tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 27-02-2018

  • Cập nhật : 27/02/2018

Dự trữ vàng của Nga vượt Trung Quốc

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) nắm thêm 20 tấn vàng hồi tháng trước, nâng tổng dự trữ lên 1.857 tấn.

anh: reuters

Ảnh: Reuters

Theo Russia Today, Nga tăng dự trữ vàng mỗi tháng kể từ tháng 3.2015. Nga hiện thuộc top 5 nước trữ vàng nhiều nhất thế giới sau khi vượt qua Trung Quốc, nước đang nắm 1.843 tấn vàng. 15 năm qua, Moscow và Bắc Kinh tăng cường tích vàng dự trữ để bớt phụ thuộc vào USD.

“Thú vị là cả Nga và Trung Quốc đều công khai và thúc đẩy việc tăng dự trữ vàng, công khai xem vàng là tài sản tiền tệ chiến lược. Họ không hề giấu điều này. Mỹ thì ngược lại, liên tục hạ thấp vai trò chiến lược của vàng”, chuyên gia kim loại quý Ronan Manly thuộc BullionStar cho hay. Mỹ tuyên bố là nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới với 8.134 tấn, song theo ông Manly, không ai có thể xác nhận con số này.

“Trữ lượng vàng của Mỹ là vấn đề bí mật và không rõ ràng. Chưa từng có đợt kiểm toán độc lập về dự trữ vàng Mỹ, các cơ quan kiểm soát vàng dự trữ là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ New York và US Mint sẽ không để bất cứ ai bước vào hầm vàng để xem hoặc đếm nó”, ông Manly nói.

Đức là nước trữ vàng nhiều thứ nhì với 3.374 tấn, song phần lớn lượng vàng này nằm ở Mỹ. Đến năm ngoái, ngân hàng trung ương Đức Bundesbank chỉ mới hồi hương được 674 tấn vàng được giữ tại Paris (Pháp) và New York kể từ thời Chiến tranh lạnh. Hơn 50% dự trữ vàng của Đức hiện ở Frankfurt. Phần còn lại thì nằm ở London (Anh) và New York.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nắm 2.814 tấn vàng, còn Pháp là nước trữ vàng nhiều thứ tư thế giới.

CBR tăng hơn gấp đôi tốc độ thu mua vàng, theo dữ liệu của gold.org. Cơ quan này tăng dự trữ vàng lên mức mục tiêu được Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt ra nhằm giúp Nga bớt tổn thương trước các rủi ro địa chính trị. Kho vàng Nga tăng hơn 500% từ năm 2000.

Nga cũng là nước sản xuất kim loại quý lớn thứ ba thế giới. Chính phủ mua 2/3 số vàng khai thác trong nước, mua từ các ngân hàng địa phương vì Điện Kremlin xem vàng là tài sản trú ẩn an toàn giữa thời địa chính trị bất ổn. Đa dạng hóa dự trữ chính là một trong các lý do khiến CBR tăng mua vàng.(Thanhnien)
------------------------------

Parkson đóng cửa trung tâm thương mại thứ 4 tại Việt Nam

Sau 8 năm mở cửa hoạt động, Parkson Flemington ở TP.HCM vừa chính thức đóng cửa, nâng số trung tâm đã không còn hoạt động tại Việt Nam lên con số 4.

Parkson đóng cửa trung tâm thương mại thứ 4 tại Việt Nam - Ảnh 1.

Nhân viên dọn tủ kính, kệ hàng ra khỏi trung tâm thương mại Parkosn ngày 26-2 - Ảnh: N.BÌNH

Theo thông báo của Công ty TNHH Thùy Dương - chủ quản lý trung tâm thương mại Parkson, Parkson Flemington Lê Đại Hành, ở quận 11, TP.HCM, ngưng hoạt động kinh doanh từ cuối tháng 1-2018. 

Đại diện ban quản lý Parkson Flemington cũng thông báo đến các đối tác kinh doanh về kế hoạch đóng cửa và được chấp nhận. 

Đơn vị này cũng thông tin hoạt động kinh doanh của các trung tâm thương mại khác thuộc hệ thống Parkson tại Việt Nam vẫn diễn ra bình thường. 

Theo Parkson, các quyền lợi của chủ thẻ khách hàng thành viên sẽ vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng trên toàn bộ hệ thống Parkson.

Hiện nay tại Việt Nam, Parkson còn duy trì 4 trung tâm thương mại và các trung tâm này đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ với những trung tâm đa chức năng ra đời sau này.

Parkson đóng cửa trung tâm thương mại thứ 4 tại Việt Nam - Ảnh 2.

Parkson từng có thời kỳ huy hoàng với lượng khách nườm nượp trong những ngày đầu kinh doanh ở VN - Ảnh: N.BÌNH

Như vậy, tính đến nay Parkson đã đóng cửa 4 trung tâm thương mại ở Việt Nam gồm Parkson Keangnam hồi tháng 1-2015, Parkson Paragon tháng 5-2016, Parkson Viet Tower tháng 12-2016 và Parkson Lê Đại Hành nói trên. 

Trước khi thu hẹp mạng lưới bán lẻ của mình, Parkson từng có những năm tháng cực kỳ thành công ở Việt Nam trong giai đoạn 2005 đến 2010. 

Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi, mô hình kinh doanh này bắt đầu bộc lộ một vài nhược điểm khi xuất hiện các trung tâm thương mại kiểu mới đa chức năng. 

Theo giới quan sát, các trung tâm thương mại của Parkson được cho là thiếu tính giải trí, ẩm thực kém phong phú, không chào đón đối tượng khách "dạo xem hàng hóa, chụp hình check-in"… dẫn đến lượng khách đến trung tâm giảm dần. 

Ngoài ra, xu hướng thương mại điện tử thắng thế, người tiêu dùng dễ dàng mua được những món hàng hiệu từ các trang thương mại điện tử ở nước ngoài cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hàng hiệu trung cấp ở Parkson.

Theo số liệu được Parkson Retail Asia công bố, tổng doanh thu năm 2017 của nhà bán lẻ Malaysia ở Việt Nam đạt gần 500 tỉ đồng, tuy nhiên tổng số lỗ lũy kế đã lên đến hơn 60 tỉ đồng. 

Chỉ tính riêng trong quý 4-2017, Parkson đã lỗ hơn 10 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm 2016 nhà bán lẻ này lỗ đến 25 tỉ đồng. (Tuoitre)
------------------------

Bộ Công Thương theo dõi sát việc Mỹ hạn chế nhập khẩu thép và nhôm

Bộ cũng khẳng định sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp thép và nhôm Việt Nam trước những động thái hạn chế nhập khẩu từ phía Mỹ.

Theo Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương, việc nhập khẩu thép và nhôm từ Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng không đáng kể trong tổng nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ. Bộ Công Thương Việt Nam đề nghị Chính phủ Mỹ cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu sản phẩm thép và nhôm từ Việt Nam, đảm bảo tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và thông lệ quốc tế, không làm ảnh hưởng đến quan hệ thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước.

Công nhân đang đóng gói thành phẩm thép mạ tại Công ty TNHH NS BlueScope tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Trước đó, ngày 16/2/2018, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành công khai báo cáo đệ trình tổng thống xem xét, quyết định biện pháp áp dụng nhằm hạn chế nhập khẩu thép và nhôm.

Trong báo cáo, DOC khuyến nghị một số phương án hạn chế nhập khẩu áp dụng đối với nhôm và thép dưới hình thức thuế quan hoặc hạn ngạch nhập khẩu, áp dụng với tất cả các nước/vùng lãnh thổ hoặc một nhóm nước/vùng lãnh thổ xuất khẩu các mặt hàng này vào Hoa Kỳ.

Sau khi nhận được báo cáo của DOC, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ xem xét và ban hành quyết định cuối cùng về việc áp dụng hoặc không áp dụng, mức độ áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với thép (trước ngày 11/4/2018) và với nhôm (trước ngày 19/4/2018).

Bộ Công Thương Việt Nam đã theo dõi sát vụ việc ngay từ giai đoạn đầu, phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Thép, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan trong và ngoài nước để ứng phó với vụ việc. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến vụ việc và đang cân nhắc tất cả các phương án xử lý để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp Việt Nam.(Baotintuc)
--------------------------

Mỹ chặn Trung Quốc mua lại công ty bán dẫn Xcerra

Đây lại là một trường hợp mới trong hàng loạt đề nghị mua lại công ty công nghệ Mỹ từ phía Trung Quốc bị chính quyền Mỹ ngăn chặn trong thời gian gần đây.

Hàng loạt đề nghị mua lại công ty bán dẫn của Mỹ từ phía Trung Quốc đã bị từ chối trong thời gian qua  /// Ảnh: Reuters

Hàng loạt đề nghị mua lại công ty bán dẫn của Mỹ từ phía Trung Quốc đã bị từ chối trong thời gian qua

ẢNH: REUTERS

Xcerra, công ty bán dẫn có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ), hôm 23.2 tuyên bố đã hủy bỏ thỏa thuận bán lại tất cả cổ phiếu đang lưu hành cho Hubei Xinyan Investment Partnership, một quỹ đầu tư do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, với giá khoảng 580 triệu USD. Nguyên nhân là do thương vụ này không nhận được sự chấp thuận từ phía chính phủ Mỹ, theo South China Morning Post.

 

“Sau khi xem xét cẩn thận những phản hồi nhận được từ Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) nói rằng chấp thuận cho sự sáp nhập này là rất khó xảy ra, các bên quyết định ký kết một thỏa thuận chấm dứt”, Xcerra cho biết hôm 23.2 trong một hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC).

“Giao dịch của chúng tôi với Xinyan nhằm giúp Xcerra đẩy mạnh sự phát triển của mình tại thị trường Trung Quốc cũng như mở rộng và tăng cường mối quan hệ khách hàng trên toàn thế giới. Mặc dù chúng tôi rất thất vọng vì không nhận được sự đồng ý từ CFIUS, nhưng Xcerra và Xinyan đang thảo luận về những lựa chọn thay thế để theo đuổi các cơ hội ở Trung Quốc và những thị trường mới”, Dave Tacelli, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Xcerra, nói trong một tuyên bố riêng.

Hubei Xinyan Investment Partnership được thành lập vào tháng 7.2017 và được kiểm soát bởi một đơn vị của nhà quản lý quỹ đầu tư trong nước Sino IC Capital do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn.

Kể từ khi chính phủ Mỹ tăng cường kiểm soát, hàng loạt đề nghị mua lại công ty Mỹ của các nhà đầu tư Trung Quốc đều không thành công. Tháng 1.2018, CFIUS đã ngăn không cho Ant Financial, công ty con chuyên về thanh toán trực tuyến của Alibaba Group, thâu tóm công ty chuyển tiền MoneyGram. Thương vụ trị giá 1,2 tỉ USD thất bại được xem như một cú đánh vào nỗ lực của Jack Ma, ông chủ Alibaba, trong việc mở rộng hoạt động của công ty dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) lớn nhất Trung Quốc sang thị trường Mỹ.

Tháng 9.2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từ chối đề nghị mua lại nhà sản xuất chip Mỹ Lacttic Semiconductor với giá 1,3 tỉ USD từ phía Canyon Bridge Capital Partner, một quỹ đầu tư do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn vì lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Trước đó, thỏa thuận mua lại công ty bảo hiểm nhân thọ Mỹ Genworth Financial với giá 2,7 tỉ USD của tập đoàn Trung Quốc Oceanwide cũng không được chấp nhận.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục