tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 28-08-2017

  • Cập nhật : 28/08/2017

Chủ tịch FED gửi thông điệp cứng rắn đến Tổng thống Trump

Trong bài phát biểu tại hội nghị ngân hàng trung ương thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Jackson Hole vào ngày thứ Sáu, Chủ tịch FED Janet Yellen đã gửi một thông điệp cứng rắn đến Tổng thống Donald Trump.

Theo hãng tin Bloomberg, bằng cách bảo vệ những quy chế giám sát tài chính chặt chẽ được áp dụng suốt gần 1 thập kỷ qua kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bà Yellen tự “cách ly” khỏi lời kêu gọi nới lỏng quy chế của ông Trump - người sẽ quyết định bà có tiếp tục nắm giữ thêm một nhiệm kỳ Chủ tịch FED nữa hay không.

Trong bài phát biểu thu hút sự chú ý lớn của giới tài chính toàn cầu, bà Yellen, người sẽ hết nhiệm kỳ Chủ tịch FED đầu tiên vào tháng 2/2018, lập luận rằng các quy chế giám sát tài chính hậu khủng hoảng đã làm cho hệ thống tài chính trở nên an toàn hơn mà không ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bởi vậy, bất kỳ hành động nào nhằm nới lỏng những quy chế này cũng chỉ nên ở mức “khiêm tốn”, bà Yellen nói.
 

“Có vẻ bà Yellen gửi đi một thông điệp rằng nếu ông Trump muốn tái bổ nhiệm bà vào ghế Chủ tịch FED, thì ông ấy cần biết rằng điều đó đồng nghĩa với lựa chọn một người không đồng tình với quan điểm của ông về quy chế giám sát ngành tài chính”, ông Ian Katz, nhà phân tích thuộc Capital Alpha Partners, nhận định. “Nói cách khác là: ‘Nếu ông cần tôi, thì đây là thứ mà ông nhận được’”.

Ông Trump từng nói sẽ xem xét tái bổ nhiệm bà Yellen, 71 tuổi, vào vị trí đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế được hãng tin Bloomberg khảo sát ý kiến không cho rằng điều này sẽ xảy ra. Hồi tháng 7, ông Trump nói với tờ Wall Street Journal rằng cố vấn kinh tế cấp cao của ông là ông Gary Cohn cùng với 2-3 nhân vật khác cũng sẽ chạy đua vào ghế Chủ tịch FED.

Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống vào năm 2016, ông Trump đã liên tục chỉ trích hệ thống quy chế giám sát được thông qua vào năm 2010 trong đạo luật mang tên Dodd-Frank Act. Ông cho rằng những quy chế này gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế Mỹ bởi khiến các ngân hàng ngần ngại cấp vốn vay cho những khách hàng đáng tin cậy.

“Chúng tôi sẽ chống lại tất cả các phương diện của Dodd-Frank”, ông Cohn - người hiện là Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng và từng là một Chủ tịch của ngân hàng Goldman Sachs - nói với Bloomberg.

Dù không đề cập đến tên của đạo luật trên, bà Yellen nói nhiều thay đổi mà đạo luật này khởi xướng đã giúp hệ thống tài chính trở nên an toàn hơn. “Các nghiên cứu cho thấy rằng những cải cách then chốt mà chúng ta theo đuổi đã thúc đẩy mạnh mẽ sự vững vàng của hệ thống mà không hề hạn chế sự sẵn có của nguồn vốn tín dụng hay tăng trưởng kinh tế”, bà nói.

Bà Yellen cũng thừa nhận rằng các quy chế giám sát chặt chẽ đã cản trở việc cấp vốn tín dụng cho một số người mua nhà và các doanh nghiệp nhỏ, cũng như ảnh hưởng bất lợi đến tính thanh khoản trên thị trường tài chính. Bà tuyên bố sẵn sàng cải cách những quy định còn hạn chế để mang lại hiệu quả tốt hơn.

Tuy vậy, bà bác bỏ quan điểm nới lỏng quy chế trên diện rộng mà ông Trump có vẻ theo đuổi. “Bất kỳ sự điều chỉnh quy chế nào cũng cần phải khiêm tốn và củng cố được sự vững vàng của các ngân hàng lớn - sự vững vàng đã có được nhờ cải cách trong những năm qua”, bà nói.

Quan điểm này của bà Yellen nhận được sự ủng hộ của ông Robert Nichols, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà ngân hàng Mỹ. “Yellen nói đúng. Chúng ta không nên làm tổn hại đến những thành quả đã đạt được, nhưng chúng ta cũng nên sẵn sàng khắc phục những điểm không mang lại hiệu quả”, ông Nichols viết trên mạng xã hội Twitter.

“FED đang gửi đi một thông điệp rộng rãi, có mục đích và mạnh mẽ rằng họ gần như chẳng đồng tình với điểm nào mà chính quyền [Tổng thống Trump] mong muốn” về nới lỏng quy chế giám sát tài chính - ông Karen Shaw Petrou, nhà phân tích thuộc Federal Finacial Analytics, nhận xét.

Giới chuyên gia cho rằng thông điệp này có thể ảnh hưởng xấu đến cơ hội có thêm một nhiệm kỳ nữa của bà Yellen.

“Quyết định của bà Yellen về bảo vệ các quy chế giám sát sẽ làm lợi cho những người trong chính quyền Trump không muốn bà ấy được tái bổ nhiệm”, bà Krishna Guha, Phó chủ tịch của Evercore ISI, nhận định. “Trump không có mâu thuẫn gì với bà Yellen, ít nhất là đến lúc này, về chính sách tiền tệ, nhưng hai người họ có quan điểm rất khác nhau về quy chế giám sát”.(Vneconomy)
----------------

Hơn 1,2 triệu lượt khách quốc tế đến VN trong tháng 8

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, lượng khách quốc tế đến VN ước đạt hơn 1,2 triệu lượt, tăng 18,5% so với tháng trước và tăng 35,1% so với tháng cùng kỳ 2016.

Con số này đã nâng tổng lượng khách quốc tế đến VN trong 8 tháng lên gần 8,5 triệu lượt, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, lượng khách nội địa trong 8 tháng ước tính đạt khoảng 52,8 triệu lượt, trong đó có 25,4 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ du lịch ước đạt 335.840 tỉ đồng, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm 2016. (TN)
----------------------

Áp lực lên thị trường ngoại hối có thể tăng

Tỷ giá đô la Mỹ với tiền đồng đã được kiểm soát khá tốt kể từ đầu năm đến nay, dù chịu nhiều áp lực từ các điều kiện nội tại. Dù vậy, những áp lực lên thị trường ngoại hối có thể tiếp tục tăng lên trong thời gian còn lại của năm nay.

Diễn biến ổn định kể từ đầu năm đến nay

So với cuối năm 2016, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng chỉ mới tăng gần 1,3%, trong khi tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cao hơn, ở mức 1,9%. Tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã có ba lần nâng giá mua vào đô la Mỹ, nhờ vậy cơ quan này đã nâng dự trữ ngoại hối thêm một tỉ đô la Mỹ trong bảy tháng đầu năm nay. Trong khi đó, tỷ giá giao dịch niêm yết tại các ngân hàng và trên thị trường tự do thậm chí còn giảm so với đầu năm nay, cụ thể tỷ giá trên thị trường phi chính thức giảm đến 1,5% so với đầu năm.

Diễn biến đồng đô la Mỹ sụt giảm mạnh trên thị trường quốc tế là một trong những yếu tố giúp thị trường ngoại hối trong nước không chịu quá nhiều áp lực, dù Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã hai lần tăng lãi suất cơ bản đồng đô la Mỹ. Chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh đồng bạc xanh này với các ngoại tệ chủ chốt khác đến thời điểm hiện nay đã giảm hơn 9% so với đầu năm, thậm chí có thời điểm rớt về vùng 93, mức thấp nhất trong 15 tháng qua.

Trong khi đó, dòng vốn tiền gửi tại các ngân hàng tiếp tục dịch chuyển từ đô la Mỹ sang tiền đồng cũng giúp tăng lượng cung đô la Mỹ cho thị trường. Bên cạnh đó, lượng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài cũng tăng mạnh. Theo Tổng cục Thống kê, trong bảy tháng đầu năm năm nay, có 2.946 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 3,1 tỉ đô la Mỹ.

Áp lực trong những tháng cuối năm

Dù vậy, có thể thấy những áp lực lên thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm. Thứ nhất là khả năng đồng đô la Mỹ có thể tăng trở lại trên thị trường quốc tế trong thời gian tới, nhất là khi Fed sẽ bắt đầu thu hẹp cung tiền từ tháng 9 tới thông qua lộ trình bán ra các trái phiếu đã mua vào trong giai đoạn khủng hoảng trước đây, cũng như thêm một lần tăng lãi suất có thể diễn ra vào tháng 9 hoặc tháng 12 tới. Rõ ràng đồng đô la Mỹ đã giảm khá mạnh kể từ đầu năm đến nay, nên một đợt phục hồi tăng trở lại là rất dễ xảy ra.

Thứ hai là cán cân thương mại tiếp tục trong tình trạng thâm hụt. Thống kê cho thấy nhập siêu trong bảy tháng qua là gần 3,1 tỉ đô la Mỹ. Đây là diễn biến không tốt nếu so với con số xuất siêu gần 1,8 tỉ đô la Mỹ của cùng kỳ năm 2016. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) thì trong khoảng thời gian còn lại của năm 2017, vấn đề tỷ giá sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu tăng cao.

Thứ ba, khác với cùng kỳ năm 2016, tín dụng ngoại tệ đã tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm nay. Theo báo cáo tình hình kinh tế sáu tháng của UBGSTCQG thì tín dụng ngoại tệ trong sáu tháng đầu năm nay tăng 7,3% so cuối năm 2016, trong khi cùng kỳ 2016 giảm 3,5%. Tín dụng ngoại tệ tăng cao một phần do nhập siêu tăng cao, phần khác do các doanh nghiệp xuất khẩu đã đẩy mạnh vay ngoại tệ ngay từ đầu năm. Mà theo Thông tư 31/2016/TT-NHNN thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải tất toán các khoản vay ngoại tệ vào cuối năm nay và không được vay lại, do đó cầu ngoại tệ để hoàn trả các khoản vay là rất đáng chú ý.

Trong khi đó, tuy dòng vốn FDI đăng ký tăng cao so với cùng kỳ (tăng 52%) nhưng dòng vốn FDI giải ngân trong bảy tháng qua chỉ đạt 9,1 tỉ đô la Mỹ, tăng khiêm tốn 5,8% so với cùng kỳ 2016, thấp hơn nhiều so với mức tăng 15,1% của cùng kỳ 2016 so với cùng kỳ năm 2015. Một nguồn cung ngoại tệ khác cũng bị ảnh hưởng đáng kể là lượng kiều hối năm nay dự kiến tiếp tục sụt giảm. Thống kê cho thấy năm 2015 Việt Nam nhận được 13,2 tỉ đô la Mỹ kiều hối, đến năm 2016, con số này giảm 31,8% - còn 9 tỉ đô la Mỹ và sáu tháng đầu năm nay, riêng TPHCM chỉ nhận được 2,1 tỉ đô la Mỹ. Thông thường lượng kiều hối về TPHCM chiếm 50-55% tổng lượng kiều hối cả nước.

Một diễn biến đáng chú ý khác là hoạt động thoái vốn hàng loạt của các quỹ đầu tư trên thị trường chứng khoán, cũng như động thái rút vốn của một số cổ đông chiến lược, ngân hàng nước ngoài gần đây. HSBC đăng ký thoái vốn khỏi Techcombank, Standard Chartered Bank cũng đang thoái vốn dần khỏi ACB, còn Commonwealth đã hoàn tất bán lại toàn bộ mảng bán lẻ cho VIB. Dòng tiền rút vốn này cũng cần được lưu ý, nếu nó vẫn ở lại tìm cơ hội đầu tư khác thì không có gì đáng lo, nhưng nếu rút ra khỏi thị trường Việt Nam thì cầu chuyển đổi vốn trở lại sang đô la Mỹ sẽ tăng lên và gây áp lực lên tỷ giá.

Ngoài ra, ngày 1-7-2017, Ngân hàng Thế giới (WB) đã chấm dứt các khoản cho vay ưu đãi (ODA) với Việt Nam, Việt Nam phải chuyển sang sử dụng nguồn vay kém ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Hiện nay, theo xếp loại của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam nằm trong nhóm B và không còn thuộc diện chỉ nhận những khoản vay ưu đãi. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải khó khăn hơn trong việc tiếp cận vốn vay ngoại tệ, trong khi thời hạn vay có thể bị rút ngắn lại và lãi suất vay sẽ phải chịu mức cao hơn. Yếu tố này sẽ tác động tiêu cực lên nguồn cung ngoại tệ trong nước.(TBKTSG)
----------------------------

Doanh nghiệp Việt 'ngốn tiền' vào quảng cáo trực tuyến

Ngân sách dành cho quảng cáo trực tuyến của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng lớn nhưng hiệu quả không cao do thiếu kỹ năng phân tích thị trường.

Doanh thu toàn thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam năm nay ước tính khoảng 76 triệu USD và có thể tăng gấp ba lần trong vòng 5 năm tới, trong đó khoảng 36% được tạo ra thông qua điện thoại di động. Hiện, phân khúc lớn nhất của thị trường là quảng cáo bằng công cụ tìm kiếm với doanh thu khoảng 33 triệu USD, theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Statista.

Dù tốc độ tăng trưởng kép hàng năm được xếp trong nhóm dẫn đầu châu Á, nhưng khi so sánh với quy mô thị trường của những “ông lớn” trong khu vực thì doanh thu ngành quảng cáo Việt Nam chưa đến 0,1%.

Ngoài các doanh nghiệp đang “bơm tiền” vào quảng cáo thì chính những thương nhân là hộ kinh doanh và cá nhân bán hàng trực tuyến cũng góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của ngành. Ngân sách dành cho quảng cáo trong những năm gần đây có sự dịch chuyển mạnh từ các phương thức truyền thống sang trực tuyến. Điều này diễn ra rõ nhất ở những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, bán lẻ thiết bị di động, vé máy bay…

Báo cáo hành vi người dùng của Google cho thấy, trước khi ra quyết định mua sắm, có đến 70% người dùng nghiên cứu thông tin sản phẩm trên internet. Phần lớn trong số này lựa chọn công cụ tìm kiếm là kênh cung cấp thông tin, tiếp đến là mạng xã hội, website của nhãn hàng và trang thương mại điện tử.

Hơn 44% doanh nghiệp và hộ kinh doanh cho rằng kênh công cụ tìm kiếm giúp chiến dịch quảng bá sản phẩm đạt hiệu quả cao. Còn số này đang được cải thiện đáng kể khoảng 2 năm trở lại đây, nhưng so với mặt bằng chung của thế giới thì vẫn còn khá thấp. Chính điều này khiến nhiều hãng quảng cáo trực tuyến lớn, bên cạnh Google và Facebook, chú ý và bắt đầu xâm nhập thị trường Việt Nam.

Thương mại điện tử phát triển rầm rộ tạo cơ hội lớn cho quảng cáo trực tuyến.

“Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chi mạnh tay cho hoạt động quảng cáo, thực trạng này không có gì phải bàn cãi. Thế nhưng, điều đáng nói là không nhiều trong số đó quảng cáo trúng đích, tức lựa chọn đúng khách hàng tiềm năng và thoả mãn nhu cầu của họ”, ông Mai Xuân Đạt - Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Thịnh Vượng nhận định.

Theo ông Đạt, các doanh nghiệp trong nước vì “tham lam” và không nắm vững kỹ thuật quảng cáo nên thường suy luận và phỏng đoán nhu cầu của người tiêu dùng để mở rộng tối đa phạm vi tìm kiếm. Trong khi nếu xét cùng đối tượng khách hàng và thời điểm tiến hành quảng cáo, một công ty nước ngoài có thể tiết kiệm đến 30% chi phí bởi họ áp dụng triệt để nguyên tắc quan trọng nhất khi quảng cáo bằng công cụ tìm kiếm là khách tìm gì phải ra nội dung đó.

Lý giải thêm về nguyên nhân khiến hoạt động quảng cáo chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng, ông Lê Đắc Thịnh Đồng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần So sánh Việt Nam (Websosanh) cho rằng, hầu hết doanh nghiệp trong nước quảng cáo theo bản năng và trào lưu mà thiếu sự phân tích dữ liệu thị trường. Điển hình như trong mùa mua sắm cao điểm, doanh nghiệp không quảng cáo hoặc tiết giảm chi phí quảng cáo thì số lượng đơn hàng vẫn có thể tăng mạnh. Không phải doanh nghiệp nào cũng có tiềm lực tài chính mạnh để quảng cáo, nhưng chính tâm lý lo sợ khiến họ vội vàng rót tiền khi thấy hoạt động quảng cáo của đối thủ.

“Để quảng cáo trực tuyến hiệu quả, việc phân tích tỷ lệ chuyển đổi từng kênh bán hàng, giá trị trung bình từng đơn hàng, chi phí tạo ra một đơn hàng hoặc một khách hàng theo độ tuổi và khu vực địa lý tốn bao nhiêu… là vô cùng cần thiết. Hoạt động này cung cấp cho doanh nghiệp những thông tin hữu ích để xác định nên tập trung nguồn lực vào thị trường, ngành hàng, nhóm khách hàng nào”, ông Đồng nói và cho biết thêm, chi phí đào tạo nhân lực phân tích dữ liệu có thể đẩy ngân sách quảng cáo lên khá cao, nhưng sau thời gian từ một đến hai năm thì đội ngũ này sẽ tạo ra những giá trị hữu hình và tiết kiệm cho doanh nghiệp nhất 50%.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục