược tài sản có thu nhập cố định tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities ở Tokyo, cho hay. “Một khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 20 năm hoặc 30 năm tiếp cận mức 1%, các quỹ vốn đang trú ẩn tạm thời ở các trái phiếu nước ngoài sẽ quay trở lại”.

Trong quý 2/2018, BoJ giảm việc mua trái phiếu kỳ hạn hơn 25 năm bớt 7.6% so với quý 1/2018, dữ liệu từ BoJ cho thấy. Trong khi đó, khoản mua trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn lại tăng nhẹ.

Hồi tháng 4/2018, hai công ty bảo hiểm lớn nhất của Nhật Bản là Japan Post Insurance Co.vàNippon Life Insurance Co. cho biết họ sẽ cân nhắc mua thêm trái phiếu Chính phủ Nhật Bản một khi lợi suất kỳ hạn 30 năm vượt ngưỡng 1%. Trong ngày thứ Sáu (27/07), lợi suất trái phiếu ở mức 0.815%, cao hơn so với mức 0.685% của 1 tuần trước đó.

Chính sự suy đoán về quyết định chính sách của BoJ tại cuộc họp ngày 30-31/07/2018 đã đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn dài nhảy vọt trong tuần này và ảnh hưởng tới các thị trường trái phiếu ở nước ngoài, như Mỹ, châu Âu và Australia. Các nguồn tin từ Reuters, Jiji, Bloomberg và các trang truyền thông khác đều ám chỉ rằng các quan chức Nhật Bản đang xem xét cách thức làm giảm bớt tác động phụ của chính sách kiểm soát đường cong lợi suất.

Tất cả 44 chuyên gia kinh tế tham gia vào cuộc thăm dò của Bloomberg trong giai đoạn ngày 17-20/07/2018 đều cho rằng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ quyết định giữ nguyên thiết lập hiện nay của chính sách kiểm soát đường cong lợi suất và mua tài sản vào tuần tới. BoJ đã tổ chức đợt mua trái phiếu không giới hạn trong ngày thứ Sáu (27/07), cụ thể mua trái phiếu kỳ hạn 5-10 năm ở mức lãi suất cố định là 0.1%, cho thấy họ vẫn cố gắng kìm hãm đà tăng của lợi suất.

Trước đó không lâu, vào ngày 23/07/2018, BoJ đã một lần thực hiện mua trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức lãi suất cố định là 0.11% sau khi lợi suất trái phiếu có lúc tăng tới 6 điểm cơ bản lên 0.09%, mức cao nhất kể từ tháng 2/2018.

Hai trong số những lời suy đoán phổ biến nhất về sự thay đổi chính sách tại BoJ bao gồm cho phép biến động nhiều hơn quanh mức mục tiêu lợi suất 0% hoặc điều chỉnh mô tả của chương trình nắm giữ trái phiếu quy mô 80 ngàn tỷ JPY.

“Nếu BoJ chuẩn bị thay đổi chương trình kiểm soát đường cong lợi suất thì những tác động lan truyền sang lãi suất toàn cầu sẽ rất lớn”, Richard Kelly, Trưởng Bộ phận Chiến lược toàn cầu tại Toronto-Dominion Bank ở Luân Đôn, cho hay. “Nếu lợi suất của trái phiếu chính phủ Nhật Bản bắt đầu tăng cao hơn thì bạn sẽ chứng kiến hiệu ứng ‘thác đổ’ (waterfall) của việc giảm bớt nhu cầu trái phiếu châu Âu hoặc Mỹ – và điều này có khả năng làm nâng cấu trúc kỳ hạn lên cao hơn trên toàn cầu”.

Dựa trên dữ liệu từ BoJ cho thấy, nhà đầu tư Nhật Bản sở hữu hơn 1 ngàn tỷ USD trái phiếu Mỹ, và top 12 khoản nắm giữ của họ còn có trái phiếu của Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Biểu đồ hình tròn dưới đây cho thấy cách thức phân bổ vốn của họ.

Các quỹ Nhật Bản đã bắt đầu rút khỏi một số thị trường trái phiếu nước ngoài khi việc phòng ngừa tiền tệ trở nên đắt đỏ hơn nhiều. Chi phí của các khoản đầu tư phòng hộ (bằng đồng USD) đã nhảy vọt khi quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed làm gia tăng lãi suất ngắn hạn Mỹ, và điều này lại tác động tới mức lợi suất của trái phiếu Chính phủ Mỹ mà các nhà đầu tư Nhật Bản đang nắm giữ.

Nếu BoJ cho phép lợi suất trái phiếu Nhật Bản kỳ hạn dài tăng lên thì điều này sẽ thôi thúc nhà đầu tư nội địa rót nhiều tiền hơn vào trái phiếu Chính phủ Nhật Bản, Tsuyoshi Ueno, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại NLI Research Institute ở Tokyo, cho hay. “Nhà đầu tư sẽ cảm thấy vui mừng, vì họ đang phải đối mặt với những khó khăn từ việc nâng tỷ suất sinh lợi, trong khi chi phí phòng ngừa cho các khoản đầu tư trái phiếu Mỹ lại trở nên đắt đỏ hơn”.

Tỷ suất sinh lợi của việc đầu tư vào trái phiếu châu Âu vẫn còn tương đối hấp dẫn hơn khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Không phải ai cũng tin rằng cuộc họp chính sách tuần tới của BoJ sẽ có tác động lớn tới thị trường trái phiếu toàn cầu.

“Điểm mấu chốt của các tranh luận hiện nay là: Làm thế nào mà BoJ có thể cải thiện tính bền vững của các gói kích thích trong thời gian tới?”, Masayuki Kichikawa, Trưởng Bộ phận Chiến lược vĩ mô tại Sumitomo Mitsui Asset Management ở Tokyo, cho hay. “Tôi kỳ vọng lợi suất dài hạn của Nhật Bản sẽ ở phạm vi thấp. Các điều chỉnh kỹ thuật từ 10-20 điểm cở bản sẽ không làm thay đổi dòng chảy của danh mục”.

Nikko Asset Managementdự báo BoJ sẽ nâng mục tiêu lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm thêm 20 điểm cơ bản trong suốt quý 4/2018, và động thái này có thể thúc đẩy lợi suất trái phiếu châu Âu tăng thêm 10 điểm cơ bản, ông John Vail, Trưởng Bộ phận Chiến lược toàn cầu chi nhánh New York, cho hay.

“Hiện nay, thị trường đã chấp nhận khả năng chính sách của BoJ ít ‘bồ câu’ hơn, câu hỏi ở đây là cấu trúc của chính sách sẽ như thế nào và sẽ được triển khai nhanh ra sao?”, ông cho hay((NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục