tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-07-2018

  • Cập nhật : 26/07/2018

Sợi Việt bị Ấn Độ áp thuế phá giá đến 55%

Ấn Độ vừa công bố dữ liệu điều tra chống bán phá giá loại sợi nhập từ Việt Nam với mức thuế cao nhất lên đến 55%.

soi viet bi an do ap thue pha gia den 55%

Sợi Việt bị Ấn Độ áp thuế phá giá đến 55%

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công thương cho biết, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ vừa công bố bản dữ liệu điều tra chống bán phá giá sợi Nylon Filament Yarn có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam.

Theo đó, DGTR xác định một số nhà xuất khẩu của Việt Nam và EU có bán phá giá vào thị trường nước này với mức biên độ từ 0% - 55% đối với Việt Nam, 10% - 20% đối với EU, do đó gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước Ấn Độ.

Trước đó, ngày 22.8.2017, Ấn Độ ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá với sản phẩm sợi Nylon Filament Yarn nhập khẩu từ EU và Việt Nam. Thời kỳ điều tra bán phá giá kéo dài 18 tháng, từ tháng 10.2015 đến tháng 3.2017 và thời kỳ điều tra thiệt hại từ năm 2013 - 2016.(Thanhnien)
------------------------------

'Rác' thế giới đổ vào VN làm kẹt cảng, thất thu ngân sách

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu Bộ TN&MT có biện pháp nghiêm khắc xử lý nhiều khe hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu.

Mới đây báo chí phản ánh có nhiều khe hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu: Chưa có cơ chế phối hợp liên ngành; chưa có quy định pháp lý ràng buộc trách nhiệm và chế tài xử phạt chủ tàu, hãng vận tải trong vận chuyển phế liệu nhập khẩu; chưa quy định giấy phép nhập khẩu phế liệu là điều kiện trong giao dịch giữa doanh nghiệp nhập khẩu, hãng vận tải biển và nhà xuất khẩu nước ngoài. Nên khi có vi phạm thì không thể xử lý chủ tàu, chủ hãng vận tải biển.

Do vậy Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu Bộ TN&MT có biện pháp nghiêm khắc xử lý nhiều khe hở trong quản lý nhập khẩu phế liệu.

'Rác' thế giới đổ vào VN làm kẹt cảng, thất thu ngân sách - ảnh 1
Hàng ngàn container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN.

Trong sáu tháng đầu năm 2018, TP.HCM thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu được 50.200 tỉ đồng, đạt 46,3% dự toán, giảm 4,8% so với cùng kỳ.

Một trong những nguyên nhân khiến số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu của Cục Hải quan TP.HCM đạt thấp là do trong những tháng đầu năm 2018 hàng ngàn container phế liệu tồn tại cảng biển TP.HCM đã gây kẹt cảng, hàng hóa dịch chuyển khó khăn làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa của DN, đã ảnh hưởng đến số thu ngân sách của thành phố.

Theo số liệu của Cục Hải quan TP.HCM và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, tính đến thời điểm ngày 26-6, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại tất cả các cảng do công ty này quản lý là 4.480 container. Trong đó, riêng tại cảng Cát Lái là 3.464 container, chiếm phần lớn lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng biển phía Nam. Đặc biệt, số phế liệu lưu quá 90 ngày tại cảng này là 2.068 container.

Tại các cảng của TP Hải Phòng, theo số liệu báo cáo của Cục Hải quan TP Hải Phòng hiện đang tồn đọng số container quá hạn trên 90 ngày là 737 container và 507 container có thời hạn  30-90 ngày.

Theo ước tính của cơ quan hải quan, số phế liệu đang tồn đọng ở các cảng khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% còn lại là phế liệu nhựa và phế liệu khác.

Nguyên nhân tồn đọng phế liệu ở các cảng là từ cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu phục vụ tái chế, bao gồm tám loại phế liệu nhựa nguồn gốc sinh hoạt, 11 loại phế liệu dệt may, bốn loại phế liệu quặng và một loại phế liệu giấy.

Do đó, một số lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng các container tại các cảng biển, đặc biệt là phế liệu nhựa và giấy phế liệu. (PLO)
------------------------

Trung Quốc: Xuất khẩu thép giảm vì kiểm soát thông quan khắt khe

Hoạt động kiểm soát chặt chẽ của hải quan Trung Quốc nhằm ngăn chặn hành vi buôn lậu thép phế liệu sang Đông Nam Á đã buộc nhiều nhà xuất khẩu của nước này phải hủy hoặc hoãn nhiều chuyến hàng.

Trong bối cảnh đó, các đối thủ cạnh tranh như Nga được hưởng lợi, khi quốc gia này đang tìm kiếm thị phần khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng. 

Trong số những công ty đã hủy hay hoãn các chuyến hàng có các nhà xuất khẩu Trung Quốc lâu nay vẫn tận dụng hệ thống hoàn thuế "hào phóng" của Bắc Kinh đối với các mặt hàng thép có giá trị gia tăng.

Theo các tính toán của hãng tin Reuters dựa trên khối lượng xuất khẩu thép hợp kim của Trung Quốc, nước này đã chi đến 2,8 tỷ USD cho hệ thống hoàn thuế này vào năm 2017.

Thế nhưng, hệ thống kể trên lại bị các nhà xuất khẩu lạm dụng khi đòi hưởng mức hoàn thuế 5-13% cho dù những yếu tố gia tăng giá trị như crôm được thêm vào là rất nhỏ, trong khi một số nhà sản xuất khác thì làm giả nhãn mác sản phẩm thành thép hợp kim để được hoàn thuế. 

Một trong những nhà xuất khẩu thép ở thành phố sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc là Đường Sơn (Tangshan) cho biết công ty này đã hủy 1/3 số lượng chuyến hàng xuất khẩu trong tháng Sáu, và nhiều công ty khác cũng đã hoãn xuất hàng vì sợ rằng những “chiêu trò” lợi dụng hệ thống hoàn thuế có thế bị phơi bày khi các cơ quan hải quan thắt chặt công việc kiểm tra kiểm soát. 

Tình trạng hủy xuất hàng kể trên có thể còn gia tăng hơn nữa khi các cơ quan hải quan áp dụng các quy định mới kể từ ngày 1/8 tới, theo đó yêu cầu các công ty vận chuyển phải trả lời hơn 100 câu hỏi trong phiếu thông quan hàng hóa, thay vì 40 câu như quy định hiện hành.

Các cơ quan hải quan không cho biết lý do ban hành các quy định mới này nhưng nhiều người dự đoán mục đích của các biện pháp này là để ngăn chặn hành vi trốn thuế. 

Sự thắt chặt việc kiểm soát thông quan của giới chức Trung Quốc có thể làm giảm vị thế của các nhà xuất khẩu thép nước này tại Đông Nam Á, thị trường tiêu thụ khoảng 25% các sản phẩm thép xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2017.

Trong số các chuyến hàng bị hủy có nhiều chuyến xuất sang Philippines, và nhiều người mua lớn ở đây đã chuyển sang nhập hàng từ Nga và Trung Đông.

Tại Việt Nam, thị trường lớn thứ hai của Trung Quốc sau Hàn Quốc, hầu hết các công ty thép có thể sẽ ngừng nhập khẩu từ Trung Quốc để tránh các mức thuế cao mà Mỹ đánh lên các sản phẩm thép từ Việt Nam mà Washington cho là có xuất xứ từ Trung Quốc. 

Giới phân tích cho rằng cùng với tình hình căng thẳng thương mại gia tăng với Mỹ, việc siết chặt kiểm soát như trên sẽ khiến cho xuất khẩu thép của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Điều này có thể giúp xoa dịu những căng thẳng với Mỹ, khi Washington lâu nay vẫn kêu gọi Bắc Kinh giảm thặng dư thương mại. (Bnews)
----------------

Hàng loạt ngân hàng cảnh báo khách hàng thủ đoạn lừa đảo

Ngày 24.7, một số ngân hàng (NH) thương mại đã ra thông báo đến khách hàng về các thủ đoạn lừa đảo.

Hàng loạt ngân hàng cảnh báo khách hàng thủ đoạn lừa đảo

Chẳng hạn, NH TMCP Hàng hải (Maritime Bank) nêu một số đối tượng lừa đảo lan truyền thông tin có thể vay tín chấp tại Maritime Bank bằng các loại sim điện thoại như Viettel, MobiFone... nhằm mục đích bán sim giá cao 2 - 3 triệu đồng. Đối với khách hàng ngoại tỉnh khi muốn mua sim cũng chỉ cần chuyển khoản trước 50% và nhân viên bưu điện sẽ thu số tiền còn lại khi giao hàng. Maritime Bank chưa có bất kỳ sự liên kết nào với mạng viễn thông Viettel để triển khai các sản phẩm vay tiền theo sim điện thoại.

NH TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng cảnh báo thủ đoạn khách hàng nhận được thư điện tử có nội dung giả danh NH hướng dẫn khách cách thức bảo mật thẻ tín dụng, tài khoản thanh toán và gợi ý khách hàng cung cấp thông tin theo một đường dẫn được cung cấp sẵn. VPBank đã phối hợp với đối tác thực hiện các biện pháp ngăn chặn triệt để, tiếp tục tiến hành các biện pháp nâng cao để ngăn chặn các sự việc tương tự. Tuy nhiên, khách hàng nâng cao ý thức bảo mật thẻ tín dụng và tài khoản NH.

NH TMCP Kỹ thương VN (Techcombank)... khuyến nghị khách hàng bảo mật an toàn thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và thẻ tín dụng khi gần đây xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng có chủ đích nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin về thẻ tín dụng, tài khoản NH của các khách hàng được ghi nhận tại một số NH trong nước.

NH lưu ý khách hàng tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn đến các website lạ, các website có dấu hiệu giả mạo NH, không mở các file đính kèm từ email giả mạo hoặc email không rõ nguồn gốc. Cảnh giác với những cuộc gọi giả danh nhân viên tư vấn của NH để yêu cầu cung cấp thông tin... (Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục