tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-08-2018

  • Cập nhật : 26/08/2018

Làm gì để nông sản Việt vào top 10 thế giới?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra mục tiêu cho ngành nông nghiệp là lọt vào top 10 thế giới.

Nâng cao giá trị cho hàng Việt trên thị trường quốc tế được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp. Mới đây nhất, tại Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở TP Đà Lạt – tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng đã nêu rõ, nếu cứ mãi theo cách làm truyền thống thì sản phẩm Việt khó cạnh tranh trên trường quốc tế.

Được tiếp sức từ sự ủng hộ đó, gần đây nhiều nhà máy chế biến sâu rau củ quả ra đời. Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến trong nước cũng mạnh dạn mở rộng danh mục sản phẩm chế biến, nhằm tăng giá trị xuất khẩu cho sản phẩm nông sản.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Nhà máy Tanifood.

Tuần trước, làm việc tại tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Nhà máy Tanifood do Công ty Cổ phần Lavifood đầu tư tại Tây Ninh.

Bắt đầu hoạt đồng từ tháng 11/2018, Tanifood sẽ là một trong những nhà máy chế biến rau, củ, quả lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á với sản phẩm chính là các loại rau củ quả từ tươi, đông lạnh, sấy khô, cô đặc đến đóng hộp, có tổng vốn đầu tư 1.780 tỷ đồng trên diện tích 15 ha. Sản phẩm sau chế biến sẽ đạt chuẩn quốc tế, được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Chuẩn bị cho nguồn nguyên liệu sạch phục vụ sản xuất, Lavifood đã ký với tỉnh Tây Ninh khoảng 27.000 héc ta để tái cơ cấu cây trồng. Hiện tại Công ty đã trồng 120 ha chanh dây, 20 ha khóm tại Tân Biên và Trảng Bàng. Với công suất 5.000 tấn nông sản một ngày, Lavifood dự kiến đạt doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Vào đầu năm nay, Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Dao cũng khởi công Dự án Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai. Khi hoàn thành (giai đoạn 1 vào cuối năm 2018 và giai đoạn 2 vào cuối năm 2019), đây sẽ là một trung tâm chế biến rau quả khép kín. Doanh thu hàng năm của dự án ước đạt 1.500 - 2.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 70 - 100 triệu USD.

Ông Nguyễn Lâm Viên – Chủ tịch Công ty Cổ phần Vinamit cũng cho biết, sắp tung ra thị trường sản phẩm cà phê tươi và nước mía ép đông khô. Các sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ sấy đông khô. Vinamit là đơn vị tiên phong xuất khẩu trái cây chế biến của Việt Nam sang các thị trường Mỹ và châu Âu. Ngoài mít, Vinamit còn chế biến, sấy khô nhiều loại nông sản khác như chuối, khoai lang, khoai môn.

Sự ra đời của nhiều nhà máy chế biến nông sản trong những năm gần đây cho thấy doanh nghiệp Việt đã ý thức rõ hơn về giá trị nông sản, đồng thời, họ tận dụng tốt các ưu đãi đầu tư để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Nhiều năm qua, nông nghiệp luôn là ngành có giá trị xuất khẩu cao nhưng chủ yếu là xuất thô. Điều này được xem như sự lãng phí tài nguyên nông nghiệp và là nguyên nhân của vòng lẩn quẩn "được mùa mất giá" của nông dân. Điển hình là sản phẩm cà phê. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 7 tháng năm 2018, Việt Nam xuất khẩu hơn 90% cà phê dưới dạng thô. Do đó, dù sản lượng tăng hơn 12% nhưng giá trị lại giảm gần 5%.

Trong năm rồi, xuất siêu mặt hàng rau củ quả đạt 2,4 tỷ USD, vượt mặt cả dầu thô và gạo. Nếu ngành nông nghiệp có thêm nhiều sản phẩm chế biến sâu, thì sự đặt hàng của Thủ tướng sẽ không còn là bài toán khó. Thủ tướng mong muốn trong 10 năm tới, ngành nông nghiệp Việt Nam đứng vào top 15 nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào top 10 thế giới.

Hiện tại, tiềm năng dồi dào của ngành nông nghiệp là điều kiện thuận lợi để hiện thực hóa mong muốn này. Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, mỗi năm Việt Nam sản xuất được 22 triệu tấn rau củ quả, với tốc độ tăng trưởng trên 40% mỗi năm. Tuy nhiên, sản phẩm bán đi chủ yếu là sơ chế, chỉ có khoảng 9% sản phẩm được chế biến sâu. Nếu tăng được tỷ lệ chế biến sâu sẽ giúp tăng giá trị cho nông sản khoảng 10-20 lần.

Ngoài ra, các nhà máy chế biến hiện đại cũng giúp thu nhập nông dân tăng lên đáng kể. Ông Phạm Ngô Quốc Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Lavifood cho biết, nhà máy của Lavifood sẽ góp phần nâng thu nhập của nhà nông từ 0,26 USD/m2 lên 3,6 USD/m2. Chẳng hạn, bằng việc chuyển đổi từ cây lúa sang cây chanh dây (được Lavifood bao tiêu đầu ra), lợi nhuận của người nông dân đã tăng 3 - 5 lần.

Nhu cầu thị trường đối với nông sản chế biến ngày càng tăng cũng là cơ hội cho các nhà máy chế biến rau củ quả tại Việt Nam. Dự báo đến năm 2021, mặt hàng trái cây chế biến trên thế giới sẽ đạt 317 tỷ USD. Trong khi đó, tổng giá trị rau củ quả Việt Nam cung cấp mới chỉ đạt chưa đến 1% con số này.

Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ, cho rằng tín hiệu của thị trường thế giới về mặt hàng rau, củ, quả sẽ là căn cứ cho định hướng sản xuất thời gian tới.

Ông Thành dẫn chứng ngành rau, củ, quả thế giới năm 2015 đã đạt doanh thu gần 250 tỷ USD, trong đó, mặt hàng tươi chiếm 63% và hàng chế biến là 37%. “Dự báo đến năm 2021, riêng hàng chế biến sẽ đạt đến 317 tỷ USD”, ông nói và cho rằng tương lai của ngành này sẽ dẫn đầu xu hướng tiêu dùng thực phẩm thế giới. Bởi, các nền kinh tế phát triển như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ hiện đã chuyển sang xu hướng này.

Một lý do khác, theo ông Thành, việc Việt Nam đi sau các nước về đầu tư nhà máy chế biến cũng là một lợi thế bởi các nhà máy ở khu vực lân cận đã đầu tư cách nay 10 năm và hiện đang trong giai đoạn thu hồi vốn về công nghệ. Còn Việt Nam có lợi thế đi sau, mua công nghệ mới và hiện đại.(Vnexpress)
------------------------

Rủi ro thị trường tài chính sẽ tạo nguy cơ với tăng trưởng Đức

Cơ quan Giám sát Tài chính Liên bang Đức (BaFin) ngày 24/8 cảnh báo rủi ro của các thị trường vốn có thể tạo ra nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế tại nước này.

BaFin ngày 24/8 cảnh báo rủi ro của các thị trường vốn có thể tạo ra nguy cơ đối với tăng trưởng kinh tế tại nước Đức. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Môi trường tài chính của Đức dường như được thống trị bởi hàng nghìn ngân hàng bán lẻ và ngân hàng tiết kiệm truyền thống có xu hướng “bám rễ” sâu tại những vùng miền cụ thể. 

Phát biểu với tạp chí Wirtschaftswoche, Giám đốc BaFin Raimund Roeseler nhấn mạnh đến xu hướng những ngân hàng cho vay nhỏ hơn và tập trung hơn về vùng miền đã làm giảm sự sẵn có của các thể chế tài chính Đức vốn được cho là có thể đóng vai trò là những đối tác mạnh trong các giao dịch quốc tế.

Giám đốc BaFin nhấn mạnh: “Chúng ta cần một ngân hàng toàn cầu, lớn, có thể đồng hành với các công ty của chúng ta ở nước ngoài”. 

Deutsche Bank, ngân hàng đơn lẻ lớn nhất của Đức, là một điển hình về phát triển theo quan điểm của Giám đốc Roeseler.

Ngân hàng có trụ sở tại Frankfurt này gần đây thông báo đã rút khỏi thị trường ngân hàng đầu tư Mỹ để cải thiện lợi nhuận và để khép lại các vấn đề về pháp lý bấy lâu nay liên quan đến hành vi phạm pháp của văn phòng của ngân hàng này tại New York, Mỹ. Deutsche Bank hiện nay vẫn là ngân hàng có quy mô toàn cầu thực sự duy nhất của Đức. 

Giám đốc Roeseler cảnh báo rằng cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa những ngân hàng nhỏ hơn này về các khoản cho vay thị trường dành cho khách hàng Đức đã làm giảm chất lượng bảo hiểm, cụ thể là sự sụt giảm trong các tiêu chuẩn, đặc biệt liên quan đến các khoản cho vay đối với doanh nghiệp.

Lãnh đạo Roeseler lưu ý tất cả các thể chế đều muốn mở rộng song nhiều thể chế đang theo đuổi một mô hình kinh doanh giống nhau. 

Giám đốc Roeseler hối thúc các ngân hàng bắt đầu chuẩn bị cho sự đảo ngược mang tính tất yếu về tăng trưởng và chu kỳ tín dụng hiện nay thông qua việc cắt giảm chi phí hơn nữa.

Nếu không, theo lãnh đạo BaFin, những ngân hàng này sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao bị “phơi nhiễm” một làn sóng vỡ nợ tiềm ẩn tương tự làn sóng được chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. (Bnews)
------------------------

Quỹ đầu tư khổng lồ 1.000 tỷ USD cũng chật vật vì chiến tranh thương mại

Quỹ tài sản quy mô 1.000 tỷ USD của Na Uy có lợi nhuận 20 tỷ USD trong quý 2 nhờ các cổ phiếu dầu khí và công nghệ, qua đó bù lại những khoản lỗ mà quỹ này phải chịu hồi đầu năm nay. Tuy nhiên mô hình đầu tư toàn cầu của quỹ này đang đối mặt với nhiều thách thức.

Được hỗ trợ bởi sự hồi phụ của thị trường chứng khoán Mỹ cũng như việc giá dầu mỏ và khí đột tăng lên, quỹ tài sản lớn nhất thế giới có tỷ suất sinh lợi 1,8% trong quý II, tương ứng với mức lợi nhuận 20 tỷ USD. Tính chung cho cả 6 tháng, suất sinh lợi của quỹ này đạt 0,24%.

Cụ thể trong tài sản của quỹ này, danh mục cổ phiếu tăng 2,7% giá trị, danh mục trái phiếu không đổi và các khoản đầu tư vào bất động sản có suất sinh lợi 1,9%.

Cơ cấu tài sản của quỹ này thời điểm cuối quý II bao gồm 66,8% cổ phiếu, 30,6% trái phiếu và 2,6% bất động sản. Suất sinh lợi của toàn quỹ thấp hơn so với chỉ số tham chiếu 0,2%.

Trong thông báo của mình, quỹ này cho biết: “Quý 2 vừa qua, suất sinh lợi của quỹ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nguy cơ chiến tranh thương mại và dự báo tăng trưởng chậm lại tại Châu Âu, Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi. Bất ổn chính trị ở Italy đã tác động xấu tới các thị trường tài chính tại Châu Âu”.

Tỷ suất sinh lợi của quỹ đầu tư Norges Bank Investment qua các năm, nửa đầu năm 2018 đạt 0,24%. Nguồn: Bloomberg.

Bằng việc đầu tư tiền dầu mỏ của Na Uy vào các tài sản ở nước ngoài, quỹ này được lập ra nhằm mục đích hái "quả ngọt" của quá trình toàn cầu hóa và sự tăng trưởng mà quá trình này tạo ra. Tuy nhiên chiến lược đầu tư này gần đây đang bị đe dọa bởi chính sách thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên các đối tác thương mại lớn của Mỹ trên khắp thế giới.

Quỹ này sở hữu khoảng 1,4% giá trị cổ phiếu toàn cầu cũng phải mô phỏng sát sao các chỉ số chứng khoán chính, và do vậy khó có thể tránh được những bất ổn toàn cầu.

Ông Trond Grande, Phó Tổng Giám đốc quỹ này nhận xét: “Nguy cơ gia tăng các rào cản thương mại là mối lo ngại hàng đầu của nhiều nhà đầu tư, trong đó tất nhiên có quỹ đầu tư toàn cầu dài hạn như chúng tôi”.

Quỹ này thua lỗ 5,7% khi đầu tư vào danh mục cổ phiếu ở thị trường mới nổi và 4% khi đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc. Động lực tăng trưởng mạnh mẽ nhất của quỹ là các cổ phiếu dầu mỏ và khí đốt, tuy nhiên quỹ đang có kế hoạch thoái vốn khỏi nhóm ngành này. Cổ phiếu tài chính biến động tiêu cực nhất, đặc biệt là ngân hàng Banco Santander.

Các thị trường cổ phiếu nhìn chung lấy lại đà tăng trưởng trong quý II sau khi lao dốc trong quý I giữa bối cảnh bất ổn lên cao. Quỹ này lại tập trung đầu tư vào thị trường Châu Âu và do vậy để lỡ khoản lợi nhuận béo bở tại thị trường chứng khoán Mỹ do doanh nghiệp ở đây được cắt giảm thuế.

Tuy vậy, quỹ này vẫn là một cổ đông lớn của các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ. Cụ thể, những cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của quỹ này thời điểm cuối quý 2 là Apple, Amazon và Microsoft. Danh mục trái phiếu của quỹ bao gồm nhiều nhất là trái phiếu chính phủ Mỹ, theo sau là trái phiếu chính phủ Nhật Bản và Đức.

Quỹ này cũng đang trong giai đoạn nâng tỷ trọng đầu tư vào cổ phiếu lên 70%, phần tài sản còn lại sẽ được đầu tư vào trái phiếu. Quỹ này cũng được phép đầu tư tối đa 7% tài sản của mình vào bất động sản.

Do tình hình lãi suất thấp trong mấy năm qua, chính phủ Na Uy đã hạ tỷ lệ lợi nhuận kỳ vọng từ 4% xuống còn 3%. Việc giá dầu thô giảm sâu đã buộc chính phủ phải lần đầu tiên rút một phần tiền ra khỏi quỹ vào năm 2016. Tuy nhiên tình hình hiện nay đã thay đổi, giá dầu hồi phục giúp làm tăng nguồn thu từ xăng dầu và do vậy tháng 6 vừa qua, chính phủ đã bơm thêm tiền vào quỹ lần đầu tiên trong gần 3 năm.(Voetnambiz)

Trở về

Bài cùng chuyên mục